Văn học Tiền Giang trong đời sống hiện đại

Đăng lúc: Thứ tư - 21/03/2012 15:13
Văn học Tiền Giang trong đời sống hiện đại

Văn học Tiền Giang trong đời sống hiện đại

Về bản chất và chức năng của văn chương đã có những quan niệm khác nhau. Văn chương có lúc được coi là tiếng nói của tình cảm, là sự tự biểu hiện, ký thác tâm tư, ước vọng của con người; có lúc được xác định là một hình thái ý thức, một công cụ nhận thức, phản ánh, miêu tả thực tại, là hình ảnh, bức tranh của đời sống; rồi có lúc văn chương lại được định danh là một loại hình nghệ thuật đặc biệt dùng ngôn từ làm phương tiện biểu đạt, là nghệ thuật ngôn từ v.v… Trong sáng tạo và khám phá văn chương cũng có những cách thức khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, mục đích, trình độ, khuynh hướng nhận thức và hoạt động của con người trong lĩnh vực này.

 Do cách thức sáng tạo và khám phá văn chương khác nhau nên ý nghĩa và giá trị của các tác phẩm văn chương cũng có nhiều mức độ khác nhau. Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn chương lại phụ thuộc vào sự khúc xạ của thời đại qua lăng kính của từng cá nhân người sáng tác hay của người
nghiên cứu.

Nói lên vấn đề này để chúng tôi không đề cập đến mức độ giá trị của từng tác phẩm văn học, mà nói chung về văn học /văn chương Tiền Giang trong đời sống hiện đại.

***

 Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển của hệ thống truyền hình, của internet, văn hóa nghe - nhìn phát triển rất nhanh, thậm chí lấn lướt văn hóa đọc. Các tác phẩm văn học có thể in hàng chục ngàn cuốn trong những năm
70 - 80 của thế kỷ trước, thì vào đầu thế kỷ này, người ta chỉ có thể in từ 1.000 đến 2.000 cuốn, thậm chí có tác phẩm chỉ in được 200-300 cuốn và chỉ để đem tặng. Như vậy, sách đang giảm dần. Màn hình vi tính và màn hình ti vi tăng lên nhanh chóng. Nhiều tác giả tìm đến các cách xuất bản khác: mở trang web, mở trang weblog, đánh máy, photo để nhân bản, ghi âm ghi hình, in tờ rơi, gởi tác phẩm đăng báo, đăng đài… với mục đích đưa tác phẩm văn học của mình đến với người khác. Vì vậy khó mà thống kê đầy đủ các tác phẩm văn học đã được các tác giả sáng tạo, cũng vì vậy khó mà đánh giá đúng chất lượng, mức độ giá trị của văn học, cũng như nhận diện chính xác tiến trình văn học của địa phương
­chúng ta.

Tuy nhiên, điều mà ai cũng có thể thừa nhận, đó là văn chương chịu sự tác động đầy uy lực của cuộc sống, và chính văn chương tác động trở lại cuộc sống, thậm chí điều chỉnh cuộc sống, bởi lẽ, văn chương là một thứ “hợp chất” của tư tưởng - nghệ thuật - ngôn ngữ, mà tư tưởng lại có chức năng hướng dẫn cuộc sống.

Các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh từng đưa ta về một vùng đất Nam bộ, mà ở đó cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới diễn ra quyết liệt, cái thiện cuối cùng đã chiến thắng cái ác. Nó điều chỉnh dù là gián tiếp con người của chúng ta, quan niệm về cuộc sống của chúng ta, không phải dưới góc độ chính trị, mà dưới góc độ văn hóa.

Trong thời kỳ bao cấp (1975 - 1985) tác phẩm văn học của chúng ta dường như chỉ một chiều ca ngợi. Sự ngợi ca đã tác động mạnh mẽ vào đời sống thường nhật của nhân dân lao động, nó tạo ra sức mạnh cảm hóa để con người nhìn về cái tốt đẹp. Lật các số báo Văn nghệ Tiền Giang, hay những trang báo Ấp Bắc, những đặc san của các ngành trong thời kỳ này chúng ta thấy các giọng điệu không xa nhau. Và như thế, nếu kéo dài thêm vài thập kỷ thì dù có hay cũng sẽ nhàm chán. Mặt khác, cuộc sống vốn có hai mặt. Mặt tiêu cực có thể bị khuất lấp đâu đó, nhà văn vẫn chỉ mải mê về sự bay bổng mà quên thực tại. Chúng ta nhớ lại, thời này dường như vắng tiểu thuyết. Vì sao? Vì tiểu thuyết đích thực là tiểu thuyết thì đòi hỏi quan niệm của nhà văn về cuộc sống và về văn học. Mà quan niệm riêng về cuộc sống, về văn học thì không dễ dàng gì. Trên tạp chí văn nghệ thời kỳ này chủ yếu là truyện ngắn, thơ, ký văn học, thảng hoặc mới có bút ký, cũng vẫn là chiều ngợi ca mà không đề đạt một điều gì. Có người nói đùa rằng: “Văn nghệ Tiền Giang chưa ra khỏi ngã ba Trung Lương”. Nhưng như thế không có nghĩa là phủ nhận những đóng góp to lớn của văn học Tiền Giang sau ngày giải phóng. Chúng ta hãy hình dung: mỗi tờ báo Ấp Bắc ra lò là có rất nhiều người ở vùng sâu vùng xa đón đọc, người phát hành báo gò lưng đến tận xóm ấp để báo sớm đến với độc giả hơn. Mỗi số của tạp chí văn nghệ là có rất nhiều bạn đọc bình phẩm bài này bài khác, có bạn đọc thuộc cả đoạn thơ hoặc bài thơ trong đó. Văn học đến với công chúng thật dễ dàng và có sự ảnh hưởng rõ rệt.  

Trong thời kỳ đổi mới (tức từ 1986, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XXI đến nay) hoạt động văn học ngày càng sôi động. Nét chủ đạo của thời kỳ này là công chúng chấp nhận mọi sự sáng tạo. Không chỉ riêng lĩnh vực Văn chương, mà cả nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, sân khấu, hội họa… đều có sự đổi mới, đa dạng, đa phong cách, cả tốt lẫn xấu. Bên cạnh những tác phẩm văn học đích thực, có những tác phẩm “mì ăn liền”, cùng với một thực tế này là những quy kết, suy diễn, làm cho bầu không khí sáng tác bị “nóng lên”. Lấy một ví dụ ở ngoài tỉnh: “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, không ít người phê phán, úp chụp. Điều đó không có gì lạ. Ngay những năm 60 của thế kỷ trước, “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du hay đến vậy, nhân bản đến vậy, mà vẫn có lời khuyên: “Làm trai chớ đọc Phan,Trần/Làm gái chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều”, bởi có người cho “Truyện Kiều” là “dâm thi”. Chưa bao giờ văn chương lại “trăm hoa nở rộ” như thời kỳ này.  Văn chương có được nhiều cách để trình làng (thông qua tạp chí của các Hội Văn học Nghệ thuật, các đặc san của ngành, báo chí từ trung ương đến địa phương, xuất bản sách, internet… và nhiều cách để xuất bản khác, có kiểm duyệt và không có kiểm duyệt), đến mức có người cho là “bát nháo”. Cái hay và cái dở lẫn lộn, có lúc bị đánh đồng. Xin trích dẫn một đoạn thơ của tác giả ngoài tỉnh, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong bài “Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông”:

Tôi hỏi một không tám không

Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?

Chị tổng đài giọng nhu mì

À nhiều màu lắm, vặt đi vẫn nhiều

Hình như là bạn đang yêu?

Không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên!

Hình như là bạn đang điên?

Vâng! Điên thì mới tốn tiền hỏi han

Xong xuôi hết bốn chín ngàn

Thì liệu có được cho là hay không? Có cần văn chương loại này không? Thì ra thời này “rác văn chương” cũng lắm.

May mắn là văn chương ở Tiền Giang không có trường hợp như vậy. Một bạn ở thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi rằng: “Văn chương Tiền Giang hiền quá” ý nói “lặng quá”, không tạo được một đợt “sóng dư luận” nào. Điều này hãy để cho những người cầm bút suy nghĩ.

***

Bên cạnh những đóng góp tích cực của văn chương vùng Tiền Giang vào đời sống xã hội, có một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là văn chương xa rời cuộc sống. Dường như có nhiều tác giả không muốn chạm tới đời sống thực, đời sống đang sôi động với những biến chuyển lớn lao để vươn tới những cái mới, cái tốt đẹp. Có cảm giác như văn chương hiện nay của vùng đất chúng ta đang né tránh những vấn đề trọng đại, những vấn đề bức xúc của đời sống, và đi tìm kiếm một phía khác, đó là sự tìm kiếm để đổi mới về hình thức và kỹ thuật của văn chương. Sự đổi mới hình thức là điều tối cần thiết. Chúng ta không thể hát mãi cái giọng của thế kỷ trước. Không có thứ nghệ thuật nào mà không cần đổi mới. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa về mặt hình thức - kỹ thuật đôi lúc biến văn chương thành trò chơi chữ cầu kỳ, trống rỗng.

Những năm gần đây, chúng ta được đọc những “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường …, và gần nhất là “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, những tác phẩm đã làm nóng bầu không khí sáng tác. Những góc cạnh, ẩn khúc của cuộc sống được nhà văn đưa ra, không ít khen chê, nhưng nó đã tạo ra sức lôi cuốn mới, khiến người đọc trăn trở. Văn chương tác động vào cuộc sống thường ngày là thế.

Thấy người lại ngẫm đến ta. Đất Tiền Giang đã sản sinh ra Nguyễn Hữu Huân, Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi, Hoàng Tố Nguyên, Bảo Định Giang v.v… vậy mà có những thập kỷ “thầm lặng”. Xét cho cùng, để có tác phẩm hay cần phải có tài năng. Mà tài năng lắm lúc là sự huyền bí, bất ngờ, không nói trước được. Hãy phấn đấu và hy vọng những đột biến ở vùng đất văn học này.                                                                             
Lê Ái Siêm
(Theo Tuyển tập LLPB VHNT TG)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Phuong Thanh - Đăng lúc: 24/10/2012 07:58
cho minh xin may bai tho ve Mi Tho_ Tien Giang di may ban!!!!

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 390
  • Khách viếng thăm: 386
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 66873
  • Tháng hiện tại: 2231533
  • Tổng lượt truy cập: 46198766