Ốc gạo tân Phong

Đăng lúc: Thứ hai - 09/07/2012 08:57
Ốc gạo tân Phong

Ốc gạo tân Phong

VNTG- "Mể loa"… đôi nét khảo sát

"Mể loa" là cổ ngôn dành để gọi loài ốc gạo, một đặc sản quí và hiếm của vùng phù sa bồi, ở cù lao Ngũ Hiệp, Tân Phong, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nằm choi loi giữa dòng sông Tiền, cù lao Tân Phong nổi lên như một ốc đảo, cách mạn bắc sông Tiền hàng km chiều rộng mặt sông. Và cách thành phố Mỹ Tho gần 50km về phía tây của tỉnh Tiền Giang.

Là một loại ốc sống ở vùng đất cát và cát pha bùn, cách bờ từ 30 đến 100 mét về phía bãi bồi. Theo sự khảo sát của cơ quan bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tiền Giang hồi tháng 3 năm 1994 được biết. Mùa vụ ốc gạo xuất hiện từ tháng 2 AL đến tháng 7 AL hằng năm. Ốc gạo sống ở vùng nước trong có độ pH là 7,5 đến 8o và nhiệt độ từ 25-30o C (thời điểm khảo sát). Mùa sinh sản của chúng vào khoảng tháng 7AL hằng năm, chúng sẽ từ khu vực giữa sông di cư dần vào bờ rồi đào hang cách mặt đất độ chừng một tất tây để trú. Trong thời gian này, chúng mang trứng và hình thành con ngay trong mình ốc; ốc đẻ con vào khoảng tháng 9 đến tháng 1 AL. Ốc con sau khi sinh khoảng vài tháng tuổi (thường thì từ tháng 12 đến tháng 1 AL) ốc con lại di chuyển dần ra giữa sông để sinh trưởng.

          Ốc gạo khi còn nhỏ có vỏ màu vàng gợn xanh, con lớn 2 đến 3 năm tuổi thì vỏ màu xanh. Ốc lớn trung bình bằng đầu ngón tay cái. Theo kinh nghiệm dân gian vùng này cho biết năm nào trên mình ốc, vỏ chỉ điểm xanh và có vẹm chem chép con bám vào thân vỏ ốc lớn, thì năm đó ốc gạo có nhiều.

                                

          Được biết tổng diện tích khu vực bãi bồi quanh cù lao Tân Phong lên đến 4.900.000m2 trữ lượng dự tính khoảng 90 tấn ốc gạo/năm, mật độ nơi nhiều nhất có từ 20 đến 30gr/m2 và nơi ít nhất có từ 10 đến 15gr/m2. 1kg ốc gạo trung bình có khoảng 375 con, giá bán hiện nay từ 4 đến 5 ngàn đồng một ký (tùy theo ốc lớn hay nhỏ). Đặc biệt ốc gạo rất dễ bị ốm đi (gầy) và hoại thể khi thay đổi môi trường cho phép phát triển.

          Thời kỳ cho phép khai thác ốc từ 20-4 AL đến 20-5 AL hằng năm. Đến cuối tháng 5AL (nước đục) phù sa từ nguồn đổ về, ốc sẽ di chuyển dần vào bờ để chuẩn bị cho thời kỳ sinh sản. Do vậy, chỉ cho phép khai thác 60% trữ lượng hiện có.

          Rọ ốc và nghề mò ốc gạo

           Nếu trong kho tư liệu dân gian đã dám cường điệu về củ mì Bến Kè "3 người đè một người lột" thì ở đây còn có một địa danh nổi tiếng về ốc gạo số nhiều và lớn con. Tiếng rằng: "Ốc cồn Tre hai người đè một người lễ". Cồn Tre còn gọi là cồn Đại Diện. Từ rất xa xưa, Tân Phong đã phát triển thành nghề nuôi ốc gạo; bẵng đi một thời gian không lâu (khoảng 6 năm trong thập niên 70); có lẽ do ảnh hưởng của chất độc khai hoang mà Mỹ đã sử dụng và cộng với sự khai thác đào mới kênh, rạch… đã xổ nước phèn từ vùng lân cận ra sông Tiền, nên đã làm ốc gạo chết đi một phần, tưởng đã mai một chủng loại đặc sản quí hiếm này.

          Nghề nuôi ốc gạo ở đây như một nghề chăn nuôi thuần túy thủy sản có sinh lợi, đã sớm nảy sinh ý thức cạnh tranh. Người ta "xí phần" trên diện tích mặt nước, lấn chiếm diện tích bãi bồi trống trải. Rồi cắm cây, cặm rạo (một kiểu rào cọc nhô lên trên mặt nước) dài hàng km và chiều ngang hàng 100m; gọi là Rọ ốc. Khi chưa có chủ trương khống chế trữ lượng cho phép khai thác. Cư dân vùng này đã khai thác bất kể thời vụ. Do vậy, đã phát triển thành nghề mò ốc gạo. Nghề này được xem như một nghề nghèo hèn, hạ đẳng. Vì mưu cầu cuộc sống mà dân nghèo vùng này phải lặn lội ngày đêm để mò từng giạ ốc, đem về bán lại cho chủ rọ với giá rẻ mạt dăm xu, 7 cắc một giạ (thúng 40 lít) và đơn vị cân đong ở đây được tính bằng lít như lít lúa.

              

                                                                  Cào ốc

          Người dân ở vùng này đã mượn hai loài chim chuyên săn bắt cá, để chỉ nhóm người chuyên mò ốc gạo làm kế sinh nhai. Nếu là đàn bà và trẻ nhỏ chỉ có thể trầm mình mò ốc gạo ở gần mé bờ khoảng 10 đến 30m và độ sâu không quá một mét nước thì được gọi là điêng điểng. Còn đàn ông đi đãi ở ngoài khơi xa có khi hàng trăm mét cách mép bờ, họ được mệnh danh là "cồng cộc" vì khi đãi ốc ở ngoài khơi như vậy, người ta phải đeo vào cổ một túi đãi bằng lưới nhặt mắt, họ dùng một cây sào bằng tầm vông, cắm sâu xuống 6 đến 7 sãi nước, rồi lấy hơi mà lần tay theo cây sào, đến lúc tiếp đất thì dùng hai tay cào lẫn ốc gạo và đất vào túi đãi, có người dài hơn họ lặn lâu đến một đôi phút dưới nước, người ngồi trên xuồng nhìn xuống đã muốn ngộp thay mà họ vẫn chưa trừng lên. Để trừng lên được nhanh và không bị trôi, cũng như không bị túi đãi đầy ốc và đất trì xuống, họ phải nhờ vào cây sào ấy mà lên mặt nước an toàn. Sau khi thở phào nhẹ nhõm, họ mới nhào bóp túi đãi cho trôi đất ra, đến khi chỉ còn có ốc, thì mới đổ lên xuồng và tiếp tục làm lại từ đầu. Cứ như vậy, họ mài miệt và cật lực vật lộn với nước để đãi ốc; ở những anh chàng "Cồng cộc" ấy, mỗi lần đãi về có khi trúng cũng được 5, 7 giạ, còn thất cũng chừng đôi ba giạ, vẫn còn khá hơn nhiều so với "điêng điểng" nếu "trúng lắm" mới được đôi táo, một giạ… (1 táo bằng 1/2 giạ 20 lít). Bởi vậy, nên có ca dao: "Cồng cộc bắt cá trên sông, mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ".

                     

                                                              Vào mùa ốc gạo

          Vâng! Công việc mò ốc gạo, đãi ốc gạo là vất vả, là khó khăn…lại thường bị chủ rọ chê bai ốc non, ốc nhỏ để ép giá. Họ sẽ lựa ra loại ốc lớn thì đem ra chợ bán đổi gạo nuôi thân, ốc nhỏ thì sang lại cho chủ rọ đem về đổ trở xuống rọ của mình mà nuôi, để thu hoạch dần sau đó. Có rọ được nuôi với độ dày của ốc gạo, trong bùn và trên mặt đất hàng 50cm.

          Những chủ rọ ốc gạo ở đây "ăn nên làm ra" nhờ con ốc gạo; phải kể đến ông xã Thế, ông Quản Thôi (Quản Thụi). Được biết ông Quản Thụi là người đầu tiên cất nhà lầu ở Tân Phong và là người có cái tủ lạnh chạy bằng dầu lửa đầu tiên ở khu vực này.

