Dặm cù bắt cá lia thia

Đăng lúc: Thứ tư - 23/05/2012 09:49
Dặm cù bắt cá lia thia

Dặm cù bắt cá lia thia

VNTG- Vào những ngày tháng hai âm lịch này, khi mà những đám mây khói đèn chưa kịp kéo về phủ kín chân đồng, chờ đợi từng cơn gió mùa tây nam cắt qua là sẵn sàng rách toác để dội xuống đồng năn, kinh bàng những cơn mưa mù trời mịt đất. Đến lúc ấy bầy cá lia thia cũng theo con nước dẫy chân đồng mà thi nhau ép mình, sủi bọt, ủ trứng và nước trên dòng kinh năn, bàu đứng, đìa lác có nơi đã sâu quá với tay. Vậy là người dân đồng trắp quê tôi phải gác cái rổ xây cù lên chái bếp, để lũ mọt sợ khói un cay mắt mà đừng đục thân vào từng nan trúc, phá hỏng một thứ đồ dùng đi kiếm cái ăn qua mùa khô hạn.

Cái rổ “xây cù”: (Đáng lý phải gọi là xoay cù)

Là một loại đồ dùng được đan bằng trúc, người ta phải lựa từng lóng trúc già mà vót từng rẽ nan tròn cạnh để đan, rồi nứt vành bằng hai cái nẹp tre cứng chắc. Cũng là loại rổ xúc nhưng được đan kỹ hơn, to hơn và dễ trút nước hơn. Đường kính của miệng rổ xây cù bằng cả một dang tay; tức là có từ 1.6 đến 1.8 mét, còn đáy rổ không bo tròn như những chiếc rổ xúc thường, mà phải bằng phẳng như đáy thúng.

Để làm được một cái rổ xây cù bà con quê tôi đã phải bỏ ra hàng tuần lễ, ngồi tê cả chân và vót nan trúc phồng xướt cả đầu ngón tay trỏ phải; người ta phải bó vải vào ngón tay vót dưới dạ nan mà làm. Đã vậy, đến khi thành khoảnh một miếng vỉ trúc, thì lại phải đào một cái lỗ tròn như hình cái thúng, rồi lật ngược cật trúc mà lận để khoanh cho được hai cái nẹp tre và nứt nên vành rổ chắc chắn. Một cái rổ như vậy có tuổi thọ hàng chục năm đằng đẵng ướm phèn vàng bóng như mái đưng nắng rọi.

Cái rổ xoay tròn theo bước chân quê, dầm nước dậm cù.

Cù… và dậm cù

Đồng nghĩa với cù lao trên sông, cù được xây dọc dài trên những dòng kinh năn để bắt cá lia thia, đọt năn quấn lại, guộn lên trông giống như những cù lao. Cù không phải chỉ có mỗi việc bắt cá lia thia, mà cù còn được xây trên những cánh đồng nước nổi, gom xiết từng vòng tròn đến nhỏ dần những đụn cỏ, bụi đế, đám sậy, gò lau… để bắt chuột cống nhum, cống éc; bắt gà đãi, trít cồ và bắt cả những con rắn lụt vồ, ri voi, ri cá, rắn hổ… Khi dậm những cù này người ta phải nhờ đến sức trâu đi dậm và dùng ná, dùng chỉa, gậy… để bắn, đâm, phang những con chuột, con rắn không còn đường chạy trốn, buộc chúng phải bò lên đọt cây, đọt lau. Những cù như vậy khá lớn, có khi diện tích mỗi cù lên đến hàng ngàn mét vuông, có đường kính dăm, bảy tầm là thường và phải có nhiều người tham gia săn bắt. Tiếng ví trâu, tiếng hò hét, la lối, chỉ trỏ… vui rộn cả một góc đồng. Thu hoạch sau mỗi lần dậm cù, chí ít cũng được mươi ký chuột, dăm ba con rắn, vài con rùa, con chồn…

Khác với cái nhốn nháo của một buổi dậm cù bắt chuột. Dậm cù bắt cá lia thia thì lại im lìm và thật nhỏ nhẹ, vỏn vẹn với hai người dầm nước, dãi nắng trên những ngọn kinh đầy năn và bàng, một người kéo cái rổ, một người bưng thau đựng cá. Cả hai cùng xoay vòng tròn cái rổ nửa chìm trong nước, nửa cao trên đọt năn; mỗi vòng cù vừa bằng chu vi miệng rổ, họ vừa đi, vừa dậm, vừa lùa đám cá dưới chân gom cù vào giữa, thế là xúc. Mỗi lần xúc nếu khá cũng được lưng tô miệng trẹt, giá như kém cỏi cũng đầy miệng chén chè thưng. Ngoài những chú cá lia thia, bã trầu tươi roi rói, phản chiếu dưới nắng trời những cái vẩy màu xanh đen, bóng gợn; người ta còn bắt những con điên điển (một loại côn trùng dưới nước biết bay) có lớp cánh ki-tin cũng màu xanh thẫm và trơn láng. Con điên điển cũng là một thứ thức nhấm không kém phần hấp dẫn; sau khi dậm cù chóng mặt… ta về nghen em!

Con cá lia thia và những món ăn bình dị

Cá lia thia là một loại cá đá, cá kiểng. Sau mỗi lần dậm cù về, lũ trẻ không quên lặt lựa vài con cá trống có cái mang ửng đỏ, cái mỏ chu tròn, cái kỳ gợn xanh, cái vây dũng mãnh và cả cái đuôi cũng phải lớn đều, vót nhọn chót đuôi. Chúng được lai giống với cá phướng; để có những chú cá đá “mình đầy võ nghệ” và đẹp. Những chú cá này được bán cho “dân biết chơi cá”, giá mỗi con cũng được năm bảy trăm đồng.

Số cá lia thia còn lại, sau hơn hai giờ xách rổ dậm cù ước chừng một ký lô non, có cả những con bà mụ, chôm chôm, điên điển, tép mòng… lặt lựa kỹ càng những thứ không ăn được rồi đem rửa sạch mà làm thức ăn.

Món ăn được chế biến từ con cá lia thia thì thật là bình dị và không phải không phong phú. Cá lia thia được nấu với canh rau bạc bợ, bù ngót hay kho mắm mà ăn với lá hẹ nước. Với những sản phụ còn non ngày tháng thì cá được kho tiêu, kho sả… mà phải kho bằng nồi đất, bằng tộ mới “đúng sách”, đó cũng là món ăn thường ngày của vùng đồng trắp này, những ngày khô tháng hạn. Cá còn được phơi khô để ăn lâu dài.

Còn nói đến món nhậu từ cá lia thia thì phải kể đến các món thiệt “bắt” như là: cá lia thia đem hấp lá gừng mà xúc bánh tráng nướng hay cuốn bánh tráng nem có kèm rau sống; làm một tô nước mắm tỏi ớt ngon như tô nước mắm chấm bánh xèo. Thú thật, chưa ăn mà nhìn đã phát thèm. Ngoài ra, con cá còn được đem chấy mỡ hành hay um nước cốt dừa thì thật là đậm đà cái tình con cá, lá rau.

Nói đến “dậm cù bắt cá lia thia” ở vùng đồng trắp quê tôi, không thể không nói đến cái đẹp trữ tình, lãng mạn chân quê, khi mà một đôi trai gái hò hẹn nhau và e ấp bên nhau dầm nước, dậm cù. Cũng chính vì vậy, tôi có tham ý gởi đến độc giả cái “lý lia thia” kết thúc bài viết này:

Dậm cù bắt cá lia thia
Chân quê e ấp bên kia chân đồng
Từ ngày em đi lấy chồng
Lia thia quen chậu, anh quen đồng sớm khuya
Dậm cù bắt cá lia thia!.

Tân Lập tháng 3 – 1994

Nguyễn Chi
(Theo Tuyển tập Hương đồng quê)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Lia thia, đồng quê

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 440
  • Khách viếng thăm: 435
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 29533
  • Tháng hiện tại: 1895312
  • Tổng lượt truy cập: 48269439