Mùa hoa hồ vĩ

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/11/2011 14:03
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Điểm trường nằm trên bờ vàm kinh Kho, trên một khu đất cao ráo rộng chừng nửa công, có ba lớp, hai buồng tập thể, bằng tre lá sơ sài, phên vách chẳng đủ kín. Trước sân có hai cây còng, tán lá xum xuê, mát rượi... bên kia là Thạnh Mỹ, thấp thoáng sau hàng cây là khoảng trống cánh đồng vàng rực bông đuôi chồn. Điểm gần năm lớp, chỉ có ba thầy cô phụ trách. Cô Nga, điểm trưởng dạy hai lớp bốn và năm. Thầy Chính dạy hai lớp kế. Lớp một do cô Gương đảm nhiệm. Cả ba đều mới tốt nghiệp khóa sư phạm năm bảy chín. Thầy Chính mặt còn non choẹt, gò má mềm ệu, trắng tươi, nổi những đường gân máu li ti. Hôm ở phòng giáo dục, khi biết nhận quyết định về vùng sâu, mắt thầy rướm lệ, khiến bà trưởng phòng tổ chức phải luôn miệng động viên: “Vui vẻ lên chứ thầy!”.

Bữa đầu tiên về trường, mưa dầm rả rích, trời đất âm u, buồn lặng. Cả ba thầy cô ngồi nhìn mưa thẫn thờ, chẳng ai buồn nói một câu. Vậy mà sau hai tháng, thầy Chính đã bén hơi đất Tháp Mười, quen dần với cảnh mới người mới, say sưa với việc dạy học, và tìm được lắm niềm vui ngồ ngộ nơi mảnh đất khỉ ho cò gáy nầy.

Có hôm đến nhà liên hệ phụ huynh, trên đường băng qua cánh đồng Lợi Thuận, một đám đàn bà con gái đang cấy lúa dưới ruộng, thấy thầy từ xa đã í ới:

- Thầy ơi, dạy tụi em học với!

- Thầy ơi, quê thầy ở đâu vậy? Thầy có vợ con chưa?

Đang nghí ngố tinh nghịch là vậy, mà khi thầy Chính đến gần, các bà, các cô giở nón chào nghiêm chỉnh đến không ngờ. Biết các bà, các cô quan tâm quí mến, giỡn chơi, mà thầy Chính cũng mắc cỡ đỏ au mặt mày.

Mấy cô chị lớn khi dẫn em tới nộp hồ sơ, khai sanh xin nhập học cho em, cháu, thấy thầy Chính trẻ măng coi như em út, nhiều khi còn thuận tay nựng má thầy một cái nữa.

Điều làm thầy Chính ái ngại nhất là chữ viết bảng và con số cho điểm của thầy còn xấu quá, xấu hơn cả chữ của mấy em học trò khéo tay. Thầy vô cùng hổ thẹn vì điều đó. Thầy nhớ lúc còn đi học, thầy cô cho vào tập, dù điểm lớn điểm nhỏ, đều nhìn mát cả mắt. Những con điểm thể hiện uy quyền tuyệt đối chỉ có ở thầy cô, đồng thời thể hiện sự công bằng và mối quan tâm của thầy cô đối với từng học trò. Một điểm mười phóng khoáng, bay bướm là hởi lòng hởi dạ người cho kẻ nhận. Một số không to tướng, gạch đít muốn rách giấy, đủ ám ảnh mấy chục năm về sau. Cái quyền “cầm cân nẩy mực” ngọt ngào, kiêu hãnh ấy, thầy Chính vẫn chưa nắm được thuần thục. Chữ của thầy còn thiếu tự tin, cứ ngập ngừng, ngang xổ vụng về.

Bởi vậy, mỗi tối cơm nước xong, thầy giăng mùng, đốt cái đèn hột vịt, nằm dài trên chiếu tập cho điểm. Thầy phóng bút trên mặt giấy nghe rồn rột, che kín cả mấy trang mà nét chữ vẫn gấp khúc, gẫy vụn. Mấy cô phòng bên đang rì rầm trò chuyện, kêu lên nho nhỏ:

- Hổng lẽ có chuột cắn ổ sao ta?

Chính cười thầm, nằm ngửa lấy tờ giấy che mắt mơ màng. Giờ nầy không biết má ở nhà đang làm gì? Có nghĩ đến thẩy hay không? Thiệt là thương má! Ngày thầy đi, má căn dặn đủ điều. Má cụ bị cho thầy từng chiếc áo ấm, chai dầu, sợ gió sương nơi đất lạ quê người. Má còn nhét vô túi hành lý của thầy từng gói mì, trái chanh, bịch đường, sợ thầy khao khát, xót dạ đêm hôm. Thầy suýt phì cười khi nhớ tới lời má dặn về cách ứng xử: “Vô đó dạy học lo dạy học, với mấy đứa con gái chớ có đụng tới, thúi thịt chứ chẳng chơi.”.

Ý nghĩ rời rạc dần, bỗng nhiên thầy thấy mình té xuống đất cái “phịch”. Giật mình, mở bừng mắt, hốt hoảng, thấy vẫn còn nằm nguyên trên giường, biết sắp ngủ tới nơi, thầy tắt đèn, quay mặt vô vách, thở đều.

- Ối, trời đất ơi!

Hai cô giáo phòng bên bỗng dưng hét lên hãi hùng. Thầy Chính bật dậy, ngơ ngác, sợ điếng cả hồn, tim đập thình thịch.

- Anh Chính ơi!

Cô Gương vừa dậm chân, vừa la ơi ới.

Thầy Chính chạy sang, chưa kịp mở miệng, cô Gương  đã chạy bổ tới, nép sát vào người thầy, run bây bẩy. Cô Nga thở hào hển trong bóng tối, nói không ra hơi:

- Anh đốt đèn lên coi. Có… có… cái gì ở trong mùng á!

Chính châm đèn, nhìn thấy giường chiếu xộc xệch, tung tóe, trên giường có một bọc gì mờ mờ, không rõ. Thầy lấy cây thước kẻ khều thử, thấy nó vẫn nằm yên, liền đánh bạo thò tay mở ra, thì… té ra là một bọc đựng đầy bánh tét, bánh ít còn nóng hôi hổi. Cả ba phì cười, thở phào dù chẳng biết đầu đuôi ra sao.

Cô Nga kể hai chị em đang rì rầm trò chuyện, bỗng nghe tiếng bước chân thậm thụt bên hè, rồi ai đó liệng vật gì vô mùng rơi đánh bịch. Hai người hồn vía lên mây.

Chính nhìn ra bờ vàm, nơi ông Bảy thường kéo vó, thấy hai bóng đen thấp thoáng, anh chạy ra hô hoán lên tóm lấy. Té ra đó là Muội và Út, hai đứa học trò cưng của cô Gương.

Lát sau, mấy thầy trò tề tựu trước đèn, vừa ăn bánh vui vẻ, vừa nghe Út kể:

- Ngày mai nhà đám giỗ, má biểu đem bánh cho thầy cô, em rủ Muội đi cho vui, tới đây thấy thầy cô ngủ rồi, em hổng dám kêu nên mới… liệng đại vô mùng!

- Trời ơi, mấy em cho bánh kiểu nầy chắc có ngày cô đứng tim luôn!

Gương nói mà mắt cười lóng lánh. Mấy thầy trò chuyện trò, cười vui, quên cả muỗi cắn.

Tối hôm ấy, thầy Chính cứ thao thức mãi, lòng dạ xao xuyến khi nhớ tới cảm giác nôn nao tê dại khi ngực áo Gương nép bên vai. Trước khi thiếp đi, anh thoáng có ý nghĩ ngây ngô hổng biết chỗ vai mình có bị… thúi thịt như lời má nói hay không.

Bên kia bức vách, cũng có một người trăn trở hoài, mắt mở thao láo mà thỉnh thoảng lại mỉm cười.

*

Kể từ hôm ấy, trong mắt hai người lúc nào như cũng bừng lên ánh lửa. Mọi vật trước mắt họ đều lóng lánh một sắc màu khác lạ, tưng bừng, hoan hỉ. Họ đi đứng, nói năng, làm việc nầy, việc nọ, phấn khởi, say sưa bằng sức lực không biết mệt mỏi.

- Hai đứa giống như đi trên mây! Cô Nga nhận xét với một nụ cười ý nhị.

Gió thổi sào phơi đồ, khiến cho áo của Chính và Gương xoắn lấy nhau. Nhìn cảnh ấy, hai người cứ cười tủm tỉm, lòng dạ nao nao. Lời chưa ngỏ mà khăn áo đã muốn hẹn thề.

Cô Gương người ở phố chợ Gò Công, mặt hoa da phấn, mắt long lanh, hai hàng mi cong vút tự nhiên. Nhất là hai lọn tóc xoăn tít thả trước ngực, cứ nhún nhẩy theo từng bước chân, làm trái tim thầy Chính phập phồng khôn nguôi.

Cái cô Gương này hay hay đến lạ, vào chốn đồng sâu nước úng, mà áo quần lúc nào cũng ủi láng mướt, chân bước mềm mại thướt tha, lúc nào cũng thoang thoảng một mùi hương trinh nữ bồi hồi, xao xuyến. Nói gì thầy Chính, ngay lũ trò nhỏ còn mê cô như điếu đổ. Trong lớp, lúc giảng bài, khi đi ngang từng dãy bàn, chúng đưa tay sờ vào người cô, như sờ vào một báu vật. Vào giờ ra chơi, chúng xúm lại, đứa sờ tay, đứa sờ chân, đứa kéo vạt áo…

Cô Gương ngồi đó, giữa bầy trò nhỏ, miệng cười rạng rỡ. Trò Út có hôm kéo áo cô hỏi:

- Em hỏi thiệt cô nghe, cô thương em với con Muội, ai nhiều hơn?

Gương xoa đầu cả hai, trả lời:

- Cô thương hai đứa như nhau!

Bà con trong xóm ấp yêu mến hết lòng. Có thức ngon, vật lạ gì cũng đem cho. Khi thì lít nếp, ký đường, xâu cá… Có lần chị của học trò gởi riêng cho thầy Chính bịch bột ngọt, kèm lá thư với những hàng chữ thật to: “Tui gởi cho ông thầy bịch bột ngọt này, đặng ông thầy nấu canh ăn, đặng có sức “phẻ” mà dạy học…”.

Nhân đấy hai cô thường trêu ghẹo Chính, gọi là ông thầy “bột ngọt”. Chính giận ra mặt:

- Tôi không thích như vậy đâu!

Thời ấy, một bịch bột ngọt là cả một gia tài, cả một tấm lòng vàng. Mỗi quý, tiêu chuẩn của một người chỉ có năm mươi gram. Thầy Chính không thích đùa cợt là phải.

Chiều thứ bảy nào, phụ huynh cũng đem xuồng đến rước các thầy cô đến nhà chơi, thường xuyên đến nhà Út, cô học trò ruột của Gương. Bác Hai gái xăng xít cầm tay hai cô giáo nắn nắn, bóp bóp rồi xuýt xoa:

- Chèn ơi! Ước gì bác có được một đứa con dâu như các cháu!

