Tác giả Võ Tấn Cường vừa trình làng một tác phẩm mới đó là tập tiểu luận và phê bình thơ:. “Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng”.
Có thể nói đã từ lâu ở Tiền Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có quá ít tác phẩm phê bình tiểu luận. Trong các cuộc tổng kết đánh giá về sáng tác văn học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay đều có chung nhận định: “Mảng phê bình tiểu luận còn quá yếu”. Sự ra đời của tập tiểu luận và phê bình này là điều cần thiết.
“Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng” của tác giả Võ Tấn Cường đã gởi đến người đọc hai thông điệp: Một là tiểu luận về thơ và phê bình một số tác phẩm của một số nhà thơ trong nước. Như tôi biết thì những bài in trong tập này đã được tác giả chọn lọc trong rất nhiều bài viết của mình đã công bố trong những năm qua. Song chừng đó cũng đủ để tác giả thể hiện tư duy, nhân cách và nhận định của mình đối với thơ và một số tập thơ, nhà thơ mà tác giả đã đọc. Những tập thơ và tác giả thơ do nhà thơ Võ Tấn Cường chọn lọc phê bình trong tập này đại diện cho nhiều thế hệ, những trường phái khác biệt nhau về phong cách, thể loại, nhưng nhìn chung họ đều cùng là “thiên sứ” của “tình thương và cái đẹp”.
Về căn bản, có thể nói tôi đồng cảm, chia sẻ với những gì nhà phê bình Võ Tấn Cường đưa ra trong mảng tiểu luận về thơ, đặc biệt là những bài: “Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca”, “Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng”, “Thơ ca và sự tầm thương hóa”… Đó là những nhận định, quan điểm và suy nghĩ rất nghiêm túc có chiều sâu, đã được nghiên cứu kỹ và chiêm nghiệm qua thực tế cuộc sống. Những lời nhắn nhủ, cảnh báo, những mong muốn của tác giả đối với nhà thơ là rất tâm huyết, có cơ sở và cũng là mong muốn của hầu hết người đọc, yêu thơ; những người luôn hướng tới vẻ đẹp thuần khiết nhưng sâu sắc của con người. Trên quan điểm nhất quán “thơ là kết tinh những gì đẹp đẽ tinh túy nhất của văn học và tình thương con người ”, trong suốt nội dung cuốn sách, tác giả đã lựa chọn một cách tiếp cận thông minh, chính xác vào cốt lõi của thi ca.
Tác giả Võ Tấn Cường được trang bị một cách bài bản kiến thức văn học từ trường phổ thông đến trường đại học (anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh) nhưng với anh, những kiến thức đó chỉ là cơ sở cho những chuyên luận của anh về thơ, làm nên các tác phẩm tiểu luận phê bình của anh lại nằm ở tâm thức, bản chất con người của anh do anh tích lũy được trong cuộc sống hàng ngày. Trong tác phẩm “Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng” có hai phần, tiểu luận và phê bình, tác giả Võ Tấn Cường luôn tuyệt đối trung thành với quan điểm: Thi ca phải luôn hướng về “cái đẹp và nỗi khát khao hòa điệu vào cuộc sống”, theo tác giả cái đẹp luôn là xứ mộng mơ và cũng là đích cuối cùng của nhà thơ đích thực và họ luôn tận nhân lực một đời để
đạt tới.
Tất nhiên “tận nhân lực” là một điều kiện cần và bắt buộc cho mọi con người khi họ muốn đạt được những điều họ ham muốn, song khi kết thúc cuộc đời thì điều họ đạt được chưa chắc đã là toàn bộ mong muốn của họ. Nhưng theo tôi kết quả cuối cùng mà bạn thu được khi bạn đã tận nhân lực suốt đời mình là số phận của bạn đã được trời định tới đó. Nhà phê bình Võ Tấn Cường lại viết “Xứ mộng không ở đâu xa, nó thấp thoáng đâu đây, nó ẩn sâu trong bản ngã…” thế thì rõ ràng “xứ mộng” của anh không phải là siêu thực mà ngược lại rất thực.
Yếu tố quan trọng bậc nhất của thi ca là ngôn từ (khi viết là chữ) nhà phê bình Võ Tấn Cường cũng rất quan tâm vấn đề này, anh viết “nhà thơ sinh ra chữ và chữ sinh ra nhà thơ” tôi tán thành quan điểm này. Có ngôn từ mới làm thơ. Chỉ có “những nhà thơ thả hồn theo sự dẫn dắt của ngôn từ thi ca” khi “đắm chìm trong thế giới của siêu văn bản” và hòa nhập cùng “độ âm vang của nhịp điệu trái tim hòa nhập với nhịp điệu của đời sống con người khi đó những áng thơ bất hủ sẽ ra đời”, là người trong cuộc (làm thơ) tôi đã chiêm nghiệm, và cảm nhận sâu sắc về những nhận xét trên của tác giả.
Võ Tấn Cường viết “Thơ hay bao giờ cũng là cuộc hôn nhân kỳ diệu giữa cao thanh và ý nghĩa, hình ảnh” đúng quá đi chứ, chẳng thế mà biết bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc và nó sống từ thế kỷ này sang thế kỷ khác khi mà tác giả nó trở thành tro bụi của vĩnh hằng. Nhưng theo tôi nếu thơ có cả màu sắc hài hòa hợp lý thậm chí có khi phi lý thì bài thơ không chỉ hay mà còn đẹp nữa, chẳng phải đã có rất nhiều bức tranh, ảnh nổi tiếng được sáng tác từ hình ảnh màu sắc của những câu thơ đó sao?
Trong bài tiểu luận “Tản mạn về hành trình của thi ca” có mấy ý tôi chưa thống nhất với nhà phê bình Võ Tấn Cường. Ví dụ anh viết “Quyền hành của nhà thơ là làm thanh lọc tâm hồn mình với người đọc bằng cách chế tác ra một thứ ngôn ngữ độc đáo chứ không có quyền làm nhiễm độc tư tưởng, tình cảm của mình với mọi người bằng thứ ngôn ngữ hũ nút bệnh hoạn cẩu thả…”. Quan điểm của anh tôi đồng ý nhưng ở đây cần phân định cho rõ nếu những người chế tác ra bài thơ mà ở đó gồm “những thứ ngôn ngữ hũ nút bệnh hoạn cẩu thả…” thì có thể gọi đấy là thơ và tác giả của nó có thể được gọi là nhà thơ? Câu trả lời ở đây là không! Chúng ta không nên đánh đồng một số người viết loại văn như vậy với thơ và nhà thơ. Dù không thành định nghĩa hàn lâm nhưng tôi và chắc nhiều người đã tán thành cách lý giải thơ và nhà thơ của anh ở những trang tiểu luận trước rồi.
Một bài quan trọng trong phần tiểu luận nhà thơ Võ Tấn Cường cho rằng thơ tự do là con đường tất yếu của thi ca, nó phù hợp với thời đại, nó là dòng thơ hiện đại… Thực ra nhận định này không mới, ở miền Bắc ngay từ thập niên 50 và ở miền Nam cũng thời điểm đó đã có rất nhiều người phán đoán khẳng định và không thiếu người làm thơ kể cả một số nhà thơ đã định danh, đã sáng tác và cho ra đời hàng tập nào là thơ bậc thang, thơ văn xuôi, thơ không vần…Nhưng rồi đã hơn nửa thế kỷ trôi qua… chưa thấy bài thơ nào được đứng đọng ở trong lòng công chúng. Cũng chưa thấy nhà thơ nào được độc giả tôn vinh là nhà thơ tự do của thời đại !?
Theo tôi nếu nói về thể loại thì cho đến nay thơ tự do vẫn chưa định hình được trong lòng người đọc, tuy nhiên chữ “tự do” cần được nói cho rõ nếu “thơ tự do” có nghĩa không phải là thơ “lục bát” “thơ Đường luật” hay “song thất lục bát” thì tôi chấp nhận, còn nếu “thơ tự do” là một bài văn chỉ gồm những từ ngữ được chắt lọc không vần điệu, không tứ rất khó thuộc thì nếu không phải là văn xuôi hay thì cũng chỉ là cầu nối giữa thơ và văn xuôi.
Không thể phủ nhận thơ hay cần và nên phải được phổ biến rộng rãi trong độc giả để giáo dục tính thẩm mỹ cho con người, do đó vần điệu chẳng phải là một lợi thế để cho thơ đi vào tâm hồn người đọc?
Tiến tới chào mừng Đại hội VHNT Tiền Giang lần thứ VI, Hội VHNT chủ trương xuất bản một số tác phẩm của các tác giả văn học, trong đó chú trọng đến mảng lý luận phê bình “Nhà thơ và cuộc lưu đày xứ mộng” là một tác phẩm tiểu luận phê bình đáng đọc và cần được giới thiệu, phổ biến rộng rãi...
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc