Bây giờ là cuối tháng tám, bắt đầu vào mùa lũ sông Cửu Long, điệu nước cũng khác thường hơn. Màu phù sa đỏ quạch, cuồn cuộn dòng nước phăng phăng chảy tràn về. Chỉ ít ngày nữa, nước sẽ tràn đầy ngập bờ.
Bốn người đàn ông đăm đăm nhìn ra cảnh sông nước. Anh lái trẻ chăm chú điều khiển chiếc máy Kohler, khách là hai thanh niên và một ông lão gầy còm tóc bạc phơ nãy giờ vẫn im lặng suy tư.
Người thanh niên trẻ nhất lên tiếng:
- Nước sông chảy ghê quá há anh "Ủy ban"?
- Ít ngày nữa nước còn hơn nữa, ào ào kinh khủng lắm!
Người được hỏi vui vẻ góp lời. Ông lão góp vào:
- Cháu Hải mới tới thấy lạ chứ mùa nước năm nào mà không vậy?
- Chắc hồi đó bác Bảy ở đây lâu lắm?
- Cũng không nhiều! Địa bàn này đơn vị "gắn" chỉ có hai năm bảy tháng thôi! Nhưng bác vốn người sông nước này mà!
Nói tới đó bao ký ức xưa cũ trỗi dậy trong lòng ông già. Chuyến đi tìm hài cốt này là dịp ông nhớ về bao người đồng đội sau những năm tháng nhớ nhung giằng xé trong lòng. Đã ngót hăm mấy năm trời rồi còn gì, hình ảnh người chỉ huy thân thuộc một thời sát cánh ở tổ "tiền tiêu" vẫn luôn in đậm trong lòng ông Bảy, thôi thúc ông thực hiện điều ao ước riêng tư: tìm hài cốt người đồng đội cũ.
Ghe đi gần bờ, Hải hoảng sợ kêu lên:
- Bờ sông sụp lở, ghê quá!
Ông Bảy giải thích:
- Sông lớn bao giờ cũng vậy! Bên lở bên bồi, dòng sông có quy luật riêng của nó.
Anh “Ủy ban” góp lời:
- Năm nay đất bên này lở phải đến chục mẫu đó chú Bảy!
- Phải, phải. Hồi đó không vầy, bờ sông còn hoang vu lắm. Bà con đã khai thác, biến đất hoang thành vườn tược xanh um sung túc.
Con sông bây giờ lạ lẫm với ông Bảy khá nhiều sau mấy mươi năm xa cách, khắp nơi nhà cửa khang trang cây trái sum suê. Đâu còn cái thời vượt sông đạp chân lên bờ đất hoang vắng chỉ có cây bần hoang, lá dừa nước cỏ cây rậm rạp chằng chịt.
Đất nước quả là nguồn tài nguyên vô tận, nhất là khi được sống bên một dòng sông. Ông Bảy chợt nhớ lại có lần anh Hai từng ao ước:
- Xong chiến tranh, mình ước vẫn được sống với dòng sông này!
Từ bao giờ, dòng sông mênh mông vẫn cuốn hút niềm đam mê của con người vào cái thế giới của sự sống cuồn cuộn vĩnh cửu kia.
Nguyên nhân chuyến đi trễ nải này của ông Bảy là bởi cơn bệnh ngặt nghèo đeo đẳng. Bị thương tật sau chiến tranh, ông theo đứa con trai về Tây Nguyên lập nghiệp, nhưng bất ngờ vướng phải căn bệnh tim mạch ngặt nghèo, nằm một chỗ suốt mấy năm trời, có lúc tưởng như tuyệt vọng, nhưng rồi khó khăn đã qua, nhờ ý chí phấn đấu ông đã dần hồi phục.
Nhưng chính lúc nằm dưỡng bệnh, hình ảnh người đồng đội cứ chập chờn nhắc nhở những điều in đậm trong ký ức. Với người này ông đã trọn vẹn, với người kia, vẫn còn điều áy náy. Điều dằn vặt nhất là hài cốt người đàn anh quý mến ông nghĩ rằng còn thất lạc, chỉ mình ông biết nơi chôn cất. Chính Hải đã xoay sở mọi thứ cùng ông kết hợp với địa phương trong chuyến đi xa hôm nay cho vẹn tình đồng chí. Trong niềm vui, ông chỉ tay vào phía bờ hỏi:
- Có biết cây gì đó không?
Hải nhìn hồi lâu cười lắc đầu. Anh “Ủy ban” vui vẻ nói:
- Cây quao.
Ông Bảy lại tiếp lời:
- Người ta trồng nó để chắn bờ, chắn bãi, hồi trước bác mê nó như điếu đổ. Nhưng mấy cháu còn biết cây quao dùng vào việc gì nữa không?
Anh thanh niên “Ủy ban” tỏ ra thông thạo:
- Lá quao dùng để lót ổ gà đẻ.
- Đúng! Lá quao lót ổ diệt được con "mạt gà". Nhưng nó còn có ích vô cùng lớn nữa. Lúc đóng quân chỉ cần chẻ cây ra nho nhỏ phơi sơ ráo nước là a lê, bắt lửa ngay, nấu nướng ngon lành.
Hải chen vào:
- Thời kháng chiến quả có bao điều hay.
- Còn trăm ngàn chuyện nữa chớ, sáng kiến của anh em mình nhiều vô số kể kẻ thù không bao giờ hiểu được.
Hải nói:
- Nghĩ cho cùng, hết thằng Tây rồi tới thằng Mỹ không hiểu "cốc khô" gì về đất nước này, nên phải ôm đầu bỏ chạy.
- Đó là điều rất đáng tự hào, nhưng đau thương mất mát do bọn địch gây ra cũng chẳng gì sánh được - Ông Bảy trầm ngâm rồi chỉ tay về phía trước - Sắp tới rồi!
Dòng sông lớn nước vẫn đang cuồn cuộn, sóng dồi gió dập, chiếc thuyền lắc lư tròng trành trong tiếng máy nổ bồm bộp lướt tới. Ông Bảy quay sang lục lọi kiểm tra tỉ mỉ những "đồ lề" mang theo đã công phu chuẩn bị.
Anh lái chọn chỗ cập bến.
Ông Bảy rảo bước đi dáng khỏe khoắn, dẫn đầu đoàn người, cố lục tìm lại những dấu vết quen thuộc ngày nào trên mảnh đất giờ đã hoàn toàn xa lạ, đôi lúc ngờ ngợ rồi khi trông thấy bóng me to đàng xa ông kêu lên:
- Kia rồi! Tới đó đi. Tổ của bác hồi đó đóng ở phía ấy.
Mọi người vội tiến sát theo ông. Ông vừa đi vừa kể:
- Hôm đó được lịnh cảnh giới cho "chuyến hàng đặc biệt quan trọng", rạng sáng vượt sông, tổ trinh sát của bác bất ngờ phát hiện hai chiếc giang đỉnh hoạt động sớm hơn thường lệ, từ xa thấy vệt nước chúng phun cao trắng xóa. Thôi tất cả đều hỏng hết rồi.
- Tại sao vậy Bác? - Hải hỏi.
- Có lẽ bị lộ tình báo. Không ai biết. Nhưng quan trọng là...
Ông Bảy nhớ rõ anh Hai đã cấp tốc quyết định phải kềm chân ngay bọn chúng. Một quyết định thật liều lĩnh vì ai cũng biết hỏa lực đại liên, phóng lựu và nhiều loại vũ khí trên giang đỉnh thật khủng khiếp. Nhưng nếu không hành động cũng không được, không còn cách nào báo động kịp với đường dây.
- Ta quyết đánh cầm cự may ra phía trên nắm được tình hình cụ thể sẽ còn có cách khác giúp ta - Anh Hai nói - Anh em đồng ý chứ?
Vậy là tổ ba người quyết tâm vào cuộc, trận đánh bất ngờ diễn ra. Hôm ấy chúng vẫn khinh suất chạy khá gần bờ, khi chiếc giang đỉnh vừa ló dạng, Năm Bờ nổ loạt AK khiêu khích, lập tức nó giảm tốc độ vãi đạn xối xả, vừa lúc anh Hai từ phía hông nhả trung liên chính xác vào chúng. Chiếc giang đỉnh bất ngờ im bặt, lặc lè chạy nghiêng nghiêng vòng đảo ra xa. Năm Bờ cũng không còn nghe động tĩnh khiến anh Hai kêu lên như thét:
- Năm Bờ ra sao rồi?
Không tiếng trả lời. Chiếc giang đỉnh thứ hai vẫn còn không hiểu sao chưa tiếp ứng. Ông Bảy được lịnh anh Hai lần về phía Năm Bờ, anh Hai thì bò thẳng phía trước để một mình nghênh địch. Không ngờ chiếc giang đỉnh kia liều lĩnh cho đổ bộ hai tên Mỹ để đánh bọc hậu, đúng là chỉ có bọn Dăng-ky mới chơi trò "cao bồi" như thế. Nhưng anh Hai phát hiện kịp thời, cả hai đồng nổ súng quyết liệt khiến chúng mất dạng, trong lúc làn đạn đại liên và phóng lựu trên những giang đỉnh đã lấy lại uy thế, nổ dồn dập, anh Hai là tâm điểm thu hút hỏa lực của chúng, đã hy sinh trong nỗ lực đánh trả quyết liệt. Lúc ấy ông Bảy cũng đã bị thương nặng, nhưng lợi dụng lúc địch chuyển làn đạn, đã liều chết di chuyển thật nhanh kéo xác anh Hai xuống một công sự. Nhưng địch lại có dấu hiệu đổ bộ, trong hoàn cảnh khẩn cấp ông Hai phải chém vè, đợi yên rồi rút đi để tránh cơn mưa pháo đang dập đến. Trận đánh chớp nhoáng ác liệt không thể tưởng tượng được, đến nay ông Bảy vẫn cứ tưởng như ở trong mơ, không sao quên được.
Sau đó trên đường đi ông đã bất tỉnh trên cán tải thương… Rồi những ngày dài xa cách đồng đội, chuyển công tác nơi xa... Bọn biệt kích địch sau đó nhanh chóng án ngữ nghiêm ngặt vùng đó không ai có thể đến được, không biết đích xác nơi chôn giấu xác anh Hai như thế nào. Năm Bờ có lẽ cũng đã rơi hẳn xuống sông mất tích. Trong cuộc đời nếm trải biết bao chiến trận, ông Hai nhớ mãi trận đột kích liều lĩnh đầy gan dạ của anh Hai hôm ấy, anh thật xứng đáng là người chỉ huy dũng cảm, hài cốt anh phải được trả về quê hương mới yên lòng những người đồng chí từng sát cánh bên anh.
Cây me đã ngay trước mặt, ông Bảy bước nhanh thoăn thoắt, quan sát chỗ này chỗ nọ, tra cứu nhận diện lại dấu vết từ nhiều năm về trước. Ông đo từng bước chân, đăm chiêu suy nghĩ, đối chiếu những điều còn nhớ được với thực tại tước mắt.
Đồ lề mang theo đã được nhóm đồng hành bày lỉnh kỉnh trên mặt đất, chiếc dá, thùng rượu ngâm trầm hương, nải chuối, nén nhang, chiếc nồi đất...
- Thôi! Các cháu ngừng lại, hãy cùng đến đây!
Bỗng giọng ông lão vang lên như vừa phát hiện ra điều gì. Mọi người chạy tới tập trung quanh ông. Đối diện với họ chỉ cách vài mét là dòng sông rộng đầy sóng với ngấn nước phù sa ngầu đỏ dồn dập vỗ vào bờ.
- Hồi nãy có điều bác quên để ý!
- Điều gì vậy bác?
- Bây giờ không phải tìm kiếm nữa - Ông lão tự nói với chính mình - Dòng sông đã làm được tất cả mọi việc, chính anh Hai đã về với dòng sông…
Ông lão đứng ngắm mãi mảng không gian sóng nước bao la trước mặt, như chìm sâu trong ký ức một đời người. Mọi người nhìn ông, nhìn vào bờ sông đang xói lở, hiểu rằng công sự ngày nào đã tuôn vào sóng nước mênh mông tự lâu lắm rồi.
Ông Bảy thắp mấy nén nhang thành kính tưởng nhớ người đồng đội để rồi lại đứng thẫn thờ. Thình lình, tất cả đều kinh ngạc khi thấy ông như chợt tỉnh thu gom mớ đồ lề đã tận tụy mang theo quăng cả xuống dòng sông cho nước cuốn trôi đi.
Giọng ông thành khẩn:
- Anh Hai! Thật đúng như lời anh nguyện ước! Dòng sông quê hương luôn chắt chiu những điều ấp ủ của con người.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc