Nghĩ về một “Ðô thị du lịch” ở thế kỷ XXI

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 08:28
Trên thế giới, có rất nhiều đô thị từ bình thường, chỉ là khu dân cư, không có gì đặc biệt, thậm chí bị bỏ quên lại trở thành một đô thị du lịch nổi tiếng. Xin nêu vài ví dụ: Thị trấn Goldfield (Mỹ) có từ năm 1892 nhờ có mỏ vàng, nhưng khi vàng cạn kiệt, người ta bỏ đi hết, nhưng sau đó lại thành thị trấn du lịch mà loại hình quan trọng là “du lịch hoài niệm”; Đô thị Pripyat (Ukraine), bị bỏ hoang sau vụ Chernobul 1986, sau đó 30 năm lại trở thành đô thị du lịch; Đô thị Craco (Italy) có người sinh sống trên 50 năm, nhưng do không thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, cư dân đô thị này bỏ đi hết, nay lại trở thành một đô thị du lịch nhờ sự phát hiện của một nhóm người và biến nó trở thành điểm “du lịch hoài niệm” rất đông khách; v.v... Có những đô thị khác thì người ta biến nó thành một đô thị sinh thái, có thể kể đến thành phố Kobe của Nhật, thành phố Oslo của Na Uy, thành phố Ottawa của Canada, Helsinki của Phần Lan, Honolulu (Hawai, Mỹ), v.v...
Một góc Mỹ Tho về đêm

Một góc Mỹ Tho về đêm

Điều gì làm thay đổi những đô thị ấy? Có thể nói ngay rằng: Là con người! Con người biết nhìn ra điều nó có thể phát triển, nhận ra thế mạnh đang tiềm ẩn trong nó, chỉ cần có những tác động phù hợp thì nó sẽ bật ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump có câu nói làm chúng ta phải suy nghĩ: “Đất không đẹp ư? Phải làm cho nó đẹp thì bỗng nhiên nó có giá”. Đúng! Phải làm cho nó đẹp. Chứ không có tác động gì thì nó chỉ là nó thôi.

Năm 1994, chúng tôi có dịp khảo sát đô thị Hội An do Hội An mời qua gợi ý của Cục Di sản (thuộc Bộ Văn hóa - thông tin), sau đó, Cục Di sản tiếp xúc nhiều lần với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, từ đó, những thế mạnh của Hội An được xác định dần và cuối cùng Hội An phát triển theo hướng du lịch đô thị cổ (tức là du lịch hoài niệm). Cùng với sự quảng bá một cách mạnh mẽ, người ta biết đến Hội An, và những gì có được trong quá khứ, Hội An đều phổ biến qua nhiều phương tiện khác nhau. Quốc tế biết đến Hội An, từ kiến trúc cổ, ẩm thực, lối sinh hoạt, các hoạt động thương mại xưa v.v... đều được quảng bá một cách tối đa. Khi hình thành một đô thị du lịch, một phong trào của những người giàu đến sinh sống tại Hội An, họ xây dựng nhà cửa theo kiến trúc cổ của Hội An xưa, kinh doanh chủ yếu là nhà nghỉ, khách sạn, làm cho đô thị Hội An càng có sức hấp dẫn thêm đối với du khách. Và như chúng ta biết, Hội An trở thành một đô thị du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Du khách tham quan cồn Thới Sơn bằng đò chèo

Đối với đô thị Mỹ Tho, việc xác định hướng phát triển ở thời điểm này là rất cần thiết, bởi đô thị này đã tròn 340 tuổi, bởi chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thời đại công nghiệp 4.0, thời kỳ đất nước mở cửa. Và chính đô thị này từng có một thời là đô thị có tiếng của Việt Nam. Vào đầu thế kỷ XX, Mỹ Tho là vùng đất trù phú, đông dân cư, nhà văn Bình Nguyên Lộc trong tập truyện “Thời thế” cho rằng: “Nhưng khoe xứ Mỹ Tho ra thì hách một cây, bởi thủa ấy Cần Thơ chưa to thì cái thành phố hạng ba Việt Nam, sau Sài Gòn và Hà Nội là Mỹ Tho rồi, chớ không còn tỉnh nào hơn được”. Nhà thơ Học Lạc (1842 - 1915) trong bài “Tức cảnh Mỹ Tho” ông viết: “Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho/ Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho”. Ý nói, trên chỉ có Sài Gòn, dưới nữa là Mỹ Tho, hai nơi sung túc và đẹp đẽ của miền Nam.

Đi sâu hơn, chúng ta thấy, vào đầu thế kỷ XVII, người Việt đã đến và khai thác vùng đất Mỹ Tho, đến tháng 5 (âm lịch) năm 1679, (tức nửa sau thế kỷ XVII), nhóm người Hoa khoảng 3.000 người, gồm binh lính và gia đình họ, lo sợ bị nhà Thanh đàn áp, đành vượt biển sang Việt Nam xin tỵ nạn, được chúa Nguyễn cho đến vùng Mỹ Tho và Nông Nại (Biên Hòa) lập nghiệp. Họ đã cùng với người địa phương lập nên Mỹ Tho Đại Phố và Nông Nại Đại Phố là 2 chợ Phố Lớn và sớm nhất của vùng Nam bộ. Mỹ Tho Đại Phố thành đô thị sớm nhất của châu thổ sông Cửu Long. Trong khi vùng châu thổ, và ngay cả Sài Gòn chưa thành chợ phố, và vùng Gò Công chưa nhập vào bản đồ Việt Nam (Gò Công nhập vào Việt Nam từ năm 1756, tức sau Mỹ Tho Đại Phố hình thành tới 77 năm) thì Mỹ Tho nổi lên thành đô thị sầm uất. Mặc dù trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), Mỹ Tho Đại Phố bị cháy, hơn một nửa số người Hoa chạy lên Sài Gòn lánh nạn, góp phần làm cho Sài Gòn phát triển nhanh hơn, thành Chợ Lớn.

 

Tuy nhiên, đô thị Mỹ Tho nằm ở vị trí trung chuyển giữa miền Đông và miền Tây của Nam bộ nhiều thế kỷ. Sách “Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho, năm 1930 viết: “Lòng sông cái trong tỉnh Mỹ Tho (tức sông Tiền) sâu và các phụ lưu của nó cũng rộng và sâu, giúp cho giao thông đường thủy được dễ dàng, biến vùng này thành một trung tâm thương mại và tỉnh lỵ hiện nay là một trung tâm giao lưu tàu thuyền nổi tiếng. Vị trí trung tâm của Mỹ Tho ở Nam kỳ biến tỉnh này thành một trạm và nơi trao đổi giữa miền Đông và miền Tây Nam kỳ. Như vậy Mỹ Tho thành một tỉnh có đặc tính riêng rõ rệt, gần giống như một cột trụ đối với các tỉnh khác”.

Với địa thế sông ngòi và cù lao, Mỹ Tho cũng là điểm du lịch từ rất sớm, vào thời của Mỹ Tho Đại Phố. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho chúng ta biết: “Long Châu (cù lao Rồng) ở trước trấn làm án gần. Trước kia cửa sông Mỹ Tho sâu rộng, có 7 cửa lưới đáy, phàm thuyền buôn qua lại đều phải dừng đậu ở đấy hóng mát chơi trăng để chờ nước thủy triều thuận theo phía đông hay phía tây mà tiến đi. Từ năm Mậu Thân trở đi, cát nổi bồi lên, ngày dần cao lớn, hình như con rồng nằm. Thế Tổ Cao hoàng đế, cho tên là Long Châu, dài chừng 2 dặm, làm la tinh trấn ngoài thủy khẩu, che giữ trấn sở, chắn át sóng dữ, rõ ràng là một nơi thắng địa, nhà phong thủy nói rằng: “Thủy khẩu lấp, bãi nổi lên thì đất ấy hẳn thịnh”, thế là tốt lắm!”.

Ở vào một vị trí như thế, Mỹ Tho là một thắng địa, một vùng đất quan trọng để phát triển kinh tế và văn hóa. Nhận ra điều này, người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn  - Mỹ Tho đầu tiên của Đông Dương, xây dựng bến tàu Lục Tỉnh, Hãng Xáng, trường Collège de Mytho - một trường trung học công lập đầu tiên của Nam bộ, v.v... với mục đích khai thác tài nguyên và tài lực vùng châu thổ trù phú bậc nhất của Đông Dương.

Ngược dòng lịch sử, năm 1562, nhà thơ lớn Camoens, khi đi dọc bờ biển Chămpa và Nam kỳ. Ông còn đưa tàu đến Mỹ Tho. Và cho hay rằng: Người Bồ Đào Nha có ý định tổ chức một thương điếm đầu tiên ở châu thổ này. Đáng tiếc ông bị đắm tàu tại Cửa Đại (theo Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho, xuất bản 1930). Nếu thương điếm ở Mỹ Tho được thành lập, thì đô thị Mỹ Tho sẽ hình thành trước Mỹ Tho Đại Phố hơn 1 thế kỷ. Chứng tỏ Mỹ Tho là một vị trí quan trọng về kinh tế và văn hóa của châu thổ sông Cửu Long. Và đây là vấn đề đang đặt ra cho những nhà hoạch định tương lai cho vùng đất đặc biệt này.

Chúng tôi nhận thấy rằng, Mỹ Tho từng là một đô thị cổ, dù rằng vết tích của đô thị cổ không còn bao nhiêu, nhưng đô thị này còn để lại trong ký ức của người Mỹ Tho một đô thị có tầm cỡ của khu vực Nam bộ suốt nhiều thế kỷ. Lịch sử thăng trầm của đô thị là điều hiển nhiên, nhưng bao giờ người dân đô thị cũng muốn hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, rạng rỡ hơn. Nêu vấn đề này lại nhớ, lịch sử Nam bộ cũng tương đương với lịch sử nước Mỹ. Khoảng thế kỷ XVII, những người châu Âu, mà chủ yếu là người Anh đến Mỹ, cho đến năm 1776, mới có một văn kiện do Thomas soạn thảo mới thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thế mà nước Mỹ nhanh chóng trở thành cường quốc số một của thế giới. Mới thấy rằng định hướng phát triển cho một vùng đất là rất quan trọng, nếu đúng hướng thì nó sẽ bật lên, phát triển một cách nhanh chóng.

Theo chúng tôi, Mỹ Tho vốn là đô thị cổ, có 2 con sông (sông Tiền và sông Bảo Định), hai cù lao trên sông (cù lao Tân Long và cù lao Thới Sơn) có những ngôi chùa cổ (chùa Bửu Lâm, chùa Vĩnh Tràng, chùa Thiên Phước), có ngôi đình cổ (đình Điều Hòa), có trường trung học cổ (collège de Mytho), có nhà Bạch Công tử, rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam (rạp Thầy Năm Tú) v.v... Những cù lao, con sông, chùa cổ, đình cổ, trường cổ ấy chứa đựng trong nó những câu chuyện rất đẹp, rất hay đối với người phương xa. Với những lợi thế này, chúng tôi nghĩ nên hướng tới một đô thị du lịch, trong đó có các loại hình sau:

1. Du lịch hoài niệm: Mỹ Tho từng là một đô thị cổ, trong đó có những chùa, đình, trường học, rạp hát... thuộc loại cổ của Nam bộ. Nếu phục dựng hội quán của người Hoa thời Mỹ Tho Đại Phố, ga xe lửa Mỹ Tho, bến tàu thủy đi Lục Tỉnh, rạp hát Thầy Năm Tú, nhà Bạch Công tử, biến những nơi này thành các điểm du lịch, thì chúng ta có một đô thị du lịch hoài niệm khá đặc sắc của châu thổ sông Cửu Long.

2. Du lịch làng nghề và ẩm thực: Từng có một món ăn nổi tiếng cả nước là Hủ tiếu Mỹ Tho, nếu được đầu tư thành một khu phố để giới thiệu những món ngon Mỹ Tho cũng sẽ thu hút khách, như cách làm của Hội An về món cao lầu và mì Quảng mà báo chí nước ngoài khen ngợi. Mỹ Tho có những làng nghề mà du khách muốn tìm hiểu, đó là làng nghề làm bánh hủ tiếu, làng nghề trồng bông của xã Mỹ Phong và xã Tân Mỹ Chánh. Nếu được quy hoạch tốt thì những làng hoa này không thua gì các làng hoa ở Sa Đéc (Đồng Tháp).

3. Du lịch tâm linh: Mỹ Tho có chùa Vĩnh Tràng được xếp hạng di tích quốc gia từ 1967 (dưới chính quyền Sài Gòn) và nổi tiếng cả miền Nam. Chúng ta cần bổ sung thêm chùa Bửu Lâm, đình Điều Hòa có kiến trúc khá đẹp và cổ, quảng bá những nét đẹp của các kiến trúc này để thành những điểm du lịch tâm linh và hấp dẫn.

4. Du lịch cảnh quan, văn hóa: Mỹ Tho có 2 cù lao và sông nước hữu tình, nếu được quảng bá và đầu tư  thì 2 cù lao chính là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn. Ngày xưa, phía đông cù lao Rồng từng là điểm du lịch của người đi thuyền, đó là sự gợi ý về du lịch cảnh quan ở Mỹ Tho. Những resort xinh đẹp ở cù lao sẽ là nơi nghỉ dưỡng và tham quan lý tưởng, dễ dàng níu chân du khách. Bên cạnh việc giới thiệu cảnh quan đặc trưng và xinh đẹp của vùng sông nước cù lao, việc giới thiệu nền văn hóa bản địa cũng có sức hấp dẫn, như lối sinh hoạt, tập quán... tạo sức hấp dẫn cho du  khách.

Mỹ Tho ở vào một vị trí đặc biệt, là vùng đất từng được cổ nhân lựa chọn làm nơi sinh sống và phát triển thành đô thị đến nay vừa tròn 340 năm, là một đô thị cổ nhất ở vùng châu thổ sông Cửu Long, do người Việt và người Hoa tạo nên. Sự lựa chọn ấy không sai lầm, đến thế hệ của chúng ta, cần phải được kế thừa và phát triển để thành một đô thị đáng sống.

 

Lê Ái Siêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 322
  • Khách viếng thăm: 319
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 55740
  • Tháng hiện tại: 1093363
  • Tổng lượt truy cập: 63322331