Phải đi hơn 900 cây số, qua 8 tỉnh, thành mới đến Quảng Ngãi, quê hương của núi Ấn sông Trà. Cuộc hành trình không phải là quá dài so với nhiều chuyến đi trước đây. Trước đó, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã từng lặn lội ra tận Quảng Trị viếng nghĩa trang Trường Sơn, từng dắt nhau lên tới Măng Đen, vượt đỉnh đèo Violắc, làm chuyến xuyên Việt ra Tam Đảo, lên Sapa… Nhưng tổ chức cho cả đoàn đi đảo thì đây là lần đầu. Mà lại là nơi chưa có thành viên nào trong đoàn từng đến, ở đó chưa có một “người quen” kiểu như lên Kon Tum, Gia Lai có Tạ Văn Sỹ, Văn Công Hùng, tới Phú Yên có Huỳnh Thạch Thảo, về Đà Lạt có Vũ Ngọc Thu, Nguyễn Thánh Ngã…, những bạn bè văn nghệ thân thiết chỉ cần “alô” một tiếng là chỗ ăn chỗ nghỉ, đường đi nước bước được dẫn dắt lo liệu, chỉ việc vác ba lô lên đường! Vì vậy, chuyến đi Quảng Ngãi lần này hứa hẹn nhiều mới mẻ, khám phá, nhưng cũng không ít lo lắng đối với người tổ chức. Lịch trình khởi hành từ 5 giờ sáng, đi một mạch tới Phú Yên, nghỉ qua đêm ở thành phố Tuy Hòa, sáng sớm viếng núi Nhạn, ngắm sông Cầu rồi đi thẳng ra Quảng Ngãi, đáp tàu qua Lý Sơn. Chặng về sẽ ghé Bình Định và Ninh Thuận.
Để thuận lợi cho anh em văn nghệ sĩ trong suốt chặng đường thiên lý, tạo điều kiện thâm nhập thực tế, nắm bắt tư liệu, một mặt Ban tổ chức liên hệ đặt chỗ nghỉ ngơi ăn uống cho đoàn, một mặt liên hệ với Hội VHNT các địa phương nhờ chỉ dẫn đường đi nước bước, những điểm cần đến... Chặng dừng đầu tiên tại thành phố Tuy Hòa khá yên tâm vì có… Huỳnh Thạch Thảo. Còn nhớ cách đây 6 năm (2006) khi tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ TG đi Tây Nguyên, cũng “quá cảnh” Phú Yên một đêm rồi mới lên Kon Tum. Hội VHNT Phú Yên cũng chỉ quen mỗi Huỳnh Thạch Thảo từ trại viết của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996. Khi tôi điện báo, nhờ đặt giùm khách sạn, Thảo sốt sắng. Chỗ em có mấy phòng nghỉ, đoàn có thể qua đêm tạm, thuê khách sạn chi tốn tiền. Vì xuất phát trễ chạng vạng mới tới thành phố Tuy Hòa. Thật cảm động, Huỳnh Thạch Thảo và anh em văn nghệ Phú Yên chờ đoàn từ chiều, liên tục gọi điện hỏi tới đâu. Buổi cơm tối chiêu đãi, trân trọng và thân tình, có món cá ngừ đại dương (đặc sản Phú Yên) với mù tạc, cải bẹ xanh, cay nồng, ăn để nhớ đời. Một đêm Phú Yên nồng ấm tình cảm bạn bè văn nghệ, sáng hôm sau chưa vội đi vì bạn dắt lên thăm núi Nhạn, thăm ghềnh Đá Đĩa, rồi tiễn nhau tận ranh giới Bình Định, chia tay lưu luyến… Quanh đi quanh lại mà đã 6 năm trời. Trở lại thành phố Tuy Hòa lần này, trời nhập nhoạng mới xuống đến chân đèo Cả, vẫn Huỳnh Thạch Thảo đứng đón chúng tôi trước cổng Hội VHNT. Buổi cơm tối, tiếp đoàn còn có nhạc sĩ Ngọc Quang (Chủ tịch Hội) và cô Doanh phụ trách văn phòng. Trong không khí thân mật, ấm cúng, cùng nhắc lại lần hội ngộ của 6 năm về trước với chút ngậm ngùi vì cả chủ nhà và khách đều vắng đi một số khuôn mặt cũ. Sau một đêm ngủ rất ngon (vì suốt ngày qua đi đường trường mệt), buổi sáng tranh thủ thăm lại tháp Nhạn, viếng đài tưởng niệm, công trình xây dựng vào năm 2004, trên núi Nhạn, với diện tích rộng gần 500m2, đài cao 30m, ghi danh, tưởng niệm gần 13.000 liệt sĩ. Đài tưởng niệm núi Nhạn không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ, nhân dân Phú Yên đối với các liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc mà còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật với biểu tượng như những cánh chim nhạn tung bay… Tạm biệt Phú Yên thân yêu, chúng tôi vượt đèo Cù Mông, qua Bình Định tiến về Quảng Ngãi.
*
Một trong những điểm mà chúng tôi lên kế hoạch phải ghé thăm khi tới Quảng Ngãi là bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Trong chuyến đi xuyên Việt cách đây 3 năm chúng tôi đã không ghé bệnh xá được vì khi đi qua Đức Phổ thì trời sụp tối. Xe chạy bon bon, những câu chuyện sôi nổi, râm ran thưa dần, mọi người chìm trong giấc ngủ gà gật. Nhưng khi anh Trần Đỗ Liêm thông báo: Đã vào địa phận huyện Đức Phổ, sắp tới chỗ chị Trâm, ai nấy đều tỉnh hẳn, cùng ngoái đầu ra cửa xe. Kia rồi, bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở ngay bên Quốc lộ 1A trên một khuôn viên rộng, kế bên trạm y tế xã Phổ Cường. Bệnh xá nằm giữa khuôn viên rợp bóng cây xanh, mang nhiều dấu ấn kiến trúc Tây Nguyên hòa quyện với cảnh quan dãy núi Trường Sơn, và vùng nông thôn Trung bộ. Phía trái bệnh xá, bức tượng liệt sĩ, bác sĩ Thùy Trâm đội nón lá, vai đeo túi cứu thương được tạc bằng đá hoa cương. Đàng sau tượng đài là cây hoa sữa tán lá xum xuê. Được biết, cây hoa sữa này do nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trồng trong buổi lễ khánh thành bệnh xá. Hoa sữa, biểu tượng của quê hương Hà Nội, nơi chị Đặng Thùy Trâm sinh ra và lớn lên, luôn là nỗi nhớ da diết trong nhật ký của chị. Giờ đây cây hoa sữa tỏa bóng mát, bình yên bên chị trong cái nắng miền Trung chói chang. Bầu trời Đức Phổ xanh trong yên bình như chưa từng khốc liệt, chưa từng bom cày đạn xới.
Sau khi thắp hương, chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài, chúng tôi vào viếng phòng truyền thống. Tại đây, trưng bày ảnh tư liệu về cuộc chiến đấu của quân dân Đức Phổ trong thời chống Mỹ và một số hiện vật liên quan, trong đó có góc triển lãm “Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm” trưng bày những hình ảnh di vật liên quan tới quyển nhật ký đã đi qua hơn phần ba thế kỷ, đi qua nửa vòng trái đất… Dù đã xem qua báo chí, xem trên mạng những sự kiện về Đặng Thùy Trâm, nhưng khi nhìn tận mắt những di vật ghi dấu một thời đạn bom, gian khổ, trên chính mảnh đất mà chị đã chiến đấu và hy sinh, chúng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi.
“Một thoáng” Đặng Thùy Trâm đã làm đầy ắp hành trang của những người phương Nam tìm về khúc ruột miền Trung.
*
Khách sạn mà họa sĩ Bùi Nam (chánh văn phòng Hội VHNT Quảng Ngãi) giới thiệu cho chúng tôi ở nằm trên đại lộ Hùng Vương, đại lộ chính của thành phố, với cái tên rất ấn tượng là Hưng Vượng. Buổi chiều đến Quảng Ngãi sớm hơn dự định, chúng tôi có cơ hội ngắm nhìn phố xá. Đại lộ thênh thang thẳng tắp với hàng cây xanh, hai dãy phố san sát. Bộ mặt thành phố Quảng Ngãi cho thấy sự phát triển, phồn vinh. Buổi tối trước khi ra đảo, chúng tôi có buổi giao lưu, gặp gỡ với lãnh đạo Hội VHNT Quảng Ngãi, các nhà thơ, nhà văn của quê hương núi Ấn sông Trà. Đặc biệt, có sự hiện diện của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch, người được mệnh danh là nhà nghiên cứu Lý Sơn, người hiểu Lý Sơn đến từng chân tơ kẽ tóc. Ông đã cung cấp cho đoàn những khái niệm ban đầu hết sức ấn tượng về huyện đảo. Nhà thơ Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi, cho biết hiện Hội đang đăng cai chuẩn bị triển lãm mỹ thuật khu vực, công việc rất bận rộn nên chỉ cử một người đi cùng chúng tôi, đó là anh Trầm Thụy Du, Tổng biên tập tạp chí Sông Trà. Anh đùa: Hết quân rồi, nên chúng tôi xuất tướng. Mà anh Vinh (tên thật của Trầm Thụy Du) trông ốm yếu vậy chứ còn khỏe mạnh, được việc lắm. Một số người ngoài 60 trước đây ở Sài Gòn như họa sĩ Lê Hồng Thái, cô Trạc Tuyền… nghe tên Trầm Thụy Du thì nhận ra ngay, vì trước 1975 anh có cộng tác với một số báo ở Sài Gòn. Tôi, thời nhỏ mê Tuổi Ngọc cũng có đọc anh. Vậy là giảm đến 90% lo lắng vì đã có người của Hội cùng đi với đoàn. Trầm Thụy Du thoạt đầu trông lặng lẽ, ít nói, nhưng tiếp xúc rồi mới biết anh rất đỗi linh hoạt. Đặc biệt là trong các cuộc giao lưu, anh dễ dàng trở thành trung tâm lôi cuốn bởi lối kể chuyện rất có duyên và tài ca hát. Khi biết chúng tôi đến từ Tiền Giang, cái nôi của ca nhạc tài tử, cải lương Nam bộ, anh đã biến tấu ngay bài Em ơi, Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang thành câu vọng cổ rất ư bài bản,
điệu nghệ.
*
Kinh nghiệm quí báu qua các chuyến đi mà chúng tôi đúc kết được là đến đâu mà “lôi kéo” được anh em văn nghệ ở địa phương đi cùng, thì sẽ thuận tiện không gì bằng. Sự am tường của người sở tại sẽ giúp chúng ta hiểu thêm nhiều về vùng đất mà chúng ta đặt chân đến chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Tỷ như khi vượt đèo Măng Đen có Tạ Văn Sĩ say sưa kể về lai lịch địa danh này, về tên gọi xà nu, trong tác phẩm Rừng xà nu, thực chất chỉ là một loại thông. Rồi những lần đến Ban Mê, may mắn có Niê Thanh Mai, Lê Vĩnh Tài đi cùng, chúng tôi không chỉ được hướng dẫn thăm những địa danh nổi tiếng, mà còn được nghe qua khá nhiều chuyện thú vị về vùng đất và con người nơi đây. Chuyến đi Lý Sơn lần này, thật may mắn vì ngoài anh Vinh, còn có Thiện Nghĩa, là người được phân công tháp tùng, đi cùng đoàn trong suốt thời gian ở đảo. Trước khi lên đường, tôi có điện cho anh Tùng (Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi), bày tỏ sự lo ngại và nhờ cậy: Anh nhớ cho người đi cùng tụi em, vì ngoài đó lạ nước, lạ cái. Anh Tùng nói như đinh đóng cột: Đừng lo, ngoài đảo có “ông” văn hóa thông tin, là hội viên chí cốt của tụi anh. Trước đó, chúng tôi có gửi công văn và gọi điện đến UBND huyện Lý Sơn thông báo chuyến viếng thăm của đoàn, nhờ tạo điều kiện giúp đỡ. Người ở Văn phòng Ủy ban cũng cho biết đã phân công một đồng chí bên văn hóa thông tin tiếp đón, lo liệu cho đoàn.
