Cầm cuốn sách nhỏ trên tay, tôi nửa thật nửa đùa với Nguyễn Kim: Ông và Phạm Chí giống người già hiếm muộn. Gần 60 mới có con đầu lòng. Chẳng phải bà mẹ làng Gióng ướm vào dấu chân lạ mà nhờ hỗ trợ của Hội VHNT Tiền Giang mới được vậy nè!
Nguyễn Kim cười không nói gì. Cái tính thâm trầm, nói năng chậm rãi ấy đã đi vào 16 tác phẩm trong tập sách “Cây sơ-ri ly hương” của anh. Người sao văn thế, giống in đúc!
Tập truyện kí tụ hợp những trang viết của Nguyễn Kim đã đăng trên các tờ báo và tạp chí. Giờ gom lại, xếp đặt liền mạch, cho ta nhận rõ chân dung tâm hồn, cái văn phong của Nguyễn Kim.
Trước hết là lối viết rất ngắn, đúng là truyện ngắn! Có truyện chỉ độ hai trang, cỡ ngàn chữ. Có truyện chỉ như mẩu chuyện đời thường, pha chất báo chí. Nếu xem truyện ngắn là những “lát cắt” đời sống đời người thì truyện của Nguyễn Kim là lát cắt rất mỏng. Đọc chỉ vài phút là xong, như gắp tí mồi đưa cay khà cái vẫn thòm thèm! Thế mạnh của anh là chọn chi tiết làm điểm nhấn. Ví như cái nón nỉ cũ bị bà béo khinh bỉ ném đi. Ví như ba triệu đồng cậu học trò cũ tên Hùng từ Đồng Tháp lặng lẽ gởi thầy. Khác xa với bốn anh từ thành phố, rổn rảng khoe giàu, bốc tan vèo như bọt bia họ đang uống! Chi tiết như dấu hỏi lắng neo trong lòng bạn đọc để sau chuyện vẫn băn khoăn day dứt dư ba.
Ngôn ngữ của Nguyễn Kim mang sắc thái ngôn ngữ bình dân Nam bộ. Từ ngữ địa phương lẫn cung cách nói, ngữ điệu, nhịp điệu đặc sệt Tây Nam bộ! Hành văn, lối kể từ tốn chậm rãi giống cách tâm tình của tác giả thường ngày. Khí tạng Nguyễn Kim là như thế.
Kiểu tâm trạng nhân vật, lối chiêm nghiệm cuộc đời, lẽ sinh tử trong 16 tác phẩm là của con người từng trải quá nửa đời chìm nổi điêu linh. Một con người không may mắn, đã tha hương, đang tha hương và sẽ còn tha hương. Dù lực bất tòng tâm vẫn tha hương - ly hương trong tư tưởng như Ba-Sô: “Nằm bệnh giữa cuộc lãng du, mộng hồn còn phiêu bạt, những cánh đồng hoang vu”.
Nguyễn Kim không có tài tả cảnh phụ họa tâm trạng, không có những đoạn văn miêu tả tâm lí nhân vật khiến ta phải ngẩn ngơ, phải dừng lại, đọc đi đọc lại. Nhưng anh có chi tiết ấn tượng, có lối hành văn dung dị thâm trầm mang hơi thở đời sống con người đồng quê Tây Nam bộ. Đặc biệt sức thu hút ở đề tài quê hương, ý tưởng thông điệp gởi trong từng trang viết. Hai truyện tròn trịa, ý nghĩa đa tầng là: “Chuột” và “Cây sơ-ri ly hương”. Nguyễn Kim nhói đau trước cái ác lộng hành mà người phẫn uất có lương tâm lại “bó tay” vì tiền “cỏm” lực kiệt; đau thương tiếc nuối trước cảnh đô thị hóa lợi chưa thấy đâu nhưng cây bị “giết” chết, hồn quê bị ngàn triệu tấn bê-tông đè lên như Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn. Cây cối, đất ruộng phù sa là linh hồn, là da thịt của miền Tây Nam bộ. Cắt xén đi, phủ bê-tông lên nghĩa là lìa hồn cha ông, là ngày sau đói nghèo. Tiền bạc lạm phát nhưng đất phù sa không bao giờ mất giá. Không, nói vậy chưa chính xác! Nó là vô giá. Bởi nó kết đọng máu, mồ hôi ngàn triệu lớp người đi mở cõi. Nó có sức cảnh tỉnh mạnh mẽ!
Nguyễn Kim đã chạm đến vấn đề bức xúc đương thời. Anh tiên cảm được sự linh thiêng của hồn quê, hồn Việt. Tiếng gọi trở về giống như lực HƯỚNG TÂM giúp con người tìm thấy chính mình, lấy lại thanh thản bình tâm, khi biết bao người xứ Gò Công nói riêng, người Việt Nam phải LY HƯƠNG, tha phương vì mưu sinh, vì quy luật khách quan cuộc sống.
Gấp cuốn sách lại, mắt tôi ươn ướt. Hình như lòng tôi nghe nhoi nhói một miền quê? Là mẹ đó. Có mẹ để nhớ thương là hạnh phúc dù nước mắt rơi. “Không có quê hương, ta về, ta về đâu?”.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc