Nhìn chung, các tác giả đã nắm vững đặc trưng cơ bản nhất của thể loại ký: "Là một thể loại văn xuôi lấy người thật, việc thật làm đối tượng miêu tả và phản ánh". Đề tài được các tác giả khai thác cũng thật đa dạng, trong đó mảng đề tài nông nghiệp được khai thác nhiều, với những bài viết về tiềm năng phát triển kinh tế biển, vườn, khai hoang lập nghiệp, ngoài ra còn có những bài viết về lực lượng vũ trang, công an trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước, đề tài chiến tranh cách mạng với những hoài niệm về vùng đất, địa danh từng mang dấu ấn lịch sử, những hậu quả sau chiến tranh… Sức hấp dẫn thuyết phục của các bài ký trước hết và chủ yếu chính do sự việc và con người có thật được phản ánh trong tác phẩm. Những dấu ấn về "Dấu xưa phố cổ" trong các bài ký của Lê Ái Siêm, Nguyễn Tri Nha cho chúng ta hình dung một cách rõ nét hơn về mảnh đất Gò Công không chỉ nổi tiếng về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm mà còn về sự hình thành và phát triển một nền văn hóa vốn là nền tảng, động lực cho việc xây dựng và phát triển vùng đất này xưa và nay. Các tác giả đã sử dụng kết cấu và bút pháp đa dạng của thể loại ký, để giới thiệu và phản ánh những nét sinh động của đời sống hiện thực. Các bài ký của Nguyễn Ngọc Phan, không chỉ giới thiệu cho độc giả một "Vương quốc sầu riêng" hay "Đất giồng", vùng đất nổi tiếng của nhãn da bò, sầu riêng Ngũ Hiệp mà tác giả còn sử dụng hồi tưởng, trí tưởng tượng để tái tạo lại một cách sinh động lai lịch hình thành của những địa danh này.
Cái tôi trần thuật, cái tôi nhân chứng được các tác giả sử dụng như một ưu thế, không chỉ là người thông tin khách quan, tác giả còn độc thoại, đối thoại với công chúng, với tư cách là một nhân chứng bình đẳng đối với nhân vật được phản ánh cũng như công chúng tiếp nhận phản ánh. Trong phần cuối bài "Cầu Vĩ quê tôi", tác giả Lê Tư đã viết: "Tháo dỡ những chiếc cầu cũ là điều hợp lẽ, song chỉ tiếc rằng đây là cây cầu đã từng "một thời vang bóng” làm nên tên tuổi của cả một vùng quê… Kế hoạch xây dựng, phát triển thành phố chẳng mấy chốc sẽ trở thành hiện thực. Tôi chỉ còn biết chọn một giải pháp là tự mình thu lấy thật nhiều hình ảnh về chiếc cầu để mai sau còn có cái để minh họa khi kể cho ai đó cần tìm biết về Cầu Vĩ quê mình." Tương tự, trong bài ký “Nơi chiến tranh còn ở lại” viết về nạn nhân chất độc da cam, tác giả Trần Đỗ Liêm đã đề xuất: "Vì vậy, nên chăng ngoài việc đi đòi công lý, đòi bồi thường, chúng ta nên có một chính sách được luật hóa, chính sách chăm sóc thỏa đáng đối với những nạn nhân chất độc da cam…"
Bên cạnh những ký chân dung: "Một thời bên cánh võng" (Đậu Viết Hương), "Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy - từ tri thức đến hoạt động khoa học" (Thu Trang)…, là những bút ký về việc khai hoang khai sinh lập nghiệp của cả một vùng, miền: "Tuổi trăng rằm của một huyện Đồng Tháp Mười" (Nguyễn Thanh Xuân), “Biển gọi” (Nguyễn Kim), “Cây khóm đã viết nên khúc hoan ca mở đất” (Nguyễn Trọng Tấn), "Dáng dấp một làng kiểng" (Lê Quang Huy)…
Ngoài những thành công đáng ghi nhận của các tác giả, cũng có một số bài viết còn nặng tính thông tấn phản ánh, hoặc lẫn lộn giữa đặc trưng thể loại và cách sử dụng thủ pháp nghệ thuật.
Nhìn chung, cái tôi trần thuật được xem là đặc điểm nổi bật của thể loại ký nói chung (kể cả ký văn học và ký báo chí). Không giống như truyện ngắn hay tiểu thuyết xem cái tôi chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, cái tôi trần thuật trong ký bao giờ cũng là tác giả. Cái tôi nhân chứng, tác giả là người dẫn chuyện, người trình bày, lý giải, khâu nối những sự kiện mà tác phẩm đề cập tới. Công chúng tiếp nhận luôn có cảm giác tác giả có mặt trong từng chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm.
Điểm khác biệt căn bản nhất giữa ký văn học và ký báo chí là mặc dù đều xuất hiện cái tôi trần thuật, nhưng trong ký văn học cái tôi bao giờ cũng là cái tôi thẩm mỹ. Nhà văn luôn thẩm định hiện thực trên cơ sở những xúc cảm thẩm mỹ. Và do hiện thực được trình bày trong ký báo chí phải luôn đảm bảo độ xác thực tối đa và lập luận phải xuất phát từ logic của sự thật, cái tôi trong ký báo chí phải là cái tôi nhân chứng tỉnh táo và lý trí. Có thể thấy rằng sự khác hiệt giữa ký văn học và ký báo chí trước hết là sự khác biệt trong tư thế của tác giả khi tiếp cận, thẩm định và tái hiện hiện thực.
Tuy nhiên, văn học và báo chí luôn có sự giao thoa với nhau. Các thể ký văn học và báo chí ngoài việc giao thoa với nhau, còn giao thoa với các loại thể khác trong hệ thống thể loại của chính nó. Quá trình thâm nhập ấy được thể hiện bằng những tác phẩm rất khó phân biệt rạch ròi tính chất thể loại.
Đành rằng quá trình giao thoa, chuyển đổi, chuyển hóa lẫn nhau là quy luật của sự vận động và phát triển, tuy nhiên không vì thế mà hạ thấp vai trò của thể loại, mà ngược lại phải làm cho chúng phong phú và sinh động hơn. Điều này đòi hỏi ở chính tài năng của các tác giả viết ký.
Sau gần 1 năm phát động, đươc sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả, cuộc vận động sáng tác bút ký Tiền Giang đã nhận được một số lượng bài vở đáng kể. Các bài ký đã và sẽ được giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ Tiền Giang và Văn nghệ online. Sự hay dở của các tác phẩm ngoài việc đánh giá mang tính chất chủ quan của ban tổ chức, còn chờ ở sự thẩm định dài lâu của người đọc. Tuy nhiên có thể nói cuộc vận động sáng tác Bút ký Tiền Giang đã gặt hái những thành công đáng kể, trước mắt đã góp phần làm phong phú thêm mảng văn học, đưa tạp chí Văn nghệ gần gũi hơn với hiện thực đời sống, với công chúng…
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc