Chú Ba 'âm lịch'

Đăng lúc: Thứ năm - 30/06/2011 13:13
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Mỗi ngày, cứ 3 giờ chiều thì chú Ba lại chiết từ keo rượu thuốc ra một xị rồi ngồi một mình với cây đờn kìm, tiếng đờn kìm nó ngộ lắm, không ẻo lả như tiếng cây ghita phím lõm mà nó lại có cái âm thanh nghe như tức tưởi buồn phiền. Chú nắn nót bài "Lưu thủy" mà sao hôm nay nghe chừng thiếu cái rộn rã của dòng sông như tên gọi...

Bỗng dưng chú dừng tay đờn, rót ra cái "chung" sứt miệng rồi uống chầm chậm, ngoài sông gió mát thổi vào lồng lộng, mà sao chú thấy lòng mình nặng trĩu nỗi niềm riêng.

Chú lớn lên trên mảnh đất mà cha chú đã mua được của Hội đồng Kiệu bằng cả một đời quần quật kiếp tá điền nghèo khổ. Ngày trở về từ quân ngũ, chú thẫn thờ đốt nén nhang trên bàn thờ cha, lòng hứa sẽ giữ mãi cuộc đất thấm mồ hôi cần lao của cha.

Mấy hôm nay, chú cứ ray rứt mãi về dự định bán miếng đất cho Công ty Liên Phát, ông chủ Đài Loan đi với cô thông dịch đã mấy lần tìm gặp mà chú vẫn cương quyết không bán.

Thím Ba qua đời trong cơn hoảng loạn của chiến sự Tết Mậu Thân, còn lại 3 cha con, đứa con gái lớn và thằng Út mới được 2 tuổi, chú vẫn bặm môi với số mạng mà sống cảnh "Gà trống nuôi con", rồi tiếng đại bác đêm đêm dội về, ánh sáng vàng vọt của trái hỏa châu ngoài rặng trâm bầu khiến chú thấy ra rằng, cái tuổi 25 của mình không thể nào ngồi yên mà ôm con được. Chú mang hai đứa con xuống xuồng, bơi một mạch vào Kinh Nhứt gởi cho bà má vợ nhân hậu rồi lên đường đi
bộ đội.

Ngày giải phóng, chú trở về mảnh đất vợ chồng đã sống với biết bao kỷ niệm, rưng rưng nước mắt ôm hai con…

Chú Ba thẫn thờ đặt cây đờn vào vách nhà, nhớ lại từng lời nói của thằng Hưng, con
trai chú:

- Ba biết năm nay là năm bao nhiêu ngàn chưa, sao ba cứ khư khư ôm lấy miếng đất của ông nội để sống hoài cái cảnh nghèo nàn vậy?

Bất giác chú lại thở dài với một chút áy náy trong lòng, phải chăng mình vẫn còn cái tính gia trưởng thủ cựu?

Chú lại mỉm cười khi nhớ đến cái tên "chú Ba âm lịch" mà bọn trẻ trong xóm đặt cho chú, nghĩ cũng có lý. Khi mà cái xã hội chú đang sống nó thay đổi từng phút, từng giờ như cái máy "cồm pu tơ" thì chú vẫn cố giữ nếp sống xưa cũ, chú vẫn cau mày khó chịu khi đi dự một đám cưới mà lũ trẻ tóc vàng, tóc đỏ nhảy nhót quay cuồng, chú lại càng vô cùng khó chịu khi thấy thằng con ông hàng xóm, nhậu ba cái rồi về quậy um sùm để đòi mua xe tay ga. Với suy nghĩ riêng của mình, chú muốn ôm giữ cái truyền thống đạo lý của một thời xưa cũ, những khi chén chú chén anh với bạn bè hàng xóm chú vẫn khư khư giữ cái quan điểm của riêng mình, rồi dần dà, làn sóng mới ngày càng lấn át đã làm cho chú chán nản không muốn tranh cãi nữa, chú lặng lẽ với cây đờn kìm chung thủy, mặc kệ cho nhịp đời
đổi thay.

Chú thường trộm nghĩ, cái truyền thống, các tập tục lễ nghi mà người xưa đã từng đúc kết trong cuộc sống ắt là không thể thiếu cái sâu sắc, cái hay tiềm ẩn kết tinh của biết bao kinh nghiệm. Bất giác chú lại mỉm cười, kệ thiên hạ thôi, dù gọi chú là "âm lịch" hay "ông già xưa" thì chú vẫn chẳng chút buồn phiền mà ngược lại còn thấy tự hào...

Hình như giữa cái mới và cái cũ luôn có sự xung khắc, chú cũng công nhận rằng mình cũng phải sống theo thời nhưng mà... có nhiều cái mới quá chưa thể hội nhập vào nếp sống vốn dĩ trọng nghĩa tình, có nề nếp đạo đức mà hễ là người có chút suy nghĩ thì dù không được cái may mắn đến trường học như chú cũng dễ dàng cảm nhận.

Năm ngoái, đám cưới Hiền, con gái chú, dù ai cũng đề nghị chú mướn bộ đồ "Vết"(1) mặc vô cho nó "oách" một chút, chú vẫn thản nhiên mặc cái áo sơ mi trắng dài tay và rồi lễ cưới cũng diễn ra đúng phép tắc lễ nghi mặc cho thằng con trai giận hờn vì chú cương quyết không cho mướn ban nhạc và dàn âm thanh, thực sự chú không hà tiện trong ngày vui của con gái mà chú "dị ứng" với cái bát nháo của đám trẻ, âm thanh chát chúa chiếm lĩnh không gian, khách khứa nói chuyện như hét mà vẫn không nghe được, rồi thì "Híp hốp" "Rốc riết" cứ làm quay cuồng cái khung cảnh mà chú cho là cần thiết phải nghiêm túc lễ nghi.

Cũng may, anh sui trai là bạn cùng đơn vị với chú, thật là khó ứng xử khi sui gia có quá
nhiều chênh lệch về suy nghĩ, thậm chí nhiều khi còn đối nghịch nữa.

Nghĩ đến đây, chú lại thở dài ngán ngẫm khi nghĩ đến đám cưới sắp tới của Hưng, con trai chú mà ông bố vợ tương lai của nó là một ông chủ xe đò 16 chỗ, nghe nói là sống rất "vô tư" trên đường thiên lý Bắc Nam, tài uống rượu nổi tiếng Ấp Tư.

Ngay khi Hưng "thông báo", đúng nghĩa là "thông báo" sự lựa chọn hôn nhân của mình thì chú chỉ im lặng bên tách trà nguội ngắt suốt đêm hôm đó, người mà con chú chọn là một cô gái nết na đang công tác ngoài ủy ban, ắt hẳn là có cái nếp nghĩ của một công chức khiến chú có phần an tâm, mà... anh sui thì không biết sẽ thế nào? Nếu chú được cái quyền lựa chọn theo câu ví "lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống" thì hay biết mấy!

Gió ở cuối dòng sông nhẹ nhàng mang lại cái mát lạnh dịu dàng, chú lại nâng cây đờn kìm lên, thẫn thờ so lại phím.

*

Hôm nay nhà chú Ba nhộn nhịp hẳn lên, như mọi năm, ngày giỗ thím Ba là dịp tập trung đầy đủ.

Vợ chồng con Hiền với hai đứa cháu ngoại dễ thương về tới sớm nhất, kế đó là anh sui, bạn lính thời chiến đấu của chú vừa xuống xe ôm chưa kịp trả tiền là đã ồm ồm rộn rã, rồi có tiếng cột xuồng lách cách dưới bến sông, như bao nhiêu năm trước, chú Ba đích thân xuống tận bến rước bà má vợ nhân hậu dù đã cao tuổi, năm nào cũng tới dự giỗ cô con gái lớn bất hạnh.

Rước nhạc mẫu ngồi nghỉ trên bộ ngựa phía trái bàn thờ, chú Ba bưng lại bình trà, rót ra tách rồi mỉm cười sung sướng khi thấy con Hiền và thằng Hưng khoanh tròn tay như thuở nào vấn an bà ngoại, bất giác chú lại nhìn lên phía bàn thờ, nơi có di ảnh cô thôn nữ của thời xa xưa đang lung linh ánh mắt trong ánh sáng của ngọn nến cúng tiên thường.

Có lẽ tâm hồn của chú luôn nhớ về những điều tốt đẹp của nề nếp đạo đức dân tộc, nên có người chê là chú hoài cổ, chưa chịu bước ra khỏi cái tháp ngà cổ xưa để mà thẳng tiến đến một đời sống văn minh mới lạ. Chú nghĩ, mình cũng không chối cãi là cuộc sống bây giờ là văn minh hiện đại, nhưng như vậy đâu có nghĩa là những tập tục đạo đức truyền thống đều không còn thích nghi?

Nhìn đám trẻ bây giờ đi học bằng xe tay ga, đầu nhuộm vàng nhuộm đỏ, nói chuyện với nhau bằng cái ngôn ngữ "chat chít", chú lại bồi hồi tiếc nhớ cái thời mà giờ tan học, mấy đứa học trò tiểu học khoanh tròn tay lại mà thưa bác, thưa chú khi thấy người cao tuổi đi ngược lại, ở buổi tan trường. Mới đó mà đã như một điều chìm vào dĩ vãng, chú trọng cái xưa, cái cũ, chỉ là như vậy... Vậy thì cái tên
"chú Ba âm lịch" đâu có gì là biếm nhã?

Có tiếng reo của đứa cháu ngoại dưới bếp khi nồi bánh tét vừa được vớt ra, chú bước xuống, thì ra trong số những đòn bánh tét tròn lẳng còn có mấy đòn nhỏ xíu, "tác phẩm" của con cháu ngoại do mẹ nó dạy cho cách gói bánh. Chú có nghe nói là bây giờ đám tiệc, người ta ít xay bột, gói bánh vì ở siêu thị có đầy đủ các loại... Chú nghĩ, cái bánh cúng ông bà mà thiếu bàn tay lao động của con cháu thì thật là mất ý nghĩa.

Cây nhang trên bàn thờ vừa được nửa ngọn thì chú Ba mời bà má vợ ngồi vào bàn giữa, chú cẩn thận cài lại nút áo rồi nói:

- Hôm nay là ngày giỗ mẹ mấy đứa nhỏ, có má, có anh sui, có mấy dì, mấy cậu, tui xin có vài lời.

Cả nhà im phăng phắc, chắc là có người nghĩ:

- A, "Cóc mở miệng" rồi kìa.

Vì chú vốn ít lời, chẳng mấy khi nói tới ai.

Bước lại sửa cây nhang trên bàn rồi chú Ba chậm rãi:

- Mấy chục năm trước, vợ tui thường mơ ước sao cho có được miếng vườn, rồi lo cho con đi học tới nơi tới chốn, cái mong muốn đó, tôi đã hoàn thành. Nay thì con Hiền và thằng Hưng đã lớn, thành gia thất, thành người lớn, tui xin đưa ra cái quyết định, miếng vườn của ông nội mấy đứa nhỏ để lại thành khoảnh là 5 công, tui chia cho hai đứa mỗi người là 2 công, công còn lại, có mồ mả ông bà và cũng là nơi an nghỉ của má nó, tui xin giữ lại làm đất hương hỏa...

Chú Ba ngưng lại, rót tách nước trà... rồi tiếp:

- Đất đai tuy nó không biết nói nhưng đó lại là điều thiêng liêng nhứt, biết bao mồ hôi lao động cần cù đã tưới lên đó để nó được xanh tươi, đơm bông kết trái, từ cây mít, gốc xoài đều ghi nhớ sự cực khổ của bao đời người, bao lớp người, tui không nỡ bán dù cái số tiền bạc tỉ là không phải nhỏ.

Chú lại quay qua thằng con:

- Thằng Hưng chắc là cũng có lúc phiền ba sao không thức thời, ba không trách con vì con có cách nghĩ riêng của con. Bữa nay ba chia đất cho con và cũng cho con trọn quyền... muốn bán để lấy vốn làm ăn thì cứ bán, con Hiền dù là con gái cũng là con của ba, đất của ông nội để lại nó cũng có phần, tụi con ráng mà giữ cái tình đoàn kết của gia đình.

Anh sui trai cười:

- Ông nội nầy bữa nay ai "độ" mà phát biểu "xôm" dữ à nghe.

Cả nhà ai cũng cười vui vẻ, chú Ba lại quay vô bàn thờ người vợ quá cố đốt thêm cây nhang mới.

Chiều đang xuống chầm chậm phía cuối dòng sông, văng vẳng đâu đó tiếng chim bìm bịp gọi nước, gợi trong cảnh chiều tĩnh lặng một nỗi nhớ mênh mang về một thời xa cũ...

Thảo Bích
(Văn nghệ Tiền Giang số 46)

___________
(1) Vết: Veston

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 354
  • Khách viếng thăm: 353
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 24665
  • Tháng hiện tại: 2393090
  • Tổng lượt truy cập: 48767217