Dòng sông trôi giữa lòng thành phố

Đăng lúc: Thứ năm - 03/05/2012 15:34
MH: Lê Hồng Thái

MH: Lê Hồng Thái

Tôi may mắn có dịp cùng các anh chị Đài Truyền hình Việt Nam ngược dòng Bảo Định để làm phim “Những dòng kinh phương Nam” vào tháng 5 năm 2011. Ngồi trên chiếc thuyền máy từ bến tàu du lịch trên sông Tiền, xuôi theo dòng sông chừng 400 mét là đến chỗ hai dòng sông gặp nhau: sông Tiền và sông Bảo Định. Đang mùa nước lớn, nước ở nơi này cứ cuồn cuộn chảy. Vàm sông ken đầy thuyền.

Những xà lan chở cát nối nhau ngược dòng sông để san lấp một nơi nào đó trên địa phận thành phố Mỹ Tho, hàng chục thuyền máy từ nhiều vùng khác nhau của miền châu thổ chở trái cây, gia súc, gia cầm, hàng hóa về các chợ của thành phố, tấp nập và náo nhiệt. Thì ra, đoạn sông Bảo Định này đang đầy tràn sức sống và có nhịp thở khỏe khoắn lạ thường.

Thuyền lướt dưới những chiếc cầu bê tông khá lớn. Hết cầu Quay, chiếc cầu mà người Pháp xây dựng năm 1895, có nhịp giữa quay được để tàu thuyền dễ dàng đi qua, nay đã xây lại, lớn hơn, không quay, nhưng cái tên cũ vẫn còn, rồi cầu Nguyễn Trãi, cầu Hùng Vương, một bờ phía nội thành Mỹ Tho phố xá mọc lên san sát, còn phía kia là phố và vườn, màu xanh xen kẽ với những mái lầu, tựa như trong tranh thủy mặc.

Rồi từ cầu Hùng Vương, một chiếc cầu lớn nhất của thành phố, từng được xây dựng năm 2005, để mở ra một trung tâm mới, làm cho đô thị nở nang ra, vạm vỡ hơn, phù hợp với sự phát triển của đô thị từng có 3 thế kỷ và đang vào thời kỳ hội nhập, từ chiếc cầu này, dòng sông bắt đầu hẹp dần, để đi đến một chiếc cống ngăn mặn lớn, chắn ngang dòng sông, đó là cống Bảo Định, cách cầu Hùng Vương chừng 3 km về phía thượng nguồn, được xây dựng năm 2004. Chút hụt hẫng tự nhiên ùa đến. Dòng sông trôi giữa lòng thành phố chỉ có thế này sao? Cái hụt hẫng ấy buộc tôi phải trở về quá khứ, nơi bắt đầu của sự hình thành một dòng sông.

Cho đến bây giờ, địa danh Mỹ Tho vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau. Người thì tìm về Hán tự, cho rằng Mỹ Tho nghĩa là cây cỏ đẹp; người lại tìm về vài cuốn sách được người Pháp phiên âm từ tiếng Khmer là Méso để giải thích là nàng tiên hoặc cô gái đẹp; người thì cho rằng: Mỹ Tho tiếng Khmer có nghĩa là Bà Trắng. Di cảo của cụ Trương Vĩnh Ký trong le Cisbassac giải thích rằng: srok (xứ), mé sa (nàng con gái có nước da trắng), được hiểu là xứ có nàng con gái nước da trắng. Tôi nghiêng về cách giải thích này, khi biết rằng trên vùng đất Nam bộ, sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ mà nguyên nhân chủ yếu là sự xung đột nội tại của vương quốc này, khoảng thế kỷ thứ 7 và thế kỷ thứ 8, một tiểu quốc, vốn là thuộc quốc của Phù Nam là Khmer ở vùng Campuchia hiện nay mạnh lên, tiểu quốc này đánh chiếm một vùng rộng lớn của Phù Nam là Nam bộ hiện nay, vì thế, ngày nay một số địa danh còn mang tên Khmer. Có thể dẫn ra vài địa danh, như Rạch Gầm, theo cụ Trương Vĩnh Ký là từ tiếng Khmer: prêk khlà trằm, prêk là sông, rạch; khlà trằm là cọp gầm, được hiểu là nơi cọp gầm; hoặc như Cà Mau, cụ Trương Vĩnh Ký cho rằng từ tiếng Khmer là Srok tữk khmau,  tữk là nước, khmau là đen, do lá dừa nước mục chảy ra, được hiểu là xứ nước đen; hoặc như Bến Tre, có thuyết cho từ tiếng Khmer là Srok treay (đọc là sốc tre), nhưng treay có nghĩa là , phải hiểu là sốc nhiều cá, nhưng vì trên các giồng có nhiều tre, người Việt lập chợ gọi luôn “chợ Bến Tre”, rồi hiểu là có bến bằng tre. Hoặc từ “vàm” của người Nam bộ tương tự từ Péam (đọc Pàm) của người Khmer có nghĩa là cửa sông, cửa biển. Có thể đó là sự biến âm của người đi khai hoang từ thế kỷ 17. Bởi dòng sông đi qua thành phố Mỹ Tho, mà địa danh Mỹ Tho có nhiều cách hiểu như thế nên đành phải dài dòng để hiểu thêm về nó.

Ngày xưa, con rạch Mỹ Tho là một con rạch ngắn, chảy từ Hốc Đùn ra sông Tiền. Ở phía sông Vàm Cỏ, nay thuộc tỉnh  Long An, có rạch Vũng Gù chảy từ Cai Lộc ra sông Vàm Cỏ. Giữa 2 con rạch này là đầm lầy và rừng bụi. Vùng này có tên Khmer là Kompong Ku, ta gọi Vũng Gù, rồi Vũng Cù, đổi ra Hán tự là Cù Úc. Năm 1705, quân Xiêm tiến tới Rạch Gầm, Chúa Nguyễn bèn cử Thống suất Nguyễn Cửu Vân đem quân ngăn chặn. Thời ấy, việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy, vì thế, để thuận tiện cho việc chuyển quân, Nguyễn Cửu Vân cho đào đoạn kinh nối 2 con rạch này. Do đào vội để kịp chuyển quân, con kinh không thẳng, nên có chỗ dễ bị lấp cạn. Dù vậy, đoạn kinh qua thôn Hưng Hòa được gọi là Hưng Hòa Giang. Chỗ chợ Lương Phú, tục danh gọi Bến Tranh thường có quân Miên đến quấy nhiễu, dân trong vùng phải đắp lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú và đào vét 2 ngọn rạch Vũng Gù – Mỹ Tho cho nước thông nhau và làm thêm bờ bao ngăn chống giặc. Vào đầu năm Kỷ Mão (1819) Gia Long thứ 18, Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong, theo lịnh vua Gia Long huy động được hơn 9.000 dân phu cải tạo lại dòng kinh này. Chỗ 2 con rạch gặp nhau có làm Thang Trông, chữ gọi là Vọng Thê (vọng là trông xa, thê là cái thang), để trông nom việc đào kinh và cảnh giới hoạt động của kẻ thù. Dòng kinh được mở rộng tới 7 trượng, sâu 9 thước, dài tới 19 dặm. Công trình ấy thực hiện 4 tháng thì hoàn thành, được vua ban tên mới là Bảo Định Hà. Để ghi lại sự kiện đặc biệt về con kinh đào đầu tiên ở vùng châu thổ sông Cửu Long này, vua cho dựng bia lưu niệm tại Phú Kiết, bên dòng Bảo Định Hà, nay bia lưu niệm bằng đá vẫn còn.

Từ khi con kinh được nắn dòng và mở rộng, Bảo Định Hà trở thành thủy lộ quan trọng để vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, văn thư từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đi Sài Gòn và ngược lại. Người Pháp đến đây từ năm 1861 bằng tàu sắt, súng thần công, súng trường và lưỡi kiếm, họ lợi dụng sông Bảo Định để làm một hướng tấn công chính vào thành Định Tường, còn gọi là thành Mỹ Tho (thành nằm trên địa phận phường 1 và phường 4 ngày nay), sau khi chiếm Mỹ Tho vào ngày 12 tháng 4 năm 1861, họ sử dụng con kinh để đặt những trạm chuyển văn thư và đặt cho nó cái tên Arroyo de la Post (chở thơ trạm). Về sau, người dân Mỹ Tho gọi là sông Bảo Định vì thấy dòng kinh khá rộng. Cho đến bây giờ, có người vẫn gọi rạch, có người gọi là kinh, có người cho là sông, tùy theo cách nghĩ.

Như những dòng sông trên đất nước ta, dòng sông Bảo Định có đời sống riêng. Thường bên sông có làng, có chợ, có những cuộc đời gắn với dòng sông. Xứ Mỹ Tho này, nhà thơ Học Lạc (1842 – 1915) từng ca ngợi: “Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho/ Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho”. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chỉ có Mỹ Tho mới sánh với Sài Gòn. Đường tàu ở Đông Dương chỉ mới có 71km, từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, cái ga cuối lại bên vàm Bảo Định. Lại từ vàm này, tàu thủy chuyển tiếp xe lửa, theo các dòng sông, đi khắp miền lục tỉnh, đi lên cả Pnômpênh (thủ đô Campuchia) khi ngược dòng Mê kông hùng vĩ. Mỹ Tho vì thế trở thành vị trí trung chuyển. Nông sản vùng châu thổ phì nhiêu tập kết tại đây, rồi theo đường thủy, đường xe lửa, đường bộ mà về Sài Gòn. Rồi từ Sài Gòn, hàng hóa lại theo về, phân phát cho vùng châu thổ. Sự sầm uất và nền kỹ nghệ phương Tây thấy rất rõ ở xứ này. Phong cảnh hữu tình, kinh tế phát triển, văn hóa cũng phát triển theo. Nền văn hóa Pháp bắt đầu có dấu ấn ở vùng này, khi họ cho xây dựng trường Collège de Mytho, nhằm đào tạo một tầng lớp trí thức phục vụ cho chính quyền thực dân, khai trường lần đầu vào năm 1880. Rồi một loại hình nghệ thuật mới, thoát thai từ đờn ca tài tử, trở thành nghệ thuật cải lương, biểu diễn có tuồng tích và sân khấu ra đời. Rạp cải lương đầu tiên của cả nước (rạp thầy Năm Tú) tại hông chợ Mỹ Tho, bên dòng Bảo Định đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.

Cảnh đôi bờ sông Bảo Định ở Mỹ Tho vào cuối thế kỷ 19 được Học Lạc vẽ lại trong thơ ông thật sinh động:

“Lớn ròng chung rạch

                           chia đôi ngả

Cũ mới phân nhau cũng một đò

Phố cất vẽ vời xanh tựa lục

Buồm dong lên xuống

                                  trắng như cò

Đắc tình trạo tử quên mưa nắng

Dắn giỏi đua nhau tiếng hát hò”

Ấy là khi cầu Quay chưa bắc qua sông Bảo Định và ở đó còn là chiếc đò ngang để đưa khách từ chợ Mỹ Tho cũ (phía phường 8 sang chợ Mỹ Tho mới, cũng bên bờ Bảo Định, nhưng lại bờ tây, tại phường 1 ngày nay) và khách đi ngược lại, nên nhà thơ viết “cũ mới phân nhau cũng một đò”. Thuở ấy, phố đã “cất vẽ vời” và dòng sông thì “buồm dong lên xuống trắng như cò”. Một đô thị trên phố dưới thuyền ấy, vừa thơ mộng, hữu tình vừa sôi động, thực sự là chốn đô hội của vùng châu thổ.

Không phải ngẫu nhiên mà đôi bờ Bảo Định có nhiều chợ, đình, chùa, đền miếu. Cư dân khẩn hoang, cư dân nông nghiệp sống dựa vào các con rạch, con sông và mảnh đất canh tác. Đất và nước trở thành 2 yếu tố làm nên sự sống của con người lấy nông làm nghiệp chính, để làm nên nền văn minh, mà trước tiên là văn minh nông nghiệp. Lịch sử các nền văn minh đều gắn liền với lịch sử các dòng sông. Người ta gọi “văn minh sông Hồng”, “văn minh sông Hằng”, “văn minh sông Nin”, “văn minh sông Hoàng Hà” v.v... bởi từ các dòng sông đó, các nền văn minh ra đời. Ở đây, bên đôi bờ sông Bảo Định, đình chùa đã mọc lên, phố xá đã mọc lên, trường học mọc lên, trong hoàn cảnh đất nước còn ly loạn do thực dân xâm lược, những luồng tư tưởng cũng về chốn đô hội này mà khuếch trương. Nhưng, chỉ có tư tưởng yêu nước mới thực sự tồn tại. Chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, trường Collège de Mytho trở thành nơi tụ họp, nơi bàn luận đường hướng đấu tranh của những nho sĩ yêu nước. Cụ Phan Châu Trinh, cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến hoạt động ở vùng này, ngay cả chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng đã đến đây trước khi xuống tàu ở bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) để tìm đường cứu nước, sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều thi sĩ cũng tìm tới đây để tức cảnh sinh tình, Huy Cận, rồi Xuân Diệu, rồi Bảo Định Giang. Xuân Diệu làm việc ở sở Đoan (kho bạc góc đường Lê Lợi – Thủ Khoa Huân) đã mô tả đôi bờ Bảo Định hồi đó: “Cầu Quay phố xá hai bên/ Ta không buôn bán chỉ ghiền văn thơ ”. Dòng sông trôi giữa lòng thành phố như thế đấy.

Nơi vàm sông Bảo Định, buổi sáng ngày rằm tháng Tư năm Ất Hợi (1875), nhà thơ yêu nước Nguyễn Hữu Huân, người từng 3 lần dấy binh khởi nghĩa, bị thực dân Pháp giải xuống thuyền, ngược dòng Bảo Định về quê ông thôn Tịnh Giang (nay là xã Hòa Tịnh) để xử chém. Đồng bào các chợ ven sông nhìn ông đứng trên thuyền, cổ mang gông mà ứa nước mắt, thương cho số phận của vị anh hùng. Trước cái chết, ông vẫn ung dung đọc bài thơ tuyệt mạng, ông đọc to lên, nhờ tên đao phủ chép lại để gởi về cho vợ. Đó thực sự là cái chết của một nho sĩ yêu nước, cái chết của một vị anh hùng.

“Hãn mã nan kham vị quốc cừu

Chỉ nhân binh bãi trí thân hưu

Anh hùng mạc bả dinh chi luận

Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu

Vô bố dĩ kinh hồ lỗ phách

Bất hàng cam đoạn

                        tướng quân đầu

Đương kim Tho thủy ba lưu huyết

Long đảo thu phong khởi mộ sầu”

Bài thơ được người con gái của ông là Nguyễn Thị Vạn khắc lên bia đá tại mộ ông. Sau này, Phan Bội Châu dịch lại:

“Ruổi dong vó ngựa trả thù chung

Binh bãi cho nên mạng phải cùng

Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ

Hơn thua sá kể với anh hùng

Nổi xung mất vía quân hồ lỗ

Quyết thác không hàng

                                  rạng núi sông

Tho thủy ngày rày pha máu đỏ

Đảo rồng hiu hắt

                        ngọn thu phong”.

Đảo Rồng, nay là phường Tân Long, một cù lao nằm giữa sông Tiền, phía trước vàm Bảo Định.

Thì ra, đôi bờ Bảo Định đã tạo ra những con người đã đi vào lịch sử của quê hương, của vùng miền và của dân tộc. Đôi bờ sông này đã tạo ra một họa sĩ danh tiếng là Nguyễn Sáng, “nhất Phái, nhì Sáng” (Phái là Bùi Xuân Phái), của nền hội họa Việt Nam, tạo ra Phùng Há, một nghệ sĩ cải lương tài danh của nước ta, hai con người này đều ở làng Điều Hòa, làng nằm trên đôi bờ sông Bảo Định, nay thuộc phường 1 và phường 2 của thành phố Mỹ Tho. Thượng thư Cao Xuân Dục khi đến đình Điều Hòa, thuộc tổng Thuận Trị, (nay thuộc phường 2) đã để lại đôi câu đối;

“Tứ hải hỗn đồng

                        phùng Thuận Trị

Nhất phương phong hóa

                             hảo Điều Hòa”

Có nghĩa là: Gặp đời Thuận Trị dù bốn biển hỗn tạp cũng hòa đồng/ Nhưng chỉ có một phương phong hóa đẹp như làng Điều Hòa.

Dòng Bảo Định khi qua đô thị Mỹ Tho thì chia đôi làng Điều Hòa, làng trên bến dưới thuyền, trên chợ dưới sông, trước mặt là cù lao, sách phong thủy nói trước cửa sông mà có cồn nổi lên thì chỗ ấy ắt vượng. Cái dòng sông ấy đã mê hoặc anh chàng làm thơ Nguyễn Thanh Danh, quê huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) mượn tên sông mà đặt tên cho mình, anh chàng ấy là nhà thơ Bảo Định Giang.

Dòng sông Bảo Định này, đoạn qua thành phố Mỹ Tho thì uốn lượn hình chữ L, gặp dòng sông Tiền, một nhánh lớn của sông Mê kông, thành hình chữ U. Nội thành Mỹ Tho nằm trong chữ U này. Người Pháp lợi dụng địa hình này để cải tạo hào thành Định Tường thành 2 giếng nước lớn, thực ra là 2 hồ nước lớn, nối 2 đầu chữ U lại, với mục đích tạo sự biệt lập của nội thành, mà như người Pháp nói, là nhằm tạo ra các hào nước chống sự tấn công của người An Nam, và một chức năng khác, là chứa nước ngọt cho cư dân thành phố. Nhưng, các tổ chức cách mạng lại phát triển ngay trong nội thành. Các chi bộ Xóm Dầu, trường Nguyễn Đình Chiểu, Hãng Xáng ra đời, là những chi bộ đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho. Phong trào cách mạng ở Mỹ Tho vì thế mà phát triển sớm và mạnh. Với cuộc cách mạng Tháng Tám, Mỹ Tho là nơi giành chính quyền sớm so với các địa phương khác trong cả nước, vào ngày 18 tháng 8 năm 1945.

Mùa xuân Mậu Thân (1968), quân dân cả nước ta làm một cuộc tổng tiến công vào các sào huyệt của kẻ thù. Sông Bảo Định chứng kiến cảnh vượt sông ào ạt của các lực lượng vũ trang ta trong đêm mùng một Tết. Một cuộc vượt sông để bất thần đánh vỗ mặt kẻ thù. Tên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang ở nhà vợ gần giếng nước Mỹ Tho không ngờ  thành phố Mỹ Tho bị rung chuyển đến như thế. Mờ sáng mùng 2, chúng vội vã đưa trực thăng đến giải thoát cho vị tổng thống ngờ nghệch về chiến
lược này.

Bây giờ, các cống ngăn mặn đang cắt khúc sông Bảo Định. Rồi chợ, rồi nhà, rồi quán xá đang thi nhau lấn, thi nhau lấp dòng sông. Những phụ lưu của dòng sông dường như đã biến mất do đô thị hóa nhanh đến chóng mặt. Với đà này, biết đâu, thế kỷ sau, hoặc sau nữa, câu chuyện của dòng sông chỉ còn trong cổ tích.

Lại nhớ xưa kia, vào nửa sau thế kỷ 17, những người Việt và người Hoa tụ lại bên rạch Mỹ Tho (đường Nguyễn Huỳnh Đức, thuộc phường 2 và phường 8 bây giờ) để lập nên  Mỹ Tho Đại Phố, có các hội quán, có nhà cao, chùa rộng, có thuyền đi sông đi biển, giao thương với nhiều nước trong khu vực, một đô hội nổi tiếng của vùng châu thổ, vậy mà con rạch ấy đã bị lấp đi, đã thành đường, thành nhà, thành phố. Người ta không còn thấy dấu vết rạch Mỹ Tho của chợ Phố Lớn ấy đâu cả. Mỹ Tho Đại Phố thời ấy chỉ còn trong
trang sử.

Lại thương cụ Nguyễn Cửu Vân, cụ Nguyễn Văn Phong đi huy động dân phu để làm nên một dòng sông có đoạn lượn lờ trong lòng thành phố. Tôi viết những dòng này để mai kia, nếu dòng sông không còn thì vẫn còn chuyện để mà  kể lại.

Hôm kia, trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam có chiếu cảnh thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) bị ngập lụt hơn 1 tháng trời, hơn 350 người bị chết, lại phát đi lời cảnh báo của nhà vua Thái Lan cách nay 50 năm về việc quy hoạch thành phố Băng Cốc đã lấp đi những dòng chảy tự nhiên, và hệ quả, hậu quả của nó đã bắt đầu thấy được một cách rùng rợn.

Còn bây giờ, đoạn sông Bảo Định trôi giữa lòng thành phố Mỹ Tho chưa mất hết vẻ đẹp của nó, bởi thế, tôi vẫn còn hy vọng dòng sông còn mãi, để làm duyên cho một thành phố từ xưa đã từng xinh xắn.

Lê Ái Siêm
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 210
  • Hôm nay: 39482
  • Tháng hiện tại: 2272032
  • Tổng lượt truy cập: 46239265