Hình ảnh dòng sông trong một số bài thơ Đường

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/07/2012 08:30
Hình ảnh dòng sông trong một số bài thơ Đường

Hình ảnh dòng sông trong một số bài thơ Đường

Những hình ảnh thiên nhiên, trong thơ Đường, phần nhiều là nét điểm xuyết cho cảnh tượng thời gian. Tuy nhiên, cũng có những hình ảnh xuất hiện, mang ý nghĩa tương đối độc lập và chiếm tỷ lệ khá cao trong các bài thơ. Tiêu biểu là hình ảnh Dòng sông(*).

Có lúc, nó đi vào trang thơ với tên gọi cụ thể, những cái tên đủ khiến người dân Trung Quốc tự hào: Trường Giang, Hoàng Hà, Mịch La, Dịch Thủy, sông đất Thục, dòng nước Trường An… Những dòng sông ấy gắn liền tuổi tên bao con người bất tử: Lý Bạch (Thiên mạt hoài Lý Bạch - Đỗ Phủ), Kinh Kha (Dịch thủy tống biệt - Lạc Tân Vương)… Nó gắn liền với tình bạn cảm động, lớn lao, cao đẹp (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch), hay gợi nhớ những miền đất một thời giàu có, phồn hoa: đất Thục, Trường An (Lệ nhân hành - Đỗ Phủ; Trường hận ca - Bạch Cư Dị),… Tình cảm lớn của các nhà thơ khi ấy cũng tràn trề như dòng sông lớn.

Còn những dòng sông khác lại gợi ra nỗi ám ảnh về thời gian. Đó là "sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài" (Đằng cương các - Vương Bột), là "sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, cuồn cuộn chảy ra biển không trở lại" (Tương tiến tửu - Lý Bạch). Có khi qua sự liên tưởng: "người xưa người nay như nước chảy" (Bả tửu vấn nguyệt - Lý Bạch). Lúc này, sông nước và dòng chảy triền miên của nó đã trở thành biểu tượng cho dòng thời gian trôi đi, không bao giờ trở lại. Các nhà thơ soi bóng nước, cảm thấy niềm vui qua nhanh, hạnh phúc không đến hai lần và tự an ủi mình tạm sống vui với hiện tại.

Có khi, dòng sông lại gợi ấn tượng về con đường đời, về thời cuộc. Lý Bạch nhìn những người kéo thuyền trên sông, thấy "nước đục không uống được" mà lòng tan nát, "lệ trào như mưa" (Đinh đô hộ ca). Ông nhìn "sóng cuộn ngược dòng" mà thấy "đường xứ Thục khó đi hơn cả lên trời xanh" (Thục đạo nan). Ông chạnh nghĩ đến sông "Tang Càn, sông Thông Hà" mà kinh hãi cho cảnh chiến trường phơi xương trắng (Chiến thành nam). Đỗ Phủ, từ kinh đô về huyện Phụng Tiên, nhận ra "dòng sông rộng, không thể vượt được", có bao người khốn khổ, bao người chết trơ xương (Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự).

Những dòng sông Trung Quốc đa phần hùng vĩ, sóng to, nước xiết. Chuyện đi lại ngày xưa nhọc nhằn, cách trở đò ngang. Binh đao loạn lạc kéo dài bao thế kỷ… Có lẽ, hoàn cảnh sống ấy khiến các nhà thơ dễ hình dung dòng sông như con đường đời, đầy nỗi khổ đau và tai họa. Dòng sông ấy có một phần nước mắt cảm thương tuôn chảy của những tấm lòng thơ.

Ở góc độ khác, dòng sông mênh mông khiến cho đất thêm dài, trời thêm rộng. Vũ trụ bao la bao nhiêu, con người càng bé nhỏ, cô đơn và đau khổ bấy nhiêu.

Liễu Tông Nguyên lại vẽ ra dòng sông buốt giá cùng một nỗi cô đơn:

"Thiên sơn điểu phi tuyệt

Vạn kinh nhân tung diệt

Cô chu thôi lạp ông

Độc điếu hàng giang tuyết"

                           (Giang Tuyết)

(Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng

Trên đường muôn ngả, dấu người vắng tanh

Thuyền trơ trọi, ông già nón lá áo tơi

Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh)

                           (Tuyết trên sông)

Bài thơ là một bức tranh thủy mặc: cảnh tượng đẹp trong hoang vắng và hiu hắt. Vũ trụ bao la đến độ không một dấu chân người, không một cánh chim bay. Thời gian như đóng băng. Con người hiện diện đấy, lặng lẽ và trơ trọi, mặc cho tuyết rơi đầy trên sông lạnh. Bài thơ gợi ra nhiều liên tưởng: Hữu hạn và vô hạn, con người và vụ trụ, hội họa và thi ca… Sức hấp dẫn đầy mê hoặc của bài thơ phần lớn vì sự hiện diện của dòng sông. Nỗi cô đơn vủa con người cũng hằn lên vì sự lạnh vắng của dòng sông.

Dòng sông khiến con người thấm thía nỗi cô đơn thì cũng chính nó đưa những con người tha hương tìm lại quê nhà. Không ít hình ảnh dòng sông gắn liền với nỗi nhớ cố hương. Thử hỏi, có dòng sông nào mang nỗi sầu thiên cổ đến dường này:

"Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu"

                        (Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu)

Mặt trời lặn khuất đã đủ làm người mủi lòng nhớ quê, xui khiến làm chi thêm dòng sông đầy khói sóng, để nỗi buồn chất ngất thêm. Hay trước cảnh "lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm", người xa quê tuôn lệ, "buộc mối tình nhà với con thuyền quạnh hiu" (Thu hứng - Đỗ Phủ). Nhìn "dòng sông dằng dặc, nước cuồn cuộn trôi", có kẻ một mình lên đài cao, xót thân thường nơi đất khách" (Đăng cao -  Đỗ Phủ). Còn bao nhiêu bài thơ nữa đã mượn hình ảnh dòng sông, để những đứa con lưu lạc gởi lòng thương nhớ theo sóng nước, tìm lại gia hương. Tâm lý sáng tạo này có lẽ bắt nguồn từ một tình cảm sâu sắc: quê hương ai cũng có một dòng sông, dòng sông tắm mát tuổi thơ, dòng sông gợi niềm khao khát phiêu bạt giang hồ… Số phận đẩy đưa, bao người trôi theo những dòng sông lạ, để rồi sóng gió trái ngang chắn nẻo trở lại quê nhà.

Hiện diện trên mọi nẻo đường, tồn tại mãi với không gian và thời gian, dòng sông trở thành hình ảnh thuộc loại đặc sắc nhất trong thơ Đường. Các nhà thơ thích tìm cảm hứng từ dòng sông, bởi nó có thể chuyên chở nhiều ý nghĩa sâu xa: là dòng hoài niệm, dòng thời gian, dòng đời, là đất rộng trời dài, là dòng cảm xúc cô đơn, sầu nhớ quê hương.

(*) Dựa vào tập Thơ ca cổ điển Trung Quốc (GS. Lương Duy Thứ và GS. Nguyễn Lộc biên soạn, Hội Nghiên cứu và giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 1997), chúng tôi thống kê được 22/49 bài, tỉ lệ 45%, với 24 lần được nhắc.

Võ Phúc Châu
(Theo VNTG số 6)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 98
  • Khách viếng thăm: 97
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 53623
  • Tháng hiện tại: 2253912
  • Tổng lượt truy cập: 48628039