Vũng Tàu, ngày trở lại

Đăng lúc: Thứ hai - 07/11/2011 08:29
Một góc thành phố biển Vũng Tàu. Ảnh: Internet

Một góc thành phố biển Vũng Tàu. Ảnh: Internet

Từ tuổi thiếu niên, cái tên Vũng Tàu - Côn Đảo đã đi vào lòng tôi qua cuốn “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán, qua “Sống như anh” của Trần Đình Vân viết về anh Trỗi và chị Quyên, qua bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn. Lừng lẫy làm cho lở núi non…”. Rồi thơ Tố Hữu: “Roi vọt Côn Lôn ngục tù đế quốc. Mỗi trang sử đất này đều nặng máu cha ông”. Những câu hát trữ tình mà phóng khoáng bể khơi: “Chiều nay anh đi về đâu? Con đường mang bao kỉ niệm. Đường đến bãi Dứa, đường đến bãi Dâu… Em như bãi cát vàng, anh muốn làm ngọn sóng. Ngàn năm bến bờ xa, sóng vỗ về yêu thương…”. Vũng Tàu gắn liền với dầu khí - nguồn năng lượng cho con tàu Tổ quốc ra biển lớn, với bài ca: “Mùa xuân từ những giếng dầu”. Vũng Tàu, dù chân chưa đi mà lòng đã tới. Côn Đảo thiêng liêng từng thấm máu đào bao người đã vì nước quên thân …

Nhớ ngày ra trường, tôi được điều vô Vũng Tàu - Côn Đảo. Cái thời bao cấp, sinh viên có cái suớng riêng: khi học, nhà nước nuôi; khi ra trường, được bố trí công tác. Còn giờ, gia đình phải tự lo tất: tiền ăn học, lo chỗ làm tốn kém biết bao nhiêu? Cầm quyết định, tôi băn khoăn lo lắng. Nếu chỉ “Vũng Tàu” thì chẳng sao.  Đằng này, lại thêm “Côn Đảo” mới rối chứ! Nó gợi lên sóng gió, đơn côi trùng khơi mù mịt… Phòng tổ chức cho đổi về cao đẳng sư phạm Đăk Lắk, thì ngại rừng sâu. Cho về cao đẳng sư phạm Cao Lãnh, thì sợ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”… Kén cá chọn canh hoài, ông trưởng phòng gợi ý:

- Em tìm người trao đổi đi! Nhưng phải vô Nam. Dăm năm sau sẽ cho trở về quê Nghệ...

Tôi thích đồng bằng Nam bộ cánh đồng vàng lúa, thẳng cánh cò bay, tôm cá rập rờn như lời ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí. Cô bạn tên Hiền cùng lớp 21B có chị gái ở Vũng Tàu. Hai đứa đổi luôn. Tôi gắn bó với Tiền Giang suốt 30 năm  vì lẽ đó. Cũng tự tôi không chịu “kết” với Vũng Tàu bởi cái nông nổi tuổi đôi mươi. Giờ tôi làm khách vãng lai… như cảnh cô gái lỡ chuyến đò ngang. Anh Phan Hải trêu:

- Chú em khi còn duyên sắc, người ta chào mời thì kênh kiệu làm màu. Giờ hết duyên thì có nước ngó theo. Thôi, thỉnh thoảng ghé chơi  cũng được rồi!

Bởi ngày ấy, tôi ngây ngô chẳng hiểu cái duyên thầm của mảnh đất này.

Vũng Tàu cũng giống như Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk, nơi hội tụ cư dân của 63 tỉnh thành trong cả nước. Hồi còn chế độ nghỉ dưỡng cho cán bộ công chức, nhà nghỉ Công đoàn ở Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Hạ Long... Kinh phí nhà nước chu cấp. Tôi đến Vũng Tàu trong điều kiện đó.  Tắm biển xong lang thang quán xá, nhà hàng. Tình cờ tôi gặp một ông chủ khách sạn quê Quảng Ngãi. Ngồi nghe ông kể mưu sinh thăng trầm để có gia tài hiện tại: một khách sạn, gần chục chiếc xe tải, gần trăm công nhân sống bằng lương do ông chi trả, mức sống phụ thuộc vào đầu óc tính toán của ông. Chính nghèo khổ thôi thúc con người  “thách đấu tay đôi” với cuộc sống! Hồi đó, Vũng Tàu còn đất rộng người thưa. Bãi tắm còn hoang sơ: bãi cát mênh mông, rất ít cây che mát, còn tự nhiên đơn sơ. Phố biển vắng bóng nhà cao tầng. Nó chưa có quy hoạch tổng thể. Sự lựa chọn phụ thuộc vào tính nhạy cảm, tiên đoán của những người  khát khao làm giàu. Họ thường đi tắt đón đầu, chấp nhận khó khăn và “lót ổ” đợi thời cơ. Nhờ đó mà Vũng Tàu ngẫu nhiên vẫy gọi bao người tài về kinh tế khắp miền đất nước kiểu như ông chủ quê xứ Quảng trên đây.

Thời rộn rã của Vũng Tàu là dầu khí. Mũi khoan trào lên thứ vàng đen yên ngủ trong lòng đại dương triệu triệu năm trường… Tam giác kinh tế: Bình Dương - Đồng Nai - Vũng Tàu được hoạch định.  Tương lai huy hoàng vùng đặc khu hiển hiện. Cả nước đều biết. Nhân lực khắp nơi chảy về… Xuôi ngược tuyến Bắc - Nam, hành khách thường  kêu:

- Bác tài ơi! Đến ngã ba Vũng Tàu dừng cho xuống!

Ngã ba Vũng Tàu, đường mở rộng  phóng thẳng gần 100 km tới đặc khu. Những vui buồn được mất thời công nghiệp hóa, thì kinh tế thị trường cũng lộ diện từ đây. Chế độ nghỉ dưỡng cho công chức hằng năm không còn. Chúng tôi du lịch Vũng Tàu “hai ngày một đêm”. Nghĩa là sáng đi, ngủ một đêm rồi sáng ngày sau “cuốn dù”.  Một đêm với biển,  anh em không ngủ, ngồi nhìn sóng vỗ ào ào. Nhờ vậy tôi mới có bài thơ “Thức với Vũng Tàu”. Ở đây, cái gì cũng nghiêng mình về phía biển. Biển hội tụ linh hồn, khí thiêng thiên địa. Lá cây cũng vì biển mà xanh thẫm hơn? Dưới ánh trăng thượng tuần, hiện hình ngọn núi cô đơn bị con người chặt trụi cây cối nguyên sinh. Rác thải theo ngọn sóng tấp vô bờ? Ngoài mùi mặn nồng của cá tôm, còn lẫn mùi hôi của rác ở bãi Trước? Bữa cơm đãi khách hình như cũng kém tươi hải sản? Hình như người ta càng đông thì cá tôm càng ít?

Năm 1991, năm năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phất vẫy đại kì. Tôi cao hứng đến Long Thành, Đồng Nai, thăm người anh công tác ở đó. Sáng sớm ngày sau, hai anh em chở nhau trên cái cúp tàng tàng tới thị trấn Bà Rịa, gặp Trần Đình Hồng, cũng anh em bà con. Đang mùa hè, máu xê dịch nổi lên, ba anh em phóng xe tiếp đến khách sạn Thắng Lợi ở Vũng Tàu chơi với  Phan Văn Phiên  Phó chánh Thanh tra Tổng cục Hải quan. Gặp bà con đồng hương, anh Phiên vui mừng đãi một chầu. Tôi chỉ quen rượu đế, gặp bia hộp húp nguyên ly. Về tới Long Thành còn ngất ngư. Bà chị cười:

- Người ta nâng lên lại đặt xuống, hô “vô vô” lấy lệ. Còn em thiệt tình thái quá. Về được nhà cũng hay rồi!

Cư dân thành phố du lịch hơn dân tỉnh lẻ là chuyện thường. Mảnh đất sôi bỏng đầy biến động tạo nên tính cách họ.

Tôi vô Đồng Tháp khẩn hoang. Gặp đất phèn, lũ lụt liên miên làm què luôn vốn liếng. Còn bè bạn, anh em ở Vũng Tàu vẫn cứ đều đều thẳng tiến! Anh Hồng an ủi tôi:

- Chuyện xưa kể rằng: Bốn anh cùng học một thầy, xuống núi cùng một ngày, võ công, đức độ xấp xỉ chín mười. Họ đi bốn hướng khác nhau, người thành, người bại do may mắn, do hướng hành đạo chứ đâu do người đó kém đức tài?

