Câu chuyện mùa tỏi ở Lý Sơn

Đăng lúc: Thứ năm - 15/03/2012 07:58
Tưới tỏi và hành tím trồng gối vụ

Tưới tỏi và hành tím trồng gối vụ

Lý Sơn - một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi vốn nổi tiếng về tỏi. Huyện có 2 đảo chia làm 3 xã: Đảo lớn (cù lao Ré) gồm 2 xã An Vĩnh, An Hải và Đảo bé (cù lao bờ bãi) là xã An Bình. Đất nông nghiệp nơi đây khoảng 300ha, dân số gần 20.500 người. Dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt cá và trồng tỏi xen canh gối vụ với hành tím, dưa hấu, bắp, đậu phộng… Đất Lý Sơn không nhiều nên nông dân tận dụng từng tấc đất để sản xuất. Trong chậu kiểng, sát hàng rào và cả trong nghĩa địa, tỏi cũng được người dân “chen” vào.

Chúng tôi đến Lý Sơn vào mùa thu hoạch tỏi; nhà nhà phơi tỏi, tỏi từ trong nhà ra ngoài sân, tỏi trên mái ngói và tỏi trên cả mâm cơm du khách... Phụ nữ thì ra đồng nhổ tỏi chở về bằng xe hai bánh, người già và trẻ em ở nhà lặt tỏi.

Nghề trồng tỏi cũng lắm công phu, nông dân lấy đất đỏ trên núi (Lý Sơn có 5 miệng núi lửa ngưng hoạt động cách đây khoảng 25-30 triệu năm), lấy cát trắng từ san hô rong biển, những loài thủy sản: ốc, sò… phân hủy thành cát, tất cả được mang về hòa quyện với nhau thành một loại thổ nhưỡng đặc biệt để nuôi dưỡng cây tỏi, tạo thành củ tỏi Lý Sơn.

Tỏi Lý Sơn có hương vị đặc biệt nhất nước: thơm nhẹ, ngọt, không cay nồng như tỏi nơi khác. Đi dọc bãi biển trước chùa Đục, chúng tôi gặp vợ chồng một nông dân đang moi đất đỏ dưới hòn đá to cạnh núi Giếng Tiên. Anh chồng cho biết: “Lấy đất này mang về bón cho tỏi, trồng tỏi theo lối truyền thống mà ông bà mình để lại thì tỏi mới ngon”.

Nghe tiếng máy nổ xa xa, chúng tôi thấy hai mẹ con cô Ngô Thị Gòn đang kéo ống nhựa tưới hoa màu. Anh nông dân Đặng Văn Cứ (thôn Tây, xã An Vĩnh) cho biết: “Nước mùa này do sương tụ lại từ trên miệng núi lửa chảy thành dòng. Chúng tôi đào giếng dưới chân núi, hứng nước, khi tưới phải dùng mô-tưa. Mùa mưa thì khỏi tưới, mùa nắng thì 3-4 ngày mới tưới 1 lần".

Hiện đã vào vụ tỏi. Trước thu hoạch hơn tháng, người dân trồng gối vụ, xen thêm hành tím, dưa hấu, bắp hay đậu. Mỗi năm Lý Sơn chỉ trồng tỏi được 1 mùa, 4 tháng thu hoạch tỏi và một mùa hành. Theo nhiều người dân, năm nay, tỏi mất mùa do mưa nhiều mà giá cả lại vô chừng.

Anh Cứ vui vẻ nói về cách trồng tỏi, về cách lấy nước tưới trong mùa nắng. Qua lời kể, chúng tôi hiểu thêm những vất vả của nông dân trên đảo về những năm tỏi thất mùa, củ không lớn, tỏi không thành củ. Tuy nhiên, điều đặc biệt là nếu tỏi không phát triển mà trở thành củ “tỏi một” (tỏi mồ côi) thì nông dân không tổn thất mấy mà có khi còn trúng mùa vì “tỏi một” giá rẻ nhất cũng 400 - 500 ngàn đồng/ký.

Ông Phạm Đa, 81 tuổi, ở xã An Vĩnh, cả đời “bán lưng cho trời, bán mặt cho cát” nói: “Trồng tỏi cực lắm. Ăn được một củ tỏi rất là vất vả. Tỏi năm nay thất mùa, giá cả thấp nên đa phần nông dân lỗ vốn. Mấy ngày nay trời mưa lác đác, ai nấy phải gấp rút nhổ tỏi nếu không tỏi hư hết”.

Hiện có nhiều thông tin cho rằng: Thương buôn nhập tỏi ở nơi khác về Lý Sơn để pha trộn vì giá thành giữa tỏi Lý Sơn và tỏi ở các nơi khác chênh lệch rất lớn. Ông Nguyễn Văn Lê (Trưởng phòng Hạ tầng nông thôn) đã phản bác vấn đề này: “Chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra rất kỹ nên không thể có chuyện “tỏi Lý Sơn giả”. Chúng tôi đang đề nghị Sở Công thương cho thành lập hợp tác xã tỏi để thu mua và chế biến tỏi tập trung, có tổ chức, tránh những luồng thông tin xấu và giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn”.

Ngọc Lệ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 382
  • Khách viếng thăm: 374
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 92284
  • Tháng hiện tại: 1513942
  • Tổng lượt truy cập: 47888069