Nhớ mãi những ngày tháng hào hùng

Đăng lúc: Thứ tư - 11/07/2018 13:58
“Kết thúc chiến tranh tôi mới 37 tuổi nhưng đã tham gia cách mạng được 21 năm. Cái thời chiến tranh khói lửa đã qua mấy mươi năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm qua...”. Những lời cuối câu chú Lê Thanh Nhân hạ thấp giọng như chỉ nói cho mình mình nghe thôi. Hồi chống Mỹ chú là Chính trị viên Huyện đội, Thường vụ Huyện ủy Cai Lậy Nam. Sau 1975, huyện Cai Lậy Nam và Cai Lậy Bắc xác nhập lại, chú tiếp tục giữ trọng trách ấy nhiều năm sau.

Còn bây giờ, chú là ông lão 80 vui với những thú vui của người già, hạnh phúc bên con cháu trong ngôi nhà phố ở thị trấn Cai Lậy. Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4 chú lại bồi hồi nhớ về những năm tháng chiến tranh, nhớ đồng đội anh em, kẻ còn người mất. Câu chuyện mà tôi ghi dưới đây đã được chú kể từ nhiều năm trước, khi đó chú mới bước sang tuổi 60. Khi tôi gợi lại kỷ niệm xưa, chú như chìm đắm trong vùng hồi ức, như đang xâu chuỗi, kết nối từng sự việc. Chú im lặng rất lâu mới bắt đầu câu chuyện:

Cuối tháng 3/1975, tin quân ta thắng lớn trên khắp chiến trường làm xôn xao, náo nức các vùng giải phóng. Đầu tháng 4/75 Trung ương hạ quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. Để thực hiện quyết tâm đó, Cai Lậy Nam điều 300 du kích xã lên bổ sung vào lực lượng địa phương huyện. Tỉnh giao Cai Lậy Nam chịu trách nhiệm giải phóng Ba Dừa, Cai Lậy Bắc giải phóng Kênh 12. Còn thị trấn Cai Lậy là mục tiêu của tỉnh. Nhưng đến gần cuối tháng 4 thì lực lượng của tỉnh tập trung về giải phóng Mỹ Tho, lực lượng của khu về hướng Sài Gòn, bỏ trống thị trấn Cai Lậy; nên Cai Lậy Nam và Cai Lậy Bắc phải phối hợp giải quyết mục tiêu này.

Toàn huyện Cai Lậy chia thành 4 mặt trận: Mặt trận Đường 4, Mặt trận sông Cửu Long, Mặt trận thị trấn Cai Lậy và Mặt trận lộ Ba Dừa. Chú phụ trách Mặt trận lộ Ba Dừa cùng đồng chí Đặng Văn Thường - Trưởng Công an huyện, đồng chí Võ Đông Nhờ - Bí thư Huyện đoàn và một số cán bộ các ban ngành của huyện. Lực lượng cánh này lúc đầu có 2 đại đội và 1 trung đội; nhưng sau đó Đại đội 2 phải tăng cường cho Mặt trận thị trấn, nên Mặt trận lộ Ba Dừa chỉ còn Đại đội 6 và Trung đội trinh sát quân báo.

Trước khi vào trận, chú tập trung lực lượng của Cai Lậy Nam tại sân nhà ông Bảy Bầu Điền ở ấp Mỹ Vĩnh, xã Long Khánh để mổ heo khao quân. Xác định đây là trận quyết chiến cuối cùng, nên anh em ra trận chỉ mang theo vũ khí; còn balô, ruột tượng gạo và mọi tư trang bỏ lại hết. Thấy khí thế ra trận bừng bừng, bà Bảy Bầu Điền nửa tin nửa ngờ, nói: “Thanh Nhân ơi, mày đừng “trả của” như Mậu Thân nha! Còn vài bữa nữa đám cưới con Tám tao, làm sao đây?”. Chú trả lời như đinh đóng cột: “Chờ độc lập rồi cưới luôn”. Nói vậy mà thành thiệt, sau giải phóng ít ngày bà Bảy làm đám cưới con, chú cho mượn 2 chiếc xe GMC để đưa dâu.

Khao quân xong,  tập hợp đội ngũ chỉnh tề, chú hạ lệnh bung ra tổng tấn công; quyết tâm trong vòng 1 tuần phải giải phóng toàn huyện Cai Lậy. Lập tức lực lượng trinh sát phất cờ, phóng loa kêu gọi nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Bà con đang làm ngoài đồng cũng kéo về. Ông Năm Ngôn, thầy giáo Biện và nhiều bà con cao tuổi khác bỏ cuốc cày, tham gia vận động gia đình binh sĩ theo ta vây bót. Dọc đường hành quân, nhiều du kích, thanh niên tình nguyện vào bộ đội.

Nhân dân Tiền Giang nô nức chiấn thắng 30/4/1975

Sáng 28/4, địch đưa 1 Trung đội bảo an và 1 Trung đội tăng cường của đồn Bà Ban (có 2 cối 60 và 2 đại liên M60)  giữ lộ Ba Dừa, đoạn từ Bà Ban lên giồng Phú Luông, gây cho ta nhiều khó khăn. Đêm 28/4, Đại đội 6, Trung đội trinh sát - quân báo và 2 Trung đội du kích của xã Long Khánh Tây tiếp cận mục tiêu, còn cách lộ hơn 100 mét thì đụng trung đội tiền tiêu. Lực lượng ta ở dưới thấp, chúng trên lộ dùng các loại súng, cối, đại liên trút xuống như mưa. Ta không thể tiến thêm được. Lúc ấy có lệnh của Tỉnh ủy và Tỉnh đội “Bằng mọi giá, Cai Lậy Nam phải cắt đứt lộ Ba Dừa”. Chú bàn với các đồng chí trong Ban Chỉ huy Mặt trận cho lực lượng nghi binh thu hút địch, để Trung đội trinh sát bò qua lộ, vòng lên trên, bất ngờ đánh từ sau lưng địch đánh tới. Thực hiện nhiệm vụ này, anh em trinh sát có thể hy sinh- nếu bị địch phát hiện trước khi ta nổ súng. Vì vậy, mặt trận phát động tình nguyện và  28 đồng chí trinh sát, cả đảng viên và đoàn viên đều tình nguyện nhận nhiệm vụ.

Khi lực lượng của Đại đội 6 và du kích nổ súng thu hút địch, thì 12 đồng chí trinh sát đã qua được bên kia lộ. Tổ đi đầu áp sát sau lưng địch, dùng lựu đạn tấn công. Bọn địch còn đang hoang mang chưa nhận ra phương hướng, thì lực lượng đi sau bắn tấp tới. Chú cho toàn lực lượng xung phong. Địch đầu hàng, ta thu được 2 máy PRC 25, 1 cối 60, 1 đại liên M60, 26 tiểu liên và M79.

Lúc này, bót Bà Ban đã bị cô lập, nên Mặt trận thống nhất cho tấn công luôn giữa ban ngày. Nhờ có hàng trăm gia đình binh sĩ đến bao vây, kêu gọi  chồng, con, em trở về; nên tụi lính bót Bà Ban không bắn ra được. Ta dùng cối, đại liên vừa thu được bắn vào đồn. Chúng treo cờ trắng đầu hàng. 14 giờ ngày 29/4 ta làm chủ bót Bà Ban, tất cả tù binh (gồm lính nghĩa quân, phòng vệ xung kích, hội đồng xã, chủ ấp) và toàn bộ vũ khí được đem về nhà ông Bảy Bầu Điền. Ta chỉ để lại vài đồng chí canh giữ, còn bao nhiêu tập trung đánh bót Giồng Phú Luông. Đây là bót lớn, do 1 Đại đội bảo an đóng giữ. Từ chiều 29 ta đã đưa gia đình binh sĩ, cùng bộ đội và du kích bao vây, gọi hàng. Tên Đồn trưởng rất ngoan cố, hắn tuyên bố “Thằng nào ra, bắn bỏ”, vậy mà cũng có vài binh sĩ lẻn ra được. Nghe họ báo tình hình trong đó, ta kêu gọi binh sĩ chống lại tên ác ôn, về với nhân dân. Ta gọi loa, nói: “Tổng thống của các anh đã tuyên bố đầu hàng, tất cả các đồn bót đều bị quân giải phóng bao vây, các anh đừng hy vọng có cứu viện...”. Trong đồn vẫn im lặng.

 7 giờ tối 30/4, ta  ném hàng trăm trái da láng vào đồn. Tên Đồn trưởng bỏ trốn, bọn lính treo áo trắng đầu hàng. Các chú lệnh cho chúng cởi bỏ súng ống, quân phục, chỉ mặc quần đùi, đưa hai tay lên, đi ra theo hàng một. Họ gặp vợ con, ôm nhau khóc. Lúc này chú đã nhận được lệnh của trên, nên cho họ theo gia đình về quê luôn.

Ngay đêm đó, đêm 30/4 lực lượng chú du hồi, áp sát yếu khu Ba Dừa. Trong yếu khu có 1 Đại đội bảo an rất hung hăng, nhiều tên đã từng mổ bụng, ăn gan các chiến sĩ cách mạng. Chỉ huy ở đây là cảnh sát Săn nổi tiếng ác ôn và Đại diện Truyện rất ngoan cố. Ta kêu gọi binh sĩ diệt tên Săn và  Truyện, chúng bắn ra dữ dội . Chú cho các khẩu cối 60, cối 80 nã 200 quả đạn vào đồn, chúng mới chịu đầu hàng. Thì ra trước đó 2 ngày  cảnh sát Săn đã trốn mất, chỉ còn tên Truyện và 12 tên ác ôn; cùng bọn bảo an, cảnh sát dã chiến, tề ngụy và lính nghĩa quân. Tất cả trên 100. Lúc đó là 5 giờ sáng ngày 1/5, các chú cho quy tụ trên 1000 dân trong yếu khu Ba Dừa và bọn tề ngụy vừa ra hàng để tuyên truyền chánh sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng. Mít tinh xong, Đại đội 6 và Trung đội trinh sát- quân báo qua tiếp quản Tân Phong, chú ở lại cùng Ban thường vụ huyện ủy sắp xếp chổ ăn ở, làm việc của các ngành. Yếu khu Ba Dừa lúc này trở thành cơ quan của Chính quyền cách mạng huyện Cai Lậy Nam.

Đã hơn 40 năm, 40 năm với biết bao thăng trầm biến đổi, nhưng với chú, ký ức những ngày tháng 4/75 mãi mãi là những hồi ức đẹp đẽ nhất, hào hùng nhất. Chú nhớ mãi hình ảnh những đoàn người từ Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Long Khánh, Thanh Hòa, Xuân Sơn, Mỹ Long, Long Tiên, Phú Quí …. tay cầm cờ mặt trận, gương mặt bừng sáng; từng đoàn, từng đoàn với hàng ngàn người kéo ra Lộ 4 trong lúc bót giồng Phú Luông và yếu khu Ba Dừa còn chưa được giải phóng. “Thời cơ đến rồi” họ bất chấp hiểm nguy, hổ trợ tinh thần cho bộ đội đánh đến tên giặc cuối cùng.

(Ghi theo lời kể của chú Lê Thanh Nhân, nguyên Chính trị viên huyện đội Cai Lậy)

Ngọc Thuỷ
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 270
  • Khách viếng thăm: 257
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 12893
  • Tháng hiện tại: 534173
  • Tổng lượt truy cập: 60884311