Bác cháu xúm vào nấu chè, chuyện vãn mê tơi. Bác Hai trai lúc nào cũng dành sẵn con tôm, con cá thật bự để lai rai cùng thầy Chính. Từ nhỏ đến lớn, đến ngày đi dạy học, thầy có biết uống rượu bao giờ, nhưng để chiều lòng bác Hai, thầy cũng nhấm nháp vài ly, có bữa say hết biết trời đất, nằm lỳ cả ngày chủ nhật, bỏ cả cơm cháo. Thầy mà bỏ cơm bỏ cháo, thì có một người chẳng thiết gì đói no. Trong cơn vật vã, thầy lơ mơ cảm nhận có một bàn tay mềm mại, thơm tho của ai đó lau mặt cho thầy bằng nước nóng. Chiều hôm ấy, khi ánh nắng vàng nhạt soi ngang vách lá, Chính chợt mở mắt, thấy Gương đang ngồi cạnh giường, với một ngón tay đang xoa xoa bên má anh, chỗ những gân máu nổi li ti. Lòng anh cảm thấy tràn ngập yêu thương dịu dàng, thắm thiết. Anh cứ ngỡ ngàng, không tin niềm hạnh phúc ấy là sự thật. Hai trái tim non dại, đau đáu trước những bến bờ ngọt ngào mới lạ, đôi khi run rẩy lo sợ vì những điều bí ẩn diệu kỳ thôi thúc, bỗng mở toang, hòa hai làm một. Gương chủ động dịu dàng cúi xuống, đặt lên môi anh một nụ hôn tối sầm cả trời đất. Chuyện như mơ! Đôi khi chỉ nhờ men nồng của dăm ba ly rượu mà đốt cháy cả một giai đoạn của con ngài đang thoát kén.

Từ đó đêm đêm, dưới gốc cây bàng trước sân trường, họ thì thầm thề non hẹn biển cùng nhau.

Chẳng bao lâu cả trường, cả xóm đều biết chuyện “thầy Chính với cô Gương”. Họ chẳng giấu giếm mà còn hãnh diện bày tỏ bằng những hành động, cử chỉ ân cần với nhau. Họ chẳng ngại ngùng khi soạn bài cùng một đèn, ăn chung một mâm, giặt chung một thau đồ. Chung gì chung, còn chung một thứ cả hai đều cấm kỵ, luôn luôn nhắc nhớ giữ gìn.

Họ gọi nhau bằng anh anh, em em ngọt sớt, đi đâu cũng đi cùng. Có hôm sang kinh Nhứt, uống nước gạo rang, ca vọng cổ bắt xác, cùng với đám thanh niên xóm ấp. Đến nửa đêm mà tiếng đàn giọng hát vẫn còn say sưa thắm thiết. Lúc trước, thầy Chính có thể ca tới sáng mười đêm liền, không hề hấn gì cả. Không hiểu sao bữa nay, mới bản thứ năm, thầy đã quên đầu quên đuôi, bỏ nhịp, nhận câu, đành chịu thua. Nói bắt xác là nói để động viên nhau mà hát cho hăng say, chớ chưa thấy cô cậu nào dám “bắt xác” nhau. Thường quá mòn mỏi thì chủ nhà đứng ra xử huề bằng một nồi chè hay cháo bồi dưỡng, hẹn lần sau hát tiếp. Nhưng hôm nay, biết chuyện giữa “thầy Chính với cô Gương”, đám con gái cố tình bắt xác thầy một phen, nhất định không cho về. Trước tình thế khó khăn, Gương mỉm cười nhẹ nhàng, đề nghị được hát thay thầy Chính nhưng hát tân nhạc chứ không hát vọng cổ. Cô hát liền mấy bài, nhất là bài “Gò chim công trăm mến ngàn thương”, bằng một giọng ngọt ngào êm ái, nhịp nhàng và chuẩn xác, nghe đến mê ly, khiến ai nấy đều ngẩn tò te, thán phục đành để cho thầy Chính ra về. Gì chớ món tân nhạc, thanh niên ở đây đành chịu, họ hát như bầu bỏ thùng thuốc, lên xuống một hồi cũng ra vọng cổ. Vậy là cô Gương đã ra tay “cứu mạng” cho thầy Chính một phen, trong tình thế gian nan
quá sức.

Chuyện tình cảm của thầy cô sâu đậm đến nỗi làm cho Ban giám hiệu và lãnh đạo xã quan tâm. Hễ có dịp, các anh gặp gỡ bàn bạc, đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ tiến tới. Chính quyền hứa sẽ cấp cho mẫu ruộng, cách trường non cây số, nếu như họ ở lại đây xây dựng lâu dài. Cả hai vui vẻ đồng ý, hẹn sẽ thông báo đôi bên cha mẹ chuẩn bị, sắp xếp chuyện thành đôi.

Thầy Chính hăng hái bắt tay vào việc. Mẫu ruộng xã cho là đất thành thuộc, không một cọng cỏ hoang, chỉ toàn rong đuôi chồn trổ bông vàng rực nhìn mát mắt. Không ngờ giữa chốn đồng sâu, mê địa, thiên nhiên lại rộng lòng ban phát cho một màu vàng thắm thiết đến vậy. Cái màu vàng kỳ diệu và bí ẩn, dường như thiết tha mời gọi, nhưng càng tiến đến gần càng lùi xa, như thử thách lòng chung thủy trong tình yêu qua gian khổ, đợi chờ. Ngày ra ruộng lần đầu, cô giáo Gương mặc chiếc áo bà ba in hình bông cúc màu vàng rực trông thật duyên dáng, chẳng còn phân biệt được đâu màu vàng từ áo em, đâu từ cánh đồng. Cô reo lên hớn hở, hái từng chùm hoa gộp lại thành bó, ấp trước ngực, nghiêng đầu làm duyên. Chính tròn hai ngón tay lên mắt giả đò:

- Chụp hình nghen! Một, hai, ba… Chụp nè!

Chưa kịp cười thì Gương đã giãy lên khóc ngất. Một con đỉa to bằng ngón tay cái, xanh mun đang bám chặt vào bắp chân cô. Chính vội vàng bứt nắm cỏ vuột nó ra. Chỉ có chút xíu vậy thôi, mặt cô nàng xanh lét, thẫn thờ cả buổi.

Cả học trò lẫn phụ huynh, ai cũng muốn xông vô phụ “vợ chồng” thầy Chính một tay. Chẳng mấy chốc mà ruộng lúa đã vươn lên xanh mướt hứa hẹn một vụ mùa thật tốt đẹp.

Lúa chưa kịp gặt, Gương đã đổ bệnh nặng, sốt li bì mấy ngày phải đưa về quê chữa trị. Mấy đứa học trò buồn ngẩn ngơ chẳng thiết đến việc học hành. Hai cây còng trước sân dường như cũng ủ rũ, bớt xanh tươi. Chính phải gánh cả ba lớp một ngày muốn khản họng, khuỵu chân. Đám học trò nằng nặc đòi chủ nhật tuần sau về thăm cô giáo. Bỏ cả việc gặt lúa cho bà con, đúng hẹn, anh cùng mấy trò nhỏ, đổ đường về Gò Công. Các em đem tặng cô đủ thứ bổ dưỡng: nào gà tơ, sữa hộp, trứng tươi… Gặp nhau thầy trò khóc tỉ ti.

Má của Gương, một bà già tóc còn đen nhánh, đeo kính lão trông thật cao sang, nghiêm nghị. Giọng bà trong như chuông vàng,
khánh bạc:

- Cám ơn thầy cùng mấy em đã đến thăm! Đường sá xa xôi thật lòng tôi áy náy quá đỗi! Mong thầy cùng các em ở lại dùng cơm với gia đình cho thêm phần thân mật!

Bà xoay qua nói với Gương:

- Con còn mệt, nên nằm nghỉ, chớ có gượng ngồi dậy! Chắc con phải nghỉ một thời gian dài.

Một thoáng, nét mặt Gương tỏ vẻ bối rối, ngượng ngùng. Cô nghe lời mẹ, nằm trên ghế bố, mỉm cười nghe các trò nói chuyện trường lớp. Thầy trò cứ hết sụt sùi lại mừng mừng tủi tủi tưởng như đã xa nhau từ lâu lắm rồi.

Xế trưa Chính xin phép đưa các em về, không quên dặn dò Gương mau chóng thuốc men hết bệnh. Trước khi ra về, cô dúi vào tay anh một chiếc khăn tay màu trứng sáo thật dễ thương.

Lên xe, các em nhận xét:

- Nhà cô giàu ơi là giàu!

Xuống đò Cổ Cò, đói bụng quá, bởi khi nãy sợ làm phiền đã từ chối không dám ở lại ăn cơm, thầy Chính mua cho mỗi người một lát bánh mì chiên tôm, thầy trò cùng nhau nhai cúc cắc đỡ dạ.

*

Hai tháng sau Chính nhận được thư Gương, thư viết như vầy:

“Anh yêu mến!

Em thật đau lòng báo cho anh biết rằng, em sẽ không về kinh Kho nữa, má em buộc em phải vậy! Gia đình đã xin cho em ở lại, dạy tại huyện lỵ. Anh yêu, thời gian qua, cuộc sống nơi ấy, có anh, có bà con, cùng các trò nhỏ, là chuỗi ngày đầy kỷ niệm không thể nào quên được! Vậy mà giờ phải đành lìa xa, mong anh biết rằng em cũng đau lòng, xót ruột biết chừng nào! Em đã không đủ can đảm lựa chọn con đường sống cho mình, đành cam chịu vậy thôi! Mong anh, cùng bà con, cùng các trò nhò hiểu cho em.

Không bao giờ quên anh!”

Đọc thư, mọi người khóc sưng vù cả mắt. Riêng thầy Chính, mỗi buổi chiều về, lặng lẽ ra ngồi dựa gốc còng, đến nửa đêm muỗi cắn đỏ mình không hay, thỉnh thoảng lại lấy khăn chặm mắt. Cái khăn hôm gặp Gương lần sau cùng đã tặng anh, không hiểu sao lại thoang thoảng một mùi hương hiền dịu đến nao lòng, giống như là mùi hương bánh đậu xanh. Hương thơm nhớ đến người xưa, lòng anh lại dằn vặt trăm chiều ngổn ngang. Anh đã suy nghĩ cạn cùng, anh không thể bỏ các em trò nhỏ ở đây, và anh chẳng có việc gì mà làm ở Gò Công, dẫu nơi ấy có một nửa hồn anh đang mong đợi.

Cô “bột ngọt” hay tin, thương quá, thường đem xuồng rước thầy vào nhà, nhậu với ông già say có bữa túy lúy.

Cái mẫu ruộng xã cho, giờ thầy sung vào làm quỹ cho trường tự túc. Mỗi khi mùa nước lên, hoa rong đuôi chồn nở vàng rực cánh đồng, lòng dạ thầy lại thắt thẻo, tái tê.

Thầy ở lại trường dạy đến bảy năm, những đường gân máu li ti trên má giờ đã lặn mất, nhường cho những cọng râu tua tủa cứng như sắt. Những tưởng thầy sẽ cùng cô bột ngọt “nên chuyện”, nhưng mãi vẫn không có gì. Kim Đồng, tên của cô ấy, giờ đã có chồng hai mặt con, vẫn thường giúp các thầy cô giáo phát cỏ bờ đê ầm ầm ngoài ruộng trường.

Bề ngoài, nhìn thầy Chính, những tưởng thầy đã chai sạn, chẳng thiết chuyện vợ con, chỉ nghĩ đến việc trường lớp. Nhưng đêm đêm, không ai ngờ, thầy vẫn thường ngồi viết. Thất tình, muốn sáng tác, lập ngôn, thầy tập viết văn. Thầy viết chỉ để giãi bày những nỗi buồn nặng trĩu trong tim. Rồi đến khi thầy đoạt cái giải văn chương gì đó trên tỉnh, người ta cũng bắt thầy đi mất. Thầy về tỉnh làm công việc báo chí gì đó, cả năm sau vẫn bặt tin, những tưởng thầy đã đi luôn không về nhưng sau đó thầy đi về như con thoi, bởi thầy đã xin thôi làm việc văn phòng, chuyển sang làm phóng viên. Có lúc thấy thầy ngồi giữa đồng nhậu cùng các lão nông, uống rượu đế, ăn được cả khô sống.

Trong các bài viết của thầy, lúc nào cũng kể về một vùng đất đồng sâu, kênh xanh nước chảy, nơi thầy đã từng sống một thời gian khổ, một thuở yêu thương.

Dương Minh Tâm
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 136
  • Khách viếng thăm: 135
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 13360
  • Tháng hiện tại: 2245910
  • Tổng lượt truy cập: 46213143