Hồ Biểu Chánh - Kho tiểu thuyết khổng lồ của đất phương Nam

Đăng lúc: Thứ ba - 29/11/2011 15:02
Nhà văn Hồ Biểu Chánh

Nhà văn Hồ Biểu Chánh

I. SỐ PHẬN PHẢI LÀM QUAN

Ngày 01-10-1885, tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công nay thuộc tỉnh Tiền Giang, cậu bé Hồ Văn Trung (nhà văn Hồ Biểu Chánh) đã cất tiếng khóc chào đời. Dù sinh trưởng trong một gia đình nông dân, nhưng nội tổ của Hồ Biểu Chánh ngày trước từng là người khai ấp lập làng, trong bảng vị Tiên hiền của làng Bình Thành có thờ nội tổ của Hồ Biểu Chánh. Thân phụ của Hồ Biểu Chánh cũng từng tham dự trong ban Hội hương chánh, sau đó lên chức Hương chủ, rồi đến Chánh bái. Với điều kiện gia đình như vậy, Hồ Biểu Chánh được học hành đàng hoàng hơn so với những đứa trẻ cùng làng. Năm lên 8 tuổi, ông theo học chữ nho tại trường làng Bình Thành, được các thầy đồ đánh giá là thông minh sáng dạ hơn người.

Đến năm Hồ Biểu Chánh 12 tuổi, cha mẹ ông rời quê đến chợ Giồng thuộc làng Ông Huê sinh sống. Lúc này, Hồ Biểu Chánh chuyển sang học chữ Quốc ngữ và Pháp văn tại trường Vĩnh Lợi. Sau đó, được cấp học bổng để vào trường trung học Chasseluop-Laubat ở Sài Gòn. Có lẽ từ thời điểm ấy, cuộc đời ông chuyển sang một bước ngoặt lớn. Học giỏi, thông minh, tinh tế và hiếu động, trong học tập cũng như trong cuộc sống, Hồ Biểu Chánh luôn là cậu bé thích khám phá và tìm tòi. Chuyện học hành, thầy giáo truyền đạt một, ông tự tìm hiểu đến mười. Cuối năm 1905, ông thi đậu Thành Chung, còn gọi là Diplôme de fin déludé. Năm 1906, ở tuổi 21, Hồ Biểu Chánh bắt đầu sống cuộc đời công chức.

Từ năm 1906 đến năm 1912, Hồ Biểu Chánh tòng sự tại dinh Hiệp Lý. Tại đây, ông được dân yêu mến bởi có chức sắc nhưng không lấy quyền lực mà hà hiếp người yếu thế. Ông luôn trọng nhân trọng nghĩa, dù phải ngồi trên chiếc ghế của thực dân Pháp. Từ năm 1912 đến năm 1914, chỉ trong vòng 2 năm, Hồ Biểu Chánh phải tòng sự ở nhiều nơi. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Long Xuyên là những nơi ông phải trông nom về hành chính. Đến năm 1919, ông được cử về làm việc tại Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Cứ tưởng đã ổn định một nơi, giữ mãi một việc một chức, nào ngờ đến năm 1920, Hồ Biểu Chánh lại chuyển sang làm việc tại văn phòng Thống đốc Nam kỳ. Được một năm, ông đâm đơn thi và vừa bước sang năm 1921, ông đã thi đỗ chức Tri huyện. Nhờ vậy nên từ năm 1921 đến năm 1927, ông đã thăng đến chức Quận trưởng quận Càng Long nay thuộc tỉnh Trà Vinh và giữ mãi chức ấy trong nhiều năm. Đến năm 1932, Hồ Biểu Chánh được điều về Ô Môn (nay thuộc thành phố Cần Thơ) làm Quận trưởng. Được 2 năm, đến năm 1934, Hồ Biểu Chánh lại chuyển sang Phụng Hiệp (Cần Thơ) làm Quận trưởng. Năm 1936, Hồ Biểu Chánh lại được thăng lên chức Đốc phủ sứ.

Hồ Biểu Chánh giữ chức Đốc phủ sứ được một năm. Đầu năm 1937, ông muốn rút lui khỏi “chiếc ghế” quan chức một cách quyết liệt bởi ông thấy mình quá mệt mỏi với cuộc đời công chức. Vì tính đến thời điểm đó, ông đã sống cuộc đời công chức đến 31 năm. Cho nên khi đâm đơn xin nghỉ hưu, ông đã được Chính phủ Pháp chấp thuận ngay. Khổ thân ông Đốc phủ sứ Hồ Biểu Chánh, xin từ chức đã được Chính phủ chấp thuận, nhưng ông vẫn không rời được “chiếc ghế” quan trường. Vì chưa có người thay thế vị trí mình, Hồ Biểu Chánh đành phải tại chức cho đến năm 1941 mới được thôi việc. Xem như phải mất đến 4 năm từ khi đưa đơn đến lúc nghỉ hẳn, Hồ Biểu Chánh mới chính thức được nghỉ hưu. Nhưng chỉ được tự do ít hôm, ngày 4 tháng 8 năm 1941, chính quyền Pháp lại cử Hồ Biểu Chánh làm Nghị viên Hội đồng Liên bang Đông Dương. Rồi, những ngày tháng cuối năm 1941, Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập thành một, Hồ Biểu Chánh lại bị ép buộc và cử làm Nghị viên trong Ban quản trị Sài Gòn - Chợ Lớn cho đến năm 1945.

Xem như từ ngày được Chính phủ Pháp chấp thuận cho nghỉ hưu, phải mất đến 9 năm, Hồ Biểu Chánh mới thoát được cuộc đời công chức. Phải chăng vì vậy nên đến năm 1946, khi vừa rời khỏi chiếc ghế quan chức, Hồ Biểu Chánh đã vội vã quay về cố hương tại Gò Công sống cuộc đời dân dã.

II. CÁI NGHIỆP PHẢI VIẾT VĂN 

Thuở thiếu thời, Hồ Biểu Chánh đã tập tành viết văn. Những tác phẩm ông sáng tác xong, thường nằm sâu dưới đáy rương, nhưng ông vẫn thích viết, vẫn thích vẩn vơ với câu chữ. Năm 1906, bỗng dưng nổi lên phong trào công chúng đua nhau đọc sách dịch của Tàu (Trung Quốc). Hồ Biểu Chánh thấy mình cần phải học thêm chữ Nho để đọc trực tiếp sách Tàu. Ông tìm đến một người bạn học am hiểu chữ nghĩa Trung Quốc để nhờ chỉ dạy hàng ngày. Học chẳng bao lâu, trình độ chữ Nho của Hồ Biểu Chánh tiến bộ khá rõ rệt. Ông tìm và chọn đọc những truyện hay trong bộ Tình sử, Kim cổ kỳ quan… một cách say sưa và thích thú. Vừa đọc, Hồ Biểu Chánh vừa nghiền ngẫm, nghiên cứu từng câu chữ, từ cấu trúc đến ý tứ… của từng tác phẩm.

Để sau đó, ông tự dịch những truyện hay khi đọc xong ra chữ Quốc ngữ cho bạn bè cùng đọc. Không chỉ dịch, Hồ Biểu Chánh còn đặt nhan đề hẳn hoi, rất riêng biệt so với những người khác dịch. Dù Hồ Biểu Chánh đã dịch được quyển Tân soạn cổ tích khá nổi tiếng nhưng ham muốn được làm công việc sáng tác luôn thôi thúc ông. Từ sự đam mê ấy, Hồ Biểu Chánh đã bắt tay vào viết truyện dài với tựa đề là U Tình Lục.

Thời điểm đó, Trần Chánh Chiếu lại cho xuất bản cuốn Hoàng Tổ Anh hàm oan gây xôn xao dư luận vì đây là loại tiểu thuyết tình cảm, những nhân vật trong truyện là những con người của lục tỉnh. Họ sống rất Nam bộ, làm việc theo kiểu Nam bộ… đặc biệt yêu cũng rất Nam bộ. Nhưng khi đọc xong tiểu thuyết ấy, Hồ Biểu Chánh lại nghĩ hoàn toàn trái hẳn với cách hành văn của Trần Chánh Chiếu. Nếu đặt bút viết với nội dung như vậy, Hồ Biểu Chánh sẽ viết khác. Vì theo ông, truyện viết bằng văn xuôi bao giờ cũng dễ đọc hơn văn vần. Do trình độ dân trí chưa cao, tác phẩm thể hiện như vậy sẽ kén người đọc, độc giả không có khả năng cảm thụ thì xem như tác phẩm ấy đã thất bại.

Thế là Hồ Biểu Chánh tập tành viết truyện theo dạng văn xuôi. Những đề tài và nội dung trong tác phẩm của ông thường mô phỏng từ những truyện ở tận bên Tây và bên Tàu. Khi viết xong được tác phẩm nào, Hồ Biểu Chánh đều gửi đến báo chí. Ông không thể tin là mình viết truyện nào báo chí đều đăng ngay lấy truyện ấy. Để rồi như một động lực thúc đẩy Hồ Biểu Chánh lao đến nghiệp văn chương, một cách đầy sáng tạo và hăng say. Dù đang trong thời kỳ tập sự, nhưng Hồ Biểu Chánh đã cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết được độc giả đón nhận nồng nhiệt: Ai làm được (1922), Chúa tàu Kim Quy (1922), Vì nghĩa vì tình (1929), Cha con nghĩa nặng (1929), Khóc thầm (1930), Con nhà giàu (1931), Chút phận linh đinh (1931).

Ngay cả trong thời kỳ còn tại chức, từ năm 1932 - 1945, Hồ Biểu Chánh đã viết miệt mài với 4 vở hát bội, 3 vở cải lương và 25 cuốn tiểu thuyết. Những ngày về hưu sống ở Gò Công, qua 9 năm, Hồ Biểu Chánh đã viết gần 20 cuốn tiểu thuyết. Bên cạnh viết tiểu thuyết, ông còn nghiên cứu văn học, lý luận, tôn giáo… Đến năm 1954, ông chuyển sang viết những tác phẩm mang tính khảo cứu về lịch sử, về tôn giáo, về văn học. Những quyển sách này không những có giá trị trong thời kỳ ấy mà hiện nay còn được lưu trữ ở một số thư viện trên cả nước. Đó là những quyển sách có giá trị về văn hóa Nam bộ, được ghi chép lại trong thời kỳ vùng đất mới còn hoang sơ. Cái hay của Hồ Biểu Chánh là viết rất thực, thực như người Nam bộ trong thời kỳ đi mở cõi, vẫn một giọng văn chất phác và gần gũi của người Nam bộ trong tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Về đề tài, khác hẳn với tiểu thuyết kinh điển, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không theo lối mòn của những người cầm bút trước đây. Ông không đặt ra những vấn đề như  tài và mệnh luôn luôn đối lập nhau, hiếu và tình luôn xung đột nhau. Cốt truyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng rất đời thường. Đường dây dẫn chuyện thường mang tính phiêu lưu, khám phá. Tình tiết của những câu chuyện trong tiểu thuyết của ông tuy đau đớn nhưng rất lãng mạn và trữ tình. Nếu là độc giả thường xuyên của Hồ Biểu Chánh, người ta sẽ dễ dàng nhận ra tác phẩm của ông phải có cảnh chết chóc thương tâm. So với những nhà văn khác cùng thời với Hồ Biểu Chánh, ông luôn có lối đi riêng khác biệt.

Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không mô tả nhân vật theo lối cũ, những hạng người quý phái trưởng giả, những tầng lớp được xã hội đương thời kính trọng. Ông cũng không thích mượn những hình ảnh về những câu chuyện nơi phồn hoa đô hội để đưa vào tác phẩm. Ông thường đưa người đọc quay về nông thôn như đưa độc giả đi quan sát, ngắm nhìn đồng ruộng, dòng sông, con đò, lũy tre… nơi thôn dã. Những nhân vật trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thường là những người đang còn sống bên lề của thời đại văn minh, chưa biết đến những phát minh mới lạ của khoa học công nghệ. Phần đông, họ chưa bị cám dỗ, chưa bị lôi cuốn bởi sự xa hoa nơi thành thị. Những nhân vật này lại được Hồ Biểu Chánh khắc họa rất sâu sắc, rất đặc biệt, bởi họ là những người thật thà và chất phác. Cuộc sống tình cảm của họ không rạo rực và mãnh liệt như những tiểu thuyết đương thời khác. Vì vậy, độc giả đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thường như đọc tâm tình của nhân vật trong bối cảnh cuộc sống êm đềm, lặng lẽ ở miền quê.

Trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Biểu Chánh, những hình ảnh mới của giai cấp công nhân luôn được khắc họa. So với hình ảnh người nông dân, nhiều khía cạnh của đời sống công nhân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn khá hạn chế. Nhưng ít nhiều, Hồ Biểu Chánh cũng đã gửi đến độc giả bao nỗi trăn trở của người công nhân, một giai cấp luôn bị chủ ngược đãi và sự tiến bộ của khoa học đè nặng. Họ là một giai cấp mới luôn bị phát sinh mâu thuẫn do phải rơi vào đời sống kỹ thuật hiện đại, phải tập trung ở các khu đô thị văn minh nhưng trình độ lại hạn chế.

Về cách viết, Hồ Biểu Chánh luôn tìm cho mình một hướng đi riêng biệt, khác lạ. Văn của Hồ Biểu Chánh thường dùng chữ Nho đan xen vào những từ nói mang tính đài các. Không chỉ có vậy, độc giả còn tìm thấy ở cách viết của Hồ Biểu Chánh theo lối biền ngẫu, dùng nhiều điệp từ, điệp ngữ để đưa vào văn xuôi. Những đoạn văn vần vô lối cũng thường xuất hiện trong tác phẩm của ông. Người đọc lại thấy hay, thấy thích thú theo lối chơi chữ đó của Hồ Biểu Chánh trong tác phẩm. Có lẽ, Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên phá vỡ cái khuôn khổ văn chương vốn đài các và sang trọng trước đó để mở lời thoại cho những nhân vật của mình bằng những ngôn ngữ đơn sơ, chất phác. Đôi khi, từ ngữ ông dùng trong tiểu thuyết cũng thô mộc, lần đầu tiên trong tiểu thuyết Việt Nam, độc giả tìm thấy giữa bạn bè, giữa chồng vợ lại có cách xưng hô bình dân đến độ chỉ có “mày” và “tao”.

Ngoài ra, Hồ Biểu Chánh là một trong những văn sĩ miền Nam dùng tiếng địa phương khá nhiều, giọng văn tự nhiên như nói nên khi đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, người đọc sẽ rất dễ dàng cảm nhận ra từ những quyển tiểu thuyết ấy như một kho sách về ngôn ngữ đời thường, vì  những kiểu nói đặc sắc Nam bộ. Một phần do cách dùng từ láy rất riêng và đầy lý thú của người Nam bộ được Hồ Biểu Chánh phát hiện và đưa vào tác phẩm. Một cái riêng khác nữa cũng rất đặc biệt ở Hồ Biểu Chánh đó là về diện mạo khẩu ngữ Nam bộ khi đã đưa vào văn học, để rồi qua những từ láy ấy đã trở thành ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh: Ngồi chồm hổm, nằm dàu dàu, nằm không cục cựa, ngồi ngó cững, đầu chơm bơm, đứng dụ dự, đi lầm lũi, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, ngó chừng xăn văn xéo véo, rục rịch bên chơn, mạch chảy xoi xói, đôi mắt láo liên, trong nhà nhô nháo, lỗ tai lùng bùng…

Điểm qua các đầu sách của Hồ Biểu Chánh, độc giả có thể tính trung bình mỗi năm ông cho ra đời gần 2 cuốn tiểu thuyết. Mặc dù có năm Hồ Biểu Chánh không ấn hành quyển nào, nhưng cũng có khi, một năm ông đã xuất bản đến 5 tác phẩm. Điển hình năm 1935, Hồ Biểu Chánh đã cho ra mắt độc giả đến 6 tiểu thuyết: Ở theo thời, Ông Cử, Một đời tài sắc, Cười gượng, Dây oan, Thiệt giả - giả thiệt. Thế nhưng khoảng thời gian ấy, Hồ Biểu Chánh vẫn chưa viết sung sức bằng những ngày cuối đời. Năm 1957, Hồ Biểu Chánh cho ra đời đến 9 tiểu thuyết: Trong đám cỏ hoang, Vợ già chồng trẻ, Hạnh phúc lối nào, Sống thác với tình, Nợ tình, Đón gió mát nhắc người xưa, Chị Đào chị Lý, Nợ trái oan, Tắt lửa lòng. Đến năm 1958, tiểu thuyết cuối cùng Hi sinh Hồ Biểu Chánh đang viết lỡ dở nửa chừng thì ngày 4-9 ông qua đời.

III. KHO TIỂU THUYẾT CỦA ĐẤT NAM BỘ

Hồ Biểu Chánh sáng tác văn học rất nhiều, ngoài 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 28 tập khảo cứu và phê bình thì ông đã để lại một khối lượng tiểu thuyết đồ sộ mang đậm chất Nam bộ: Ai làm được, Ái tình miếu, Bỏ chồng, Bỏ vợ, Bức thư hối hận, Cay đắng mùi đời, Cha con nghĩa nặng, Chị Đào chị Lý, Chúa tàu Kim Quy, Chút phận linh đinh, Con nhà giàu, Con nhà nghèo, Cư Kỉnh, Cười gượng, Đại nghĩa diệt thân, Dây oan, Đỗ Nương Nương báo oán, Đóa hoa tàn, Đoạn tình, Đón gió mới nhắc chuyện xưa, Hai chồng, Hai khối tình, Hai vợ, Hạnh phúc lối nào, Kẻ làm người chịu, Khóc thầm, Lá rụng hoa rơi, Lạc đường, Lẫy lừng hào khí, Lời thề trước miễu, Mẹ ghẻ con ghẻ, Một chữ tình, Một đời tài sắc, Một duyên hai nợ, Nam cực tinh huy, Nặng bầu ân oán, Nặng gánh cang thường, Ngọn cỏ gió đùa, Người thất chí, Nhơn tình ấm lạnh, Những điều nghe thấy, Nợ đời, Nợ tình, Nợ trái oan, Ở theo thời, Ông Cả Bình Lạc, Ông Cử, Sống thác với tình, Tại tôi, Tân Phong nữ sĩ, Tắt lửa lòng, Thầy thông ngôn, Thiệt giả - giả thiệt, Tiền bạc - bạc tiền, Tìm đường, Tình mộng, Tơ hồng vương vấn, Trả nợ cho cha, Trọn nghĩa vẹn tình, Trong đám cỏ hoang, Từ hôn, Vì nghĩa vì tình, Vợ già chồng trẻ, Ý và tình.

Tất cả những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, đề tài phần lớn là cuộc sống Nam bộ từ thành thị đến nông thôn. Ông đã phản ánh và khắc họa lại bối cảnh xã hội vào những năm đầu thế kỷ XXI. Ngày nay đọc lại tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, độc giả vẫn còn tìm thấy những câu chuyện rất xúc động, được diễn đạt nôm na, bình dị. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã bước qua chặng đường của thế kỷ XXI, nhưng độc giả đã dễ dàng nhận ra ở ông nhiều điều thú vị. Bởi, những tác phẩm giá trị ấy của Hồ Biểu Chánh vẫn còn góp sức to lớn trong việc hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường hiện đại. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã góp phần cho tiếng Việt thêm phong phú, mang đậm nét đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Độc giả ngày nay, họ ít khi tìm thấy ở những tiểu thuyết đương đại như một chuyến đò chở đầy phong tục tập quán Nam bộ bằng chữ, bằng ngôn từ như là độc giả đã tìm thấy ở tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh đã vượt thời gian và sống mãi với mọi thời đại. Nhưng rất tiếc và trớ trêu, những tiểu thuyết này theo giới chuyên môn thời ấy, họ xếp lại thể loại tiểu thuyết mô phỏng theo các tác phẩm kinh điển của đại văn hào thế giới. Còn đối với nhà văn Hồ Biểu Chánh, các tiểu thuyết này là trong thời kỳ đầu ông sáng tác và bắt tay vào con đường khởi nghiệp văn chương.

Ai làm được (1912) - là tác phẩm đầu tay của Hồ Biểu Chánh đã bị giới nghiên cứu và giới lý luận phê bình văn học thời điểm ấy đánh giá có một vài tình tiết mô phỏng theo tác phẩm Andre Cornelis của tác giả P. Bourget. Cho dù tiểu thuyết này của Hồ Biểu Chánh vừa ra đời đã được đông đảo độc giả khắp nơi đón nhận, vì nội dung câu chuyện và ngôn ngữ rất gần gũi với đời sống người dân Nam bộ. Andre Cornelis là câu chuyện kể về cậu bé Andre Cornelis lên 9 tuổi,  phát hiện cha mình bị sát hại và Andre Cornelis luôn nghi ngờ thủ phạm là người cha dượng. Về sau, cậu bé đã nuôi giấc mộng báo thù người cha dượng. Còn ở tiểu thuyết Ai làm được, Hồ Biểu Chánh lại kể về cuộc đời của nhân vật Bạch Tuyết luôn mang tâm trạng đầy trắc ẩn về cái chết của mẹ mình. Bạch Tuyết là con của một vị quan phủ, năm 12 tuổi, cô phát hiện ra mẹ mình chết do dì ghẻ sát hại bằng thuốc độc. Để rồi từ đó, Bạch Tuyết nuôi chí báo thù cho mẹ. Khi đó, dì ghẻ của Bạch Tuyết lại rất mực yêu thương và chiều chuộng cô. Từ những tình tiết éo le và hấp dẫn cứ đan xen giữa mẹ ghẻ và con chồng, Hồ Biểu Chánh cho độc giả nhận ra người dì ghẻ đối xử với Bạch Tuyết như vậy cốt để chiếm đoạt khối tài sản kếch xù của cô thừa kế từ ông ngoại. Cuối cùng nhờ sự tiếp sức của ông ngoại, sự tiếp sức của người chồng, Bạch Tuyết đã đưa mọi chuyện ra ánh sáng để trả thù cho mẹ khi dì ghẻ bị tù đày. Từ hai nội dung câu chuyện như vậy, nếu xét về phóng tác, mô phỏng thì đây là điều cần phải bàn lại và xem xét. Vì ý tưởng của các nhà văn, đôi khi có sự trùng hợp là điều khó tránh khỏi. Nhưng cái hay ở mỗi nhà văn đó là sự thể hiện tác phẩm, cách xây dựng nhân vật, đường dây dẫn truyện, tình tiết câu chuyện…

Khi viết tiểu thuyết này, Hồ Biểu Chánh đang làm việc ở Cà Mau nên tác phẩm của ông, con người và sông nước Cà Mau cứ thấp thoáng khi ẩn khi hiện. Dù như thế nào, độc giả vẫn nhận ra tài nghệ của Hồ Biểu Chánh, bằng chính những gì người khác đã đề cập trước đó, ông đã làm mới lại tác phẩm của mình trong lòng độc giả bằng ngôn ngữ, lối dẫn chuyện, phong cách thể hiện, số phận nhân vật…