          Món ăn từ ốc gạo

          Thiệt là một thiếu sót trầm trọng nếu như vờ quên cái nghệ thuật ẩm thực, bắt đầu từ cái món quà của sông nứơc bãi bồi quí hiếm này. Mỗi năm chỉ có một mùa mà thôi và vỏn vẹn chỉ có một tháng qua mùa. Nếu Tiết Đoan Ngọ hằng năm, ở những vùng quê khác có những tục lệ cổ truyền riêng biệt, thì ở đây, người dân Tân Phong cũng còn lưu giữ cái lệ thường biếu nhau mươi lít ốc gạo làm quà nửa năm.

          Dăm lít, mươi lít ốc… dù không đáng là bao. Và miếng ăn được khéo sớt chia trong tình thôn lân bậu bạn, thì miếng sẽ ngon và ăn cũng không tục đến "tồi tàn…"! Chỉ dăm lít ốc thôi, ta sẽ có một mâm cỗ thịnh soạn, đầy vẻ mỹ thực đẹp mắt. Với màu tím của lá tía tô, màu xanh đậm, nhạt khác nhau của lá cải bẹ xanh, lá cách, của rau dấp cá… màu trắng đục của cơm dừa rám nạo sợi và màu đỏ của ớt dầm trong tô nước mắm; những con ốc gạo đã đựơc ngâm trong nước cơm vo, rồi đem luộc lá sả, lá ổi… và lễ ra còn đang cuộn tròn những sọc vàng, sọc xanh màu lá úa, sọc trắng hoặc lấm tấm những hạt trong trong màu hạt gạo bể đôi (trứng ốc). Bên cạnh là một dĩa bún, một dĩa bánh tráng nhúng nước. Khi mà tất cả đã lên mâm, ta ngồi vào bàn, mỗi người tự múc cho mình một chén nước mắm riêng. Và cuốn cái cuốn bánh tráng nhỏ nhoi tươm tất thập vật trên mâm. Thế là chấm vào cái chén nước mắm công kỹ ấy.

            

          Nói là công kỹ vì chỉ có người sành điệu mới có thể làm chén nước mắm để ăn ốc gạo cho ngon. Họ giã ớt và tỏi thật nhuyễn (để khi chấm thì xác cả ớt lẫn tỏi len lỏi vào từng khe sợi bún, cọng rau và cả trong vòng khoanh con ốc gạo) sau đó khuấy giấm đường hoặc chanh (người ở đây ít khi dùng bột ngọt làm nước chấm ốc gạo). Cuối cùng, họ pha nước mắm vào, sao cho vừa vặn, không quá chua, cũng không ngọt quá. Thế đấy. Nếu chỉ ăn bún ốc; thì rau sắp dưới, bún xếp trên, rồi múc lấy vài chục con ốc gạo đã trộn với cơm dừa mà rải lên mặt tô, chan nước mắm vào trộn đều mà ăn. Ngon lắm và tuyệt vời lắm, không thể nào chê vào đâu được. Bởi cái mùi vị của rau thơm, của nước mắm tỏi ớt hoà lẫn trong cái vị đặc trưng của ốc gạo "vừa béo cơm dừa, vừa bùi thân ốc…". Nhấm nha chung rượu nếp than, niềm vui thôn dã lại càng râm ran bàn tiệc.

          Ốc gạo còn là một món ăn bình dị nông thôn, như những con ốc khác. Ốc gạo đem kho khô xả ớt trong bữa cơm thường ngày dân dã, ốc gạo xào dừa hay um nước dừa với đọt mì, đọt lang, lá cách… ốc gạo kho nghệ, nấu cari… Dùng trong bữa cơm cũng được mà nhậu cũng ngon. Vâng! Chỉ là nhậu sau những giờ lao động mệt nhọc, muốn tìm vui chén nghĩa, chén tình.

          Ai đó, một du khách nào đó… Đã một lần ghé lại Tân Phong trong ngày mùng 5 tháng 5 AL mà vui cùng lễ hội tắm nước sông Tiền (một lễ hội dân gian những năm gần đây, đang có xu hướng phát triển). Lẽ nào lại quên ghé qua chợ xã, chợ vàm… mà mua lấy vài lon ốc luộc sẵn, vừa ngồi du thuyền, vừa lễ, vừa ăn. Người ơi! Có nhớ chi bằng?! Con ốc gạo tròn như hạt ngọc phù sa.

Nguyễn Chi
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Ốc Gạo, đặc sản, cồn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 151
  • Khách viếng thăm: 146
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 13900
  • Tháng hiện tại: 2246450
  • Tổng lượt truy cập: 46213683