Ở lại Côn Đảo

Đăng lúc: Thứ ba - 15/11/2011 08:04
Cô Năm đang thắp nhang ở các ngôi mộ

Cô Năm đang thắp nhang ở các ngôi mộ

Vừa đặt chân đến Côn Đảo, tôi đã tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Ni (người dân trên đảo gọi cô bằng cô Năm), quê ở xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông. Tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày với những đòn tra tấn dã man. Không khai thác được gì ở người nữ tù chính trị kiên trung, chúng đày cô ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris, cô được trả tự do. Trở về đất liền, cô tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Sau ngày giải phóng, cô tình nguyện ra Côn Đảo công tác và ở lại luôn nơi ấy để hàng ngày được gần gũi với những người bạn tù đã nằm lại nơi nghĩa trang Hàng Dương. Biết tôi là người Tiền Giang, cô niềm nở đón tiếp và hỏi thăm về đời sống của bà con ở tỉnh nhà. Biết cô chuẩn bị đi thăm những người bạn tù đã nằm lại ở nghĩa trang Hàng Dương, tôi xin cô được đi cùng. Cô Năm bảo tôi đợi cô đi lấy ít trái cây mang ra cho các chị, vì “Đi thăm bạn mà hổng xách gì theo cho chị em thì kỳ lắm!”.

Trên đường từ nhà ra nghĩa trang Hàng Dương, câu chuyện về quãng thời gian tham gia cách mạng của cô cũng dần dần được hé mở… Cả 5 anh em của cô đều tham gia cách mạng, trong đó có 3 người hy sinh. Khi phong trào Đồng Khởi nổ ra, cô thợ may Nguyễn Thị Ni vừa bước vào tuổi đôi mươi thấy mình cần phải “làm cái gì đó” giúp ích cho đất nước. Cô trở thành liên lạc báo từ đó. Người em gái của cô là biệt động thành về rủ cô lên Sài Gòn hoạt động. Lên Sài Gòn, cô tham gia vào hàng ngũ biệt động thành, thuộc đội hình quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cô mướn nhà mở tiệm may để che mắt kẻ thù và làm nơi nuôi giấu cán bộ.

Sau Tết Mậu Thân, cô bị địch bắt. Chúng giải cô đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, với những đòn tra tấn, đánh đập dã man. Nhiều lần chúng tra tấn cô bằng điện đến ngất xỉu, vừa tỉnh lại thì chúng tiếp tục tra tấn. Chúng bảo: “Mầy không khai ra đồng đội, tao đánh cho tuyệt dòng”. Chính từ trong nhà lao tăm tối, khí tiết của người cách mạng trong cô đã trỗi lên mãnh liệt, không có gì có thể khuất phục được người nữ tù chính trị kiên trung. Cô trừng mắt nhìn bọn chúng: “Thằng Mỹ qua đây, sao các ông không đánh nó mà quay lại đánh chúng tôi?”. Chúng lấy giẻ nhét vào miệng cô rồi đánh tới tấp. Những lúc ấy cô không còn nghĩ đến sự sống của mình nữa, mà chỉ nghĩ làm sao phải bảo vệ bí mật để đồng đội được an toàn. Không khai thác được gì từ người nữ tù kiên trung, chúng đày cô đi Côn Đảo.

Bất chợt cô hỏi tôi Hiệp định Paris được ký kết năm nào. Bị hỏi bất ngờ, tôi còn đang lúng túng thì cô dặn:

- Thế hệ trẻ tụi con phải nhớ lịch sử nước nhà. Con là nhà báo thì càng phải nên nhớ. Đến tuổi này cô vẫn phải đọc sách hàng ngày, nhất là sách sử. Đêm nào trước khi ngủ cô cũng dành thời gian để đọc sách, không đọc thì không ngủ được.

Cô kể tiếp, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, nhưng đến tháng 4-1974 cô mới được trả tự do. Sau khi được trả tự do, cô được tổ chức đưa vào căn cứ tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cô tham gia công tác ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó chuyển về Gò Công Đông. Năm 1983, cô có dịp trở lại Côn Đảo. Khi trở về, những người bạn tù không vượt qua được những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, đã nằm lại ở nghĩa trang Hàng Dương cứ ám ảnh, thôi thúc cô trở lại với Côn Đảo. Đến năm 1984, cô tình nguyện ra Côn Đảo công tác cho đến khi nghỉ hưu. Bây giờ Côn Đảo là quê hương thứ hai, là máu thịt của bao đồng đội nên phần đời còn lại, cô sẽ ở lại Côn Đảo để những người bạn tù thêm ấm áp nơi chín suối.      

Chiều, mặt trời hụp xuống đỉnh núi. Bóng cô Năm liêu xiêu ngả dài trên các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. Dừng lại trước 5 ngôi mộ của các chị: Trần Thị Tấn, Đặng Thị Sáu, Trần Thị Thanh, Lê Thị Cúc và Nguyễn Thị Xuân, cô Năm bảo:

- Sáu, Tấn, Cúc, Thanh, Xuân, tui ra thăm chị em nè!

Cô Năm vừa sắp trái cây ra trước mộ chị Cúc vừa trò chuyện với họ:

- Có mấy trái chôm chôm, bơ mua hồi sáng còn tươi lắm, của ít lòng nhiều, chị em về ăn với tui nghen. Còn mấy trái bưởi, cam ở nhà nữa, định xách ra cho chị em ăn mà nặng quá, không xách nổi. Già rồi, tay chân nhức mỏi, yếu lắm, cái gì nhẹ mới xách ra cho mấy chị em được.

Gió chiều thổi réo rắt trên tán hàng dương. Cô lấy mấy nén nhang rồi tìm cái hộp quẹt, nhưng tìm mãi không có. Cô bảo già rồi hay quên, hồi đi đã lấy cái hộp quẹt cầm trên tay rồi, nhưng lại không bỏ vào giỏ. Dẫu biết tuổi già hay quên, nhưng chuyện chị Cúc, chị Xuân… đấu tranh trong nhà lao rồi bị tra tấn, đánh đập hy sinh như thế nào, cô nhớ rành mạch không thiếu một chi tiết nào. Tôi đưa cô chiếc hộp quẹt, cô lụi hụi đốt mấy nén nhang rồi đi thắp lên mộ 5 người bạn thân và một số ngôi mộ xung quanh. Cô Năm thì thầm với các chị:

- Mấy chị em về nhà tui chơi hôn? Muốn về thì xin mấy anh chị ở đây coi có cho đi hông. Về thì tui nấu cơm cho ăn, vài ngày rồi ra trở lại đây.

Cô thường xuyên mời các chị em bạn tù nằm ở nghĩa trang Hàng Dương về nhà chơi, nhất là các ngày tết, lễ như 30-4, 27-7, 2-9… Mỗi lần mời các chị em về nhà, cô đi chợ làm cơm rồi dọn lên bàn, thắp hương mời các chị em về ăn. Cô bảo tội nghiệp các chị em, nằm ở đây xa quê hương, xa gia đình nên thương lắm. Vì vậy, trước kia sáng nào cô cũng từ thị trấn Côn Đảo lội bộ đến nghĩa trang Hàng Dương để thăm viếng, trò chuyện với mấy chị em cho họ thấy ấm lòng. Mới hừng trời, nhiều người thấy cô từ hướng nghĩa trang đi ngược về thị trấn nên hỏi cô đi đâu mà sáng nào cũng thấy về sớm vậy. Lúc đầu, biết cô đi thăm mấy chị em bạn tù nằm ngoài nghĩa trang Hàng Dương, người ta nói cô sống với cõi âm. Nhưng bây giờ mọi người đã hiểu, nên thấy việc làm của cô thật đẹp đẽ và cao quý. Bây giờ, hầu như ai trong thị trấn Côn Đảo cũng đều biết cô Năm là cựu tù, cô ở lại Côn Đảo để hàng ngày được gần gũi với những người bạn tù đã nằm lại trên mảnh đất linh thiêng này. Tuổi ngày một cao, cô không còn sức đi thăm các chị em mỗi ngày nữa, chiều hôm nào khỏe, cô mới đi. Năm bảy ngày không ra nghĩa trang thăm chị em là không ngủ được. Đi thăm chị em bạn tù về cô vui, khỏe hẳn ra và ngủ ngon hơn. Thế mới biết cái tình, cái nghĩa cô dành cho những người bạn tù đã nằm lại nơi nghĩa trang Hàng Dương lớn lao và sâu nặng đến mức nào.    

Ngồi thẫn thờ trước ngôi mộ của chị Cúc, mắt cô Năm ngân ngấn nước. Gần 40 năm đã trôi qua (chị Cúc hy sinh năm 1973), nhưng ký ức về người bạn tù vẫn chưa thể phai mờ theo năm tháng. Dòng hồi ức lại tuôn chảy trong người tù chính trị nay đã bước sang tuổi 72. Cô độc thoại một mình mà như đang trò chuyện với người bạn tù đã anh dũng hy sinh trong nhà lao:

- Em mới cưới một tuần thì chồng hy sinh. Tội nghiệp chồng em, hy sinh mà còn chưa kịp biết tin vui vợ mang thai. Rồi đến khi con trai em được một tháng tuổi thì em bị địch bắt. Vào tù, sữa căng nhức nhối, em vắt sữa bỏ mà nước mắt lưng tròng vì thương con ở nhà khát sữa mẹ. Thế rồi em hy sinh khi Hiệp định Paris đã ký, nhưng kẻ thù xảo quyệt còn chần chừ chưa chịu trao trả tự do cho em. Con trai em nay đã trưởng thành và thành đạt, đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Xem ti vi biết tin chị ở Côn Đảo, nó tức tốc ra ngoài này để tìm chị và thăm mộ mẹ. Tội nghiệp thằng nhỏ, nó cứ ôm chị miết…

Đến thắp hương cho mộ liệt sĩ Lê Văn Hùng, quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Cô Năm bùi ngùi:

- Năm nào hè chị cũng ra thăm anh, rồi ở lại nhà tui chơi. Chị em bạn già nói chuyện với nhau vui lắm. Năm nay sắp tựu trường rồi mà hổng thấy chị ra thăm anh. Chắc là chị hổng khỏe. Thôi anh an tâm nằm đây đi, có ra nghĩa trang thì tui tới thăm. Anh em bạn tù với nhau mà, thương lắm!

Ráng chiều tím thẫm một góc trời Côn Đảo. Cứ thế, cô đi thắp nhang hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác. Mùi hương trầm nương theo gió lan tỏa thơm ngát. Mỗi ngôi mộ cô Năm đến thắp hương là một câu chuyện cảm động về lòng kiên trung và sự hy sinh cao cả của những người tù Côn Đảo. Cô tự nhận mình may mắn, vì dù bị tra tấn, đánh đập dã man, kể cả tra tấn bằng điện, nhưng cô vẫn còn được sống. Tuy nhiên, hậu quả của những trận đòn tra tấn dã man ấy đã khiến cô không thể sinh được cho chồng một đứa con nối dõi. Chiến tranh đã lùi xa hơn 36 năm, nhưng ký ức của cô về những người bạn tù vẫn còn đầy ắp trong tim.  Tôi đã hiểu vì sao cô chấp nhận xa quê hương, xa người thân để ở lại mảnh đất Côn Đảo linh thiêng này.

Nguyễn Trọng Tấn
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 88
  • Khách viếng thăm: 82
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 7067
  • Tháng hiện tại: 288181
  • Tổng lượt truy cập: 67262672