Văn xuôi Đồng bằng Sông Cửu Long

Đăng lúc: Thứ ba - 17/01/2012 09:55
Văn xuôi Đồng bằng Sông Cửu Long

Văn xuôi Đồng bằng Sông Cửu Long

(Trích phát biểu của nhà văn Lê Văn Thảo tại Hội thảo

“Văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đổi mới")

…Nhà văn là người sử dụng ngôn ngữ, như gỗ đối với người thợ mộc, từng chữ từng câu gắn kết  thành truyện. Chúng ta may mắn ở một vùng đất có kho tàng ngôn ngữ đa dạng, phong phú, vừa hiện đại vừa đơn sơ giản dị. Nhiều từ còn trinh nguyên, như thuở những người áo tơi dao mác đi khai phá. Lại có những từ như mới từ sông nước đi vào trang văn. Cảnh sắc ruộng đồng cũng vậy.

Ngay bây giờ bạn có thể đi vào đồng Tháp Mười, ngắm cánh đồng lúa ma, vào rừng U Minh ăn ong, hái đọt choại. Tưởng như cảnh sắc cổ xưa vẫn còn đó. Nhưng văn minh hiện đại cũng bắt đầu từ vùng đất này. Con trâu ở đây từ lâu biết ngủ mùng. Ghe xuồng gắn máy đuôi tôm chạy trên sông rạch. Con vịt chạy đồng chỉ mùa lúa đi ghe máy qua vài ba tỉnh. Nhiều chuyện tưởng như xa xưa lắm, vọng lại từ thuở đất trời còn nê địa, nhưng ông Ba Phi là người cùng thời với chúng ta. Các anh Lê Chí, Nguyễn Bá trước đây từng ở nhà ông. Hồn cốt ngôn ngữ, âm vang lời ăn tiếng nói là điều không thể thiếu trong văn xuôi, giờ đây được cái xưa cái nay hòa điệu. Nhiều nhà văn ĐBSCL chúng ta nắm bắt được điều đó, phát huy thế mạnh của mình, làm nên tài năng, góp phần không nhỏ vào kho tàng văn chương chung cả nước.

Hiếm có vùng đất nào, rộng lớn mười ba tỉnh thành, lại có chung từ ngữ giọng điệu, phong tục tập quán như vùng ĐBSCL. Khó phân biệt anh người Sóc Trăng hay An Giang, Vĩnh Long hay Sa Đéc. Do biến động thời cuộc, và cũng do máu phiêu lưu, người dân Nam bộ thích đi đây đó. Nhà văn Nam bộ cũng vậy, ít người nào cả đời chỉ ở một nơi, đôi ba năm ở một tỉnh là chuyện thường. Giao lưu qua lại là đặc điểm cuộc sống ĐBSCL. Ngôn ngữ do đó có sự giao lưu hòa trộn. Đó là đặc điểm, thế mạnh của chúng ta. Giải thưởng văn học ĐBSCL là một bằng chứng, như giải của chung một tỉnh, hàng năm có nhiều truyện ngắn, bút ký được tôn vinh, ngày càng được bạn đọc đánh giá cao.

Người viết ĐBSCL không chỉ có người miền Nam. Sau chiến tranh có không ít các nhà văn gốc Bắc, là bộ đội ở lại định cư sinh sống, tỉnh thành nào cũng có. Các anh có cái nhìn lạ, tiếng nói lạ, tạo nên một diện mạo văn học riêng. Ngay các nhà văn miền Bắc, miền Trung ghé qua cũng có tác phẩm, nhiều truyện ngắn hay của các anh Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lý Biên Cương, Tô Đức Chiêu… viết về Nam bộ, con người Nam bộ. Các anh khéo chọn nhân vật là những người miền Bắc di cư, đi phu năm 40, một cộng đồng đông đảo người gốc Bắc ở miền Nam, các nhà văn gốc Nam bộ khó bề tiếp cận. Đó là một mảng văn học vô cùng quí giá độc đáo.

Người ta thường chọn trung tâm văn chương ở những nơi phố thị. Xin cho tôi có cái nhìn khác. Tôi chọn hai trung tâm lớn văn chương ĐBSCL là đồng Tháp Mười và rừng U Minh. Trung tâm không phải nơi ngồi viết và in sách, mà là nơi những truyện kể được truyền tụng, ngôn ngữ được sản sinh. Là nơi đề tài cốt truyện được khai thác, cuộc sống là ở đó, lời ăn tiếng nói là ở đó, những chuyện kể là ở đó. Văn chương là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ do người lao động làm ra. Chuyện kể sinh động là ở trên xe đò, tàu đò, trên võ lải tắc ráng. Ngôn ngữ hay ho là của những người buôn gánh bán bưng, giữa những lồng gà vịt, heo con kêu
eng éc.

Không một nền văn học nào phát triển được nếu thiếu nguồn văn học dân gian. Đồng Tháp Mười, rừng U Minh là hai nguồn văn học dân gian khổng lồ, những chuyện tiếu lâm, những câu hò điệu lý là ở đó. Chuyện vui bác Ba Phi là một ví dụ. Đó không chỉ là chuyện vui. Đó là cuộc sống, là nhân bản, là xóm giềng sống đùm bọc yêu thương nhau, cười vui cho qua thời khổ cực. Chuyện vui thôi không được truyền tụng được như vậy. Ví như chuyện “Ghe rùa”. Ta thấy trong đó có cảnh sắc thời khai hoang mở cõi, có chuyện lao động của người nông dân, có tình cảm thương yêu nhau giữa người giàu người nghèo. Bản thân tôi trong những năm 65 – 66, công tác ở Sư đoàn 9, Trung đoàn 3 là đơn vị người miền Tây. Lúc nghỉ quân nằm ở lán trại, hoặc nằm ở giao thông hào phục kích giặc, tôi nghe các chiến sĩ kể vô số chuyện bác Ba Phi, nhiều hơn tất cả những gì giờ tôi được đọc. Hồi đó tôi có đầu óc một chút, chỉ ghi lại những chuyện đó thôi, giờ tôi đã là người nổi tiếng. Quả thật trong nhiều năm qua, chúng ta đã làm không tốt trong việc sưu tầm gìn giữ chuyện kể bác Ba Phi. Chính những chuyện kể dân gian ấy đã làm nên tài năng của Phi Vân, Phúc Vân, Minh Lộc, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Vĩnh Hòa… những tác phẩm “Đồng quê”, “Nọc Nạn”, “Con đường sống”, “Rừng mắm” đã trở thành kinh điển đi vào văn học sử. “Hương rừng Cà Mau” là tác phẩm gối đầu nằm, sáng chói trên văn đàn, bất cứ lúc nào cũng có thể đọc lại.

Một đặc điểm khác không thể không nhắc đến. TPHCM kề cận ĐBSCL. Do biến động lịch sử, nhiều nhà văn tuy sinh sống ở TPHCM nhưng gốc gác, địa bàn hoạt động đều ở ĐBSCL. Các nhà văn như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Trần Kim Trắc, Trần Hiếu Minh đều sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết về vùng đất này. Các anh thật sự là những nhà văn của ĐBSCL.

Văn xuôi là chuyện kể, nhà văn phải có gì để kể. Qui luật khắc nghiệt của văn xuôi, như trong chuyện "Ngàn lẻ một đêm": “Kể một chuyện không hay là chết!”. Nàng Sê-hê-ra-dát kể chuyện không hay, bị chặt đầu. Ta kể chuyện không hay, người đọc không đọc. Đồng Tháp Mười, rừng U Minh là một kho vô tận những chuyện kể, những điều hay ho thú vị. Chỉ cần đi ra khỏi nhà, vào sâu trong đồng, trong rừng là sẽ nghe thấy những chuyện hay có thể kể lại. Mấy năm trước chúng ta có cuộc hội thảo rất hay ở Long Xuyên về đề tài nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Nước ta vẫn là nước nông nghiệp, ĐBSCL vẫn của người nông dân. Chúng ta có thể sáng tác vô số đề tài, nhưng không thể không nói đến người nông dân. Các tác phẩm kinh điển “Hương rừng Cà Mau”, “Nọc Nạn”, “Đồng quê”, “Đất rừng phương Nam”, hình tượng tiêu biểu vẫn là người nông dân. Các anh chị nhà văn miền Bắc miền Trung ghé qua đây thường chọn viết về người nông dân. Điều đó chứng tỏ hình tượng người nông dân Nam bộ có hấp dẫn riêng, cuốn hút
người viết.

Chúng ta sống cả đời ở đây, nhưng chưa chắc đã biết hết, cảm nhận hết đất nước con người ĐBSCL. Vài năm một lần các bạn hãy đi một vòng quanh vùng đồng bằng, đi bụi như anh Lê Chí đã đi, sẽ có cảm giác vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, tự khắc sẽ muốn viết. Cái mới nảy sinh từng ngày. Cuộc sống vận động, ngôn ngữ vận động, luôn đổi thay trước mắt. Ta hãy đi từ Long An, vào sâu trong đồng Tháp Mười, qua phía Bắc Tiền Giang cũng là đồng Tháp Mười, lội vô trong rừng tràm, nghe thơm mùi mật ong, chống xuồng trên đồng nước ngắm nhìn bông sen bông súng. Sen là loài bông cao quí, đẹp ở mọi nơi. Nhưng đẹp nhứt vẫn ở trên đồng. Và càng đẹp hơn ở trên đồng Tháp Mười. Tháp Mười đẹp nhứt bông sen. Chúng ta qua sông Tiền, nguồn cội của thơ ca, về Bến Tre rợp bóng dừa, về Ba Tri thăm mộ Nguyễn Đình Chiểu, theo ven biển về Trà Vinh đường phố hàng hàng cây cổ thụ. Băng qua Đồng Tháp ghé Tràm Chim ngắm sếu đầu đỏ, qua sông Tiền, sông Hậu như hàng trăm lần chúng ta đã qua, lần nào cũng bồi hồi xúc động. Một phần đời kỷ niệm của chúng ta là ở hai con sông này. Tiếp tục đi ngược lên An Giang, về vùng “đất lửa” như Võ Diệu Thanh đã miêu tả, xứ sở bên ngoài hiền hòa bên trong sôi sục, đạo và đời, chiến tranh và hòa bình, cái sống và cái chết. Ghé núi Sam viếng miểu Bà Chúa Xứ, theo nhà văn Sơn Nam là mồ chiến sĩ trận vong, dân chúng gọi khác đi để che mắt địch. Đi thăm chùa người Chăm làng dệt thổ cẩm, băng qua vùng tứ giác Long Xuyên, kinh Vĩnh Tế, đồng lúa trải dài đến tận chân trời, mùa nước ngập mênh mông như biển. Leo lên núi Cấm nhìn khắp bốn phương, tưởng tượng cảnh mùa len trâu, vô số những chấm đen nhấp nhô trên mặt nước. Tiếp tục đi, qua Hà Tiên – Rạch Giá, ghé Hòn Đất viếng mồ chị Sứ, băng qua sông Cái Lớn rộng mênh mông như biển, theo kinh xáng Xẻo Rô về vùng Tân Bằng Cán Gáo. Đồng quê của ông Phi Vân đây rồi, hương rừng Cà Mau ngạt ngào trong gió thổi. Nhưng đâu là cánh đồng Nọc Nạn của Phúc Vân? Chiếc ghe rùa của bác Ba Phi chạy trên sông nào? Bán đảo Cà Mau đây rồi, rừng U Minh là đây. Mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, những người khai phá năm xưa dừng chân ở đây. Nhưng chúng ta ngắm cảnh đủ rồi, hãy rời con đường lớn đi sâu vào trong đồng, tìm gặp những người nông dân. Chúng ta đi là để tìm gặp con người. Văn học là nhân học. Người nông dân Nam bộ hiền hòa, cả đời cúi mặt xuống đất, lẫn với đất. Chúng ta hãy miêu tả những con người đó, suốt dọc chiều dài lịch sử đất nước, ra sức cày cấy, cầm súng đánh giặc, một tấc không đi một li không rời. Những con người đó với sức mạnh lớn lao đã nuôi dưỡng ngòi viết chúng ta.

Nói đến người nông dân ĐBSCL, chúng ta không thể không nói đến người nghèo khổ. Văn học Nga cuối thế kỷ 19 có nhà thơ lớn Nékrasov, trong trường ca nổi tiếng "Ai sống sung sướng" ở Nga, đã mở đầu bài thơ dài nổi tiếng của mình bằng câu chuyện nhỏ như sau: Một hôm đi đường, tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ, gầy yếu xanh xao, can tội ăn cắp, bị bắt trói đánh đập. Tôi bèn quay lại nói với nàng thơ của tôi rằng: “Em ơi! Suốt đời em, hãy coi cô gái nghèo khổ tội nghiệp kia, là người chị ruột của mình”.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy coi những người nông dân nghèo khổ ĐBSCL là người anh chị của mình, sống vì họ, suốt đời viết về họ. Văn học ĐBSCL, xưa và nay, từ Nọc Nạn đến những bài thơ truyện ngắn gần đây, đã có không ít những tiếng kêu xé lòng về thân phận của người nông dân. Chúng ta cần làm nhiều hơn như thế nữa.

Chúng ta nói quá nhiều đến ưu thế vùng đất cho người viết văn xuôi. Nhưng cuộc sống là một chuyện, văn chương là chuyện khác. Chúng ta sống trên kho tàng chất liệu, nhưng có khi cũng chết vì chất liệu. Vấn đề còn ở tầm nhìn, sự dấn thân, nhiệt tâm, môi trường bạn bè và sự đồng tâm nhứt trí của chúng ta. Chúng ta có chú tâm vào sự nghiệp, hết mình vì văn chương hay chưa?

Chúng ta còn bao nhiêu việc phải làm. Ôn cố tri tân, giữ gìn di sản văn học địa phương. Chúng ta đã nói đến chuyện kể bác Ba Phi, kho tàng ấy đã thất lạc nhiều, tam sao thất bổn cũng nhiều. Đó chỉ là chuyện truyền miệng, giờ viết lại, đó là chuyện khác. Phải là cả một công trình. "Ngàn lẻ một đêm" là do người đời sau viết lại, nhiều thế hệ chắp nối lại, ta đã có bài học đó. Hiện tôi có trong tay bài báo “Nguyễn Văn Toại bị phạt trả tô cho bà Hồ Thị Trân”, viết về vụ Nọc Nạn, đăng trên trang nhứt báo “Diễn đàn Đông Dương” ngày 6 tháng 7 năm 1921. Và biên bản chi tiết vụ xét xử đó tại Tòa đại hình Cần Thơ, cũng năm đó. Biên bản dày bằng cuốn tiểu thuyết, cũng những con người đó, khung cảnh đó, nội dung không khác mấy tác phẩm của Phúc Vân. Nhưng nó vẫn là biên bản. Phúc Vân đưa chuyện thật vào tác phẩm, biến nó thành sáng tác văn học kinh điển, sáng chói trong nhiều năm. Đó là bài học lớn, cho ta thấy mối liên hệ giữa văn học và đời sống. Tôi cũng có trong tay bài thơ dài của tác giả Nguyễn Thanh Minh, một lão nông viết về vụ chìm tàu khủng khiếp ở Châu Đốc năm 1921, chỉ riêng mặt tư liệu thôi cũng đã vô cùng quí giá. Vụ Titanic ở giữa biển khơi, hành khách và tàu chìm sâu dưới đáy biển. Còn đây là chìm tàu trên sông, có chính quyền sở tại, có dân chúng hai bên bờ sông. Bài thơ đã miêu tả chân thực chính quyền Pháp đã thờ ơ như thế nào, bà con hai bên bờ cưu mang mấy trăm con người bị nạn ra sao. Chúng ta còn phải ra sức sưu tầm những vốn cũ quí giá như vậy.

Xin cho tôi nói thêm một chuyện nhỏ, về chính những cuộc hội thảo như thế này. Rất nhiều ý kiến nghi ngờ tác dụng của các cuộc hội thảo, cũng như các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác, thậm chí còn chê bai dè bĩu. Quả có chuyện không ổn trong tên gọi, ví như gọi “đi thực tế”. Thực tế quanh ta, có gì phải đi? Theo tôi cứ gọi là “những chuyến đi”. Và không có gì là vô bổ cả. Từ các cuộc hội thảo được tổ chức qui mô đến buổi sáng ngồi phòng khách cơ quan trò chuyện, tất cả đều khiến ta động não, tiếp thu được cái gì đó, suy nghĩ về chuyện gì đó. Gặp gỡ trò chuyện, sẽ nảy sinh những ý tưởng. Nhà văn cần môi trường bạn bè, sau khi đã ngồi nhiều giờ cô đơn trước trang giấy, một mình vật lộn với câu chữ, các nhân vật bao quanh. Các chuyến đi cũng vậy. Cơ thể vận động, đầu óc cũng vận động, ngay khoa học cũng chứng minh điều đó. Nhà văn cần phải xê dịch. Những tác phẩm lớn Đông Tây kim cổ thường ra đời từ những chuyến đi. Và nhiều tác phẩm bản thân nó cũng là những chuyến đi: Tây du, Don Quichotte… Lâu nay các Hội hàng năm đều có tổ chức những chuyến đi, nhờ kinh phí từ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Chúng ta cần tổ chức nhiều chuyến đi hơn nữa, các cuộc hội thảo, lập trại sáng tác. Luôn luôn tạo không khí vận động, giao lưu qua lại giữa các nhà văn, các vùng miền.

Chúng ta có giải thưởng chung hàng năm, dịp tốt để các nhà văn gặp gỡ, tìm đọc nhau, tôn vinh những thành tựu. Chúng ta còn có thể làm hơn thế nữa. Thí dụ như thành lập tủ sách chung ĐBSCL. Giờ đây muốn tìm danh sách các nhà văn được giải thưởng, chúng ta không biết tìm đâu. Cần Thơ là trung tâm, có Hội chuyên ngành, có thể đứng ra tổ chức. Các tỉnh phía Bắc có sáng kiến tổ chức thành cụm ba Hội ba tỉnh kề cận, có sinh hoạt chung, tổ chức chung các cuộc hội thảo, trại sáng tác, ngày thơ Việt Nam… Chúng ta cần nghiên cứu điều đó.

Chúng ta đã làm được nhiều điều, và còn nhiều điều chưa làm được. Đồng Tháp Mười, rừng U Minh vẫn còn hoang sơ với văn học của chúng ta. Chúng ta còn chưa có tác phẩm xứng đáng về công cuộc khai phá mở đất. Truyện về hai cuộc kháng chiến cũng còn thiếu nhiều. Cuộc sống trước mắt, những thay đổi từng ngày trên mảnh đất cơ cực và hào hùng này, chúng ta còn chưa nói được bao nhiêu. Nhưng chúng ta không nóng vội, chậm rãi kiên trì là những bước đi vững chắc của văn chương. Chúng ta viết vì những thôi thúc bên trong, vì chính cuộc sống người đồng bằng của chúng ta. Chúng ta viết không ngừng nghỉ, các thế hệ nhà văn nối tiếp nhau. Ví như ở Cà Mau, chỉ sau năm 75 thôi, chúng ta có Nguyễn Thanh rồi Lê Đình Trường, Nguyễn Ngọc Tư rồi Lê Minh Nhựt, vừa qua có Đỗ Duy còn trẻ măng. Chúng ta phấn đấu kiên trì, với nội lực bên trong, từng chữ, từng câu, từng truyện, để mai sau con cháu chúng ta cầm tập sách trên tay nói: Đây là văn học ĐBSCL.                         
Lê Văn Thảo
(Theo Văn nghệ Tiền Giang Xuân 2012)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 309
  • Khách viếng thăm: 302
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 35521
  • Tháng hiện tại: 2200181
  • Tổng lượt truy cập: 46167414