Trở về

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/09/2017 13:01
Sau ngày cưới một tuần thì anh Hùng trở lại chiến trường miền Đông. Chị thấy trong người thay đổi. Chị mang bầu. Anh Hùng biết điều đó qua lá thư tràn trề niềm vui của chị. Anh ghi thư dặn: Nếu là con trai thì đặt tên Thắng, nếu là con gái thì đặt tên Lợi. Ngày thắng lợi chắc đã gần rồi, đặt tên để kỷ niệm thời thắng Mỹ.
Minh họa: Thanh Tiên

Chị sinh con trong địa hình. Một đứa con trai bụ bẫm. Vậy là bé Thắng ra đời. Cả đơn vị vui như ngày hội, xem đây là một sự kiện lớn. Ai có cái gì cũng giành cho bé Thắng. Mới đầy tháng, một cuộc càn lớn của quân Sài Gòn vào địa hình của đơn vị chị. Bế con xuống hầm đúng lúc một quả pháo nổ gần miệng hầm, đất vùi cả hai mẹ con. Như một sự che chở đầy bản năng của người mẹ, chị chống tay bảo vệ con, tay khác đẩy đất lên. Khi các chị trong đơn vị chạy tới thì bé Thắng đã cất được tiếng khóc. Xong trận càn, chị ôm con, vừa ngập tràn hạnh phúc vừa đau đớn.

Hoàn cảnh đã không cho phép chị nuôi con nhỏ được nữa. Đơn vị đồng ý cho chị đem con về gởi bà già. Với tấm thẻ căn cước giả, chị bế con đón xe đò về nhà. Nhà chị ở vùng tranh chấp quyết liệt tại huyện Chợ Gạo. Má chị vẫn còn khỏe, làm ruộng, đi đấu tranh đều hăng hái. Bà bảo: “Mầy cứ đi làm nhiệm vụ cách mạng, để cháu đây tao nuôi, tao nói với người ta là con thằng Hai ở Sài Gòn, không ai biết con mày. Ráng công tác cho bằng chị bằng em. Nói thằng Hùng ráng về cho tao thấy mặt thằng rể”. Chị ôm lấy má. Má tốt quá. Nhưng nhớ thằng Thắng chắc con không chịu nổi. Ngủ với con đêm đó, mờ sáng chị hôn con từ đầu đến chân rồi ra đi.

Chị ghi thư cho chồng. Vài tháng lại nhận được thư của chồng. Giữa năm 1974, anh gởi về cho chị lá thư có một tấm hình anh đội nón tai bèo và mang súng ngắn được chụp ở Tây Ninh. Trong thư anh khoe mới nhận chức đại đội trưởng. Chị mừng lắm. Anh là người hoạt bát, lại đẹp trai, ăn nói lịch sự. Thằng Thắng giống anh, sau sẽ đẹp trai lắm.

Bẵng đi một thời gian, chị không nhận được thư anh. Trái tim chị mách bảo có điều gì đó không lành. Chị tìm cách liên lạc với đơn vị của anh. Đơn vị cho chị hay, trong một trận đánh vào căn cứ pháo binh của địch, khi rút ra, đơn vị đụng độ với một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn tăng của địch đến ứng cứu, có lẽ mũi do anh phụ trách đã hành quân về phía biên giới, hiện giờ chưa liên lạc được.

Chị lại nhận được thư anh, thư không đề ngày, chữ viết nguệch ngoạc, chị hình dung anh quá bận, quá gấp nên quên ghi ngày, anh chỉ báo tin vẫn khỏe, muốn có dịp về thăm vợ con cho đỡ nhớ.

Thương anh và con, chị xin đơn vị về nhà thăm bé Thắng, một lần đi là một lần chấp nhận sự nguy hiểm. Cái nhớ chắp cánh cho chị. Chị liều trở về, quyết chụp một tấm hình bé Thắng để gởi cho anh, để anh có thêm niềm tin về chị. Chị không ngờ, nhà má chị chỉ là một đống đổ nát. Má chị bị thương nặng rồi chết vì mảnh pháo của địch. Bé Thắng được má chị nhờ người khác nuôi mà hàng xóm không biết tên. Trời đất đổ sụp. Chị khóc hết nước mắt.

Vài tháng sau thì miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Chị về quê, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Trên nền đất cũ, chị dựng tạm căn nhà lá. Căn nhà nhìn ra bờ kinh. Gần đó có một bến đò. Nhiều lần nghe ai gọi đò, chị chạy ra xem có phải là anh Hùng không. Nhưng rồi chị chỉ biết thở dài rồi quay vào. Cho dù rất nhiều lần hy vọng có tiếng gọi đò của anh để rồi thất vọng, chị vẫn tin anh còn sống, anh không mất, không có giấy báo tử, có nghĩa là anh vẫn còn sống, có thể anh bị thương, bị thương rất nặng, đang điều trị ở đâu đó mà chưa về với chị được, nhưng rồi anh sẽ về, chị tin mãnh liệt như thế.