Anh nói đúng một phần. Bôn ba không qua thời vận. Nhưng những người hay sợ hãi, chần chừ, đánh mất cơ hội, không tỉnh táo nắm bắt thời vận phải thẳng thắn tự trách mình. Không được đổ thừa cho hoàn cảnh…

Năm 1998 trở đi, người tìm đến Vũng Tàu lập nghiệp rất đông. Tấm vé nhập khẩu giá đã cao ngất trời… Đất du lịch tiêu tiền như lá mít mà kiếm tiền cũng dễ. Người đổi đời cũng lắm mà kẻ chìm thuyền cũng nhiều. Ví như gia đình bà con bên nội tôi: anh chị giàu lên nhanh chóng nhờ trúng đất. Nhưng rơi vô cảnh giàu có sinh tật ông chả bà nem, hạnh phúc tan vỡ. Có một ông nhà ở Cửa Lò, bán cơ nghiệp cho vợ con vô đây sinh sống. Ngờ đâu, tiền bạc làm lóa mắt: con trai đua đòi nghiện ngập; con gái thành gái bao của một đại gia; vợ thì tếch với ông Tây, bỏ rơi ông. Đành quay lại Cửa Lò thuê nhà trọ trú tạm! Biển Vũng Tàu sóng gió không dữ. Nhưng sóng gió do tiền bạc lối sống ăn chơi thời mở cửa thì phải dè chừng! Lơ mơ chủ quan, chìm tàu hối không kịp…

Nhưng phần đông đến đây là khấm khá. Kể cả nguời lao động phổ thông. Ăn thua là chịu “cày”, cần mẫn chịu làm.

Cô Hiền, bạn cùng lớp 21B nhà thành phố Vũng Tàu, đời sống ổn định. Hai con đã tốt nghiệp đại học, có việc làm thu nhập khá. Lần này tôi được vợ chồng Hiền tiếp đón chu đáo bởi chung lớp lại còn đồng hương

- Hồi đó tui không kén chọn đổi quyết định thì bạn dễ gì “kết” với Hiền!

Tôi đùa vui. Chồng Hiền làm bên dầu khí ấy mà.

Lương bên dầu khí rất cao từ 20 triệu trở lên. Thu nhập của giáo viên như tôi chẳng dám nói. Nhưng nếu dạy học ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở Vũng Tàu thì vẫn hơn. Người ta giàu nên đầu tư cho con cái. Thầy cô cũng khá theo.

Hè vừa rồi, tình cờ bay chung với một cô giáo. Cô đang xin chuyển từ thành phố Vinh vô Vũng Tàu. Cô tâm sự:

- Em thích khí hậu và phong cách cởi mở phóng khoáng của miền Nam, của Vũng Tàu. Nhà em ở Nghi Liên gần sân bay Vinh. Nếu bay vô Sài Gòn chỉ mất hơn tiếng thôi. Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu chậm nhất cũng độ 2 giờ. Gói ghém là 3 tiếng từ nhà đến đó. Em quyết định lập nghiệp luôn. Sau này lâu lâu muốn thăm quê cũng tiện. Quan trọng là phải làm ra nhiều tiền. Còn đi lại bây giờ quá dễ dàng anh ạ.

Thành phố biển đang là đất lành chim đậu…

*

Trở lại chuyện một người anh cùng làng với tôi là Phan Hải. Một người lập nghiệp khấm khá ở Vũng Tàu. Tháng 6 năm 2011, anh đem 20 công nhân với tiền của về làng Sen xây trường mẫu giáo và làm cho xóm một đoạn đường bê-tông. Có người không ưa nói riềng nói tỏi này kia. Còn tôi thấy anh có tài xoay xở, vừa làm giàu cho mình vừa cống hiến cho quê hương. Kiểu vi vu mây trời như tôi thì thân chưa lo xong mà giúp được ai giờ? Phan Hải người thâm thấp, gương mặt tròn đầy, da dẻ đỏ đắn khỏe mạnh. Anh là đại ca dẫn đầu đám chăn trâu làng tôi. Thôi thì đủ trò quậy phá như trộm bắp, vô rừng hái trái du, tập trận giả, đánh nhau với nhóm chăn trâu làng Sẻ... Bọn tôi gọi anh là nguyên soái oách lắm! Nào ngờ những trò chơi nghịch ngợm mục đồng tuổi thơ lại hình thành tính năng động và thích ứng hoàn cảnh giúp anh thành danh. Hôm mới đây, trở lại với Vũng Tàu sau ba mươi năm, tôi gọi ngay cho anh. Ba mươi năm, bạn bè tản mát những đâu đâu. Ai còn, ai mất?

Ngoài Huế, có đến 6 tháng mưa bão. Còn ở Vũng Tàu, có 4 tháng ít khách du lịch. Từ tháng 9 đến cuối tháng 11 là mùa mưa bão. Mùa rộn rã tấp nập là ra giêng cho đến hè. Riêng tôi lại thích sự lắng dịu của mùa này. Xe của Hội VHNT đưa 15 thành viên lên tham quan ngọn hải đăng - đôi mắt biển Vũng Tàu. Con đường vòng vèo xoắn trôn ốc. Những cây bàng, cây phượng và nhất là hàng sứ đại thụ mọc trên núi đá. Họ nhà sứ thích đất cằn sỏi đá, chỉ cần ẩm uống sương mà trổ bông. Tôi nghe nói các chùa bên Lào, bên Thái có nhiều cây sứ đại thụ. Hải đăng được Pháp xây đầu thế kỷ XX, đến nay tròn trăm tuổi. Ngày trước đốt bằng dầu, giờ dùng điện. Tầm chiếu của nó là 34 hải lí. Nôm na là những con tàu cách bờ Vũng Tàu khoảng 60 km đã nhận mắt biển mà hướng bãi. Chúng tôi cứ ngỡ đỉnh này cao nhất. Nhưng mấy anh công nhân nhà đèn nói:

- Không phải đây chú ơi! Bên núi Lớn mới cao nhất.

Từ độ cao gần 200 m so với mặt nước biển, thành phố biển hiện lên đẹp đến mê hồn. Mọi người đi chung xe cùng reo ồ lên. Tôi tưởng tượng nàng tiên phô dáng bên bờ Biển Đông. Giờ mới hiểu vì sao bao người bỏ hàng trăm tỷ ra xây cất biệt thự nơi này.

Nếu so sánh Vũng Tàu với Đà Lạt thì sao nhỉ? Trên  kia là rừng, đây là phố biển. Tôi nhớ vịnh Nha Trang nắng vàng rực rỡ với bãi cát trắng mềm mại, thế mạnh du lịch hơn Vũng Tàu. Sắp tới, Hạ Long cũng vậy. Nhưng vị thế vệ tinh của Sài Gòn - kinh tế đứng đầu cả nước, Vũng Tàu - Côn Đảo có thế mạnh kép: vừa du lịch vừa là vùng kinh tế năng động của Việt Nam trong thế kỷ XXI, thời hướng
ra biển !

Những ngọn núi đá cao vững chắc bao quanh vừa che chắn sóng to gió lớn vừa là những điểm cao thiên tạo giúp ta trấn giữ biển đảo quê hương mãi mãi đời sau…

Đêm đêm, thành phố biển rực sáng ánh đèn. Tôi ngồi ở tầng 5 khách sạn bãi sau mà lắng nghe biển thở bồi hồi. Bãi biển nương dâu. Trăm vạn năm sau, đá lở núi mòn, biển thoái biển trào khi trái đất nóng lên… Nhưng bản chất gào thét của sóng thì vẫn thế. Phải chăng vì thế mà Xuân Quỳnh ao ước: Làm sao được tan ra thành trăm con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu để ngàn năm còn vỗ. Tôi thì ước có cách gì thu giữ sức mạnh diệu kì của những con sóng để làm năng lượng phòng khi những giếng dầu ngoài khơi cạn kiệt?

Trăng thượng tuần sáng mờ đủ cho tôi nhìn rõ bãi biển, nhìn rõ bức tượng chúa Giê-su giang tay ban phúc bình yên lồng lộng trên núi cao. Ánh mắt hải đăng xoay tròn, thao thức suốt đêm. Để con mắt ấy sáng mãi, biết bao kiếp người đã tiếp nối với nhau ? Mỗi đời người ngắn ngủi bé nhỏ liên kết tạo nên một mắt xích của nhịp sống vô cùng  của biển cả mênh mang…

Mấy anh em nghệ sĩ đợt này ở tận tầng 5. Leo lên mỏi gối nhưng được cái trên sân thượng tha hồ mà ngắm phố, ngắm biển. Người ta xuống biển tắm và giỡn sóng. Còn buổi tối trên tầng cao lộng gió, chúng tôi được  tắm hơi ! Thú vị biết bao ở Vũng Tàu. Bây giờ tôi mới biết !  Mặt trời đun nóng nước biển. Hơi nước bốc lên gặp ngọn gió đêm chở hơi nước tới sân thượng. Mình ra đón gió. Như vậy là tắm hơi, là được mát-xa bằng bàn tay hương liệu thiên nhiên rồi chớ gì nữa?

