TÌM VỀ THỜI RẤT XƯA

Đăng lúc: Thứ tư - 14/11/2018 09:46
Ngày nhỏ thường đọc truyện cổ tích, hầu hết các truyện đều bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa...”, cứ nghĩ là xưa lắm, xưa trước cả đời ông cố, bà cố. Lớn lên, học địa lý và lịch sử, lại phải hỏi: ngày xửa ngày xưa là thời nào? Rồi khi học về khảo cổ học, cái truyện cổ tích chủ yếu để răn đời thôi, lúc ấy lại phải nói về niên đại, khung niên đại, mới có khái niệm về tuổi thiên hà, tuổi trái đất, tuổi các nền văn minh, tuổi các di tích, các di vật. Và những nhà khảo cổ phải đi tìm trong lòng đất, đọc những thông điệp của các di vật, để nhận biết cái tuổi của nó, môi trường tự nhiên thời nó, môi trường xã hội thời nó. Thú vị thế, dám chắc ai đã vướng vào nghề khảo cổ thì khó rứt ra lắm, vì những câu hỏi khoa học mà cần đi tìm câu trả lời. Khai quật một di chỉ khảo cổ, đấy là dịp để đi tìm những câu trả lời về ngày xưa ấy!

Tôi có những lần tham gia khai quật các di chỉ khảo cổ, thường thì kéo dài từ hai tháng trở lên, có khi thành nhiều đợt, mỗi đợt vào một mùa khô, vì thế có thể kéo dài nhiều năm.

Để có một đợt khai quật, phải tiến hành nhiều đợt khảo sát, rồi đào thăm dò, đào thám sát. Thấy các vết tích văn hóa phát lộ, mới đào thăm dò thêm một số nơi khác gần đó để xác định vị trí có thể là trung tâm để tiến hành khai quật. Nhưng đâu đơn giản thế. Các thủ tục xin phép khai quật đã là rắc rối, từ Viện nghiên cứu, đến địa phương, đến Bộ Văn hóa, rồi còn phải có kinh phí, mà mỗi lần khai quật phải mất vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ, mà chính quyền địa phương cứ hỏi: “Đào có thấy vàng không? Có được nhiều vàng không?”. Nếu thế thì tốt nhất là đem số tiền đó đi mua vàng cho xong, tội gì phải đào cho mất công!
 

Du khách tham quan Gò Thành

Con người luôn tự đặt câu hỏi: “Mình là ai? Mình từ đâu tới?”. Và con người đi tìm câu trả lời, và cũng chẳng bao giờ có câu trả lời cuối cùng. Đó là điều thật thú vị của con người. Có không ít giả thuyết ra đời, thì sau đó có những giả thuyết khác phủ định. Và khảo cổ học cũng không phải là ngoại lệ. Khoa học là thế, nhờ vậy mà con người cứ tiến lên mãi. Một đứa trẻ con bình thường ở cuối thế kỷ 21 chắc chắn sẽ thông minh hơn người thông minh đầu thế kỷ 21, nhờ thành tựu khoa học gần một thế kỷ loài người tích tụ lại, trong đó có khảo cổ học.

Tôi may mắn được tham gia khai quật di chỉ Gò Thành (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) vào đầu năm 1988. Ấy là mùa khai quật đầu tiên tại Tiền Giang. Sau khi những mảnh vàng nhỏ xíu như lá me và mỏng dính nằm lẫn trong đất giồng được phát hiện, do những trận mưa làm trôi lớp đất trên cùng để những mảnh vàng nhỏ xíu ấy bị lộ ra, những thanh niên trong vùng chiều chiều đá bóng trên gò đất này vô tình nhặt được, trở thành những dấu hiệu đầu tiên của một nền văn hóa đã khuất chìm trong lòng đất từ rất xưa. Sau những lần đào thám sát, những vỉa gạch phát lộ, đấy là dấu hiệu của những kiến trúc cổ. Và mùa khai quật được bắt đầu.

Lớp khảo cổ của khoa Sử, trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh là những em học sau tôi 8 năm, được nhà trường đưa đi khai quật, thầy hướng dẫn chính là bạn của tôi, đồng môn, đồng lứa nên rất vui. Các anh: Nguyễn Di Tỳ và Đào Linh Côn là những cán bộ khảo cổ của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tổ chức khai quật. Nửa tháng sau có thêm tiến sĩ Va-lơ ri người Nga tham gia. Ngày đào đất, đêm tụ lại ăn nhậu, ca hát, quên hết mệt nhọc. Thời ấy chưa có karaoke, nên chỉ cần một guitar và một giọng lĩnh xướng cất lên là hơn hai chục gương mặt ngửa lên mà hát, vừa hát vừa vỗ tay. Trên gò cao có tên là Gò Thành, cứ đêm xuống là có tiếng hát của đám sinh viên. Đứa từ Nghệ An, đứa từ Huế, đứa từ Đắk lắk, đứa ven biển miền Trung, đứa thì miền Tây, cứ “Cây đàn ghi- ta của đại đội ba”, “Em ở nông trường em lên biên giới”, cứ “Ngõ vắng xôn xao” mà quên cả đêm. Để rồi sáng ra. Lại ki đất, lại cuốc, lại xẻng, lại bai, lại bàn chải và mồ hôi nhỏ giọt, để rồi hiện ra những vỉa gạch, những mảnh gốm vỡ, mảnh đá vỡ có khắc chữ Phạn theo tiếng Sanskrit của Ấn Độ cổ, những viên gạch với những hình thù khác nhau trong lối xây dựng hố thờ, đền thờ, tháp thờ v.v... lại thấy hứng thú, lại hình dung hơn 1500 năm ấy, những người thợ nào đã xây công trình tôn giáo ấy, họ có giống những người thợ xây ở thế kỷ 20 này không? Lại nhớ có ông thợ xây người Cà Mau, theo các công trình xây dựng mà phải rời quê hương, mang theo cả vợ con, vợ đi lượm ve chai, hai đứa con thì con chị có nhiệm vụ chăm con em, con em bò lê trên đất, mặt mày nhem nhuốc, con chị chẳng khá hơn, vì nó mới 3 tuổi, chưa bế em được, tía nó che mấy tấm tôn rách, rồi nhốt hai đứa trong mấy ấm tôn ấy. Chiều má nó về mới được cho bú và cho ăn. Công trình xong thì nhà cũng phải dỡ bỏ để xin làm công trình khác.

 Lại thấy những mảnh vàng được lót ở đáy “hố thờ”, tạm gọi như thế, chứ xưa kia người Phù Nam gọi loại hình như chiếc giếng vuông hơi loe trên miệng, được xây bằng gạch, sâu chừng 1, 2 đến 2 mét là gì thì còn là một câu hỏi. Nhưng những mảnh vàng ấy lại được các nghệ nhân chạm khắc nhiều hình thù khác nhau, nhìn bên ngoài là một tấm vàng 16 K mỏng như tờ giấy, có hình hoa mai, hoa sen, hình hoa 8 cánh (chưa rõ là hoa gì), ở giữa có khắc hình nhụy hoa, hoặc hình vị vua nào đó, với thế ngồi uy nghi, hoặc hình voi với những thế đứng, thế đi khác nhau. Có thể những hình ấy là biểu tượng cho quyền uy, sự thanh khiết, hoặc một vấn đề náo đó thuộc về đức tin. Có lúc phát hiện một tượng thần nằm ở độ sâu 0, 7 mét tượng Ganesha - mình người đầu voi, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo, ngoài Brahma (đấng tạo hóa) và Vishnu (đấng bảo hộ) - là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati, tượng trưng cho sự tài trí, hạnh phúc và thành công. Mừng không tả được, công lao khai quật hàng tháng trời đã có sự đền đáp. Chúng tôi thắp nhang, đặt dĩa trái cây, coi như thỉnh vong linh của thần về với trần thế.

 Hai tháng ròng rã, đợt khai quật lần 1 tạm kết thúc. Chúng tôi tạm chia tay để sinh viên còn về trường, tiếp tục các học phần khác trước lúc nghỉ hè.

Những kết quả trong đợt khai quật đầu tiên được các cơ quan trong nước và quốc tế nhận biết qua thông báo khoa học. Một số nhà khảo cổ Pháp, Đức, Liên Xô cũ bay sang Việt Nam, đến Gò Thành xem xét. Thêm một di chỉ khảo cổ về văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật, bản đồ về văn hóa Óc Eo có thêm địa điểm mới, bớt đi những khoảng trống lớn ở Nam bộ, vốn là địa bàn của vương quốc Phù Nam xưa.

Các hố khai quật được chia theo các khu A, B, C, D để xác định vị trí được thuận lợi. Với những độ sâu khác nhau, có nơi là 60 cm, có nơi hơn 120 cm, đã xuất lộ những kiến trúc của đền thờ hoặc tháp thờ, với mi cửa và các trụ bằng đá xanh, các lớp gạch làm bằng đất sét phù sa với kích thước trung bình  27 x 15 x 7 cm, trong đó có những viên gạch có hình thang cân, hình tam giác, hoặc hình chữ nhật bị cắt một góc dùng trong xây dựng đền, tháp, hố thờ... Ở giữa các kiến trúc là những hố hình vuông dạng giếng, bằng gạch, được xây giật cấp, hơi loe về phía trên, có độ sâu  từ 1 mét đến 1,8 mét, phía đáy có những thanh gỗ, các mảnh vàng hình hoa sen có chạm khắc các hình voi ở nhiều tư thế khác nhau hoặc một hình trang trí mang một ý nghĩa nào đó, một lớp cát trắng và bên trên là xà bần (gạch vỡ, sỏi, đất giồng...) mà nhiều người tạm gọi là hố thờ.  Một phát hiện khá đặc biệt là mảnh minh văn nhỏ bằng bàn tay, là mảnh vỡ của một tấm bia đá, theo mẫu tự cổ của Ấn Độ, có 3 hàng chữ. Sau này những chuyên gia về chữ Phạn của Ấn Độ cho chúng tôi biết đó là những chữ trích trong kinh Phật. Nhiều mảnh gốm bình có vòi, nồi, diềm ngói, cọc gỗ... nằm rải rác khắp trong di chỉ. Những ngày cuối đợt khai quật còn phát hiện thêm  2 tượng đá, một tượng khá lớn, mất đầu và chân, với hình dáng của người đàn ông, mình trần, từ dưới rốn quấn sampot, chúng tôi tạm gọi là nam thần, còn một tượng nguyên vẹn là thần Ganesa hình người đầu voi cao chừng 35 cm. Một điều khá thú vị là nhân dân trong vùng còn phát hiện được một tượng thần Vishnu nguyên vẹn , cao 38 cm, là tượng thuộc loại đẹp nhất được phát hiện ở Nam bộ, và là tượng thờ chính ở di tích được coi là một trung tâm tôn giáo của vùng này. Về sau (năm 2017) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tượng Vishnu ở Tiền Giang là “bảo vật Quốc gia”. Tượng này hiện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đang lưu giữ.

Mùa khai quật sau, tức năm 1989, chúng tôi mở rộng địa bàn khai quật và phát hiện thêm nhiều kiến trúc cổ và rất nhiều mảnh gốm, gạch kiến trúc, xương động vật, tro, đá cuội..., nhiều nhất là gốm, phát hiện trên một địa bàn rộng hơn 1 ha, phần lớn nằm bên kia dòng kinh hiện tại, càng làm phong phú thêm các hiện vật thời vương quốc Phù Nam. Những hiện vật phát hiện ở đây cũng khá giống với những hiện vật ở di chỉ Nền Chùa (Kiên Giang), ở di chỉ Bình Tả (Long An), ở di chỉ Đá Nổi (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) v.v... Khi đem một số xương động vật để xác định niên đại qua phóng xạ Các-bon C14, thì di chỉ Gò Thành có niên đại 1300 đến 1600 năm cách nay (tức từ khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên). Năm 2005, có dịp đưa tiến sĩ Nishimura mà chúng tôi quen gọi là Ni-xi (nhà khảo cổ người Nhật), chuyên nghiên cứu về khảo cổ Đông Nam Á đi bốn ngày liền để khảo sát những vết tích văn hóa, đặc biệt về gốm ở các huyện trong tỉnh. Ni-xi nói tiếng Việt gần như người Việt. Ở Hà Nội anh thuê nhà riêng, sáng ra ngồi uống nước chè ở quán vỉa hè như người Hà Nội, anh nói chuyện “tiếu lâm triều đình” như những trí thức thích đùa ở Hà Nội thời ấy. Khi đến Gò Thành, nhặt một mảnh gốm, anh cho rằng giống gốm Thái Lan. Thì, đương nhiên như thế rồi. Vương quốc Phù Nam lúc thịnh đạt đã chiếm lĩnh một địa bàn rộng lớn, trải dài từ eo biển Malacca của Mã Lai vòng qua miền duyên hải Thái Lan - vùng thung lũng sông Mê nam, Campuchia, Nam bộ của Việt Nam và phía Nam Miến Điện. Có thể hiểu gốm Phù Nam ở Thái Lan vùng duyên hải thuộc vương quốc Phù Nam thì nó chung nền văn hóa, giống nhau là đương nhiên. Ni-xi là nhà khoa học năng nổ, tận tình, đi với anh chỉ 4 ngày, hai anh em đều thích tiếu lâm nên quên cả mệt nhọc, lại học được bao nhiêu chuyện trên đời. Tôi đùa: Ở Nam bộ Việt Nam, đặc biệt ở châu thổ sông Cửu Long thì cần có khái niệm “văn hóa giồng gò”, anh cười ngặt nghẽo: “Đã có Văn hóa gò đồi, giờ lại nghe văn hóa giồng gò?”. Tôi giải thích: “Châu thổ sông Cửu Long không có đồi, chỉ có giồng gò, trên hầu hết giồng gò châu thổ này đều có vết tích văn hóa Óc Eo”. Rồi anh lại cười nhưng cũng gật đầu “Đều là cách gọi thôi. Khái niệm là do con người đặt ra mà!”. Năm 2013, trên bản tin thời sự của đài truyền hình Việt Nam có một thông báo: Nhà khảo cổ người Nhật làm việc tại Việt Nam Nishimura đã mất trên đường công tác...”. Tôi bàng hoàng. Kỷ niệm với anh còn ghi trong sổ tay của tôi. Đêm nằm ở khách sạn Chương Dương với anh, bao nhiêu câu chuyện về nghề, về đời, về những nền văn hóa, còn muốn được gặp lại anh để nói với nhau nghe chuyện trên trời dưới đất mà rất bổ ích đối với tôi. Nhưng... số phận thì biết làm sao nói được. Xin có nén hương lòng cầu nguyện anh siêu thoát. Xin chia buồn cùng chị Noriko - vợ anh cùng gia đình. Anh là người đã có nhiều cống hiến cho khảo cổ học Việt Nam, đặc biệt anh là người tìm ra khuôn đúc trống đồng và khuôn đúc tên đồng cho Việt Nam. Cầu cho chị và gia đình vượt qua nỗi đau quá lớn này.  

