Vùng tục lụy

Đăng lúc: Thứ hai - 06/02/2012 08:10
MH: Nguồn Báo Thanh Niên

MH: Nguồn Báo Thanh Niên

Chùa ẩn sâu trong ngõ. Ngõ nhỏ thâm u và buồn. Hai bức tường lớn chạy dài trông có vẻ mục nát nhưng là bệ đỡ lý tưởng cho lũ dây dại nhí nhảnh trèo lên trèo xuống khoe những đóa hoa bé tí nhạt hương. Cổng gỗ xanh rêu cạnh tranh cùng ngói mốc. Mọi thứ trong khuôn viên đều nhỏ bé và cũ kỹ. Chùa nghèo hương khói cũng nghèo, chỉ vài ba sợi mỏng tang bay lẻ loi vào trời chiều cô tịch.

Sư trụ trì tu theo dòng khổ hạnh, nhìn mặt không đoán nổi tuổi vì quá khắc khổ. Nhưng từ điệu đi dáng đứng đúng là cốt cách của người đã lánh xa thế tục.

Cuối sân chùa có một cội bồ đề, nhưng dưới cội bồ đề không bày tượng Phật nào, có lẽ vì địa thế không thiêng? Giáp ranh đó là một ngõ khác dẫn vào xóm nghèo. Người mù quờ gậy đi vào xóm chỉ cần nghe âm thanh là phân biệt ngay xóm nghèo hay giàu, ấy là vì tạp âm ở xóm nghèo thường vang to và vượt trội.

Khổ thân ngôi chùa nhỏ chẳng được mấy ngày thanh tịnh. Vào những đêm trăng trong gió lộng, hễ bên này lời kinh tiếng kệ vừa ngân thì bên kia cũng cất lên giọng tru tréo của mụ vợ đanh đá nào đó đang hăng hái gây chiến với gã chồng nát rượu.

Tuy nhiên, mọi sự dù hay dù dở nhưng cứ lặp đi lặp lại mãi rồi cũng đến một sự khác: sự quen. Mà đã quen, ắt cũng không còn khó chịu. Chuyện chùa cũng thế thôi. Sư trụ trì mỗi lần đi họp tổ dân phố, lặng lẽ ngồi nép vào một góc, mặc người ta tranh nhau "kiến nghị". Thảng hoặc ông tổ trưởng hỏi - giọng ồm ồm và hơi thô lỗ - rằng lũ trẻ mất dạy có phá chùa của sư không? Nếu có thì bảo ngay với ông một tiếng, ông sẽ vặn tay chúng nó cho nhũn cả ra. Nam mô a di đà Phật, sư nghe sao thấy ghê rợn. Trẻ con nào không phá? Mà không phá gì sướng cho bằng phá chùa phá miễu! Nhưng chùa sư nghèo, chúng có vào nhìn lơ láo mấy tượng Phật rồi cũng đi ra, lấy được cái gì? Họa chăng thi thoảng cuỗm được quả chuối hay viên kẹo, bóc vỏ bỏ mồm nuốt ngay tại chỗ. Thấy hiên chùa gió mát thì vật ra đánh một giấc rõ say, mặc bên kia xóm nghèo tiếng bà mẹ ơi ới rủa thằng quỷ nhỏ mới đấy mà đã tót đi chơi đằng nào rồi? Có lần sư vén vạt áo nâu sồng đi qua, thấy thằng bé ngủ say, cái miệng há hốc như chờ sung rụng, dép sư bèn khua thật khẽ.

Nhưng có mấy đứa lớn hơn thì thật quá đáng. Nhiều lần chúng tụ tập tiêm chích ma tuý rồi vứt ống tiêm vào cội bồ đề làm lòng sư đau lắm. Sư đau vì cội bồ đề bị ô uế thì ít, mà đau vì chúng nó hư hỏng thì nhiều. Nghèo hèn - dốt nát - thất nghiệp và hư hỏng luôn bè lũ nhau như thể tương chao phải ăn kèm với rau thơm, khế chua và chuối chát vậy!

Lần kia sư bắt chuyện với một gã thiếu niên mày ngang má hóp, trông có vẻ lêu lỏng. Cậu ta thường ngồi ủ rũ dựa tường nhà chùa, tay đảo xấp bài lia lịa, sốt ruột vì đợi hội bạn. Thấy sư, cậu ta đưa mắt lơ đễnh nhìn, ngáp một tràng dài thành tiếng rồi hỏi trống không: "Sắp tới ngày rằm rồi, chùa có bố thí cơm chay không?". Sư nói có chứ, nhưng chùa nghèo, cơm chay không được cầu kỳ, chỉ ít rau quả, tương chao và đậu phụ thôi. Cậu thiếu niên nghe thế thì nhếch môi, mắt nhìn vô định: "Ai bảo hồi đó xây chùa ở đây làm gì? Xóm này dân nghèo bỏ mẹ, lấy tiền đâu cúng bái?". A di đà Phật! Cổ họng sư nghẹn đắng. Nói vậy mang tội cho sư quá. Chùa này quả thật là chùa tư nhân. Mấy đời sư trụ trì đều tu một cách lặng lẽ, không chủ trương rình rang như những chùa khác. Người tu hành lập chùa cốt để thí chủ gần xa về tụng kinh niệm Phật, chứ nào phải... Hòm công đức được đặt nép nơi bệ thờ, dĩ nhiên là nên có, chỉ mong khách viếng chùa tự nguyện tỏ chút lòng thành. Tiền đấy cũng là dành cho hương đèn hoa quả và sửa sang tường rêu ngói mục, chứ chùa có ép uổng ai bao giờ. Cậu trai lại ngáp, những ngón tay cáu bẩn gãi vào cái trán đầy mụn đỏ gay, tỏ vẻ hối hận: "Tôi quen miệng chửi thề, sư đừng giận! Rằm tôi tới ăn cơm chay, sư đừng đuổi tôi nghen". Rồi không đợi sư trả lời, cậu trai đứng dậy phủi bụi đít quần, bỏ đi. Hai chân như hai cọng tăm khuỳnh ra, đen nhẻm. Đầu ngõ, thấp thoáng mấy cái áo thun in hình nhăng nhố, cắm xuống những "cọng chân" cũng hệt như thế.

Sư buồn bã lắc đầu, đưa tay đẩy cổng gỗ. Một đám rêu khô nhảy bổ xuống lòng đường. Lũ kiến lửa cắm cúi dắt nhau đi tìm mồi, bò vẩn lên bờ tường ẩm mốc. Cuối vườn, lá bồ đề rụng vương vãi. Sư đi vào chùa, mang chổi ra thong thả quét, bụng nhẩm tính: còn ba ngày nữa là tới rằm!

***

Nhưng trước rằm một ngày, có nhiều đại họa xảy ra. Hòm công đức nhà chùa bị đánh cắp, cùng với một số tư trang. Sáng đó chuyển mùa, trời gây gây lạnh, chú tiểu thức sớm đi tìm áo mặc thêm vào cho ấm. Bỗng phát hiện cửa chùa khép ơ hờ, sực nhớ đêm qua mình đã cài khoá kỹ. Trong lòng hốt hoảng, tiểu bật đèn lên. Ánh sáng chạy vào giường ngủ làm sư thức giấc. Hai người nháo nhác nhìn quanh và chợt hiểu mọi sự. Đã nghèo lại thêm đại nạn. Rằm này biết lấy gì dâng cúng Phật trời? Khoảng giữa trưa, tiểu âu sầu đi thay nước bình hoa ở các bệ thờ, phát hiện thêm một tượng Phật nhỏ bằng đồng đã biến mất tự khi nào. Sư nghe mà buồn nẫu ruột, tay run rẩy cắm hương vào cái lư đặt lộ thiên giữa sân, ngước nhìn Phật Bà từ bi, mắt ấp ứ nước.

Xế chiều, có thằng nhỏ bên xóm nghèo vượt tường sang hiên chùa nằm ngủ như mọi khi. Nó ngáp vặt mấy cái rồi hỏi: "Thầy chuẩn bị gì chưa? Sao chùa buồn hiu vậy?". Mặt sư rầu rĩ: "Chùa vừa bị mất cắp". Thằng nhỏ vọt miệng chửi thề: "Chết cha! Sao xui dữ vậy? Bên xóm con cũng vừa có người chết". Sư ngẩng đầu lên, mắt mở to đau đớn: "Mô Phật, sự thể ra sao, con...?". Sư chưa dứt thằng nhỏ đã cướp lời, miệng chu ra, huơ tay múa chân diễn tả. Thế này này, ở quán thịt chó (Mô Phật!) bên xóm, bỗng dưng hai ông đang nhậu thì lăn đùng ra, sùi bọt mép, máu mũi chảy ngoằng. Chở vào bệnh viện thì một ông đã ngoẻo ngay trên đường đi. Công an điều tra kết luận là bị ngộ độc, hình như thuốc diệt chuột thì phải, rồi buộc ông chủ phạm tội giết người. Ông ấy bị bắt giam, đang kêu oan rầm rĩ.

Sư bối rối lần tràng hạt, thảo nào xóm nghèo hôm nay tiếng ồn nhiều hơn mọi bữa. Có cả những tiếng la hét khóc than hơi bất thường. Nhưng sư nào để ý, việc của sư là giữ lòng thanh tịnh, bỏ xa cõi đời nhao nhác ngoài kia. Tuy nhiên có tu thì cũng là người, thế nên nghe chuyện thằng bé rồi, sư thấy lo lắng làm sao, một cái gì hơi đau xót, day dứt lẫn trong một nỗi tò mò pha sợ hãi... Nói chung là một thứ cảm giác bất an xáo trộn.

***

Vừa hay chú tiểu đi ra, lấy tay dụi mắt vì bụi rơi khi quét dọn, hỏi: "Giờ làm sao hở sư thầy?", ý nhắc sư về khoản tài sản bị mất, giờ biết lấy gì lo toan chu tất cho ngày rằm? Sư vân vê nếp áo nâu sòng, chậm rãi xoa đầu tiểu, ừ, biết làm sao đây?

Đêm rằm, chùa vắng ngắt. Cội bồ đề tắm mình trong ánh trăng lạnh lẽo. Vài cụm hoa ngâu kiêu ngạo tỏa hương thanh cao làm đám dây dại tầm thường quấn chặt vào nhau hổ thẹn. Có vài khách quen bên kia xóm đến viếng chùa, niệm Phật vừa đúng một hồi kinh rồi cáo từ ra về. Khói hương lặng lẽ tỏa vào đêm sâu. Sư tiễn khách ra cổng, mảnh trăng rằm rớt xuống áo cà sa lấp lóa.

Bỗng phía cuối vườn bật ra tiếng động khả nghi. Chú tiểu mau mắn chạy đi rồi hớt hải về báo: có người nằm gục bên cội bồ đề! Sư luống cuống kéo vạt áo cùng chú tiểu ào ra.

Gã thiếu niên mày ngang má hóp - chân cọng tăm, nằm bệt xuống sàn nhà chùa, run lẩy bẩy vì đói. Trong cơn cùng quẫn, đáy mắt gã vẫn toát lên một vẻ gì gian xảo. Sư hối hả giục tiểu rót chén trà, cất giọng lo lắng: "Con có bị làm sao?". Gã vẫn run, khẩn khoản: "Sư cho con tá túc một đêm, sáng mai con đi liền, được không?". Chú tiểu đưa ngang tách trà, nước sóng sánh chực đổ, mắt nhìn gã thiếu niên nghi ngại. Những thành phần này, tiểu không dám tin, vì mới hôm qua đây chùa vừa bị mất cắp, biết đâu...? Mà cũng có khi thủ phạm là...? Thôi, tiểu không dám suy đoán nữa. Tiểu quay hẳn mặt đi tránh ánh mắt độ lượng vốn có của sư. Người chân tu phải rộng lòng từ bi, nhưng trong những trường hợp thế này, tiểu tự hỏi mình có nên tốt với tất cả hay không?

Vậy mà sư đã gật đầu, sai tiểu dẫn gã vào nhà trong. Gã mừng rỡ đứng dậy, dáng điệu khó nhọc. Hai cọng tăm kéo lê trên nền gạch một cách tội nghiệp. Ngang qua bệ thờ, Phật mỉm miệng cười mà chân mày khẽ nhíu!

Gã thiếu niên ngã xuống tràng kỷ, mặt cắm xuống đất, nghe sư nghiêm khắc hỏi: "Nào, bây giờ hãy nói ta nghe, con đã gặp chuyện gì?". Gã thiếu niên mím chặt môi, đôi mày ngang chập lại làm hai mắt tối sầm, giọng rắn đanh: "Con phạm tội giết người, đang bị công an lùng. Sư cho con trốn ở đây, sáng mai con đi sớm!". Chú tiểu giật mình đánh rơi cây nến đang cháy dở, sáp vương vãi ra nền gạch, kêu lên lèo xèo. Sư hoảng hốt: "Nam mô a di đà Phật, nhà chùa không chứa chấp kẻ phạm pháp. Ngươi nên ra đầu thú, mau lên!". Gã trai đổ vật xuống, lưng cúi gập: "Con van sư, con lỡ dại! Bây giờ con chẳng biết tính thế nào. Con không cố ý… Không cố ý…". Tiếng gã nhòe trong nước, hai chân tăm co giật liên hồi, nét mặt tái dại. Sư bảo gã hãy kể rõ sự tình. Gã lắp bắp câu được câu mất...

 

À ra thế! Cõi đời là thế. Gã trai mới mười bảy đã theo băng đảng, lòng chất chứa hận thù. Gã không thể kìm nén việc bị "làm nhục" (chữ dùng của gã), thế nên gã lén bỏ liều thuốc diệt chuột vào món dồi chó trong quán ông cậu ruột. Phục vụ bưng ra, hai kẻ thù gục xuống.

Sống lưng sư chạy rần rật. Độc ác quá! Ngươi đã là kẻ giết người, mới mười bảy tuổi đầu đã lập mưu giết người… Tay sư huơ lia lịa về phía trước. Gã trai vẫn quỳ mọp dưới sàn, bóng tối chen đầy hai má hóp: "Con van sư! Cho con ở lại đêm nay, con mà ra ngoài kia là người ta sẽ thộp cổ. Con còn cả một quãng đời dài. Con sẽ trốn đi đâu đó, một nơi rất xa. Con hứa con sẽ không hại ai nữa. Sư là kẻ tu hành, chẳng lẽ thấy người gặp nạn mà sư không cứu, hở sư?". "Mô Phật! Ngươi nói gì lạ vậy, ngươi giết người một cách quá độc ác. Ngươi đã phạm pháp. Ta không thể... Không thể… Ngươi mau ra đầu thú đi, mau đi!". Lời sư cả quyết, gã trai biết không thể van nài, bèn đứng lên, cất giọng ngang ngạnh như ra lệnh: "Thôi được, con sẽ ra nhưng con đói lắm, chùa có gì ăn không?". "Nhà chùa bị mất cắp, rằm này ta cũng không có gì đãi khách thập phương. Chỉ còn tương chao và đậu phụ thôi". "Con mà ra khỏi chùa là tiêu đời. Con xin sư bố thí cho con ăn bữa cuối cùng thật thịnh soạn". "Ta đã nói rồi, chùa đang gặp nạn, chỉ còn mỗi đậu phụ không hơn". "Con hối hận lắm rồi, con không nghĩ là liều thuốc quá mạnh, con chỉ muốn hai kẻ kia ngộ độc đến ói mửa rồi câm mồm, chúng nó nhiều lần đánh đập hành hạ con. Con đã… Sư muốn con ra đầu thú phải không, con sẽ nghe lời sư. Nhưng sư hãy làm ơn đi, con muốn một bữa ngon!". "Ta giúp được gì?". "Hãy cho con một bát thịt chó!".

Mô Phật! Tim sư đau thắt lại, suýt đánh rơi tràng hạt. Trong lúc sư đang trân mình há hốc mồm không kịp phản ứng gì thì gã đã phun ra từng câu chữ rành rọt: "Sư hãy băng qua ngõ, mua về cho con một bát thịt chó. Nếu sợ ô uế bát nhà chùa, sư cứ bảo người bán gói vào mảnh lá chuối, rồi mang về cho con. Nhớ xin tép sả, quả ớt, củ riềng và lá mơ luôn thể! Coi như sư làm phúc cho con lần cuối. Ngày mai có thể con sẽ bị tóm cổ, có thể sẽ phải ngồi tù mục xương. Có thể suốt đời con sẽ không còn được ăn thứ thịt mà con ưa thích nhất nữa, thứ thức ăn mà con đã dùng để giết kẻ thù của con. Hãy cho con được ăn món ưa thích nhất lần cuối. Lần cuối cùng, được không sư?". Những lời cuối, giọng gã hiền và nhỏ.

Sư nhìn gã, nước mắt gã chảy dài. Nước mắt đục ngầu như nước cám lợn.

Sư bước ra sân chùa quạnh quẽ, ngước nhìn tượng Phật Bà. Phật Bà ơi có thấu gì không mà vẫn mỉm cười từ bi trong mùi khói hương bay lẩn quất?

Rồi sư nhìn qua hướng xóm nghèo. Tạp âm vẫn vang to và vượt trội, dù bây giờ đã khuya. Xóm nghèo, vậy mà hàng quán nhậu nhẹt vẫn mở cửa suốt ngày đêm. Người ra kẻ vào, khật khưỡng, tanh nồng, nhao nhác. Bên kia ngõ là cõi tục?

Sư dợm bước… Tội ác ở trong kia, tội ác buộc sư làm một điều không chấp nhận nổi là đi mua bát thịt chó. Nếu sư không đi, tội ác sẽ tiếp tục làm điều ác bằng cách trốn tránh pháp luật! Tất nhiên rồi người ta sẽ thộp cổ gã như thộp một con gà chọi hung tàn. Nhưng một gã vị thành niên mà phạm pháp thì luật pháp sẽ trừng trị bằng cách nào? Khi nào sẽ thực hiện theo luật? Và khung hình phạt là bao nhiêu năm? Gã có cha mẹ không để bảo lãnh hay bênh vực? Sư không thấu kỹ, nhưng sư hiểu mình đang sắp phải phạm vào một điều cấm để cứu rỗi một chúng sinh, ít ra là trong giai đoạn tạm thời này. Người hành tội mà biết sám hối thì tội sẽ giảm. Nhưng chẳng lẽ sư thực hiện lòng nhân bằng cách này sao? Lẽ nào sư phải đi mua thịt chó? Người ta sẽ nghĩ gì? Không, người ta không nghĩ gì cả, người ta chỉ cười thôi, cười kín đáo hay nhạo báng, ồ, xem kìa, xem thầy chùa cũng ăn thịt chó nữa kìa; nhưng người ta vẫn sẽ bán, phải bán chứ, để mà được dịp tò mò thích thú, được một câu chuyện lạ mà bàn ra tán vào mãi mãi… Mãi mãi, sư ơi!

Chân sư đã đặt ở bậc thềm, gã trai mày ngang má hóp vẫn run rẩy, không biết vì sợ, vì hối hận hay vì đói. Chú tiểu lầm rầm đọc kinh. Gã thiếu niên vẫn đang quỳ xuống nên không nhìn thấy sư. Dáng hình kỳ dị ấy, biết đâu ngày mai, rồi sẽ vĩnh viễn sống nốt một đời trai tráng trong tù. Đêm nay là đêm tự do cuối cùng trong đời thiếu niên gã. Gã khẩn khoản xin một bát thịt chó cuối cùng trong đời gã... Chẳng lẽ không được sao?

Chân sư vẫn ngập ngừng nơi bậc thềm vì một ý nghĩ khác vừa kịp chạy thoáng qua đầu... Sư hít một hơi căng lồng ngực, chắp tay lạy Phật Bà, tay chạm vào cổng gỗ đang khép ơ hờ. Đám rêu mốc chết âm thầm trong tay sư. Mảnh trăng vỡ vụn rơi lặng lẽ vào đêm, dát vàng chiếc áo cà sa...

 

Vũ Đình Giang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 194
  • Khách viếng thăm: 192
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 41647
  • Tháng hiện tại: 2274197
  • Tổng lượt truy cập: 46241430