Đôi điều trao đổi cùng tác giả:Cầu Rạch Miễu qua bề dày lịch sử

Đăng lúc: Thứ tư - 20/06/2012 16:17
Đôi điều trao đổi cùng tác giả:Cầu Rạch Miễu qua bề dày lịch sử

Đôi điều trao đổi cùng tác giả:Cầu Rạch Miễu qua bề dày lịch sử

Ở  tuổi ngoài 80, người ta thường thảnh thơi, nhàn nhã vui vầy cùng con cháu. Nhưng với thầy Mặc Nhân Tân Văn Công, đã hơn 86 tuổi, vẫn cặm cụi cùng con chữ. Đâu có ai ngờ rằng một ông già đầu bạc, hàng ngày lại ngồi trước computer, tập làm web và biên soạn, tổng hợp những tài liệu sưu tầm thành những bộ sưu khảo để lại cho con cháu. Thật là đáng quí!

Tôi đã đọc một số tác phẩm của thầy Công xuất bản gần đây và rất khâm phục sức làm việc của thầy. Tuy nhiên, để những tác phẩm đó thực sự trở thành nguồn tham khảo quí giá cho mai sau thì có lẽ cần phải hiệu đính lại một số lỗi không nên có. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn thưa lại với thầy những điều theo tôi chưa hợp lý trong quyển “Cầu Rạch Miễu qua bề dày lịch sử”. Sách được Nhà xuất bản Trẻ phát hành, in xong vào tháng 9 năm 2009, trong đó có nhiều chỗ chưa chính xác mà theo tôi, có thể chia thành 3 nhóm lỗi chính: lỗi vì kiến thức chưa chuẩn xác, lỗi vì hồi tưởng sai lạc và lỗi do suy diễn của tác giả.

Ngay ở chương “Miễu trên vàm Rạch Miễu” có đoạn: “Có một điều đáng chú ý là miễu chỉ để thờ Bà mà thôi. Dường như ta còn nặng ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ chăng? Chẳng thế mà có chùa Bà Đen, chùa Bà Chúa xứ. Trong khi đó mấy ông láng giềng của chúng ta lại có chùa Ông”. Sơn Nam trong Đình miếu & Lễ hội dân gian miền Nam (Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004, trang 24) cho rằng “Miễu, do Miếu nói trại ra”. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ (1970), Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức Hà Nội (1968)... đều giải thích Miễu là ngôi Miếu nhỏ, đủ để đồ thờ, không chỗ cho người ở. Đào Duy Anh trong Hán Việt từ điển chỉ giải thích chữ Miếu  : Nhà thờ tổ tiên – Nhà thờ thần – Cung điện của vua (Miếu vũ 廟 宇). Trong tác phẩm Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng (Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2005) của Toan Ánh thì chép Miễu : là một ngôi miếu thờ những người bất đắc kỳ tử gặp giờ linh. Như vậy, chưa thấy có tài liệu nào cho rằng “miễu chỉ để thờ Bà”. Ngoài ra việc tác giả so sánh những ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ lên tín ngưỡng với tục thờ Quan Công - ông mang một ý nghĩa hoàn toàn khác là rất khập khiễng.

Ở tiểu mục Cồn Rồng, tác giả giảng giải: “… Cù lao còn gọi là cồn, vì trong sông từ cồn thường dùng nhiều hơn cù lao, từ cù lao thường nói ngoài biển”. Không rõ điều này do tác giả suy đoán hay có tài liệu nào minh chứng không nhưng theo tôi được biết, trong một nghiên cứu của Học viện Hải quân Việt Nam có ghi “Trong số các từ được dùng để chỉ đảo biển thì từ hòn là phổ biến nhất (91,8%), tiếp đó là đảo (4,59%), cồn (3,52%), cù lao và đá không đáng kể”. Vậy thì không thể nhận định “cù lao thường nói ngoài biển”.

Trong thủ tục cúng miễu (trang 24), ông viết: “Trong khi cô bóng đã được bà nhập vào cất tiếng trống rỗi…” có lẽ ông nhớ nhầm chăng? Vì thực tế bóng rỗi rồi bà mới nhập.

Trang 100 có đoạn “Còn Pháp đã đầu hàng Đức… vô hình chung hạm đội của Pháp là mục tiêu phản công của Mỹ. Do vậy, chiến hạm Charner phải tìm sâu vào trong đất liền để trốn sự chống phá của quân đội Đồng Minh tức là Mỹ”. Có thể khẳng định đoạn này sai hoàn toàn. Bối cảnh lúc bấy giờ nước Xiêm (Siam) ký hiệp ước đồng minh với Nhật, và đổi tên là Thái Lan (Thailand), được Nhật xúi giục tuyên chiến với chính phủ thuộc địa Pháp ở Ðông Dương, để đòi lại hai tỉnh Battambang và Siemréap của Cao Miên, sát biên giới Xiêm, Thái Lan bảo là đất nguyên thủy của họ. Chiến tranh bắt đầu tháng 11-1940, chỉ kéo dài không quá 2 tuần lễ. Pháp đưa lính khố đỏ An Nam chiếm đóng biên giới Cao Miên, lính Xiêm không dám tấn công. Một trận thủy chiến xảy ra trên vịnh Thái Lan (còn gọi là hải chiến Koh Chang) diễn ra vào ngày 17-01-1941, 3 tàu chiến Xiêm bị Hải quân Pháp đánh đắm, Thái Lan tổn thất nặng nề và hoàn toàn bại trận. Nhưng Nhật Bản nhảy vào can thiệp, ép buộc Pháp phải nhượng bộ Thái Lan. Chiến hạm Charner (thực ra phải là thông báo hạm mới đúng) có tham gia vào trận chiến này. Theo  Dictionnaire des bâtiments de la flotte de guerre française de Colbert à nos jours  thì thông báo hạm này đã đi đến nhiều nơi như Madagascar, Diego trước khi tự đánh đắm ở Mỹ Tho vào ngày 10-03-1945 để tránh rơi vào tay quân Nhật. Như vậy, không thể nói thông báo hạm này chạy trốn sự truy kích của quân Mỹ, Mỹ với Pháp là đồng minh.

Cũng trong mục “Thế chiến thứ hai” có đoạn: “Khi vào Nam Việt Nam, lúc đó Nhật có đóng những tàu chiến thuộc loại giang hạm bằng cây thay vì bằng sắt. Có người bảo là họ không có sắt,… có người bảo là họ đóng tàu bằng cây là để tránh thủy lôi của Đồng minh rải khắp trên các dòng sông”. Thủy lôi thì tàu cây hay tàu sắt gì cũng tiêu tùng cả! Thực ra, chỗ này cần phải nói lại cho trúng là bấy giờ Đồng minh thắng thế ở khắp các mặt trận châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, phi cơ và chiến hạm Đồng minh diệt tan hạm đội của Nhật. Tại Sài Gòn, Nhật ráo riết mở những xưởng đóng tàu chiến bằng cây giá-tị, một loại gỗ chịu nước và cứng như lim để nhanh chóng thay thế cho các chiến hạm bị đánh chìm. “Các xưởng đóng tàu cây cho Nhật nằm dọc con kinh Tẻ như Nichinan dưới dốc cầu rạch Ông Lớn và nhiều xưởng ở Bình Đông. Đa số nhân viên đóng tàu là tín đồ Cao Đài Tây Ninh” (theo Nguyên Hùng).

Dưới tiểu đề “Tình học trò qua dòng… “sông Tương””, tác giả viết: “Chàng đầu sông Tương / Thiếp cuối sông Tương / Cùng trông nhau mà chẳng thấy nhau / Thôi đành / … thả lá để thơ…” và ghi chú rằng “văn liệu góp nhặt ngẫu nhiên”. Tôi nghĩ “văn liệu” này khá nổi tiếng, nên phải truy nguồn tường tận mà chú thích rõ ràng. Hai câu đầu được dịch từ một bài thơ chữ Hán “Trường Tương Tư” của nữ sĩ Lương Ý Nương đời Hậu Chu bên Trung Quốc:

Quân tại Tương Giang đầu,

Thiếp tại Tương Giang vĩ.

Tương tư bất tương kiến,

Đồng ẩm Tương Giang thủy.

Tạm dịch:

Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Nhớ nhau mà không thấy

Cùng uống nước sông Tương.

Ngoài ra tác giả còn viết hai câu “Cùng trông nhau mà chẳng thấy / Thấy xanh xanh chỉ mấy ngàn dâu”, thực ra phải viết là “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy / Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu”. Đây là hai câu trích trong “Chinh phụ ngâm” được bà Đoàn Thị Điểm chuyển dịch theo thể song thất lục bát.

Thêm một nhầm lẫn nữa trong mục “Cầu Rạch Miễu” người viết khẳng định: “Cầu thuộc hệ thống dây văng hay cầu treo “pont suspendu” trên thế giới đã có từ lâu, điển hình là cầu treo Golden Gate Brigde ở San Francisco...”. Tác giả dễ khiến người đọc hiểu lầm cầu Rạch Miễu giống như cầu Golden Gate. Trước hết cần làm rõ thêm khái niệm cầu dây văng. Cầu dây văng là một loại cầu bao gồm một hoặc nhiều trụ (thường được gọi là tháp), với dây cáp neo chịu đỡ toàn bộ hệ mặt cầu và các dầm cầu. Có ba loại cầu dây văng chủ yếu, được phân biệt theo cách nối cáp vào trụ cầu. Một là kiểu thiết kế đàn hạc, hai là theo kiểu thiết kế rẽ quạt, ba là kiểu dây võng cổ điển. Như vậy cầu Golden Gate là cầu thiết kế theo dạng cầu treo dây võng (suspension bridge hay pont suspendu), trong khi đó cầu Rạch Miễu là cầu dây văng (cable-stayed bridge) - kiểu rẽ quạt, hoàn toàn khác nhau.

Còn một số thắc mắc về chuyện chiếc phà có một pít tông thì làm sao mà có thể chở nổi người và xe vượt sông cũng như chuyện những con le le bay từ biển vào, cùng với đôi ngỗng thần huyền thoại, tuy nhiên trong khuôn khổ bài báo không thể nào nêu ra hết, mong sẽ được trao đổi sau cùng tác giả.

Chỉ vài lời góp ý nhỏ hầu mong những tập sưu khảo của thầy Công được biên soạn chu đáo hơn, chỉnh chu hơn và cần có những dẫn chứng, lý lẽ dựa vào cứ liệu khoa học. Thiết nghĩ, nếu tác giả giảm bớt những nhận xét cảm tính hay mang tinh chất hồi tưởng không chắc chắn thì tập sưu khảo sẽ đáng tin cậy hơn và là tài liệu tham khảo rất tốt cho thế hệ sau.

Mục Tử
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 52)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 207
  • Khách viếng thăm: 203
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 31549
  • Tháng hiện tại: 2264099
  • Tổng lượt truy cập: 46231332