Một nhà thơ nói về Huế đại ý: khi ông trẻ, Huế đã già, khi ông về lại thì thấy Huế trẻ ra còn ông thì già mất rồi. Thu Bồn cũng phát hiện ra:

Bởi vì em

  đưa anh lên những lâu đài cổ

Chén ngọc chừ

            chìm dưới đáy sông sâu

Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng…

Tôi ngùi ngùi nghĩ lại mình. Ba mươi năm trước đến Vũng Tàu, tóc xanh. Giờ trở lại, tóc bạc nửa mái đầu. Còn biển vẫn xanh với thành phố trắng hồng. Thành phố như nàng tiên càng ngày càng trẻ phơi phới soi mình bên biển biếc. Những ngọn núi và bãi tắm được cây cối phủ dày che mát. Con người và thiên nhiên đang tìm được sự giao hòa.

Giờ mới nhận ra mình một thời nông nổi không hiểu giá trị của biển đảo. Nhà văn Nguyễn Tuân vàng trắng trong vẻ hung tợn của sông Đà. Trong mênh mông và dữ dội của biển Đông là giàu sang của Tổ quốc mai sau. Người Trung Quốc, Nhật Bản, người Anh... có tầm nhìn đáng nể phục về biển.  Chúng ta chỉ có 32 ngàn km vuông, diện tích trồng lúa chỉ có 3,8 triệu ha. Thái Lan có đến 10 triệu ha đất lúa. Trong khi đó, biển của ta là 5 triệu km vuông với biết bao hòn đảo lớn nhỏ. Tương lai con cháu phải trông nhờ vào đó. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu : “Chổi ngắn không quét được mạng nhện xa”. Muốn có vòng tay khổng lồ ôm trọn biển đảo, ngay từ bây giờ, tuổi trẻ phải thông hiểu lịch sử đất nước, trau dồi dũng khí Phù Đổng và tầm nhìn đại dương…

Giàu mạnh cần có đủ thời gian tích lũy. Nhưng tầm nhìn xa, nhận ra giá trị kinh tế tiềm tàng của biển đảo thì đến giờ đã hơi muộn. Khi ngộ ra thì người ta đã vượt xa rồi…

Vũng Tàu mùa này bãi vắng. Ngoài kia, Côn Đảo đang mùa gió bão. Chờ  tháng ba đẹp trời biển lặng, khách tấp nập ùa ra bãi biển. Mùa biển bão giông đẹp thế nào thì ít người biết tới…

Nhưng điều bất ngờ thú vị và sự bình an có khi lại nằm ngay trong bão biển ?

Chiều nay, đoàn Tiền Giang ra tắm biển để lưu nhớ một chuyến đi. Sóng trắng dữ dội nên có người chỉ đứng trên bờ nhìn không dám xuống. Mấy anh cứu hộ bãi tắm hướng dẫn cách nhảy sóng tránh ngợp nước mặn.

Tôi nghe nói khi gặp bão giữa biển không kịp vô bờ trú ẩn thì tốt nhất là quay mũi tàu đối mặt với sóng dữ. Bão tố nguy nan, người ta kết san sát những con tàu bên nhau tựa vào nhau như tường thành chống bão. Tôi nghĩ đến cái mỏ neo giữ thăng bằng cho mỗi con tàu. Mỗi con người dù đi đâu, về đâu trên biển đời mênh mông, muốn giữ an toàn bình yên cho chính mình thì cũng phải có cái “mỏ neo”. Đó chính là bản lĩnh nhân cách, chiều sâu văn hóa của chúng ta. Tổ tiên mình đã làm như thế. Con cháu bây giờ và mai sau càng phải như thế.

Và, sóng lớn sẽ thành khúc tráng ca bất tử. Trở lại Vũng Tàu sau ba mươi năm phiêu bạt, tôi mới nghiệm ra điều đó.

Trại sáng tác Vũng Tàu 2011

Nguyễn Thanh Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 417
  • Khách viếng thăm: 413
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 25750
  • Tháng hiện tại: 1774650
  • Tổng lượt truy cập: 48148777