Năm Thìn nói chuyện rồng

Đăng lúc: Thứ ba - 17/01/2012 09:19
Năm Thìn nói chuyện rồng

Năm Thìn nói chuyện rồng

Năm nay là năm Thìn, năm cầm tinh con rồng xin nhắc lại vài chuyện xưa tích cũ, bàn thêm về Rồng.

1. Rồng là con vật thần thoại, thực tế chưa ai thấy con rồng thật sự cả. Mặc dù quan niệm khác nhau, nhưng có điều lý thú là trong thần thoại các nước từ Á sang Âu đều có hình ảnh con rồng.

Ở Á Đông, đầu tiên, rồng tượng trưng cho khí dương. “Tứ linh” là Thanh long (rồng xanh), Bạch hổ (cọp trắng), Châu tước (chim sẻ đỏ) và Huyền vũ (chim két đen). Đến giai đoạn phong kiến cực thịnh thì rồng tượng trưng cho vua chúa. Qui ước về “Tứ linh” thay đổi, Long (rồng), Lân (lân), Qui (rùa) và Phụng (chim phượng). Riêng ở Việt Nam, rồng được xem như là thủy tổ của các dân tộc với truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên”.

Cũng theo quan niệm Á Đông, rồng là hình tượng con vật đầu sư tử, sừng nai, mình rắn, chân gà, kỳ vi vẩy đuôi giống như cá. Thần thoại Á Đông còn thêu dệt hành trạng của Rồng: Đến tiết Xuân phân thì rồng bay lên trời, đến tiết Thu phân thì rồng xuống biển... Tuy hai nước kế cận, nhưng người dân Trung Quốc gắn liền với nếp sinh hoạt lục địa, còn nhân dân Việt Nam gắn liền với sông nước nên hai con rồng của hai nước khác nhau khá rõ: Con rồng của Trung Quốc là con thú trên sông núi, trên mây. Còn con rồng Việt Nam là loài lân trùng sống dưới sông, dưới biển. Song vẫn có điểm chung là con rồng là một biểu tượng, tượng trưng cho một thế lực.

Thời phong kiến cho phép từ quan lại đến nhân dân đã chỉ được sử dụng hình ảnh Giao long (tức là loại rồng mới, có vẩy, còn trẻ), Ly long (rồng còn nhỏ chưa có sừng) hoặc các loại rồng màu xanh đỏ, đen trắng có 3 hoặc 4 móng. Chỉ có Nguyễn Phi Khanh (thân sinh Nguyễn Trãi) cưới vợ dòng dõi hoàng tộc mới dám lấy hiệu Ứng Long (rồng trưởng thành, đã có cánh, không phải cù long, loại rồng giả). Cấm ngặt không được sử dụng hình ảnh rồng vàng, rồng năm móng, nếu vi phạm sẽ bị xử tử. Do những điều cấm kỵ phi lý nên tầng lớp bình dân đã phản ứng lại bằng cách nghĩ ra hình ảnh những cây mai, cây trúc đầu rồng (mai hóa long, trúc hóa long) để trang trí, phóng túng mà mỹ thuật, quan lại phong kiến ngày xưa không thể nào bắt tội được.

Rồng bay tượng trưng cho vua chúa, thế nên khi tả rồng thì phải tả nó đang vùng vẫy trên trời “long phi tại thiên”, không được tả nó chui xuống đất như kẻ thất thời thất thế. Trong bài thơ tả cây tùng của Tô Đông Pha có câu:

Căn đảo cửu tuyền vô khúc xứ

Tá gian duy hữu trập long tri

Tạm dịch:

Rễ đến âm ly không ngoắc ngoéo

Rồng chun dưới đó có ai hay

Hậu quả của hai câu thơ này ông bị kết tội dám vô lễ, ví vua như rồng chun dưới đất, kết án tử hình. May nhờ bà nội của vua thương tài, bênh vực nên chỉ bị tù đày.

Ngoài ra còn nhiều hình ảnh quen thuộc của con rồng như ẩn long, tiềm long, ngọa long (rồng nằm ẩn trong mây, rồng hoa, hay nằm trong núi) tượng trưng cho người chưa gặp thời như Đào Duy Từ, Gia Cát Lượng...

2. Ở vùng Tiền Giang, hai bên sông Tiền có nhiều xã mang chữ Long với niềm ước vọng như Bàn long (蟠  龍 - con rồng còn cuộn khúc dưới đất, chưa bay lên trời), Long điền  (龍 田 - rồng hiện lên ruộng, điềm trúng mùa). Sau này Long Điền nhập với Mỹ Hậu thành Mỹ Long... Đặc biệt là Cồn Rồng, nay là xã Tân Long, thành phố Mỹ Tho.

Cồn Rồng thoạt tiên là một bãi cát nhô lên khỏi mặt nước vào năm Mậu Thân (1788) trước trấn thành Định Tường và được chúa Nguyễn Phúc Ánh đặt tên là Long Châu đảo. Trước đó vàm Mỹ Tho sâu rộng, có nhiều miệng đáy, ghe thuyền tới lui tấp nập. Khi cồn cát nổi lên, các thầy phong thủy cho đó là án của trấn thành, sông sâu mà có cồn cát nổi lên làm án thì đất ấy sẽ linh. Nhân dân đem bần trồng trên cồn để giữ đất, lâu ngày phù sa tích tụ, đất cồn nổi cao, bần lớn thành rừng. Từ thế kỷ 19 cồn Rồng được xem là một thắng cảnh của Mỹ Tho, nhiều nhà thơ lấy làm đề tài ngâm vịnh. Nguyễn Thông lúc làm Đốc học Định Tường có bài Long Châu vãn điếm như sau:

Bát nguyệt đàm tân lạo vị thu

Lan nghiêu lạc nhật

                            kiểu thùy hưu

Lâm giang vạn hộ giai phù ký

Cận hải chư khê dục đảo lưu

Cực phố qui tra tinh ủng trạo

Đoản kiều cô tửu liễu già lâu

Tuyệt lân thiều triếp

                        thanh xoa tẩu

Tế vũ tà phong cách tức chu

Bản dịch của Trương Ngọc Tường:

Buổi chiều

      chèo thuyền chơi Cồn Rồng.

Tháng tám nước đầy

                         chưa rút xa.

Chèo lan mỏi mệt suốt chiều tà.

Bên dòng nhà cửa trên bè tạm.

Gần biển nước ròng

                        muốn lộn qua.

Bến cuối thuyền về sao lấp lánh.

Cầu con lầu rượu liễu là đà.

Khá thương lão ấy

                     dầm mưa gió.

Khoác áo tơi xanh lạnh tuổi già.

Nói đến Cồn Rồng là nói đến nhà thương Cùi. Nhà thương khởi xây dựng năm 1903, ở cuối cù lao. Công trình dở dang vì cơn bão năm Thìn ngày 1-5-1904, sau đó được tu sửa đến năm 1907 thì đưa vào sử dụng. Đến năm 1940 thì nhà thương này dời ra Tuy Hòa. Lịch sử không có chữ “nếu”: Nếu nhà thương Cùi cù lao Rồng không dời đi thì ắt hẳn Hàn Mạc Tử sẽ trở thành nhà thơ của đất Mỹ Tho.

Lúc nhà thương Cùi dời khỏi Mỹ Tho cũng là lúc bọn quân phiệt Nhật nhảy vào uy hiếp chính quyền thuộc địa Pháp. Bấy giờ trong dân gian có nhiều tin đồn huyễn hoặc lan truyền: Nào là Cồn Rồng là cái đầu con rồng, còn đuôi ở bên Nhật, nếu cái đầu nhút nhích thì đuôi sẽ bị động đất, cho nên người Pháp mới làm nhà thương Cùi trấn yểm, nay Nhật vô phải dời đi... Lại thêm, bấy giờ có các nhà khoa học lên kế hoạch bắc một cây cầu ngang qua sông Tiền nên đã đào một số hố thăm dò địa chất tại khu vực Bến Tắm Ngựa, nhà thương Cùi và một số điểm bên Ba Lai. Nhưng có lẽ do nền đất yếu nên kế hoạch không thực thi. Dịp này dân gian đồn rằng bọn Tây khoan trúng cái cổ rồng và hai bàn chân, máu rồng phun lai láng nên hoảng sợ bỏ luôn. Rồi Nhật đảo chính Pháp làm bọn quan chức địa phương rất hoang mang. Khoảng đầu tháng 3-1945, một đại úy Pháp lái chiến hạm Amiral Charner qua Cồn Rồng nổ súng tự sát. Tháng sau, một chiếc máy bay của Đồng minh bay lượn trên vùng trời Mỹ Tho bắn chìm một chiếc tàu Nhật bên kia Cồn Rồng... dường như minh họa thêm những câu chuyện đầy chất mê tín ở Cồn Rồng.

*

Nói chung rồng là tác phẩm do con người nặn ra, đi cùng với nó là những truyền thuyết. Rồng tượng trưng cho những quyền lực áp đặt. Đồng thời, con rồng cũng là đề tài cho nhiều hiện tượng huyền thoại khác.

Hư Trúc
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 456
  • Khách viếng thăm: 452
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 71114
  • Tháng hiện tại: 1936893
  • Tổng lượt truy cập: 48311020