Truyện cực ngắn chưa hút độc giả, vì sao?
Có nhiều tên gọi khá thú vị như truyện mỏng, truyện nhanh, truyện mini, vi truyện, truyện bỏ túi, truyện chớp, truyện bưu thiếp, truyện cực ngắn (micro fiction) đang là loại hình văn học được độc giả đương thời yêu thích. Hòa vào trào lưu này, nhiều tác giả Việt Nam đã cho ra đời những tuyển tập truyện cực ngắn. Tuy nhiên, độc giả lại khá thờ ơ với truyện cực ngắn trong nước.
Phù hợp thị hiếu
Nhịp sống công nghiệp là môi trường lý tưởng cho phim ngắn, đồ ăn nhanh, mua bán online... nói chung là những dịch vụ, hình thức giải trí tiêu chuẩn nhanh, gọn, nhẹ phát triển. Cùng với đó, nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin và thưởng thức nghệ thuật của con người cũng được tối giản về mặt thời gian, tư duy. Trong bối cảnh đó, truyện cực ngắn ra đời và nhanh chóng nhận được sự yêu chuộng của số đông độc giả.
Thực tế cho thấy, truyện cực ngắn mang đến những cách tư duy mạch lạc, rõ ràng bởi không có nhiều chi tiết thừa. Những độc giả hiện đại tìm đến truyện cực ngắn như một hình thức tìm hiểu thế giới thông minh và khoa học. Dạo quanh thị trường sách có thể thấy được sức hấp dẫn của truyện cực ngắn với giới trẻ. Một cách so sánh đơn thuần, đứng giữa cuốn sách dày cộp với lượng thông tin chi tiết và một cuốn truyện cực ngắn mới nổi, nhiều độc giả sẽ chọn truyện cực ngắn. Thời đại thông tin cho phép con người ta giải đáp được mọi thắc mắc trên nhiều kênh thông tin, bởi thế, việc quá nhiều những sách chuộng chữ nghĩa dài dòng là một thách thức lớn đối với công chúng bận rộn ngày nay
Ngắn nhưng không dễ
Từng có ý kiến cho rằng truyện cực ngắn không có chỗ đứng cho hàng ngũ văn học chính thống. Lý lẽ để quy kết là truyện cực ngắn không có giá trị nghệ thuật cũng như lao động viết lách kỳ công.
Rất nhiều tờ báo ăn khách hiện nay sử dụng truyện cực ngắn như một chuyên mục đinh. Đó là một quyết sách đúng đắn bởi họ đã có thêm nhiều độc giả nhờ biết chọn lọc những câu chuyện gây ấn tượng bởi cách viết và cốt truyện không lặp lại. Nhuận bút truyện cực ngắn cũng không hề kém cạnh những truyện vừa hoặc truyện đăng dài kỳ, thậm chí còn cao hơn. Điều đó cho thấy sự ghi nhận lao động văn chương thực sự của người viết thể loại truyện “ít chữ” này.
Không phải bất cứ ai thử sức với truyện cực ngắn cũng có được thành công. Người viết truyện cực ngắn trước hết phải là một người viết đa năng, đặc biệt phải có một cái “duyên” và khả năng điều khiển câu chữ tài tình. Đó là điều mà không phải bất cứ người viết bình thường nào cũng có được hoặc rèn luyện được. Bởi vậy, không cần đến những sự tôn vinh to lớn, chính người đọc đã luôn công nhận truyện cực ngắn như một thể loại văn học chính cống và sáng tạo của người viết.
Thử sức với truyện ngắn
Không kém những cuốn tiểu thuyết, truyện dài với độ dày sửng sốt, sự giản dị của truyện cực ngắn luôn mang lại sự bất ngờ cho người đọc, nhất là người đọc bình dân. Việc đưa bản sắc vùng miền, dân tộc, ngôn ngữ vào truyện cực ngắn cho độc giả bản địa là trách nhiệm văn chương của những tác giả viết truyện cực ngắn. Trên thế giới, nhiều nhà văn đã khẳng định được tên tuổi và tài năng văn chương nhờ sự kiên trì với truyện cực ngắn. Đó là hai vị thủy tổ Quách Cư Nghiệp, Bồ Tùng Linh và Lỗ Tấn (Trung Quốc); Augusto Monterroso (Guatemala); Luis Borges (Argentina); Yasunari Kawabata (Nhật Bản); Ernest Hemingway (Mỹ)...
Ở Việt Nam đã xuất hiện một đội ngũ những người viết bắt đầu thử sức với truyện cực ngắn. Đó là Nhật Chiêu, Y Ban, Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Hải, Phạm Vũ Văn Khoa, trong đó, tác giả Nhật Chiêu được nhắc đến khá nhiều bởi lối viết truyện cực ngắn đầy ẩn dụ và ngụ ngôn. Tuy nhiên, có vẻ như thể nghiệm của tác giả này không thể gây ấn tượng mạnh với độc giả bởi sự lạm dụng chữ nghĩa hơi khó hiểu cũng như chưa chuyển tải được cái hồn, tình cảm cho tác phẩm của mình.
Vấn đề chính của truyện cực ngắn không nằm ở lưu lượng câu chữ mà chính ở nội dung lớn từ câu chuyện nhỏ. Một số tác giả viết truyện cực ngắn chưa gây nên hiệu ứng mạnh từ truyện cực ngắn; hoặc còn ngô nghê trong cách định dạng câu chuyện của mình, hoặc bắt chước một cách máy móc ngôn từ, ngữ nghĩa của truyện cực ngắn nước ngoài, vì vậy truyện cực ngắn Việt Nam vẫn chưa thể có được chỗ đứng cho mình. Thiết nghĩ, chìa khóa cho thành công của truyện cực ngắn không nằm đâu xa mà chính ở một cụm từ rất giản dị, đó chính là “nghệ thuật bình dân”.
Sa Nam
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống )
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc