Soạn giả Yên Ba
Giác lớn lên trong một gia đình nghèo. Cha mất sớm khi Giác còn rất nhỏ. Má lo buôn bán rồi khá lên, mở được tiệm vàng, khi Việt Minh nắm chính quyền, má ủng hộ gần hết tài sản cho Việt Minh. Trong nhà có hầm trú ẩn cho cán bộ Việt Minh bám trụ. Ba anh em của Giác đều là trai, Giác là út. Người anh đầu theo các cán bộ đi vào chiến khu, làm Vệ quốc đoàn, trong thời chống Mỹ anh mang quân hàm Trung tá Quân y, bị thương, sau ngày giải phóng theo vợ về Nghệ An sinh sống và mất tại đó. Anh kế cũng theo giải phóng rồi hy sinh tại chiến trường. Nhà bị pháo địch bắn, tan nát. Mẹ anh vào chùa quy y.
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cậu bé Giác được bà Hoàng Thị Mỹ, cũng ở chợ Lầu, có chồng là người Pháp, nhận cậu làm con nuôi. Bà giúp cho cậu được ăn học, nhưng chỉ được một thời gian thì bà phải sang Pháp cùng chồng. Giác lại sống trong cảnh thiếu thốn ở cái chợ không lấy gì làm sung túc ở quận Bắc Bình thời những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954.
Khi sang Pháp, bà mẹ nuôi Hoàng Thị Mỹ giới thiệu cho Giác một người chị nuôi ở Sài Gòn. Thế là Giác khăn gói vào Sài Gòn, vừa đi học vừa kiếm tiền để tự nuôi sống mình. Cậu phải làm đủ thứ, từ đánh giày, bán thuốc lá dạo đến chạy bàn cho các quán ăn. Nhưng tiền kiếm được cũng chỉ cho phép cậu vào học trường bán công. Việc học vì thế chỉ giúp cậu có thêm kiến thức, chứ không giúp cậu tìm được một việc làm ra hồn. Vốn là người yêu nghệ thuật, Giác đến các đoàn cải lương tìm việc. Cậu gặp được các nghệ sĩ Thanh Minh, Thanh Nga, Út Trà Ôn... xin được làm chân kéo màn. Thấy cậu học trò khôi ngô, lanh lợi, một ông bầu đồng ý cho cậu được làm theo ý muốn.Kéo màn được một thời gian thì một hôm, do đầu óc đang nghĩ đâu đâu, cậu quên cả kéo màn để chuyển cảnh. Ông bầu đuổi cậu xuống hậu đài. Do nhỏ con, ốm yếu, làm hậu đài cũng không xong, cuối cùng thì cậu bị đuổi việc.
Túng quá, Giác xin chạy bàn cho một nhà hàng. Thấy cậu thật thà, đẹp trai, thông minh, lại gặp hoàn cảnh khó khăn nên bà chủ nhà hàng thương và nhận cậu làm con nuôi. Thế là Giác lại được tiếp tục đi học. Cậu học tới Đệ nhị (tức hết lớp 11 ngày nay) thì nhà hàng bị đóng cửa. Gia đình má nuôi về Quy Nhơn làm ăn, còn Nguyễn Hữu Giác thì theo một người thợ nấu của nhà hàng về đất Gò Công.Ở Gò Công, Nguyễn Hữu Giác về Gò Nổi (bên phà Mỹ Lợi) để tìm việc, nhưng chẳng có việc gì làm được lâu. Anh lại nhờ người thợ nấu đi xin việc khác, cuối cùng anh được làm thư ký cho làng Tân Quy. Một lần đi làm thẻ căn cước (loại chứng minh nhân dân ngày nay), anh gặp người con gái xinh đẹp, đó là Phạm Thị Hạnh, một người buôn bán ở chợ Hòa Đồng (nay gọi là chợ Vĩnh Bình, thị trấn của huyện Gò Công Tây), hai người cảm mến và đi đến hôn nhân. Ở Vĩnh Bình, anh bị bắt đi lính. Làm lính văn phòng được vài tháng thì anh bỏ trốn, về lại Sài Gòn kiếm sống. Ở Sài Gòn, anh quyết định phải “tầm sư học đạo” để gắn bó với sân khấu cải lương. Và rồi anh tìm đến Hà Triều và Hoa Phượng, hai soạn giả có tiếng ở Sài Gòn trong thập niên 60 của thế kỷ 20. Từ đây, cánh cửa đang mở ra với đời anh. Anh lấy những tháng năm lận đận của đời mình để cùng Hoa Phượng xây dựng một cốt truyện. Thế là thầy và trò: Soạn giả Hoa Phượng và anh chỉ mất vài tuần là có ngay kịch bản “Chuyến xe hôn lễ”. Kịch bản này được dàn dựng và ra mắt trên sân khấu Thủ Đô II, do Minh Phụng đóng vai chánh. Công chúng từng biết tên soạn giả Hoa Phượng, bây giờ biết thêm một soạn giả mới: Yên Ba, bút danh của Nguyễn Hữu Giác.
Năm 1965, sau thắng lợi của “Chuyến xe hôn lễ”, Yên Ba chuẩn bị cho một kịch bản mới. Lần này anh hợp soạn với Loan Thảo để cho ra đời “Tiếng hạc trong trăng”. Câu chuyện cảm động về chàng Bình Thiếu Quân dẫn em gái mù Xuyên Lan đi tìm Lý Bình Thanh để đưa thơ, nhưng khi đến thì gặp bọn cướp, may nhờ có hiệp sĩ Tô Điền giải cứu. Kịch bản này được các nghệ sĩ Thành Được, Thanh Nga, Thanh Sang, Hoàng Giang, Kim Giác, Tám Vân... thực hiện, đoạt giải Thanh Tâm (1966). Danh tiếng Yên Ba nổi lên từ đó.Nhận ra mình đã ở trong “làng sân khấu cải lương” vào thời điểm cực thịnh của miền Nam, Yên Ba dồn tất cả sức lực cho các kịch bản cải lương. Liên tiếp các kịch bản được hợp soạn, hoặc của riêng Yên Ba được ra đời. Vở “Cho trọn cuộc tình” của Yên Ba được diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương do nghệ sĩ Hùng Cường và Bạch Tuyết thủ vai chính, đã lay động mạnh trái tim khán giả hồi đó. Nội dung kể về bi kịch của gia đình Dũng - một võ sĩ quyền anh nổi tiếng đã “gác găng” phải sống ly thân với người vợ xinh đẹp và giàu có là Yến Lan. Khi Dũng không còn nổi tiếng, Yến Lan đi theo tiếng gọi của một tên “Sở Khanh”. Còn Dũng thì yêu thương cô bé Thúy An - một cô gái sinh ra trong một gia đình bất hạnh, phải ở viện mồ côi, trong lúc con riêng của Yến Lan là Thành từng yêu đơn phương Thúy An. Sau khi bị tên “Sở Khanh” lường gạt, xúi bán biệt thự mà Dũng tạo ra, Yến Lan muốn trở lại với Dũng. Nhưng đã muộn. Dũng tìm cách xa Thúy An cho Thúy An và Thành được yêu nhau. Một ngày nọ, Yến Lan trở về, thấy cây súng của tên “Sở Khanh” trong nhà, bà bắn tên Sở Khanh và bắn luôn cả Dũng khi Dũng ngăn bà lại. Tỉnh lại, bà đau đớn biết mình đã giết chồng. Bên cạnh, Thúy An và Thành đang khóc lóc xót thương cho Dũng. Vở này đã tạo ra sóng gió trên sân khấu cải lương Sài Gòn. Năm 1971, vở đoạt được giải Kim Khánh. Năm 1972, được khán giả bình chọn là kịch bản hay nhất do báo Sân khấu kịch trường tổ chức. Sau năm 1975, được Sài Gòn video sản xuất thành phim cải lương.
Ở quê vợ - Gò Công, năm 1970, đứa con trai đầu lòng của Yên Ba và Phạm Thị Hạnh ra đời. Niềm vui liên tiếp đến với anh. Anh càng dốc sức để cho ra đời nhiều kịch bản.Nhờ thế, tên tuổi Yên Ba trên sân khấu cải lương Sài Gòn ngày càng lớn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), soạn giả Yên Ba tiếp tục làm việc cho đoàn cải lương Phước Chung do nghệ sĩ ưu tú Thanh Hùng làm trưởng đoàn. Cuối năm 1980, anh xin nghỉ việc về quê vợ Gò Công Tây sinh sống. Anh mang theo chiếc xe tải nhỏ- vốn liếng hàng chục năm lao động nghệ thuật của mình - về chợ Vĩnh Bình (thị trấn huyện Gò Công Tây), định chở hàng ở chợ để kiếm sống hàng ngày. Nhưng giữa thời bao cấp, chẳng mấy ai thuê chở bằng xe hơi mà chỉ thuê xe ba bánh, vì thế mà anh đành bán xe, phụ vợ buôn bán và làm vườn tại vùng ven thị trấn. Anh sinh hoạt trong Chi hội Sân khấu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Tại đây, năm 1981, anh đã gặp soạn giả Châu Thanh đang công tác tại Sở Văn hóa Thông tin - người đã có nhiều bài ca cổ nổi tiếng từ trong chiến tranh. Hai người tài gặp nhau, tâm đầu hợp ý, cùng nhau hợp soạn vở “Tiên sa Gành Ráng”. Vở này trở thành kịch mục ăn khách của các đoàn cải lương tại Tiền Giang. Năm 1982, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thu hình và phát sóng nhiều lần. Những năm đầu sau giải phóng, có được một vở thu hình, phát sóng thật không dễ dàng.Năm 2001, anh trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà mà anh ở ẩn tại ấp Hạ, thị trấn Vĩnh Bình. Ngôi mộ được vợ con anh xây dựng trong khu vườn này. Anh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió của anh, người ta thấy cứ thấp thoáng đâu đó trong các kịch bản mà anh để lại cho nhân thế.
Ý kiến bạn đọc