Đọc Tuyển tập Thơ Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ hai - 13/02/2012 13:57
Đọc Tuyển tập Thơ Tiền Giang

Đọc Tuyển tập Thơ Tiền Giang

Ba mươi hai tác giả đứng thứ tự theo vần ABC với 78 bài thơ được chọn trong một tuyển tập thơ do Hội VHNT Tiền Giang xuất bản năm 2003, thực sự là món quà quý cho những ai còn biết đến thơ, còn trân trọng thơ, trân trọng sự lao động nghệ thuật cực kỳ khó khăn này.

Vùng đất nằm dọc theo bờ sông Tiền, kéo dài từ vùng trũng Đồng Tháp Mười rộng lớn đến biển Đông mênh mông, khoáng đạt và có xu thế mở, đó là Tiền Giang. Có nhà địa lý cho rằng: Tiền Giang có hình con cá đang bơi, ở tư thế động. Phải chăng, cái hình thể ấy, cái môi cảnh ấy, cái sinh cảnh ấy có mối quan hệ đến tâm linh và nghệ thuật? Ở đâu trên trái đất này mà nghệ thuật không chịu ảnh hưởng của vùng văn hóa?

Cổ nhân có câu: “Rừng nào cây đó”. Vâng, nói đến cây người ta biết đến rừng. Nói đến người, người ta biết đến xứ. Nhưng không phải cây nào trong rừng đó cũng quý, người nào trong xứ đó cũng đẹp. Văn học nghệ thuật cũng vậy, nó chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng - miền. Thơ Tiền Giang dù có đa dạng đến đâu vẫn có dáng vẻ riêng. Trong hợp âm, trong tổ khúc về vùng đất bên sông Tiền vẫn lóe lên những nốt nhạc riêng, những âm thanh riêng, giọng điệu riêng lấp lánh sắc màu và trí tuệ, làm cho chúng ta phải chú ý, phải ngỡ ngàng và muốn khám phá.

Từ cổ chí kim, chưa nghe ai nói làm thơ dễ. Đến như thi hào Nguyễn Du vẫn nghĩ rằng:

               “Bất tri tam bách dư niên hậu

               Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như...”

Tạm dịc­h:

               Ba trăm năm lẻ và sau nữa

               Thiên hạ ai người khóc Tố Như!”

Mới thấy làm thơ là một thách thức lớn đối với người sáng tạo. Bởi thế, làm được một câu hay có thể được xem là một đóng góp cho văn học.

Đọc tuyển tập thơ Tiền Giang, thấy đây đó có những câu thơ khá, có khi hay, có những tứ thơ lạ, làm cho tuyển tập có thể nói là “đứng” được. Ấy là nói sự “đứng được” của thơ Tiền Giang so với khu vực, chứ chưa dám nói rộng ra cả nước.

Ba mươi hai tác giả với những giọng điệu khác nhau, cất lên từ một cái nền, cái cốt lõi, đó là hiện thực. Chính nhờ bắt nguồn từ hiện thực, thơ đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống, mọi ngóc ngách của riêng tư, len lỏi vào những chỗ khuất lấp của bản thể con người. Những điều ngày xưa người ta né tránh, thì nay nhiều tác giả mạnh dạn đề cập, tạo ra sự khác lạ. Lê Hà viết:

               “Ái ân tâm sự nồng chăn gối

               Sáng ra rau má mọc đầy sân”

                                                   (Về thăm nhà)

Thơ đang được mở ra mọi hướng, không giới hạn chiều kích, bởi thế mà có những ý tưởng táo bạo, mới mẻ và mạnh mẽ. Nguyễn Chi nhìn về cái răng của mẹ, cái điều mà ít ai nghĩ đến, để nhận ra:

               “Mẹ tôi và bát cơm

               Cái răng lung lơ như bản hợp đồng người già việc nhà”.

                                                                           (Cái răng đời mẹ)

Ở một góc độ khác, ẩn chứa một tâm trạng và đầy tâm thế, La Quốc Tiến có những câu thật hồn cốt, khi viết về Gò Công:

               “Tôi soi bóng thấy mặt mình oan khuất

               Chợt nghi ngờ cả hồ nước trong xanh

               ...

               Gò Công ơi!

               Chuyện cũ

               tích xưa

               ngậm mồm con chó đá

               vẫn phục trước đền chờ ngoạm phiến trăng non”.

                                                                 (Gò Công)

Đề tài chiến tranh vốn được nhiều nhà thơ trong nước khai thác, đặc biệt là những nhà thơ bước ra từ ba cuộc chiến tranh. Ở tuyển tập này lại là một trường hợp khác, hầu hết các tác giả không đề cập đến đề tài quen thuộc này, họ muốn tạo ra cái mới mẻ cho thơ, trước hết là đề tài. Võ Tấn Cường đi về cả hai phía, cả về đề tài hiện đại và đề tài chiến tranh. Có lần anh đi ngược dòng người để tìm về phía sau cuộc chiến tranh, và tạo ra một tứ thơ độc đáo: những người đàn bà với vầng trăng góa để cùng hao khuyết:

               “Những người đàn bà sót lại sau chiến tranh

               Ôm vầng trăng góa bụa ngủ hờ”.

Để rồi:

               “Gấu ăn trăng góa bụa

               Trăng lưỡi liềm cứa rụng mộng mơ”.

                                                     (Những vầng trăng góa bụa)

Thi phẩm đã có sự thâm độ lý tính, và thế, nó có đời sống riêng, lặng lẽ mà vang trầm giữa cuộc sống tất bật của chúng ta.

Khi những ồn ào của tiền bạc, công danh, địa vị đang chi phối đời sống thường nhật, có lúc làm lệch chuẩn những giá trị, thì người cầm bút vẫn trân trọng những gì đã làm nên quê hương, đất nước, trước hết là hình ảnh người mẹ. Trần Công Tùng bằng cái nhìn trân trọng ấy, đã có những câu viết về mẹ thật rung cảm, dễ dàng thấm nhanh vào tâm hồn người đọc:

               “Chỉ toàn áo vải nhuộm nâu

               (Nâu rừng trộn với dãi dầu nắng sương

               Thành màu riêng của quê hương

               Của làng xóm, của ruộng vườn)

                   Mẹ tôi”.

                                                                   (Màu nâu áo mẹ)

Góp mặt trong tuyển tập này còn có những gương mặt trẻ, họ góp phần làm mới mẻ cho thơ. Họ kết hợp cái vô hình và cái hữu hình, cái trừu tượng và cái cụ thể bằng sự tinh tế về cảm giác, có lúc là một thứ “siêu cảm giác”. Trương Trọng Nghĩa cho ra đời những câu thơ đẹp và có phần triết lý:

               “Mùa thu thôi cũng vội vàng

               Ngửa mặt gặp vầng trăng cũ

               Giật mình...

               Trước giọt sương tan”.

                                                               (Ký ức)

Nguyễn Thị Chí Mỹ đưa ra một hình ảnh phi thực và bất ngờ:

               “Rồi một ngày em sẽ thành vách đá không tên

               Ẩn trong mọi học hằn gai nhọn

               Anh cứ đến chỉ xin đừng khản giọng

               Gọi một màu đá cũ rất rêu phong”.

                                                               (Tất yếu)

Có thể thấy thơ Tiền Giang đang chuyển động về phía thơ hiện đại. Cảm xúc được nhào trộn với chất liệu sáng tạo và hàm lượng trí tuệ được nâng lên. Đây là tín hiệu vui cho đội ngũ thơ Tiền Giang.

Lê Ái Siêm
(Theo Tuyển tập LLPB VHNT Tiền Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 36235
  • Tháng hiện tại: 2268785
  • Tổng lượt truy cập: 46236018