Bánh canh bột lọc

Đăng lúc: Thứ hai - 27/02/2012 08:47
MH: DH

MH: DH

 

Ven lộ đá Đông Dương, gần mang cá cầu sắt mọc lên cái quán rơm, vách che bằng lá đốp. Cái quán hai gian, gian ngoài đặt bàn thờ, cái bàn con, vài cái ghế đẩu, gian trong vừa đủ chừa đường đi và bộ ván.

Đêm đêm từ trong quán có tiếng hát ru con:

Ầu ơ… Con cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng.
Con cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi…

Sầu ai! Nghĩa là thân phận của người được sánh với con cá lưỡi trâu là phận hồng nhan.

Còn con cá trèn bầu ắt là ai đó lắm lời xỉa xói vào thân phận hồng nhan nên bị hóa công trách phạt, không phải bằng cùm kẹp lao tù hay âm phủ mà gắn cho cái môi trớt. Dấu vết dị hình con cá trèn bầu suốt đời mang trên môi, không thẩm mỹ viện nào sửa được, ấy là vết nhơ đau đớn hơn bất cứ hình phạt nào mà loài người và quỷ thần có thể bày ra được cho hạng người “cái lưỡi không xương trăm đường lắt léo”.

Người con gái miệt vườn ấy giờ đã ba con vẫn còn ngan ngát hương đồng quê khiến bao nhiêu người để ý, nhưng chưa ai dám vượt qua lũy sầu trong đôi mắt hờn thân trách phận.

Để cưu mang ba con nhỏ, hai trai một gái, thiếu phụ mở hàng bánh canh bột lọc. Bốn cây nạng làm chân, một tấm ván làm bàn. Vài mươi cái tô, một cái trả bằng đất.

Suốt năm đầu, khách chẳng có bao nhiêu, họa hoằn được một ngày bán trả hết. Thường mỗi chiều, ba đứa nhỏ phải ăn bánh canh thừa.

Năm sau tự nhiên mát tay, khách tấp nập đến ăn hàng. Xe đò lục tỉnh lên, Sài Gòn xuống đậu nối nhau cho khách xuống thưởng thức bánh canh bột lọc. Gian nhà rơm trước kia nay thành bếp, một dãy nhà ba gian dựng lên, bàn ghế đóng thêm vẫn không đủ. Khách bưng tô đứng ăn vẫn vui vẻ vì không đâu có bánh canh bột lọc ngon như ở quán này.

Thấy làm ăn được, nhiều quán khác bắt chước mọc lên, cũng bánh canh bột lọc. Bột lọc trong, cá nhiều nhưng vẫn thưa khách, dần dần thua buồn phải dẹp tiệm hoặc chuyển sang nghề khác.

Tiếng oan đâu có bao giờ dứt. Họ bảo cô ấy có sắc, khéo mồi chài đám lái xe như bỏ bùa mê. Nhiều người cả tin. Duy chỉ có một người ra sức thanh minh cho cô hàng bánh canh bột lọc. Đó là người thợ đóng đáy, anh Tư Dực:

- Đừng nói làm người ta mang tiếng tội nghiệp. Bà con nhớ không: hồi ấy một chiếc xe hơi nhà hư máy ở gốc trâm giữa đồng kia, cả buổi chờ sửa xe, cái bà sang trọng lần vào xóm kiếm gì ăn. Hồi ấy xóm này đâu có gì ăn ngoài bánh canh của cô Năm, đói quá bà ấy phải ăn đỡ, không ngờ ngon quá, bà ấy ăn luôn hai tô, đứng dậy khen ngon. Bà bảo về Sài Gòn bà sẽ giới thiệu cho người quen xuống đây thưởng thức. Tiếng lành đồn xa, chứ xe đò qua đây chạy vùn vụt làm sao biết cô ấy xấu đẹp.

- Rồi à! Anh mơ tưởng đến người ta nên bênh không công.

Tư Dực ức lắm, anh đủ lý để chống chế, nhưng đâu thể nói trắng ra được, họ sẽ ăn cắp nghề của cô Năm mất.

Từ ngày cô Năm dựng quán, sáng nào đi đóng đáy về, Tư Dực cũng cặp ghe vào quán ăn một tô bánh canh. Lâu ngày thành quen, thỉnh thoảng đem về cho cô chủ quán bó củi. Củi trôi sông, lúc rảnh rỗi ngồi chờ con nước đứng để kéo đáy, thấy thì vớt, những cành củi khô vô tri có biết đâu trong tấm thân trần đen đúa bùng cháy lên ngọn lửa lòng không tiện nói ra. Thấy cảnh cô Năm, một mẹ ba con thơ, nhan sắc có thừa sao cô không ra chốn thiềng thị tìm kế sinh nhai lại dấn thân vào chốn này, đồng tiền tiêu xài của dân quê có là bao, đói là kiếm chén cơm nguội, trái chuối, củ khoai, ít ai dám bỏ tiền ra ăn bánh canh bột lọc. Thấy cảnh ngộ cô, quán xá ế ẩm, anh ước ao giá đem được cô Năm xuống ghe đáy bồng bềnh trên sông nước giúp cô nuôi con, đỡ đần cho cô nhẹ gánh thời anh sẽ thương ba đứa nhỏ như cha ruột vậy.

Nhưng trong đôi mắt cô Năm có bức thành sầu, suy lại phận mình, làm sao anh dám vượt qua. Người ta bảo “trai tơ đòi vợ khóc thầm…”, anh có còn tơ đâu, một đời vợ bất hạnh đã qua vì ban trái khi vợ chồng dắt nhau vô Tháp Mười tát đìa làm mắm. Đàn ông góa vợ, lại nghèo dễ mấy ai ưng? Nhưng đêm đêm neo thuyền giữa sông, nghe cây cột đáy trở mình theo dòng nước xiết, anh ôm cái guốc chèo thầm khóc, khóc cho mình thì ít, thương thân phận cô Năm nhiều hơn.

Tiền đóng thuế thân xong còn dư được vài đồng nhét trên kẹt góc ghe, anh muốn đem giúp cô Năm, nhưng biết nói sao để giúp, lỡ bị hiểu lầm là “tài hóa thu nhân tâm”, chạm lòng cô sao được.

Trưa trưa, đứa anh thường dắt hai đứa em vào nhà anh nướng tôm. Bác Tư đi đóng đáy về không quên để dành cho các cháu mấy con tôm lóng nhốt trong cái rộng treo dưới cầu mương để chúng nướng. Nhờ đó anh dọ biết được nỗi bất hạnh của cô Năm: “Nội cháu bảo, tại vía của má, ba cháu phải chết…”

Hồi chồng còn sống, gia đình cô Năm sống hạnh phúc, nhà có ruộng dư lúa ăn, lại có vườn cây ăn trái. Chồng cô là con trai cả, làm lụng siêng năng lại thương vợ con đúng mực.

Buổi trưa ấy anh Năm đi cày về, tình cờ nhìn trên cây thấy trái xoài muộn nấp trong kẽ lá trên cao. Xoài muộn, một trái hưởng lộc cả cây hẳn là ngon. Nghĩ đến vợ đang mang bầu, thèm chua, anh Năm trèo lên cây hái trái.

Đang sắp cơm trong nhà bếp, cô Năm nghe cành gãy, người rơi. Chạy ra đến nơi, cô thấy anh năm nằm dài trên mặt đất, mắt trợn trừng nhìn vợ. Người ngã cây, đầu nặng trút xuống trước, không kịp có lời trăng trối.

Khi tỉnh dậy, cô Năm thấy mình nằm trên chiếu nhà bảo sanh xã Lương Hòa Lạc, mẹ ruột từ bên Rạch Miễu sang lo lắng bên khung giường sắt. Tạo hóa oái oăm sao gây bao đau đớn, banh da, xẻ thịt mới cho con người vào đời, nhưng khi muốn rước đi lại dễ dàng đến vậy? Vừa khóc chồng, vừa khóc bé mới chào đời đã mất - hai người thân một lúc. Trước mắt cô Năm thăm thẳm màu đen.

Nhưng dù sao cũng phải gắng gượng, cấy, gặt, nuôi con dù có nếm trải bao nhọc nhằn vẫn cam chịu. Ba đứa con rất ngoan. Có lần, thằng Ngân lau mắt của mẹ, nó ấm ức nói: “Con cấm không cho má khóc!”. Trông vẻ nghiêm khắc của gương mặt non nớt của nó giống hệt nét mặt anh Năm nhưng con làm sao hiểu được điều gì đang làm mẹ khổ tâm. Người ta xầm xì, bảo cô Năm có tướng sát phu, gia đình nhà chồng nói với nhau: Dần, Thân, Tỵ, Hợi, anh Năm tuổi Hợi, còn cô cầm tinh con Hổ “sát chồng”.

Cho đến một hôm, thằng Ngân dắt tay dứa em con chú qua cầu khỉ, nước lớn, cầu trơn đứa em trượt té xuống mương. Thằng Ngân lao theo vớt em, chưa kịp bò lên liếp vườn, nó bị người thím dâu chửi té tát… “cái quân sát chồng”. Đêm đó, cô Năm nằm mộng thấy chồng về bước qua ngạch cửa chỉ có đầu với mình, cái cổ lún sâu vào bờ vai, hai mắt trợn trừng, cô Năm ôm đầu chồng cố sức kéo chồng ra mà không được. Lúc tỉnh dậy cô nghe các con vừa khóc vừa lay gọi mẹ.

Cô Năm bỏ làng đi, mang theo nỗi ám ảnh rằng số cô là gái sát chồng.

*   *   *

Tư Dực thầm nghĩ, giúp tiền không bằng giúp việc. Phải làm sao chống đỡ cho quán bánh canh bột lọc của cô Năm đứng vững.

Anh cặp ghe vào bến, xách vô quán một xâu cá. Đợi lúc vắng khách anh bảo:

- Cá lưỡi trâu này kéo đáy nhiều lắm, ít ai mua, mỗi bữa tôi sẽ đem về cho cô Năm phụ vào nồi bánh canh.

Cô Năm trả tiền, anh nói chẳng đáng là bao, chỉ là cá bổi.

Từ ấy quán cô Năm khởi sắc, khách Sài Gòn, lục tỉnh lên xuống xe đò đều mong đến quán Cầu Cây Trâm ăn bánh canh bột lọc. Khéo thật, cũng thời canh bột lọc, sao hương vị đậm đà ăn vào dễ nhớ.

Bao nhiêu người nội trợ giỏi nấu ăn muốn tìm hiểu bí quyết - cũng bột lọc, cũng cá lóc rút xương, vẫn hành ấy tiêu ấy, về nhà nấu không làm sao được canh ngọt như ở quán Cây Trâm. Bí quyết ấy, ngoài cô Năm, chỉ có anh Tư Dực biết thôi.

*  *  *

Đêm trăng, thuyền tách bến. Lúc đi trong rạch, hai bên bờ còn vườn tược, xóm thôn chỉ có người đàn ông chèo lái. Ra đến sông Cửu Long, xa bờ, người đàn bà từ trong mui bước ra đằng mũi. Đêm thanh vắng, sóng lăn tăn như chia sẻ với cuộc hẹn hò. Thuyền buộc vào cột đáy, chèo gác lên mui. Người đàn ông lần ra trước mũi. Người đàn ông nói khẽ:

- Năm năm quen nhau rồi mới được đêm nay.

Người đàn bà đứng lên. Người đàn ông đứng lên theo.

Người đàn ông vòng tay ôm gọn người đàn bà, nghe tim đập trong ngực nhau. Người đàn ông kéo tay người đàn bà đặt choàng ra sau lưng. Người đàn ông bảo:

- Em ôm anh đi!

Người đàn bà ghì chặt lấy tấm thân chắc nịch. Nhưng lại buông thõng đôi tay. Người đàn ông chồm tới, người đàn bà ngửa mặt ra.

Dưới ánh trăng người đàn ông nhìn thấy đôi mắt hoảng loạn nhìn mình như cầu khẩn. Hai tay người đàn bà đột ngột đẩy vai người đàn ông. Nghe như tiếng thét:

- Không! Không! Em không thể!…

Người đàn bà vùng ra khỏi vòng tay, bỏ chạy theo ván thuyền. Vướng mui, người đàn bà bước lên mui thuyền ngồi sụp xuống ôm mặt khóc, nức nở nghẹn ngào.

Người đàn ông theo lên ngồi bên.

- Không! Không! Cho em vào bờ! Cho em vào bờ! Cho em vào bờ ngay.

- Sao vậy em?

- Cho em vào bờ ngay!

Như cái máy, người đàn ông cởi dây buộc thuyền, chèo hạ xuống nước.

Cô Năm rời thuyền bước lên bờ, tóc xổ xuống vai, cô cắm đầu chạy, qua bao nhiêu lắt lẻo cầu tre, qua xóm làng đang yên giấc. Cô đẩy cửa, chui thẳng vào mùng. Rất may, các con vẫn ngủ yên. Cô ôm con, rúc đầu vào gối, nước mắt không làm sao ráo được.

Trải mấy chục năm trường sau đó, qua bao đêm dài trằn trọc trong mái lá cô đơn, bao nhiêu ngày ôm chèo trên sông Cửu Long, Tư Dực không làm sao hiểu nổi cái đêm trăng ấy. Thuyền có ghé bến chờ thêm vài đêm, nhưng thuyền lại đi. Quán Cầu cây Trâm cài chặt cửa.

Đắng cay chỉ riêng mình biết. Khi đôi môi người đàn ông sắp dán nụ hôn, khi lờ mờ qua ánh trăng nhìn vào đôi mắt gửi gắm cuộc đời ấy, cô Năm chợt thấy hình bóng người chồng cũ lâm nạn hiện lên, cô rùng mình lo sợ. Nỗi ám ảnh là người đàn bà có vía sát phu như nhiếc mắng cô sao nỡ giết thêm một người đàn ông nữa. Và khi sợi dây thuyền tuột ra khỏi cột đáy, cô biết là hết rồi. Tình yêu chớm nở, tình yêu vụt tắt và cô cắm đầu chạy, chạy như kẻ sắp phạm tội sát nhân.

Kể từ sau đêm ấy, Tư Dực không tiện ghé quán ăn bánh canh. Xâu cá lưỡi trâu hàng ngày đem về cho cô Năm nấu bánh canh đợi khuất bóng anh mới lặng lẽ đem treo lên giàn mướp trước nhà.

Một mình giữa sông nước mênh mông nằm trên ghe anh gảy đàn ghi ta ca câu vọng cổ.

Họ xự xang… Con cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng tăng… tăng… tăng… Dù ai có từ chối mối tình tuyệt vọng thời đây đành chấp nhận số kiếp hẩm hiu… nhưng anh xin cho phép anh mãi mãi âm thầm tôn thờ một trái tim trong trắng ơ… ơ…

Thằng Ngân, con cô Năm đi chơi về thỉnh thoảng ngẫu hứng ngân nga lên lời ca ấy. Hỏi đến nó bảo “Con nghe bác Tư hát nên con thuộc…”. Trời ơi, ảnh yêu mình đến vậy sao?

Yêu mà không dám yêu, đời có khổ nào bằng. Tội cho anh Tư Dực.

Cho đến một đêm, xóm làng ngủ yên, con Mực xồ ra sủa. Cô Năm vạch vách lá nhìn ra. Có một bóng người đứng tần ngần dưới giàn mướp, thở dài rồi lầm lũi đi. Cô Năm nhận biết là anh, cả đêm cô trằn trọc đến quyết định.

Xe đò lục tỉnh thôi không đỗ lại đầu cầu Rạch Cây Trâm nữa. Cô bán hàng bánh canh bột lọc dọn quán đi đâu không ai biết. Ngôi nhà cũ giờ chỉ bày vài chiếc ve keo, lèo tèo bán mấy cái kẹo trẻ con, vài gói cốm bún do một bà già trong xóm đứng bán.

*   *   *

Người viết bài này soạn ngăn kéo tủ rất xưa của gia đình thấy một quyển sổ tay. Rìa sổ bị mọt gián gậm nhấm. Giấy vàng ố theo thời gian. Bìa sổ đề chữ “Gia chánh” viết hoa. Trong ghi công thức nấu các món ăn và bánh mứt. Lật đến gần trang cuối. Mẹ tôi viết vào công thức số 195 tựa đề: “Bánh canh bột lọc” mở dấu ngoặc (của cô Năm quán Cầu Cây Trâm) như sau:

Cá lưỡi trâu một ký - làm sạch. Thả cá vào nước lúc còn nguội, nấu sôi đến rã xương. Dùng vải màn lọc bỏ hết xương và thịt lấy nước trong. Sau đó dùng nước ngọt cá lưỡi trâu nấu bánh canh bột lọc với cá lóc như thường.

Chú ý: lọc thật kỹ để khách ăn không biết có cá lưỡi trâu mà đinh ninh là ăn bánh canh cá lóc, nhưng sao lại ngọt ngon hơn các nơi khác.

Tôi cầm quyển sổ tìm vào xóm cầu Ông Thêm. Cô Năm nay đã tám mươi lăm tuổi vẫn còn minh mẫn. Ở vùng tôi, các người dâu rốt cuộc trở thành trưởng tộc vì đàn ông thường mất sớm hơn vợ. Cô Năm đối với bên chồng, sau bao năm thăng trầm, giờ trông coi cúng kiến họ nhà chồng. Tôi đưa quyển sổ gia chánh, nhắc lại kỷ niệm của cô với má tôi.

- Cô với má cháu đồng cảnh là chị em ở Rạch Miễu về làm dâu bên Mỹ Tho, cho nên cô mới chỉ. Hồi đó, cô đâu có chỉ cho ai, nghề làm ăn của mình à!

Kỷ niệm sống lại, cô kể cho tôi nghe quãng đời như trên. Mỗi lần nhắc đến ông Tư Dực và con cá lưỡi trâu, cô buông câu: “Tội nghiệp ảnh”.

Tôi tò mò hỏi:

- Giả dụ bây giờ ông Tư Dực chưa qua đời, cô có tin vào phần số để từ chối như là hồi ấy không?

- … Ông Tư đối với cô, tình thì chưa nhưng cái nghĩa còn hơn vợ chồng, bao nhiêu năm đeo đuổi, con cá lưỡi trâu nồi bánh canh cá, nhờ ổng mà má nuôi các con lớn lên ăn học. Sau này cô mới thấy mình điên khùng, cô trở lại Cầu Cây Trâm. Bà con bảo, tàu Tây tuần tiễu ngoài sông kéo chiếc ghe đáy đi mất, anh Tư bặt tăm luôn.

Năm 1948, bộ đội ông Nguyễn Hữu Xuyến về đánh Tây ở trận Gò Cát thắng trận rút về đây, xóm Cầu Ông Thêm, chờ đến tối qua sông Bảo Định, vượt lộ để lên Chợ Bưng về Đồng Tháp. Đàn bà con gái lo nấu cơm tiếp tế. Chợt thằng Ngân chạy bổ về bảo là gặp ông Tư Dực trong hàng quân. Gặp anh, mừng mừng, tủi tủi cô chỉ kịp gửi thằng Ngân để anh dìu dắt nó đi kháng chiến.

Năm giải phóng, thằng Ngân trở về. Ông Tư mất năm sáu mươi ba tuổi, phần mộ ở ngoài Bắc. Hàng năm má cúng giỗ ông.

Tôi nhìn lên. Nhà má có ba bàn thờ:

Bàn thờ giữa: Thờ tổ tiên và Bác Hồ.

Bàn bên phải: Thờ chồng

Bàn bên trái: Thờ ông Tư Dực.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Kim Trắc
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 317
  • Hôm nay: 21515
  • Tháng hiện tại: 2389940
  • Tổng lượt truy cập: 48764067