Cổ tích mía lau

Đăng lúc: Thứ tư - 24/08/2011 09:23
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

(Kính tặng Đại tá Lê­ Hồng Thanh, nguyên Phó  CHT Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang)

Hồi đó, con mới tám chín tuổi, tóc vàng hoe, người ốm như cây tăm. Chiều chiều mẹ thường dắt con lên gò cao, nơi đầu dốc của con đường mòn dẫn từ nhà mình vào rừng. Nhìn khóm mía lau già ngả­ nghiêng trong gió, mẹ kể cho con nghe về sự tích của nó. Mãi đến bây giờ, khi đã trở thành một bác sĩ quân y con mới hiểu hết ý nghĩa câu chuyện ấy. Cây mía lau chính là cuộc đời của mẹ, người đàn bà không ra trận mà thương tích đầy mình bởi chiến tranh; cả đời quằn quại khổ đau bởi chiến tranh.

Mẹ kể, ngày xưa, ở làng biển phía Đông có một cô gái tên Mía. Cô đã xinh đẹp mà còn thông minh, nhân hậu. Tài sắc của cô nổi tiếng cả vùng. Biết bao chàng trai ngày thương đêm nhớ, trong đó có anh ngư dân tên Gió. Gió ân cần dâng tặng tất cả những mát lành, nồng ấm cho Mía; nhưng lòng Mía đã gởi về cánh đồng phía Tây, nơi có anh dân cày tên Nước. Nước cũng là một chàng trai khôi ngô, siêng năng và khỏe mạnh nhất làng; cũng có bao cô gái vây quanh, nhưng Nước đã gởi hết tâm tình cho Mía. Rồi họ cưới nhau. Đám cưới của họ là ngày hội của hai làng. Làng Đông nghỉ đánh bắt ba ngày, làng Tây nghỉ cày cấy bốn ngày để cùng vui với đôi trai tài gái sắc. Họ sống bên nhau không cần ăn cũng thấy no, không cần uống cũng thấy mát; suốt ngày cười vui trong hạnh phúc. Nhưng chẳng được bao lâu thì hạnh phúc đã thay bằng ngóng trông vời vợi, nụ cười đã thay bằng nước mắt.

Khi tình yêu kết trái, bào thai đã tượng hình trong Mía thì giặc kéo về. Tiếng súng ngày một gần. Tất cả trai làng biển phía Đông và trai đồng lúa phía Tây đều ra trận. Trong đó có Nước và Gió. Mía và những người phụ nữ của hai làng phải thay trai ra đồng cày cấy; xuống biển bắt cá, mò cua. Rồi giặc kéo đến, nhiều người đã bỏ làng ra đi; nhưng Mía vẫn bám vào đất, bám vào gốc rạ, hốc cây để sinh con và chờ đợi Nước. Mía chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai, từng con cua, con ốc để nuôi con lớn; dang hai cánh tay gầy che chở cho con trong cơn phong ba bão táp. Mía vui mừng vì nghe tiếng súng đã xa hơn và không còn nhiều như trước.

Những ngày sau đó, có nhiều trai làng bị thương trở về. Có người trở về với đôi chân khập khiễng, có người trở về với một tay còn lại, hoặc vô số những vết thương trên người. Trong số đó không có Nước, cũng không có Gió. Mía phập phồng lo sợ, vừa mong chồng trở về; vừa sợ chồng bị thương tật đớn đau. Nhưng dù Mía có rút ruột nguyện cầu, có trải nỗi lo lên khắp cánh đồng thì cũng không thể che chở cho Nước được. Một buổi chiều, Gió trở về với cùng hai chàng trai làng biển. Đó là tất cả những người còn sống sót của đội quân. Nước và mấy chục trai làng đã nằm lại vĩnh viễn trong một cánh rừng sau trận chiến đấu không cân sức với giặc.

Mía đổ rạp như cái cây mất nước, tưởng như không còn sức để đứng lên. Nhưng rồi chính bàn tay bé xíu của đứa con gái, chính tiếng gọi mẹ ơi của nó đã kéo Mía đứng lên. Và Gió đã đem phần cơ thể còn lại của mình, sức lực còn lại của mình để thổi dịu vết thương cho Mía; che chở, đỡ nâng cho mẹ con Mía trong những ngày bão dữ. Gió như giọt mưa trong nắng hạn, như cơn gió giữa trưa hè, như dòng nước âm thầm dâng hiến phù sa cho cây lúa xanh lá, trổ bông. Tình cảm của Gió cứ âm thầm, lặng lẽ… Năm tháng qua đi, tóc của Gió đã có nhiều sợi bạc; trong mắt Gió đã thấp thoáng sự đau đáu, khắc khoải. Cả làng ai cũng hiểu Gió và thương Gió, chỉ có Mía. Với Mía, Gió như tàu lá lúc giữa đường gặp mưa, như cây gậy khi đi qua cầu tre lắt lẻo; cần thì lấy, dùng xong thì thôi. Mía không nhận ra Gió đã là tay, là chân, là một phần tim óc của mình. Cho đến một ngày, vì cứu con gái Mía mà Gió xuýt chết đuối trong cơn lũ quét; lúc Gió thập tử nhất sinh Mía mới thảng thốt nhận ra một nửa của mình sắp mất. Mía không biết tự lúc nào mình đã gắn niềm vui, nỗi buồn với Gió; gắn suy nghĩ, ưu tư, lo lắng với Gió. Vì Gió luôn ở bên cạnh, cần là có, ngó là thấy, nên Gió không tạo cho Mía nỗi nhớ nhung quay quắt. Sắp mất Gió rồi Mía mới hiểu mình không thể sống mà không có Gió. Rồi Gió thoát khỏi tay tử thần, rơi vào vòng tay yêu thương của mẹ con Mía.

Mía được gia đình Nước đứng ra gả cho Gió. Ai cũng chúc phúc cho Mía và Gió. Ai cũng mừng, vì từ nay đêm đêm Gió không cần nằm trong hương biển mà nhớ mùi lúa trổ trên đồng. Từ nay hai con người tài sắc một thời, dang dở, lận đận một thời sẽ kết lại với nhau, chấm dứt những ngày cô đơn quạnh vắng. Nhưng không phải vậy, số phận nghiệt ngã chưa chịu buông tha cho người đàn bà tội nghiệp ấy.

Đám cưới của họ được tổ chức; lá đủng đỉnh còn chưa héo, lòng người còn chếch choáng men say, thì bão tố lại đổ xuống những mảnh đời vô tội. Nước còn sống. Nước đã quay về nguyên vẹn. Trong lần chiến đấu đó Nước đã bị thương rất nặng, bị rơi xuống vực và may mắn được một tiều phu cứu sống. Mía ôm chầm lấy Nước. Gió ôm chầm lấy Nước. Nước cũng ôm lấy vợ con, nắm bàn tay còn lại của người bạn chiến đấu. Tất cả cùng khóc, cùng mừng mừng, tủi tủi… Rồi ngỡ ngàng buông nhau ra. Gió thấy mình có lỗi, Mía thấy mình có lỗi và Nước cũng thấy mình có lỗi; mặc dù tất cả không ai có lỗi. Mía khóc. Mía thấy đất dưới chân đang vỡ ra từng mảnh; từng cơn sóng xô Mía ngã về bên này, rồi quật qua bên kia. Tại sao ông trời lại bắt Mía phải sống trong hoàn cảnh này? Gió chết lặng trong hồn, tự kết tội  mình là kẻ hồ đồ, là người thứ ba chen vào phá tan một gia đình hạnh phúc. Nước nghe sợi dây yêu thương đã níu kéo anh, giúp anh vượt qua cõi chết trở về đang rạn đứt từng đoạn. Bước chân hăm hở quay về đã trở thành bước chân ngỡ ngàng, đổ vỡ. Nước tự trách mình, nếu đã không về được sớm hơn, thì bây giờ còn về làm gì ?...

 Rồi cùng một ngày, cả hai người đàn ông cùng có một quyết định giống nhau: Cắt bỏ sự vướng víu khổ đau, cắt bỏ tình yêu của Mía, ra đi không từ biệt. Mỗi người chỉ để lại một bức thư. Rạng sáng hôm ấy, sau hai ngày Nước trở về, Mía bàng hoàng khi phát hiện Gió đã về làng biển. Mía cầm lá thư của Gió gởi lại cho Nước chạy tới nhà bà - nơi Nước ở từ ngày trở về. Bà trao cho Mía bức thư của Nước. Sáng nay Nước cũng đã lặng lẽ ra đi. Nước  giao con gái và vợ cho Gió. Đầu Mía trống rỗng, lòng Mía tê dại, mắt Mía vô hồn. Mía có cảm giác như ai đó vừa lấy đi của mình một nửa trái tim bên này, rồi lại giật nốt một nửa còn lại bên kia. Mía không còn trái tim, không còn tình yêu, không còn gì hết. Đó là kết cuộc mà Mía đã đoán biết. Bởi vì, nếu họ không ra đi thì Mía cũng không thể lựa chọn. Mía như một người cầm hai cái phao lội giữa hai chiều sóng, hết bị xô qua bên này, lại bị đẩy sang bên kia. Mía hướng về bên nào cũng thấy đau, nghiêng qua bên nào cũng thấy vướng. Để cho hai cái phao nguyên vẹn, Mía phải buông tay thả cho cả hai trôi đi. Mía mất tất cả. Nước không biết điều đó, Gió cũng không biết điều đó; người này cứ ngỡ người kia đang
hạnh phúc.

Rồi để củng cố cho quyết tâm của mình, Gió ra khơi và không về nữa. Nước cưới vợ, một cô gái ở làng xa. Hai người đàn ông không biết rằng ngày nào Mía cũng lên đồi đứng ngóng. Buổi sáng Mía ngó về biển để tìm hình bóng Gió, buổi chiều Mía ngó vào rừng để tìm hình bóng Nước. Năm tháng qua đi, mặc cho mưa dầm nắng hạn, Mía vẫn lên đồi, vẫn chia nỗi ngóng trông về hai phía. Nắng lấy đi màu trắng như ngọc trên gương mặt cô, mưa lấy đi màu môi đỏ như son của cô, sự ngóng đợi lấy đi màu mắt đen như nhung của cô; nhưng Mía vẫn đứng đó. Mía muốn theo mây trôi về biển, rồi lại muốn theo kỷ niệm về đồng. Cô lục lọi trong ký ức để tìm kiếm trái tim mình, tìm kiếm nụ cười của mình, tìm chút nồng ấm còn xót lại… Nhưng tất cả chỉ là hư vô. Mía vắt ruột mình. Ngày qua ngày Mía vắt ruột mình âm thầm gởi về phía Gió sự ngọt ngào, nhớ nhung, đau khổ; gởi về phía Nước tình yêu chung thủy, xót xa. Mía dâng hết dòng nước ngọt của mình cho hai phía chân trời.

Rồi một ngày gió mưa rét mướt, bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ, Mía đã hóa thân thành một cái cây. Một cái cây già mảnh mai, khẳng khiu như một cán lau. Trên ngọn nó là cái bông trắng tua tủa, phất phơ như mái tóc bạc của Mía. Lá của nó như những cánh tay gầy ngả về hai phía. Người ta thử cứa vào thân cây và thấy nó bị rỗng ruột. Bên trong nó kết bằng những sợi trắng xôm xốp, như những sợi tơ. Những sợi tơ đã bị vắt hết nước nhưng vẫn còn vị ngọt. Từ vỏ cây một dòng máu rỉ ra, loang trên từng đốt, tạo những cái rễ màu đỏ bầm. Để tỏ lòng thương cảm người con gái tài sắc mà vô duyên bạc phước, người ta gọi cái cây ấy là mía lau.

Mẹ ơi, sau mấy mươi năm con mới biết sự tích cây mía lau chính là cuộc đời của mẹ. Con ra đời cha đã đi bộ đội. Hai mẹ con mình ống với bà cố - bà nội của cha. Con hai tuổi thì mẹ nhận được thư báo tử. Mẹ ôm con khóc suốt mấy ngày đêm. Mẹ nói cha đã chết, cha không bao giờ về nữa. Rồi chú Vũ, người bạn cùng đơn vị với cha bị thương, về làng. Chú Vũ kể, trong một trận đánh cha đã bị thương vào đùi. Chú ấy và anh y tá của đơn vị đã cõng cha đi suốt đêm tới trạm xá Quân y rồi mới đuổi theo đơn vị. Mấy hôm sau, trạm xá bị đánh bom. Láng trại bay mất, cha và tất cả những người ở đó cũng bay mất. Mẹ và bà lại khóc, còn khóc nhiều hơn khi nhận thư báo tử. Rồi bà giữ chú Vũ ở lại nhà mình, vì chú ấy gầy yếu, xanh
xao lắm…

Mấy năm sau, bà làm đám cưới cho mẹ và chú Vũ. Đám cưới còn chưa dỡ trại thì cha về. Mẹ ôm lấy cha, bà ôm lấy cha; con và chú Vũ cũng nắm tay cha. Đầu óc non nớt của con không hiểu tại sao người lớn mới khóc đó rồi lại cười; mới cười đó rồi lại khóc. Mẹ buông cha ra, mẹ gục xuống bàn. Có cái gì đó là lạ trong mắt mọi người, cái gì đó làm cho nhà mình nặng nề, căng thẳng lắm.

Chiều hôm sau cha đi. Khuya chú Vũ cũng đi. Từ đó con không thấy cha và chú Vũ về nữa. Mấy tháng sau có tin chú Vũ đã hy sinh trong một trận càn. Mẹ không khóc, mẹ chỉ nấc lên như người mắc nghẹn.

Khi con được tám tuổi thì có người tới nhà mình, đưa con và mẹ tới một khu rừng. Ở đó treo rất nhiều vải đỏ và rất nhiều hoa. Hoa kết đầy trên những cây cột tràm, trên vách nứa; hoa kết thành vòng trên cổ cha và người phụ nữ mặc áo dài màu tím. Cha cặp tay người phụ nữ ấy bước ra đón mẹ. Cha hỏi, sao chú Vũ không đến; mẹ cười bảo chú Vũ bận đi công tác. Con thấy lạ, sao mẹ không cho cha biết chú Vũ đã chết?

Sau ngày đó mẹ sống lặng lẽ như cái bóng. Chiều chiều mẹ lại dẫn con lên gò cao để ngóng về phía chân trời và kể cho con nghe câu chuyện về cây mía lau.

Mẹ ơi! Bây giờ thì con đã hiểu, cây mía lau chính là cuộc đời của mẹ. Mẹ vắt hết máu mình nuôi con, vắt hết ngọt ngào cho cha và chú Vũ; mẹ chỉ còn lại tấm thân khô héo. Mẹ ơi, chính mẹ là cây mía lau già rỗng ruột với ngọn cờ trắng phất phơ như mái tóc bạc của mình.

Ngọc Thủy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 184
  • Khách viếng thăm: 173
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 4536
  • Tháng hiện tại: 2237086
  • Tổng lượt truy cập: 46204319