Tiểu thuyết Chúa tàu Kim Quy (1913), Hồ Biểu Chánh sáng tác sau quyển đầu tay Ai làm được. Đặc biệt Chúa tàu Kim Quy là một trong những bộ phim hay được chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Nợ đời… Chúa tàu Kim Quy  kể về cuộc đời truân chuyên của Thủ Nghĩa, vì bảo vệ danh tiết cho em gái, anh đã đánh trọng thương một cường hào. Để rồi sau đó, tên cường hào này đã vu cáo Thủ Nghĩa theo đạo Gia Tô nên đã bị kết án chung thân. Trong ngục, Thủ Nghĩa gặp một chính khách và họ đã trở thành đôi bạn thân thiết. Trước khi chết, chính khách ấy đã chỉ cho Thủ Nghĩa tìm ra đảo Kim Quy, nơi cất giấu kho báu. Sau này vượt thoát ngục, Thủ Nghĩa tìm ra đảo Kim Quy và đã tìm được kho châu báu đang cất giấu ở đó. Từ khi làm chủ kho báu ấy, Thủ Nghĩa đã cải trang làm khách buôn bán trên các cửa biển từ Thái Lan qua Hương Cảng - Trung Quốc với tên gọi là Chúa tàu Kim Quy. Có tiền, có quyền lực, Thủ Nghĩa đã báo oán được những kẻ bất nhân bất nghĩa và trả ơn những người từng cưu mang mình.

Thế nhưng theo giới lý luận phê bình văn học thời điểm ấy, Chúa tàu Kim Quy  cũng có đôi chút mô phỏng theo tác phẩm Monte-Cristo của Alexandre Dumas. Monte-Cristo kể về Dantes bị vu oan liên quan với Nopoleon Bonapart chống lại triều đình Pháp nên anh ta đã bị bắt và tống giam vào ngục. Trong ngục, Dantes đã gặp vị linh mục. Trước khi chết, vị linh mục này đã chỉ cho Dantes biết kho châu báu trên đảo Monte-Cristo. Dantes đã lập mưu đánh tráo thành xác chết của vị linh mục và đã thoát ngục. Tìm đến núi Monte-Cristo, Dantes đã chiếm và làm chủ kho vàng bạc châu báu. Và cũng từ đó, Dantes đổi thành tên Bá tước Monte-Cristo và trả thù những người từng hãm hại mình.

Tiểu thuyết Chút phận linh đinh (1931) đã được giới lý luận phê bình văn học thời đó đánh giá rất cao. Hồ Biểu Chánh như đã đưa vào nhiều cái mới cho thế hệ đương đại. Ông đã tạo nên sự riêng biệt trong tiểu thuyết của mình so với những thế hệ trước. Cái mới ở đây còn mang một đặc tính chung cho hầu hết các nhà văn thuộc thế hệ cùng với Hồ Biểu Chánh vì sự khác biệt so với đương đại. Có thể nói, từ tiểu thuyết Chút phận linh đinh uy tín và vị trí của Hồ Biểu Chánh như đã vững vàng trong văn đàn. Tác phẩm đã tạo tên tuổi ông trong chốn văn chương thời ấy.

Tiểu thuyết Chút phận đinh linh là câu chuyện kể về Hiển Vinh và Thu Vân là đôi bạn cùng du học, sống xa gia đình. Từ tình bạn khi được nhân đôi đã nảy nở thành tình yêu, cuối cùng, Thu Vân thất thân với Hiển Vinh. Cứu vãn danh dự cho người yêu, Hiển Vinh cưới Thu Vân làm vợ, trái với ý cha. Để chuộc lại lỗi lầm với cha, Thu Vân khuyên chồng sang Pháp du học để tạo dựng sự nghiệp. Chồng đi chưa được bao lâu, Thu Vân nhận hay tin chồng bị tử nạn do tàu đắm. Quá đau buồn, Thu Vân bỏ Hà Nội đưa con vào Nam với ước nguyện trao cháu nội cho nhà chồng, rồi tự tử chết theo chồng. Trên đường về Nam, Thu Vân phải gặp bao trắc trở, gian nan nhưng kiên trì và nhẫn nại, Thu Vân đã tìm đến nhà chồng và đ ược gia đình chồng chấp thuận là dâu. Trong cuộc gặp gỡ đầy nước mắt như thế này, Hiển Vinh đột ngột xuất hiện. Vẫn thế, lối kết thúc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là luôn tạo sóng gió trong cuộc đời nhân vật, sau ba chìm bảy nổi, nhân vật bao giờ cũng tìm ra một lối đi đầy hào quang rực sáng.

Đọc qua một vài tiểu thuyết đầu tay của Hồ Biểu Chánh, người đọc sẽ thấy hiện tượng đặc sắc ngay cả những tiểu thuyết mà giới chuyên môn cho là “Việt hóa” từ tác phẩm nước ngoài. Dù những tác phẩm ấy ở Pháp, ở Ý hoặc ở phương trời châu Âu xa lạ nào đó trong các tác phẩm của A. Dumas, của P. Bourget, của V. Hugo… nhưng qua sự cảm thụ tinh tế, khả năng phóng tác tài hoa, Hồ Biểu Chánh đã tạo cho các tác phẩm: Ai làm được, Chúa tàu Kim Quy, Ngọn cỏ gió đùa… một sắc thái riêng, một giá trị riêng. Người đọc luôn luôn tìm thấy những tác phẩm này đang xảy ra tại vùng đất Nam bộ, chứ không hề riêng gì ở bên Tây hay bên Tàu. Bởi vì những tác phẩm ấy, những nhân vật ấy đã được ông xây dựng trong một không gian mà từ cảnh vật, hoàn cảnh xã hội, tình tiết, tính cách nhận vật… tất cả đều gần gũi và dễ dàng cảm thụ.

Đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, phần nhiều người đọc đều nhận ra ở phần kết thường là “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”. Nhưng khi xét ở góc độ khác, nhân vật trong mỗi tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thành công nhất là đã nói lên thời điểm xã hội, mang tính xã hội đương thời, không rơi vào hiện tượng sáo rỗng, không bị gò theo quan điểm đạo đức. Bề dày số phận của các nhân vật đã làm rõ quan điểm nhân đạo rất đáng được trân trọng của Hồ Biểu Chánh. Mọi điều ác, mọi phi lý vô luân luôn bị khắt khe loại trừ mà người đọc đồng cảm ở người cầm bút một dằn vặt vì nỗi đau của tầng lớp người khốn khổ, bất hạnh.

Hồ Biểu Chánh là một trong những người cầm bút có hướng dùng văn chương cải tạo con người. Ông viết một cách say sưa, cần mẫn. Những ngày cuối đời, dù bệnh tim rất nặng, thầy thuốc cấm viết, con cháu nài nỉ ngưng viết nhưng Hồ Biểu Chánh vẫn sáng tác. Ông viết một cách lén lút, viết trong những lúc cả nhà đi vắng, mọi người đang ngủ say. Cho đến ngày Hồ Biểu Chánh qua đời, người ta không khỏi ngậm ngùi khi thấy những bản thảo tiểu thuyết của ông đang dang dở trên bàn giấy. Chính điều này cho chúng ta thấy, Hồ Biểu Chánh là một người rất đam mê công việc, đặc biệt là sự nghiệp văn chương. Ông đã để lại cho đời một khối tiểu thuyết khổng lồ và giá trị. Cho đến nay khối lượng tiểu thuyết của ông để lại cho đời, vẫn là con số độc nhất vô nhị, chưa có người thay thế. 

Hồ Biểu Chánh mất ngày 04-9-1958 tại Phú Nhuận - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh), hưởng thọ 74 tuổi. Hiện nay tại quận Phú Nhuận - TP. Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Hồ Biểu Chánh.

Huỳnh Mẫn Chi
(Theo Tuyển tập Lý luận phê bình VHNT Tiền Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 403
  • Khách viếng thăm: 399
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 36431
  • Tháng hiện tại: 1785331
  • Tổng lượt truy cập: 48159458