Mộ gió trên đảo Lý Sơn
Người dân vùng biển có một tập tục, đó là những người bị nạn trên biển, không tìm được thi thể thì phải làm mộ gió, dựng cây tre đầu làng, trên cây tre buộc mảnh vải trắng (nhìn như cây nêu) với niềm tin là gọi hồn người chết trở về nhập vào ngôi mộ.
Để làm một mộ gió, người ta phải nhờ một thầy pháp làm lễ. Người thầy pháp này lên miệng núi lửa trên đảo moi đất sét về, rồi nắn thành hình nhân theo sự mô tả nhân dạng của thân nhân, theo đúng kích thước của thân thể người chết. Hình nhân đàn ông có bảy nhánh xương sườn, còn hình nhân đàn bà thì có chín nhánh, đều làm bằng cành cây dâu. cây dâu, con tằm là biểu tượng của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất. Con tằm ăn dâu, nhả ra tơ, đan thành kén, đẻ ra nhộng, sinh ra bướm, mới hóa con tằm.
Thầy chẻ đôi cành dâu rồi xếp vào bụng làm xương sườn; dùng tơ tằm làm những sợi gân. Các lóng xương sống, xương tay chân đều được làm bằng thân cây dâu. Phổi làm bằng than, do đốt cây “thụ đao”, một giống cây trái có chùm, bông trắng, mọc trên đảo. Lá gan là vốc đất đen được nhào với nước rồi nặn thành. Hình nhân có đủ mọi bộ phận trên thân thể, quan trọng nhất là bộ phận sinh dục. Thầy pháp phải nặn bằng hết số đất sét mang về, không bỏ sót chút nào vì tin rằng số đất này là tượng trưng cho da thịt của người chết, không được hoài phí, sẽ làm đau lòng người chết vì da thịt của họ bị mất mát. Rồi thầy dùng lòng đỏ trứng gà đánh lên rồi phết khắp hình nhân. Khi lòng trứng khô đi, lớp áo lòng trứng thành da, trông giống như da người.
Người thân mặc quần áo và đồ liệm cho hình nhân, đặt linh vị trên mặt, rồi khiêng hình nhân đặt vào quan tài. Người ta thả mô hình một cỗ thuyền chất những mâm lễ vàng bạc và lương thực xuống biển, để cúng linh hồn người chết cùng các vị hải thần.
Làm lễ chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Người ta thả quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Nếu biết ngày giỗ thì tốt, còn không người ta sẽ chọn ngày người thân ra khơi để làm ngày giỗ, rồi ra thắp hương tảo mộ như những ngôi mộ bình thường. Nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, khi đào lên cải táng, người ta thấy các hình nhân vẫn còn nguyên vẹn.
Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo có cách đây hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió có thể nói là đầu tiên trên đảo là mộ của Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa.Ngày ấy Phạm Quang Ảnh cùng với 70 suất lính với 5 chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Mỗi chuyến ra khơi có khi kéo dài tới 6 tháng.
Phương tiện ra khơi ngày ấy khi đó chỉ là những chiến thuyền nhỏ. Chuyến đi dài ngày, sóng to gió lớn, bão gió thường xuyên, lại không ít lần gặp cướp biển, nên nhiều chiến thuyền đã ra đi mãi mãi, không một người trở về. Rồi một lần Phạm Quang Ảnh cùng hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi...
Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Thầy phong thủy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay ông nặn đất thành hình 25 người đã chết. Ông cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống người chết mới thôi.
Nặn xong 25 tượng đất của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ.
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc