Câu chuyện tình trong quyển nhật ký thời chiến

Đăng lúc: Thứ ba - 21/01/2020 10:17
Trước khi chính thức bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, mặc dù tin vui chiến thắng dồn dập đổ về nhưng, như con thú dữ giãy chết, bọn Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 ngụy và đủ các sắc lính, đầy đủ binh, hỏa lực ùn ùn kéo về Mỹ Tho nhằm cố thủ cửa ngõ miền Tây, chúng tăng cường đánh phá, lấn chiếm, làm cho vùng ven TP. Mỹ Tho teo lại và sôi lên vì mưa đạn. Số người hy sinh nhiều hơn số người được bổ sung, số đảng viên ngã xuống nhiều hơn số đảng viên đã được kết nạp. Và ngay cái sự kết nạp hay khai trừ lúc ấy cũng hết sức cụ thể. Cụ thể đến nghiệt ngã và trần trụi. Mảnh đất sống còn, nếu địch tràn vào đánh phá ác liệt mà anh chịu bám trụ đánh địch đến cùng là đủ tiêu chuẩn để vào Đảng. Ngược lại, nếu chuyến đi công tác bị “tao ngộ” hoặc bị vướng mìn mà anh chạy, bỏ lại đồng đội (dù người ấy đã hy sinh), hoặc đi ra khỏi địa hình mà vô tình làm gãy cành cây, ngọn cỏ để lộ căn cứ cho địch vào là thiếu bản lĩnh, sẽ bị kiểm điểm, có thể bị khai trừ Đảng.
Ảnh minh họa: Nuồn Internet

Ảnh minh họa: Nuồn Internet

Hôm ấy, mặc dù ngày rằm trời đêm sáng choang nhưng đơn vị phải chuẩn bị chuyến đi công tác đặc biệt. Trước khi vào trận, chúng tôi làm buổi lễ kết nạp đảng viên mới. Đơn vị lúc đó chỉ hơn hai chục người. Số đảng viên nhìn qua, nhìn lại vỏn vẹn chỉ có hai đảng viên. Không đủ đảng số, thế là phải phân công đồng chí trinh sát đại đội đi từ Phước Thạnh về Giáp Nước, xã Trung An (hơn 5 cây số) để mượn đảng viên ở chi bộ một cho đủ ba người.

 

Buổi lễ kết nạp thật đơn giản, không băng cờ, khẩu hiệu, kể cả Đảng kỳ cũng không có. Anh em có người mặc quần đùi, vì đồ ướt chưa kịp khô. Bom đạn, càn quét, lên công sự, xuống công sự liên tục, có lúc nào ngơi đâu mà khô sạch. Chúng tôi đứng trên những tấm ván bắc qua rễ cây gừa ngập nước để tiến hành buổi lễ kết nạp. Kẻ thù hung hăng đánh ngày cả đêm, đơn vị thường mất liên lạc, tự tác chiến, tự tồn tại và nếu có ngã xuống thì tự chôn nhau, cho nên việc kết nạp đảng viên mới cũng vậy. Cứ mần đi! Mần đúng lương tâm người cộng sản là trúng nguyên tắc. Và cái tiêu chuẩn cao nhất của người đảng viên lúc bấy giờ là dám lấy máu mình để giữ dân, giữ đất.

Buổi lễ kết nạp đảng viên hôm ấy diễn ra trong thầm lặng nhưng rất xúc động. Là chính trị viên, bí thư chi bộ, tôi giơ nắm tay ngang mày, nói rành rẽ, nhưng vừa đủ nghe (vì kẻ thù ở sát nách): “Kể từ giờ phút này, đồng chí Phạm Văn Chiến, chức vụ tiểu đội trưởng sẽ chính thức trở thành đảng viên Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Đồng chí sinh hoạt ở...”.

Vậy là xong, không cần đọc đơn xin, khỏi thông qua lý lịch, không cần thề thốt gì ráo và cũng không ai cần nói thêm điều gì. Bởi vì, tất cả lý lịch, nguyện vọng, lời thề... đã được anh em bộc lộ ra hết bằng chính xương máu của mình nhiều năm tháng trên chiến trường qua rồi.

Chiến tranh, ngày nào cũng có người ngã xuống. Cái chết đang rình rập. Ngay đêm ấy, Phạm Văn Chiến được giao nhệm vụ chỉ huy một tổ trinh sát bảo vệ một đoàn tải đạn qua QL 4 (Quốc lộ 1 bây giờ) xuống chiến trường Chợ Gạo, Gò Công. Chẳng may đoàn tải lọt vào ổ phục kích địch, tổ trinh sát của Chiến đã chiến đấu oanh liệt để kềm chân địch. Đoàn cán bộ và đạn dược của ta đã thoát khỏi vòng vây an toàn. Cuộc chiến đấu không cân sức, biết lực lượng ta ít, nên chúng cố bao vây tiêu diệt. Phạm Văn Chiến chỉ huy tổ trinh sát chiến đấu rất anh dũng. Đạn đã hết, Chiến bị thương gãy một chân. Thấy ta chống cự yếu ớt, địch tổ chức xung phong. Chiến bình tĩnh rút chốt quả lựu đạn M26, chờ địch đến gần. Quả lựu đạn rơi trúng vào toán địch đang bò lên, làm nhiều tên chết và bị thương, số còn lại bỏ chạy, rồi rút lui. Chiến đập nát khẩu M16, rồi ráng sức bò vào gò trâm bầu gần Quốc lộ. Sáng hôm sau, có nhiều người dân chứng kiến, trung đội nghĩa quân Châu Thành hành quân lùng sục, phát hiện ra Chiến. Bọn chúng gọi hàng, Chiến cố gượng dậy nhìn thẳng vào bọn chúng, hét to: “Quân giải phóng không biết đầu hàng! Chúng bây hãy bắn tao đi!”. Người đảng viên trẻ Phạm Văn Chiến anh dũng hy sinh ngay lúc ấy!...

Tin Chiến hy sinh làm cả đơn vị ngậm ngùi. Chúng tôi mở ba lô của Chiến để chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân đem theo cho Chiến. Trong cái bọc ni-lông nhỏ, tôi thấy có mấy tấm ảnh gia đình và ảnh một cô gái tay ôm cặp sách, đứng dựa lưng vào cổng trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Cô gái có gương mặt sáng sủa, vầng trán thông minh, đôi mắt to và nụ cười thật rạng rỡ. Phía sau tấm ảnh là dòng chữ “Người yêu dấu của tôi”. Trong bọc ni-lông còn có một cuốn sổ nhỏ, trang đầu ép mấy cành lan rừng đã chuyển từ màu tím thành màu trắng nhờ nhợ và những hàng chữ ngay ngắn ghi theo năm, tháng hành quân. Cả bọn tùm đầu lại nghiền ngẫm từng chữ, từng chữ...

“Ngày... tháng... năm...

Mai thân yêu! Tâm trạng duy nhất của anh lúc này là nỗi nhớ. Nhớ cồn cào, nhớ da diết. Nhớ em, nhớ cả khoa sử của chúng mình. Ngày anh lên đường nhập ngũ, trước lúc chia tay, anh còn cố vào nghe nốt bài lịch sử thời kỳ độc tài ở La Mã cổ đại. Xe đến rồi mà anh còn nán lại nghe thầy giảng nốt đoạn chàng Xê Ra chiến thắng và trở về bên Cleopat. Lúc ấy anh không dám nhìn em, vì anh sợ nước mắt... Đừng khóc nữa em yêu, hãy học giỏi nghe em. Học cho cả phần anh nữa...”

“Ngày... tháng... năm...

Cả tiểu đội không ai biết anh có người yêu. Tấm ảnh của Mai anh giấu kỹ, thỉnh thoảng lén lấy ra xem. Ước gì được gặp em ngay ở chiến trường. Đất nước còn binh đao khói lửa thì những thằng con trai như anh sao ngồi yên được. Chỉ mong em bình an, tất cả hẹn ngày gặp mặt...”

“Ngày... tháng... năm...

Trường Sơn... rồi miền Tây Nam bộ... Mình xa Hà Nội mới đây đã gần hai năm. Xuân sắp về, không biết bố, mẹ chuẩn bị Tết có to không? Sao tự nhiên mình thấy thèm được nghe tiếng pháo giao thừa thế! Vậy là Mai của mình đã vào chiến trường. Nhận được thư em mình mới biết. Lúc trước, em giận mình khi đi khám nghĩa vụ quân sự không cho em hay. Nhưng em đã nhập ngũ vào chiến trường, em bảo em đi theo tiếng gọi của tình yêu. Thư em kể rằng: Em đến các binh trạm giao liên, câu cửa miệng của em là: “Các đồng chí ơi! Có anh Chiến tóc quăn, quê ở Hà Nội đây không?”. Gặp ai em cũng hỏi tìm mình. Thương em quá! Bộ đội nhiều như lá rừng, em làm sao mà tìm được anh. Thôi đành hẹn em ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...”

Trang nhật ký dở dang, nhiều trang không có ngày, tháng, không địa chỉ cụ thể, có chỗ gạch bỏ, bôi xóa, có chỗ vàng ố. Chúng tôi đọc và tất cả đều không kềm được nước mắt!...

*

Sau đó, bà Trần Thị Điễu (Anh hùng LLVT nhân dân) cùng bà con ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh kéo ra đấu tranh trực diện với bọn lính, rồi đem xác Chiến về chôn cất đàng hoàng. Mộ Chiến nằm trên Gò Me, cánh đồng Phước Thạnh (hiện nay hài cốt của Liệt sĩ Phạm Văn Chiến đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang). Phạm Văn Chiến người con trai Hà Nội mang theo hình bóng quê nhà và người con gái mình yêu vào trận. Tôi từng ước được một lần gặp Mai để kể cho cô nghe về Chiến, để nói với Mai rằng: Chiến là đảng viên cộng sản và Chiến đã ngã xuống trong tư thế của người đảng viên cộng sản; của người lính Cụ Hồ. Nhưng rất tiếc...

 

(Trích “Đời lính chiến”,

NXB Hội Nhà văn 2019)

Lê Hồng Lâm
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 95)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 397
  • Khách viếng thăm: 392
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 16044
  • Tháng hiện tại: 1238721
  • Tổng lượt truy cập: 63467689