Một đêm trời mưa, chị nghe có tiếng gọi đò bên kia bờ kinh. Tiếng gọi đò của người đàn ông mỗi lúc mỗi lớn. Chị thay quần áo chạy ra, mở dây buộc của chiếc xuồng ba lá rồi đẩy mạnh xuồng ra giữa dòng kinh. Bên kia bờ dường như là một anh bộ đội. Chị nhận ra chiếc nón cối. Đúng là anh bộ đội. Chị gọi nhỏ: “Anh Hùng! Anh Hùng”. Anh bộ đội tấp tễnh bước xuống bờ. Anh là một thương binh. Chị cố nhìn vào mặt anh. Hao hao giống anh Hùng, nhưng già hơn. Chị hỏi:

- Anh tìm ai ở xóm này?

Anh bộ đội đáp:

- Tôi đi tìm nhà của đồng đội tôi, anh ấy đã hy sinh.

Chị run bắn người:

- Có… có phải anh ấy tên Hùng không?

Anh bộ đội nghểnh mặt lên trời:

- Anh Hùng ư? Có! Đơn vị tôi cũng có một anh Hùng đã hy sinh, anh ấy quê Đồng Tháp.

- Có anh Hùng quê Cai Lậy không?

- Không.

Chị trút một hơi thở thật dài. Vậy là không phải. Anh bộ đội không biết anh Hùng của chị:

- Vậy anh tìm ai?

- Tôi tìm nhà má Năm, má của anh Tài.

Đêm ấy, sau khi nhờ một du kích dẫn đường đến nhà má Năm cách đó chừng bốn cây số, chị đóng cửa lại, nằm trùm mền, khóc và gọi tên anh cùng tên con.

Rồi đêm đêm, chị nghe vẳng bên tai có tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò thật quen thuộc. Chị hình dung chỉ vài phút sau là có thể ôm chầm lấy anh. Anh là thương binh. Chị tin như thế, vì nếu anh lành lặn, anh đã trở về cùng chị để đi tìm con, đứa con trai bụ bẫm và xinh đẹp của hai người. Chị sẽ dìu anh lên bờ và nói với anh: “Nhà mình đó anh, nó đơn sơ nhưng đẹp lắm. Ngày trước em từng nói với anh: hòa bình em sẽ đưa anh về nhà, má rất quý em, má sẽ quý anh như quý em vậy. Còn bây giờ, má không còn, con mình ở đâu không biết. Anh thắp nhang cho má đi, má sẽ chỉ đường cho mình đi tìm con, anh nhé”. Rồi chị khóc. Không có anh. Không có ai cả. Chỉ có sóng và gió trên dòng kinh mà thôi.

Những giọt nước mắt đã bắt chị đi tìm đồng đội của anh, tìm đứa con mà má chị đang gởi cho ai đó. Đơn vị ngày đó của anh đã tứ tán, hầu hết đã trở về quê sau chiến tranh, người ở trong Nam, người ở ngoài Bắc, không có địa chỉ rõ ràng, người ở lại thì sang giúp bạn Campuchia, không sao tìm được. Còn đứa con của chị thì không một mẩu tin nào. Chị nhờ đài, nhờ báo đăng tin nhưng không có hồi âm. Chỉ có điều, chị tin anh vẫn còn sống. Anh bị thương nên chưa về với chị mà thôi.

Rồi thời gian trôi đi thật nhanh. Mái đầu chị bắt đầu điểm bạc. Có nhiều người đàn ông tìm cách đến với chị, chị nói: “Tôi đã có chồng. Chồng tôi là bộ đội. Anh ấy đang công tác xa. Anh ấy sắp về”. Nhà chị đã được làm lại, tường xây, mái ngói, cửa hướng ra bờ kinh. Chị nghĩ, để khi anh trở về, chị sẽ thấy anh được sớm hơn.

Một đêm, trong lúc mơ màng, chị nghe có tiếng gọi đò. Tiếng gọi nghe gần gũi lắm. Chị vội vã mở cửa nhìn ra. Bên kia sông là một bóng người cao lớn. Chị nhận ra anh bộ đội qua chiếc nón cối. Đúng là anh bộ đội. Chị nói to cho anh bộ đội nghe:

- Chờ chút, tui sang liền.

Chiếc xuồng ba lá lao đi rất nhanh. Anh bộ đội từ trên bờ bao bước xuống. Anh còn trẻ quá, chừng hăm bốn, hăm lăm mà thôi. Chị lại buông một tiếng thở dài. Lại không phải anh Hùng.

Khi anh bộ đội đã ngồi yên ở một đầu xuồng, chị hỏi:

- Em tìm ai ở xóm này?

Anh bộ đội đáp:

 - Cô Tư Nga, chắc chị biết?

Chị không tin vào tai mình:

- Cô Tư Nga nào? Em nói cô Tư Nga nào?

- Cô Tư Nga… nghe nói là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã này.

- Tui đây, có gì không em?

Anh bộ đội đứng phắt dậy rồi hét lên một tiếng:

- Má!

Chị buông dầm. Chiếc dầm trôi lúc nào không hay. Môi chị run lên bần bật:

- Thắng phải không?

Anh bộ đội luống cuống chạy về phía chị, hai tay chới với trên không, chiếc xuồng chao nghiêng, cả hai người bị lọt xuống nước. Nước ngập ngang bụng. Một tiếng “Dạ” phát ra trong nghẹn ngào.

Chị ôm choàng lấy anh bộ đội:

- Con! Con của má! Con đã trở về!

Rồi chị oà ra, nức nở.

Lê Ái Siêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 80)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 412
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 3821
  • Tháng hiện tại: 1869600
  • Tổng lượt truy cập: 48243727