Bấp bênh mùa nước nổi

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2018 08:40
Người dân miền Tây Nam bộ quê tôi ít gọi mùa nước nổi là mùa lũ. Họ thích dùng cách gọi “tháng nước” hay “mùa nước nổi” hơn. Tháng nước có năm sớm có năm trễ nhưng thông thường bắt đầu vào tháng bảy và kết thúc cuối tháng mười âm lịch. Khi mấy công đất cuối cùng của vụ hè thu cắt lúa xong, nhìn con sông cái nước chảy đỏ quạnh màu gạch chín, dân quê tôi lại lục đục chuẩn bị đón mùa nước nổi.

Công việc quan trọng nhất đầu mùa nước nổi đó là chuẩn bị cho vụ đánh bắt cá tôm. Khó có thể kể hết những nghề hạ bạc tháng nước. Lúc nước chụp lên người ta đặt lọp ếch, nhấp ếch, đặt trúm lươn, cắm câu cá lóc bằng mồi nhái, đặt lờ cá sặc, đặt xà di cá rô, giăng lưới... Nước bêu chút nữa thì giăng câu là chủ yếu. Giăng câu cá lóc bằng mồi cua con, giăng mồi trùn thì dính cá trê, cá trèn. Hoặc giăng mồi tép, mồi ốc, mồi cá linh non, mồi kiến đều được. Dớn thì đặt suốt mùa nước, từ khi nước mới chạy đồng cho tới khi nước rút cạn. Dớn có thể bắt được nhiều loại cá tôm, nhưng chủ yếu là cá linh. Ông Tư Pha là người đặt dớn giỏi nhất xóm tôi. Ông có hơn mười bầu dớn, đặt khắp cánh đồng, mỗi sáng đổ được cả ghe cá linh. Cá nhiều đến mức không cân ký bán nổi, toàn đong bằng thúng cho người ta ủ nước mắm. Hồi ấy người ta ít ăn cá linh, chủ yếu ăn mấy loại cá lớn. Chủ dớn gặp ai mua cá linh ăn cũng không bán, chỉ cho. Bởi vậy mới có câu thành ngữ “rẻ như cá linh sình”. Giăng câu giỏi thì có ông Hai Hậu xóm dưới. Ông giăng cỡ hai thiên câu (khoảng hai ngàn lưỡi câu), tùy theo luồng mà móc mồi khác nhau, cá dính đủ loại. Có lần nhậu ngà ngà say ông bảo, tui thấy con cá nào ngớp một cái là có thể đem câu giăng dính liền. Mấy ông kia không tin, thách Hai Hậu ngon giăng mấy con cá ngựa gần đống chà ở vàm sông đi. Lúc ấy cả xóm tôi chẳng ai biết cá ngựa ăn mồi gì, tưởng thách vậy Hai Hậu thế nào cũng bẽ mặt. Ai dè ổng xách đoạn câu chừng chục lưỡi, bơi xuồng đi hơn nửa tiếng đồng hồ đem về hai con cá ngựa bự chảng. Mấy ông kia bái phục, đãi Hai Hậu nhậu tới chiều. Nhưng hỏi hoài ông Hậu cũng không nói giăng mồi gì dính được cá ngựa. Dân hạ bạc nhiều khi họ “giấu nghề”, không dễ gì chỉ khơi khơi được. Mãi sau này, có lần bà Hai đội thau cá ngựa đi bán, không biết tại sao có một con cá chạch đực bị ói ra trong thau, thế là “bí quyết giăng câu cá ngựa” bị bại lộ. Đó là việc giăng câu mấy con cá thuộc loại “khó tính”, chứ kiểu như cá lóc, cá trê thì dân quê tôi rành sáu câu vọng cổ. Ngay cả mấy đứa nhỏ sáu bảy tuổi đầu cũng giăng được.
 

Một hình thức săn bắt thủy sản mùa nước nổi

Nghề nhấp ếch cũng hấp dẫn với dân quê tôi. Quê tôi thường đi nhấp chuyến trên vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, miệt Tân Châu, An Phú vì trên đó ếch nhiều. Một chuyến nhấp thường kéo dài khoảng mười bữa hay nửa tháng gì đó, tùy tình hình trúng hay thất. Mỗi người một xuồng, đi thành từng đoàn năm bảy xuồng để có gì hỗ trợ nhau. Trên xuồng ai cũng trang bị đầy đủ mọi thứ từ chiếc cà rèm để che mưa nắng, đến gạo muối, bếp lò, thuốc men. Đặc biệt không thể thiếu mấy cây cần nhấp. Thường mỗi người đem theo khoảng ba cây để sơ cua, sợ nhấp gãy giữa chừng. Cần nhấp làm bằng cây trúc, dài chừng sáu thước, đọt cột cọng dây gân dài chừng ba thước, tóm lưỡi câu to. Có thể nhấp bằng nhiều thứ mồi khác nhau nhưng mồi nhái xanh là tốt nhất. Nhái xanh dễ kiếm khi nước lên, da nhái xanh dai nên rất tiện dụng, nhiều khi nhấp được cả chục con ếch mà mồi vẫn còn nguyên. Trước đây tôi có đi nhấp mấy chuyến với ông Năm Hùng, tay nhấp nổi tiếng xóm tôi. Ông cũng là người truyền dạy cho tôi nghề nhấp ếch. Ông bảo, rung cần nhấp phải đều đặn thì ếch mới dạn ăn. Đối với mấy con ếch đói mồi thì dễ, bởi đớp mồi lần này không được nó sẽ đớp lần khác. Còn mấy con no mồi hay nhát mồi thì phải kiên trì, nếu chúng đớp mồi trật thì rất ít khi đớp lại. Ông còn chỉ cách nghe tiếng đớp mồi để phân biệt ếch nhỏ hay ếch bự. Con ếch nhỏ nhảy đớp mồi nghe tỏm tỏm, đớp được mồi thường lôi đi hoặc lặn xuống ngay. Còn ếch bự đớp mồi rất điềm tĩnh, hầu như ít gây ra tiếng động. Đớp xong nó không lặn ngay mà ngậm mồi thăm dò, lúc này mà giật thì khó dính. Phải đợi nó nuốt trọn con mồi rồi lặn xuống, lúc đó giật thì đừng hòng sẩy được. Ông Năm còn dạy tôi cách phân biệt ếch ăn mồi và chuột, rắn hay cá lóc ăn mồi. Mỗi loại đều có cách xử lý riêng. Đó là kinh nghiệm hơn hai mươi năm lênh đênh sông nước của ông.

Nghề hạ bạc xôm tụ nhất vào thời điểm nước mới chụp lên và khi nước rút gần cạn đồng, chứ lúc nước bêu thì chịu. Nước bêu là thời kỳ nước đạt đỉnh cao nhất của mùa nước nổi. Khi ấy cánh đồng mênh mông nước, cây cỏ ngập hết, cả những cây thân gỗ lớn như còng hay gáo cũng bị ngập gần tới đọt. Dớn đặt lút bầu nên cá chạy ít. Lưới giăng rất khó vì nước sâu, lại hay sóng gió dễ bị rách lưới nên ít ai chọn cách đánh bắt này. Một cơn giông có thể khiến cả chục tay lưới còn lại là đống bùi nhùi như chơi. Có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất của người dân vùng nước nổi. Mỗi nhà thường chỉ sống dựa vào mấy luồng câu giăng cá lóc, thu nhập nhiều khi cũng chỉ đủ đong vài lon gạo mỗi ngày. Bởi thế, nhiều nhà bị đói. Nhà tôi cũng bị đói mấy bận lúc nước bêu vì đông miệng ăn, lúa trữ trong bồ không đủ, câu lưới lại gặp cảnh sóng gió bấp bênh. Thường thì chúng tôi sẽ ăn một bữa cơm vào buổi chiều và bữa cháo loãng vào buổi sáng. Má tôi với mấy chị hái bông điên điển, bông súng, rau muống trộn lại ăn kèm cho đầy bụng. Cá mắm thì có nhiều nhưng cũng không thể ăn thay cơm cháo được. Cái đói gặm nhấm xác thân. Chúng tôi sống trong căn nhà ngập nước phải kê lên bằng mấy tấm ván, chỉ bằng cỡ hai cái giường nhập lại. Cả chục người nheo nhóc trong ấy, ăn ngủ ngồi nằm chen chúc nhau, ánh nhìn lúc nào cũng ngập trong biển nước mênh mông. Nhà tôi chỉ có một chiếc xuồng bự, thay phiên nhau khi thì đi giăng câu, khi đi hái bông điên điển, khi đi chợ. Anh Bảy tôi làm thêm chiếc bè chuối để bơi xung quanh nhà, hoặc bơi qua mấy nhà lân cận khi có việc cần.

Sống chật vật, tù túng nên cỡ nước bêu thường có nhiều người chết. Có người đi xuồng giữa đồng giăng câu giăng lưới gặp sóng to gió lớn, chìm xuồng chết. Trẻ sơ sinh cũng chết nhiều vì cha mẹ chỉ lơ là một chút là các em rớt xuống bị dòng nước cuốn trôi. Có nhiều cặp vợ chồng đi giăng câu đem con nhỏ theo, gặp sóng lớn quá đánh rơi con xuống nước, thấy ngay trước mắt mà nhảy theo mò không kịp. Con chết tức tưởi trước sự ngỡ ngàng và bất lực của cha mẹ. Người già thì chết vì đói, vì bệnh tật thiếu thuốc men. Nói chung có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái chết trong mùa nước nổi, nhưng chết rồi thì ai nấy đều phải trải qua một “nỗi khổ” chung, đó là không có chỗ chôn cất. Nước ngập khắp mọi nơi, không còn lấy một gò đất nào nhô lên khỏi mặt nước để chôn. Dân quê tôi không có tục hỏa táng, nên đành cắn răng chọn mấy cách mà nghĩ lại vừa thấy rùng rợn vừa thấy thương tâm. Cách phổ biến nhất là liệm xác xong rồi kiếm mấy cối đá (bình thường cối này dùng để xay bột) cột chặt vào thi hài, tìm một chỗ nào đó nhấn chìm xuống. Cách thủy táng này thường được các nhà nghèo và neo người thực hiện, bởi ít tốn công tốn của. Nhưng thủy táng trong khung cảnh nước nổi lênh đênh như vậy thường thi hài sẽ không nằm yên dưới đáy nước, sau mấy ngày xác trương lên sóng đánh trôi dạt mất dấu. Nước giựt rồi người thân đến tìm nhiều khi chỉ gặp cái cối đá, chứ xương cốt chẳng thấy đâu.

Nhà nào có điều kiện và nhân công đông thì chọn cách xóc chéo các cọc tre giữa đồng, dựng cái trại nhỏ rồi để xác người thân trong đó. Các trại này thường đặt xa khu vực dân cư sinh sống, vì mùi hôi thúi khủng khiếp lắm. Dân quê tôi hay kể nhau nghe câu chuyện mấy ông vùng khác tới giăng câu giăng lưới, nửa đêm trời mưa chống xuồng kiếm chỗ đục, gặp cái trại giữa đồng khoái quá tấp vô, buộc dây xuồng xong rồi nhìn trong nhá nhem đêm tối thấy cái quan tài nằm chình ình. Mấy ông sợ quá chống xuồng vọt đi như ma rượt mà quên tháo dây xuồng, làm cây cột trại tróc gốc bị kéo theo. Mấy ông lại tưởng là ma đu theo, nên càng chống dữ. Đến khi trời sáng nhìn lại thấy cây cột tre dính vô cọng dây xuồng mới hiểu ra cơ sự. Câu chuyện đó có nhiều dị bản khác nhau, nhưng dân quê tôi lớn nhỏ đều biết. 

Có nhà táng người chết bằng cách liệm xong cho thi hài vào hòm, đóng đinh và dùng dây quấn lại thật chặt, sau đó nhấn xuống nước, dùng cọc tre đóng chéo giữ cho hòm không nổi lên hoặc không trôi đi. Cách này có vẻ an toàn hơn cách neo xác bằng cối đá vì xác ít khi bị trôi, ít bị cá cua gặm nhấm nhưng không phải lúc đó ai chết rồi cũng may mắn có một cái hòm để táng. Mà cũng đôi khi, dù xóc cọc tre rất kỹ lưỡng nhưng cái hòm vẫn trôi đi, nhất là những lúc sóng to gió lớn. Bởi vậy, chuyện thấy một cái nắp hòm, một cái thân hòm hay cái tử thi trôi bồng bềnh giữa đồng nước là chuyện không hề hiếm khi ấy. Người ta cũng không sợ, chỉ biết nguyện cầu cho vong linh người đã khuất có thể nương theo dòng nước để về “chín suối”. Má tôi mỗi khi chứng kiến cảnh tượng ấy thường chỉ thở dài than, ở cái xứ này, sống thì cực thân chết thì cực xác. Sau này tôi chợt nghĩ, mẹ sông Mê Kông mang phù sa về bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ này phì nhiêu, mang cá tôm về nuôi sống người dân nơi đây, nhưng mẹ cũng lấy đi nhiều thứ lắm. Có những thứ dòng nước cuốn đi rồi mãi mãi chẳng bao giờ trở lại. Âu đó cũng là quy luật muôn đời của tạo hóa.

Theo kinh nghiệm của dân quê tôi, đầu tháng mười âm lịch thường có một trận mưa giông lớn đánh dấu thời điểm chuyển hướng gió và nước bắt đầu giựt. Khi mây đen ùn ùn kéo tới đặc kín cả bầu trời, má tôi vừa rầu lo sợ sập nhà vừa mừng lòng vì sắp được thoát cảnh sống lênh đênh trên nước, bà lẩm nhẩm đọc câu “Ông tha bà lại chẳng tha/ Đánh nhau một trận mùng ba tháng mười”. Trận mưa dông đó thường bắt đầu lúc chập tối, vần vũ cho đến tận khuya. Những lúc như vậy, ba tôi thường không cho anh em tôi ngủ vì sợ sập nhà chết. Ông bắt chúng tôi thức, ngồi sát vào nhau cho ấm còn ông và mấy anh lớn thì lội xuống nước lo chằng chống căn nhà lá. Mưa giông qua rồi cả nhà nằm ngang dọc ngủ la liệt, sáng dậy là ngọn bấc đã hiu hiu. Những đọt sậy nhô lên khỏi mặt nước bắt đầu nhu nhú bông. Con cò xanh thơ thẩn bay đi kiếm ăn. Đó là dấu hiệu nước rút. Ba tôi cầm cây sào đứng ở mũi xuồng ngâm câu “Con cò xanh nhảy quanh hòn đá/ Chờ nước cạn ăn cá ăn tôm”. Dáng ông lừng lững như Sơn Tinh trong khoảnh khắc đại thắng thần Nước, gương mặt ông phẳng lặng như cánh đồng.

Nước giựt là thời điểm nghề soi cá rầm rộ. Cánh đồng ban đêm ngập ánh đèn. Nghề soi cá thường chỉ có thanh niên trai tráng làm. Không phải nó nặng nhọc mà vì nghề này chủ yếu làm trong đêm, đòi hỏi đôi mắt phải thật sự sáng, tay chân nhanh nhạy. Người soi cá dùng đèn điện thắp bằng bình ắc-qui rọi vào nước, gặp cá thì dùng chĩa đâm. Chĩa dùng đâm cá có năm hay bảy mũi tùy loại, tra vào một cán bằng trúc dài chừng ba mét. Người đi soi dùng cán chĩa chống xuồng chầm chậm trong đêm, gặp cá thì quay đầu chĩa đâm. Đâm phải đúng vị trí thì mới dính cá vì da cá trong nước rất trơn. Thường người soi sẽ nhắm vào vị trí cổ cá. Đó là vị trí khá mềm trên thân cá, khi đâm vào cá rất khó giãy giụa. Nếu đâm chệch lên đầu thì khó thủng vì xương đầu cứng. Đâm chệch phía đuôi thì cá giãy dễ sứt. Vào những lúc êm trời, mỗi người soi một đêm được cả chục ký cá như chơi. Cá soi được thường bán giá rẻ hơn cá giăng câu được, vì cá soi thương tích đầy mình. Khi nước giựt làm nổi mấy bờ ruộng lên người ta sẽ cắm câu cá lóc bằng mồi nhái. Giựt chút nữa thì đặt đáy ở các vàm kinh bắt cá.
 

Giăng câu mùa nước nỗi

Trong tất cả các nghề đánh bắt cá mùa nước nổi thì đặt đáy là đánh bắt được nhiều nhất. Đáy đặt ở vàm kinh hay vàm sông, bao nhiêu cá tôm từ đồng trôi ra là vô đáy hết. Cá nhiều đến mức người ta phải dùng mấy cánh tay đòn bằng tre để nâng cá lên, rồi đổ vào ghe. Cỡ cá từ đồng ra nhiều mỗi lần đổ đáy được cả ghe cá. Mà đổ xong rồi quay lại đổ liền, chứ chỉ chậm trễ một chút là cá đầy bầu không cất lên nổi. Có năm tôi làm mướn cho đáy ông Tư Li đặt ở vàm rạch Trà Bông. Cỡ nước kém cá ra nhiều, cả chục nhân công làm không xuể, đèn đuốc thắp sáng đêm như hội chợ. Có đêm ông Tư thấy nhân công mệt quá đành phải xả bầu cho cá đi bớt. Ông bắt vài con tôm càng, vài con cá trê bự bự đem nướng, ngồi trên chòi canh ở vàm rạch nhậu với chúng tôi. Ông Tư tóc bạc râu dài, hơn sáu mươi tuổi mà vẫn quắc thước, da đen bóng như khối gỗ mun ngâm lâu trong nước. Trước khi uống rượu lúc nào ông cũng cầm li đổ vài giọt xuống sông, khấn vái ông Tà bà Cậu. Đoạn, ông bưng li rượu nốc cái ực, vỗ đùi cái chách, hàm râu rung rinh dưới ngọn đèn xanh nhạt trong đêm. Rượu say ông thường kể chuyện về cá. Ông kể mấy chục năm sống bằng đủ thứ nghề hạ bạc nhưng không bao giờ tận diệt cá tôm. Những ngày rằm âm lịch ông thường xả bầu không bắt cá để tích đức. Lưới làm đáy ông cũng chọn loại lưới thưa để bắt cá lớn chứ không chọn lưới dày.

Ông Tư mất ba năm trước. Ông trăng trối với con cháu là sau khi ông mất hãy đem xác ông ném xuống vàm rạch, để ông được hòa mình với cá tôm. Nhưng con cháu ông không nỡ làm vậy, họ chỉ khiêng di hài ông đặt xuống xuồng, rồi bơi dọc theo con rạch, sau đó đem chôn ông trên mỏm đất ở đầu vàm. Ông Hai Hậu và Năm Hùng dạo gần đây cũng già yếu lắm, không câu lưới gì được hết, chỉ ngồi nhìn con nước lớn ròng đục trong cùng ký ức. Mà quê tôi cá tôm cũng không còn mấy. Mùa khô thì dân làm ruộng dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá nên cá trên ruộng chết từ khi mới tượng hình. Mùa nước nổi giờ cũng hiếm vì cánh đồng nào cũng bao đê thâm canh tăng vụ. Có năm xả đê cho nước vào đồng thì chờ hoài không thấy nước, nghe đâu các quốc gia thượng nguồn Mê Kông làm đập thủy điện ngăn dòng. Từ “tháng nước” ngày càng thưa vắng trong ngôn ngữ người dân, hiếm hoi như con cá đồng, con tôm sông lúc này. Mấy tay lưới, mấy mẻ câu ba tôi đem treo ở góc bếp, bụi bám dày. Hôm nọ nghe nói cánh đồng quê có nước, thèm canh chua cá linh bông điên điển quá nên tôi hì hục chạy từ thành phố về, kiếm hết đầu trên xóm dưới chẳng có con cá linh nào. Mấy anh chị ở nhà đành mua tạm vài con lươn người ta nuôi về nấu canh chua ăn đỡ. Ngồi ăn cơm trước hàng ba, nhìn cánh đồng nước cạn queo trước mặt, thấy chênh chao như đang đứng trên chiếc xuồng ba lá giữa dòng. Tìm mãi chẳng thấy cây sậy nào nhu nhú đọt, con cò xanh cũng biến mất tăm.

Trương Chí Hùng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 88)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 172
  • Khách viếng thăm: 171
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 15302
  • Tháng hiện tại: 2247852
  • Tổng lượt truy cập: 46215085