Trên vùng đất người Tiền Giang đang sống, cách nay trên dưới 1.500 năm, những công dân Phù Nam cũng đã từng sinh sống đến mấy thế kỷ. Có lẽ họ là lớp người đầu tiên định cư trên những giồng cao mới nổi lên chỉ vài ngàn năm, thậm chí chỉ vài trăm năm từ một vùng biển cạn. Họ chính là những người tiên phong trong việc chinh phục vùng đầm lầy của 9 dòng sông màu mỡ nhất của Đông Nam Á. Họ đã để lại trong lòng đất những thông điệp quý giá về lịch sử của vùng đất này. Lịch sử thì bao giờ cũng gồ ghề hơn chúng ta tưởng. Vào các thế kỷ: 6 và 7 sau Công nguyên, chiến tranh giữa các thuộc quốc và vương quốc nổ ra rất dữ dội, một tiểu quốc mạnh lên và thôn tính các tiểu quốc láng giềng, và thế, tiểu quốc mạnh lên ấy là Khmer. Rồi chính Khmer cũng chia thành hai vùng: vùng cao là Lục Chân Lạp nay thuộc vương quốc Campuchia; vùng thấp, đầm lầy là Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp với dân cư ít ỏi, sống rất thưa thớt, lại chiến tranh với Lục Chân Lạp, nên ngày càng hoang vắng, đến nỗi khi người Việt từ vùng Ngũ Quảng vào thì đây vẫn là vùng “Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp đua”. Cuộc chinh phục vùng đất đầm lầy này của người Việt diễn ra quyết liệt từ thế kỷ 17 đến nay, và trên đất này, cư dân châu thổ sông Cửu Long (chứ không phải đồng bằng vì nó có nhiều núi, đặc biệt ở An Giang) đang viết tiếp trang sử cho vùng đất được gọi là “mới” này.

Mỗi hiện vật thời Phù Nam hay còn gọi hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo (tên gọi do nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật năm 1944 tại Óc Eo núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo của tỉnh An Giang). Những hiện vật trong lòng đất nơi ta đang sống đều có những thông điệp về lịch sử của chính nó. Nó cũng đang kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về thời của nó. Chúng ta nên lắng nghe để dần hiểu về một thời rất xa. “Ôn cố tri tân” mà!

Tôi dở dở ương ương, chẳng biết là hạnh phúc hay tự đày đọa vì là người thích “đi tìm tiếng nói”, đi “nghe tiếng nói” từ các di vật của thời xa xưa ở vùng đất mà mình đang sống, giữa cái thời... “miếng cơm manh áo”.

Lê Ái Siêm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 88)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 130
  • Khách viếng thăm: 121
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 32151
  • Tháng hiện tại: 553431
  • Tổng lượt truy cập: 60903569