Tàu vừa cặp cảng Lý Sơn, chúng tôi say sóng ngất ngư vừa bước lên bờ đã thấy một thanh niên cao gầy, đưa tay vẫy. Anh Vinh giới thiệu: Thiện Nghĩa, Phó phòng Văn hóa thông tin huyện… Nghĩa chào anh em trong đoàn bằng nụ cười cảm thông: Đi tàu không quen, anh chị mệt lắm
phải không?
Ngay lập tức, xe của UBND huyện chờ sẵn đưa chúng tôi về Văn phòng Ủy ban. Vì thời gian lưu lại của đoàn rất ít, sau khi nghe Phó Chủ tịch Phạm Thị Hương giới thiệu những nét cơ bản về tình hình kinh tế, xã hội, hướng phát triển sắp tới của huyện đảo, dưới sự hướng dẫn của Nghĩa, chúng tôi bắt đầu thăm viếng một số địa danh nổi tiếng như: Đền thờ dòng họ Phạm, những ngôi mộ gió và Âm linh tự, mộ lính Hoàng Sa… Trong mấy ngày lưu lại ở đảo, Nghĩa luôn sát cánh cùng đoàn, tạo đủ mọi điều kiện thuận lợi để anh em tác nghiệp.
Một điều mà chúng tôi cùng ghi nhận là dân Lý Sơn ai cũng chân tình, thật thà và hiếu khách. Không chỉ những bạn trẻ được phân công đi cùng đoàn như Thạnh lái xe, Hiền hướng dẫn viên, thuyết minh, mà những người dân từ cụ già đến em bé, tình cờ gặp bất cứ nơi đâu cũng hết sức niềm nở, sẵn sàng tiếp chuyện khi chúng tôi hỏi han. Anh em tranh thủ tác nghiệp mọi lúc mọi nơi. Trên đường tham quan miệng núi lửa ở chùa Đục, gặp mấy nông dân đang tưới tỏi, dừng lại trò chuyện thăm hỏi một lúc, là có thể biết khá tường tận về cách trồng, những giọt mồ hôi của người dân Lý Sơn đổ xuống cánh đồng để có được những tép tỏi cay nồng, thơm tho chỉ có ở Lý Sơn. Một buổi sáng dậy sớm ra cảng, đón những tàu cá đánh bắt về, làm quen với các ngư dân sẽ được nghe kể lắm chuyện thú vị về những ngày lênh đênh trên biển, đặc biệt, những chuyến đánh bắt xa, không chỉ đương đầu với sóng gió bão táp mà còn phải đối mặt với những hiểm nguy, bất trắc từ phía con người. Trên chính lãnh hải mà tổ tiên đã cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, những ngư dân Lý Sơn bị bắt giữ, cướp bóc, hủy hoại tài sản, thậm chí đánh đập dã man, nhưng họ vẫn ra khơi, bám biển. Không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà chính bởi truyền thống mấy trăm năm khai phá của các bậc tiền hiền luôn gắn với những chuyến hải hành ra Hoàng Sa của đội hùng binh để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó, biết bao người con đã gửi thân xác giữa trùng khơi, hãy còn lưu dấu bởi những ngôi mô gió nằm rải rác khắp nơi trên đảo.
*
Tạm biệt Lý Sơn, tình đất tình người ăm ắp trong lòng. Nghĩa, Thạnh, ra tận bến tàu tiễn đoàn. Ngồi trên tàu, nhìn đảo Lớn, và đảo Bé lùi xa dần, chỉ còn hai chấm nhỏ nhoi giữa trùng khơi, bất chợt tôi nhớ tới lời hát của Nghĩa trong ca khúc chính anh sáng tác bằng cả tình yêu thương gắn bó với quê hương của người con Lý Sơn, sinh ra và lớn lên nơi đầu sóng ngọn gió: Ai về thăm quê hương tôi thuyền lướt sóng đưa người đến nơi này. Ai về thăm quê hương tôi, giữa biển khơi với mảnh đất ân tình… Chiều về đảo Bé, tiếng chim trời hòa tiếng sóng reo, gió mây ngàn thổi tóc em vương, vương trên đường quê hương... Khoảng trời yêu dấu, những con đường rộng mở tương lai…, đảo tiền tiêu quê hương ngàn năm vững vàng, tung tăng tuổi thơ cắp sách đến trường. Ta về đây tìm lại dấu xưa một thời, kỷ niệm dòng nước mát trong xanh, chiều bãi Tây cát trắng long lanh…, An Bình quê hương, niềm vui đã về…
Lượt về sóng xuôi biển lặn, tàu như nhanh tới đất liền hơn. Từ cảng Sa Kỳ trở về thành phố Quảng Ngãi, ngang xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, anh Vinh chỉ cho chúng tôi đền thờ Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định được khánh thành năm 2007. Tiếc là không có thời gian để ghé viếng người anh hùng dân tộc ngay chính quê hương của ông. Từ Quốc lộ 1A, ngang qua cầu Trà Khúc, nhìn lên tả ngạn sông Trà, chúng tôi được chiêm ngưỡng núi Ấn một trong mười danh thắng của Quảng Ngãi (Cấm thành thập thắng). Dáng núi hình quả ấn in dấu ngàn năm xuống dòng sông Trà. Núi ôm lấy sông, sông chảy quanh núi, cảnh quan hòa quyện tuyệt vời, nên từ bao đời, núi Ấn, sông Trà vẫn là biểu tượng, niềm tự hào của Quảng Ngãi mà người xưa mệnh danh là Thiên Ấn Niêm Hà.
Ngược Quốc lộ 1A trên đường về, nhìn hai bên đường nhà cửa san sát, qua những phố sá đông đúc, những ngôi chợ thành rồi chợ quê đầy hàng hóa, nông sản, người mua kẻ bán tấp nập, cô Vân bảo tôi: Thấy quang cảnh này ai dám nói miền Trung "chó ăn đá, gà ăn sỏi" nữa. Ở đây giờ phát triển không thua gì trong mình, có khi còn vượt xa hơn nữa. Tôi gật gù: Đây có khu kinh tế Dung Quất mà cô!
Xe chạy vùn vụt, những địa danh mang đậm dấu ấn Quảng Ngãi, dấu ấn của xứ sở miền Trung lùi xa dần hai bên đường. Tôi chợt nhớ tới lời bài hát nghe từ nhỏ, nghe rồi nhớ mãi: Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm… Hò ơi... Bao giờ máu xương hết tuôn tràn, quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn..(*). Bây giờ, mơ ước của tác giả bài hát đã trở thành hiện thực. Chiến tranh đã qua từ lâu, Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung thân yêu của chúng ta, đã vượt qua nghèo khó, cơ cực. Vùng kinh tế trọng điểm được tập trung đầu tư gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, có nhiều lợi thế về vị trí chiến lược bao gồm nguồn nhân lực, với 17 cảng biển, 15 khu kinh tế, 22 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất, 8 sân bay, 2 xa lộ xuyên Việt, hành lang kinh tế Đông Tây, và những dự án hàng chục tỷ USD….
Với sự quan tâm, đầu tư đúng mực của Chính phủ, và nỗ lực tự vươn mình, miền Trung đã từng bước vượt lên thay da đổi thịt, bắt nhịp cùng với những đổi thay chung của cả nước.
Cuối tháng 3/2012
(*) Bài hát Hội Trùng Dương của
Phạm Đình Chương
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc