Độc hành Đà Lạt kí

Đăng lúc: Thứ ba - 15/11/2016 15:51
Một mình một ngựa dầm mưa lên Tây Nguyên< “Ai lên xứ hoa đào…Thông reo vi vu… Đà Lạt ơi! Đà Lạt ơi!”. Những câu hát ngân nga trong kí ức tôi về cao nguyên Lâm Viên, về Đà Lạt ngàn hoa mù sương tóc thông, say đắm lòng trai Thanh Nghệ… Năm 1985, lúc 21 tuổi, tôi được theo đoàn cán bộ lên nghỉ tại nhà khách Công Đoàn bên bờ hồ Xuân Hương. Tháng 6 năm ấy mưa bay, ngồi xe thổ mộ dạo một vòng thành phố Đà Lạt. Sinh cảnh lúc đó còn nguyên sơ cảm hứng dạt dào khác lạ so với bây giờ!
Minh hoạ: Thanh Tiên

Minh hoạ: Thanh Tiên

Hơn 10 lần tôi đã tới chốn này. Nhưng đều lên xe khách người ta thả đâu xuống đó và loanh quanh nhà nghỉ đó nên đường sá địa danh vẫn mù mờ… Du lịch kiểu đạp xe như Tây ba-lô mới đúng điệu! Kì này tôi quyết làm chuyến độc hành Đà Lạt. Tôi đã từng xuôi về đất Mũi, tới Hà Tiên bằng xe máy. Giờ ngược dốc coi nó khácthế nào?

Buổi sáng trời quang mây tạnh tưởng hành trình trong thời tiết thuận lợi. Đâu ngờ tới Thủ Đức mưa ào ào như trút. Nước trắng đường nhựa, nước quất vô mặt như cỏ tranh lá mía cào đau rát vẫn cố chạy tới. Bà con ngày nào cũng dầm dãi nắng mưa, mình tắm gội một lần cho bớt…yếu hèn! 

Chịu trận tới ngã ba Dầu Giây rẽ vô Quốc lộ 20 mưa ngớt. Quốc lộ 20 mới mở rộng, vạch sơn trắng tinh tươm, rộng rãi phẳng lì nhìn đã con mắt. Tôi nghĩ: -Thời tiết này ngon rồi!...Đâu ngờ lại mưa ào ào. Được một đỗi, lại nắng chang chang. Cứ thế, chợt nắng chợt mưa. Nắng thì nắng gắt bốc lửa. Mưa thì tầm tã như trút giận trút hờn… Cây số trước mặt báo phía trước sẽ đến Tân Phú rồi Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai. Qua Định Quán sẽ tới địa phận của Lâm Đồng. Tôi nhớ Định Quán bởi chỗ đó có mấy hòn đá to sắc xám ngồi tinh nghịch bên đường. Mấy kĩ sư chắc cũng lãng mạn lắm nên không dùng mìn phá đi mà cứ để nguyên khơi như thế cho du khách ngắm nhìn? Nói Định Quán ít người nhớ. Mà nói chỗ đá ngồi ai một lần qua cũng trầm trồ khen đẹp!

Hết địa phận Đồng Nai, tới Di Linh. Đồng hồ báo hơn 14 giờ rồi! Tôi đang chạy trên đoạn đường núi đèo quanh co uốn lượn. Hai bên heo hút vắng lặng. Mây mù âm u sắp có giông. Buồn và cảm thấy rờn rợn nhưng cảnh núi rừng rất đẹp. Một cảm giác an nhiên tự tại xâm chiếm hồn tôi... Bon chen, cay cú nơi công sở làm chi? Kết cục cũng về vườn đuổi gà, ho sù sụ... Độc hành trường đạo không chỉ luyện ý chí kiên trì mà quan trọng tìm thanh thản, ngẫm nghĩ lại sự đời. Tôi nhớ câu thơ của Sóng Hồng: “Nhiều khí ý kiến lớn vụt đến lúc đi đường”. Mấy chục năm rồi, mỗi sáng tản bộ, vừa suy nghĩ. Tắm mình trong thiên nhiên tiếp năng lượng từ thiên nhiên! Giam mình trong căn phòng, trong quyền chức phù phiếm phỏng có ích chi?

 Tới Đà Lạt, phải vượt qua ba đèo. Đèo Chuối thấp nhất có chiều dài hơn 5 km. Nói là “chuối” mà chẳng còn thấy bụi chuối nào!

Tiếp đến là đèo Bảo Lộc đẹp nhất. Đèo dài hơn 10 km, quanh co uốn lượn gấp khúc rất nguy hiểm. Có lần xe khách bò nửa chừng xịt khói đen chết máy phải nhờ xe kéo hộ mới qua được. Đèo Bảo Lộc xem như bậc thang thay đổi độ cao khí hậu. Đến nay vẫn giữ được lượng rừng cây xanh che phủ tự nhiên. Chọn cảnh đẹp hoang sơ núi rừng tôi sẽ chọn đèo Bảo Lộc. Không phải cái tên dễ thương mà thực sự hùng vĩ như trong phim vậy.

Đèo Prenn cuối cùng cửa ngõ lên thành phố Đà Lạt có chiều dài 12 km, dài nhất trong ba đèo. Prenn gấp khúc quanh co nhưng không dốc hun hút như Bảo Lộc. Hai bên đường là thông hát vi vu. Vẻ nên thơ hùng vĩ và hiền hòa chứ không gờn gợn như Bảo Lộc.

Tôi vượt đèo Bảo Lộc trong mưa như xối nước tối đen trời. Mắt căng hết cũng chỉ nhìn thấy 5-7 mét. Tất cả tối đen và nhòa trắng nước mưa. Những chiếc xe tải lớn bật hết đèn chiếu hậu, đèn sương mù, đèn pha xuôi ngược qua đèo. Nó lù lù nặng nề như gấu già bò trên đường. Thì ra, ngược hay xuôi đèo thì xe du lịch nhỏ hay xe máy tí hon lại nhanh nhẹn như sóc con. Qua khỏi đèo, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Đường đi giống như đường đời cũng có khúc quanh co, gian khổ sóng gió. Vượt được qua rồi tràn trề sức sống, thấy tự tin hơn hẳn. Hồ Chí Minh từng chiêm nghiệm:

"Đi đường mới biết gian lao/ Núi cao rồi lại núi cao trập trùng/ Núi cao cao đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non!"

Muốn nhìn xa trông rộng, muốn thấu hiểu cõi đời cần điểm đứng và sự chín chắn vào độ tuổi nào đó?

Mưa vẫn bủa vây tôi. Ghé vào một tiệm tạp hóa mua thêm áo mưa bọc che đồ đạc. Cô chủ nhìn tôi con chuột lột run cằm cặp đã nhiệt tình giúp tôi bao kín ba-lô. Những người dân núi rừng thường mến khách và sẵn lòng giúp người cơ nhỡ? Núi rừng bao la phóng khoáng cho lòng người cũng phóng khoáng bao la? Lòng bỗng ấm lên quên lạnh giá!

Trời Tây Nguyên hôm ấy mưa dữ dội. Nước chảy tràn cuốn đất trơn lầy và rác trôi lềnh bềnh. Đất đỏ ùn lên đường nhựa như cái bẫy trơn như mỡ! Đang chạy tốc độ 40 km thì tay lái rung lắc dích - zắc sàng qua sàng lại… Tóc gáy dựng lên, người đơ cứng. Thôi mệnh mình tới đây là hết! Bản năng sống nhắc tôi cố kiềm tay lái thật chặt! Chiếc xe chao qua đảo lại chừng 15 thước bùn lầy bỗng đầm trở lại.

- Sống rồi! Thần linh đã giúp mình?

Mấy ngày sau vẫn chưa tin mình còn. Tôi tự dặn lòng:

- Lần đầu tiên và cũng cuối cùng đi xe máy tới Đà Lạt!

Từ Di Linh tới thành phố, đường đang tu sửa cực kì khó đi. Nhiều đoạn bò như rùa. Đã thế còn bị cánh xe tải, xe khách chèn ép vượt ẩu sợ thót tim. Nước bùn đất đỏ tạt bắn trùm đầu cổ! Qua Đức Trọng đường càng hẹp xấu khủng khiếp. Trời đã tối đen rồi. Ngoài đường vắng ngắt. Thi thoảng vài cái xe tải hay xe khách phóng tung tóe bùn đất. Một mình với cái xe bé nhỏ giống con kiến nhẫn nại bò trong mưa…

Gần 8 giờ đêm. Đèo Prenn hiển thị trên biển báo.

Hết đèo Prenn là bệnh viện nằm bên trái. Tôi theo đường Hùng Vương lao tới. Về phường 9, phố Lữ Gia nơi có nhà đứa cháu để dừng chân. Đến trước cửa nhà, lạnh cứng miệng không nói được…

Phong thủy và con người ở Đà Lạt

Ngồi vô bàn tháo giày ra đôi giày đầy nước. Đôi bàn chân tê cóng vì ngâm nước gần nửa ngày trời. Cũng nhờ vậy mà không ngủ gục chăng? Da bàn chân nhăn nheo, trắng bợt. Tôi hỏi: “-Cháu có dầu nóng không?”. “-Dạ, để cháu đi mua?”. Tôi nói thôi khỏi đi.

-Lấy rượu uống cho ấm bụng cũng được!

 Cầm chai rượu mạnh, tôi ực hai ly đầy. Hồi nhỏ, mỗi khi mắc mưa, mẹ tôi thường cho uống rượu với tỏi nướng. Ly rượu tẩy trần, ghi nhớ một mình vượt thiên lý quan ải? Hơi rượu mạnh giúp tôi làm một mạch tới sáng hôm sau.

Trời Đà Lạt ban mai nắng nhẹ, hiền dịu dễ thương khác hẳn hôm qua. Liên tục mấy buổi sáng êm dịu. Nhưng đến xế chiều mây đen trời tối đất, mưa dội ào ào. Đêm thì lạnh như mùa đông, đường sá ướt nhòe. Buổi tối đi ngủ sớm hoặc nhóm bạn gom lại lai rai cho đỡ buồn.

Giống như Hà Nội, dân Đà Lạt ngủ nướng đến 7-8 giờ sáng. Mấy lần về Hà Nội, hai chú cháu kiếm quán ăn sáng trước 7 giờ không ra. Ở miền Tây, 4-5 giờ sáng người đi lại đầy đường. Còn Sài Gòn thì bất kể đêm ngày không khí làm ăn náo nhiệt. Bạn muốn ăn uống lúc nào cũng được. Nói vậy cũng không phải ai cũng dậy muộn. Những người buôn bán la-gim, cá thịt từ huyện lên phải thức dậy lúc 2-3 giờ chuyển, nhận, giao hàng, chuẩn bị sẵn hàng để phục vụ. Lúc 8-9 giờ sáng gọi là giờ cao điểm. Phong thủy và đời sống viên chức nhà nước chi phối và tạo nên thói quen, giờ giấc sinh hoạt này. Tôi thức dậy tản bộ ra hồ Xuân Hương mỗi sáng từ lúc 4-5 giờ. Chè xanh từ Lâm Hà, Bảo Lộc đưa lên một bó chỉ có 5 ngàn đồng đủ cho 10 người uống một ngày. Bắp,

atisô, gà ta, hoa cũng từ huyện chở lên. Giá bán ở chợ Đà Lạt mắc gấp đôi nhất là trái cây hay thực phẩm tươi. Ví dụ 1 kg bơ sáp giá 50.000đ. Khi về tới Di Linh bày bán bên lề đường chỉ 25.000đ. Bơ thường chở từ Đăk-lăk qua. Còn những gì nuôi trồng tại Lâm Đồng giá rẻ không ngờ. Giữa lúc mưa ào ạt, xe lướt qua, bên đường những bàn tay vẫy vẫy mời khách mua bắp, chè, atisô, trong vô vọng, nhớ lại sao xót xa…

  Nông dân ở đâu cũng nghèo. Giá cả ở thành phố Đà Lạt là giá dịch vụ cho người giàu, khách du lịch. Nó ở trên trời. Còn nơi sản xuất thì giá ở dưới đất! Nước mình là vậy. Từ nơi làm ra sản phẩm tới nơi người tiêu dùng cứ chạy lòng vòng. Nông dân thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Người tiêu dùng bị móc túi phi lý. Lợi nhuận người trung gian hưởng hết!

Quần áo thêu đan là mặt hàng phổ thông và giá rẻ nhất ở chợ Đà Lạt. Chiếc khăn len đan rất đẹp chỉ 30-40 ngàn/1 chiếc. Áo len hở cổ hơn trăm ngàn/1 cái. Người phụ nữ làm nghề thêu, đan mỗi ngày làm được mấy cái? Thu nhập mỗi ngày là bao nhiêu? Tôi đã đến X.Q Đà Lạt nhìn những phụ nữ cắm cúi như con ong mòn lưng mỏi gối mờ mắt… Xót lòng bật khóc! Thời gian đời người được bao năm mà chăm chắm vô từng mũi chỉ đường len? Âu cũng là cái nghiệp, là thói quen chứ nếu đi ra so sánh thì họ bỏ nghề hết mất! Nông dân miền Tây nếu có ruộng vườn vài công thôi so với dân lao động chân tay ở Lâm Đồng, vẫn dễ sống hơn. Vào thời gian này, cho dù biến đổi khí hậu mặn hay hạn kiệt nước thì nông dân Tiền Giang vẫn khấm khá, thu nhập còn ngon hơn trước nữa. Khoai, ớt, dưa rau độ này đắt giá. Bà con Tiền Giang đang phát tài vài tháng nay!

Thu nhập tài sản của cư dân Đà Lạt là nhờ khách thập phương mang tới, nói cách khác là nhờ túi tiền của đại gia giàu có. Chính nhà giàu chất lượng cuộc sống rất cao mới bỏ tiền tỷ ra xây cất biệt thự, thuê mướn người trông coi. Lâu lâu thèm lạnh, thèm trùm chăn ngủ như gấu trắng Bắc, họ lên đây vui vẻ… Nhờ vậy mà hàng vạn người lao động bình thường được hưởng theo. Những người giàu thật sự không làm ăn lập nghiệp ở Đà Lạt. Họ ở nước ngoài, ở Hà Nội, ở Đà Nẵng, Nha Trang, miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh tới. Họ làm ăn giàu có dư tiền của rồi mới đến đất Đà Lạt cất nhà di trú theo mùa theo lịch làm ăn sinh hoạt gia đình.

Đà Lạt được bác sĩ Yesin khám phá cuối XIX- đầu XX. Ông tổ Yesin cũng không sống ở Đà Lạt mà sống tại một làng chài thuộc tỉnh Khánh Hòa. Vì sao vậy? Người ta bảo:

- Yesin bình dị yêu người ngư dân!

Chẳng ai kiểm chứng được cả. Ai nghĩ sao thì tùy…

 Theo tôi khí hậu Đà Lạt chỉ ở chơi ngắn ngày thôi, sống lâu dài không tốt! Đây là vùng lam sơn chướng khí ngàn trùng. Nói chung 5 tỉnh Tây Nguyên đều thế. Khí hậu tốt nhất cho cơ thể con người là đồng bằng nắng ấm, áp suất không khí và độ ẩm vừa phải nhẹ nhàng. Tốt nhất là bờ biển gió nồng vị mặn biển xanh cát trắng. Bờ biển phía bắc lắm giông tố dữ dằn còn biển phía Nam hiền lành dễ chịu. Nói về thổ nhưỡng kết cấu không bền chặt. Đất đỏ ba-zan mùa khô bụi mù trời, cây khô khét hết, cọng cỏ lá rau khó kiếm. Mùa mưa nhão nhét trơn nhầy nhụa sạt lở lung tung rất khắc nghiệt. Cư dân gốc là đồng bào dân tộc ít người kém phát triển như: Ê-Đê, Mơ-Nông, Lạch, Mạ, Cơ-Ho, Gia-Rai, v.v... Họ hái lượm và săn bắn, sử dụng thức ăn tự nhiên trên núi rừng dưới sông suối, co cụm khép kín trong cộng đồng nên văn hóa chậm phát triển. Giọng nói thiên về âm trầm. Màu da nâu đen. Những đặc điểm nhân chủng ấy là minh chứng cho đời sống vất vả, chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của tự nhiên “rừng thiêng nước độc”! Con người khỏe có sức đề kháng cao là đồng bào Tây Nguyên. Cây cối sinh sôi nhanh sâu rễ bền gốc là những giống cây sinh ra từ rừng núi Tây Nguyên. Muông thú đẹp lạ giống nòi ưu thế là ở Tây Nguyên. Và tất cả đưa về một hệ quy chiếu: Vùng phong thủy đặc biệt, khí hậu đặc biệt đã tạo nên đặc điểm động thực vật và con người riêng biệt của rừng đất ba-zan.

Khi Yesin khám phá ra Đà Lạt người Tây rất vui sướng. Xứ lạnh giá sương mù hợp với người Tây. Đà Lạt như căn phòng điều hòa nhiệt độ tự nhiên khổng lồ không tiêu thụ điện năng giúp người Tây trốn cái nắng lửa miền Trung. Nó chỉ hợp với người xứ lạnh chứ không hợp với dân châu Á khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thêm một yếu tố địa hình: phun trào núi lửa núi dựng lô xô, dốc cao vực thẳm xây dựng khu dân cư tốn kém, cầu đường rất phức tạp, đầu tư nhiều mà hiệu quả không cao, thời gian sử dụng không bền lâu. Mỗi năm mỗi tu sửa. Nhất là mùa mưa đất lở đá lăn… Địa hình dốc đèo như thế, ông cha ta không chọn xây cất mái ấm lâu đời!

Tôi cứ nhìn những dãy núi mây mù bao quanh Đà Lạt mà tưởng tượng mông lung. Người tứ xứ di dân đến đã diệt muỗi sốt rét rừng, đã xua đi cái lam sơn chướng khí cho đất lành chim đậu. Đà Lạt theo đó mà lớn lên. Hơn ba mươi năm trước, rừng thông xanh ngát, gió vi vu, sương mù dày đặc. Tôi đến An Giang gặp Nguyễn Minh Nhị - Nguyên Chủ tịch tỉnh, nguyên là người phát động trồng lại rừng cho bảy núi An Giang. Ông nói:

- Cháu có thấy mây mù đang bao phủ dãy núi kia không? Không có rừng cây thì không có mây mù đâu! Rừng cây sống lại mới rước mây mù về với núi đó. Mây mù là quà tặng của trời báo hiệu sinh thái phục hồi rồi đó!

Bây giờ không như trước nữa. Trước kia những biệt thự ẩn mình dưới tán cây xanh. Giờ trắng xóa một màu nhà phố tiếp nối thi thoảng mới có một tán cây xanh. Sương mù bay đâu mất. Nó chỉ xuất hiện khi trời chuyển cơn giông. Đà Lạt đẹp là nhờ mái tóc xanh mướt của ngàn thông. Cô gái duyên dáng nữ tính nhờ mái tóc dài như suối xanh. Mái tóc cắt mất rồi thì còn đẹp nữa hay không? Người ta phá thông công khai hàng loạt lấy đất cất nhà. Nhà nước cấm thì họ phá lén bằng cách róc vỏ, đổ nhớt, bỏ muối vô gốc cho cây chết! Chỉ có những khu vực nhà nước quản lý chặt chẽ bây giờ còn giữ được đồi thông. Những thung lũng trồng rau xanh mướt giờ đây nhà cửa mọc lên kín mít! Đúng là phố chen chúc phố nhà chen chúc nhà… Mưa nhỏ chừng nửa giờ thôi, nước trên cao chảy ào ào xuống vùng trũng. Trước kia tôi thấy mỗi nhà thường có khoảng trống phía trước để trồng hoa hay giàn su su, hoa thiên lý hay trồng rau xanh. Giờ thì toàn bê tông kín cổng cao tường phòng chống trộm cắp. Sinh hoạt gia đình vào đóng ra khép, không gian sống bị cắt ra từng lát nhỏ, bị thu hẹp lại không còn thoáng đãng như xưa nữa!

Vùng xanh nguyên sơ và rộng lớn nhất của Đà Lạt là học viện quân sự. Nhờ quân đội nhờ kiểm soát quốc phòng mà rừng giữ được gần như nguyên vẹn.

Mỗi sáng mỗi chiều tôi đều nghe tiếng hô tập luyện từ trường sĩ quan vọng qua khu Lữ Gia. Nhà nước chọn nơi đây cho sĩ quan quân đội rèn luyện toàn phần thể lực và tinh thần. Cái hay nữa là thiết lập một khu vực rộng lớn bảo vệ sinh cảnh cho Đà Lạt trong tương lai lâu dài. Bọn lâm tặc chỉ sợ quân lệnh chứ sơ sẩy một chút là chúng lòn vô ăn rỗng ruột rừng ngay!

Ai bảo gái Đà Lạt da dẻ hồng hào xinh đẹp? Cư dân gốc là dân tộc thiểu số tóc xoăn da đen chống chọi với khí hậu núi rừng mưa thì thác dội, nắng thì chang chang thiêu đốt sao đẹp nổi? Cư dân Đà Lạt từ khắp nơi tới sinh sống. Nhiều nhất là dân Huế theo vua Bảo Đại vào. Dân từ Khánh Hòa, Bình Định, xứ Quảng, miền Trung di lên. Sau 1975, dân Hà Nội vô khai hoang tập trung ở huyện Lâm Hà. Người Đà Lạt thanh lịch, xinh đẹp bởi người dám bay tới xứ lạ phải có ý chí, kinh tế gốc tốt, có đẳng cấp văn hóa cao và đương nhiên hình thể cũng xinh đẹp

ngon lành!

Nước da người sống ở Đà Lạt hồng hào là do lạnh, do ngủ nhiều và ăn nhiều rau xanh tự nhiên. Nếu sống vài đời tại Đà Lạt thì nước da chuyển sang mai mái, ngăm ngăm như dân bản địa. Tôi hỏi chuyện một gia đình cô vợ tên Linh gốc Huế, anh chồng cũng Huế nhưng vô lâu rồi làm nghề chụp hình dạo. Da của chị thì còn được. Nhưng anh thì sạm đen mất rồi! Giọng nói, sức khỏe, hình hài đều thổ nhưỡng, khí hậu, thức ăn nước uống hàng ngày tạo nên. Nước da dân miền biển, vùng đồng bằng vẫn đẹp và cả dáng hình vẫn thanh thoát hơn cư dân miền núi. Thế mới có câu thơ Tú Xương: “Phố phường chật hẹp người đông đúc/ Bồng bế nhau lên nó ở non”… Độ ẩm cao nên da cứ lì bì, xon xót không thoát mồ hôi, cảm giác ngưa ngứa, ran ran hơi khó chịu. Bây giờ diện tích trồng rau, trồng hoa tại thành phố Đà Lạt giảm sút do phải dành đất cho nhà ở. Rau xanh đắt như Sài Gòn còn trái cây lại càng hiếm. Gần như tất cả hàng hóa đều chuyên chở từ các nơi đến dịch vụ cho sinh hoạt thành phố này. Tôi được bạn bè báo chí văn nghệ mời uống cà phê ở Nam Anh, đường Quang Trung. Một ngọn đèn cồn đốt nóng, chất uống thơm và ấm dễ chịu mà giá thì không dễ chịu cho lắm! Nỗi lo mưu sinh hiện hình trên từng gương mặt bạn bè. Tôi nghĩ:

- Chỉ có miền Tây Nam bộ vẫn thoải mái dễ chịu hơn cả mà thôi! Tầm nghề nghiệp như tôi mà cư trú tại Đà Lạt thì lương tháng nào xào… không đủ tháng ấy lấy gì tích lũy? Sinh hoạt gò bó thế thì sao mở lòng hào phóng với ai? Và chuyện gì sẽ đến sau đó? Thôi, về miền Tây sống ngon hơn!

Mỗi sáng thức dậy tôi đi ra hồ Xuân Hương. Chợ Đà Lạt, hồ Xuân Hương là tâm điểm. Hồ như trái tim thành phố vậy, nếu bạn tới đây không rành địa bàn thì cứ chọn hồ Xuân Hương mà tìm về chỗ mình muốn đến! Cổng chợ Đà Lạt đông nghịt gấp trăm lần ngày trước. Mặt nước hồ thì vẫn xanh êm dịu như xưa. Người Pháp thiết kế thành phố thông minh, khoa học như sách phong thủy phương Đông. Họ lợi dụng thung lũng lớn nhất cải tạo thành hồ - cô gái đẹp xinh duyên dáng dịu dàng ngồi lặng yên ở giữa. Những chàng trai tên núi xếp vòng quanh… Có âm có dương. Có sơn có thủy. Sơn thủy sinh tình. Tình sinh thơ mộng. Buổi sáng hồ ít người chỉ những ai thích rèn luyện chăm chỉ dạo quanh hồ. Buổi chiều mới đông người vui chơi. Mấy cô bán hàng rong như bánh nướng, bắp, sữa đậu nành mần ăn cũng khá. Các em bé vây quanh chụp hình cạnh mấy con chó to lớn như sư tử mà hiền và thích trẻ em, phụ nữ xinh đẹp…

Cái thú ở đây là đắp chăn nằm nói chuyện hoặc tản bộ trò chuyện tâm tình. Bởi ở đây lành lạnh và yên tĩnh rất lí tưởng cho lứa đôi thề hẹn…

Ngồi đầu hồ nhìn về cuối hồ có tòa tháp cổ đẹp uy nghi nơi ấy là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Trường nằm ở vị trí thật đắc địa! Anh bạn tôi công tác ở đấy. Tâm hồn văn hóa Đà Lạt thấm đẫm chất người Hà Nội và miền Trung. Nó có chiều sâu, tinh tế nhưng cũng phức tạp đa ẩn một chút. Với người miền Tây chắc không hạp cho lắm? Cũng như người đến Đà Lạt chừng năm năm thì đi đâu cũng thấy nóng bức và bụi bặm muốn về Đà Lạt ngay. Người miền Tây lên đây vài ngày là khó chịu muốn về ngay! Ở đâu quen đó. Yêu thì thích. Không hiểu không yêu thì sợ hết hồn, bài học của tôi là: mỗi người mỗi vùng mỗi văn hóa, mỗi quan niệm sống mỗi giọng nói riêng. Hãy trân trọng nhau. Tuyệt đối không lấy thước đo của mình áp đặt vô người khác! Du lịch là lịch lãm, tinh tế, chan hòa. Đi khắp nơi để yêu quý một nơi mình chọn làm quê hương. Và, chẳng nơi nào đẹp hơn quê mình đang sống! Độc hành ngàn dặm không phải để ăn no mắt no tai. Mà quan trọng nhất để suy nghĩ, quyết định, tìm chân lý sống như đại bàng bay cao xa ngắm nhìn một nơi mà đậu… Ngựa chạy chồn chân chim bay mỏi cánh. Phiêu dạt mãi cũng phải tìm chốn dung thân!

Xuôi về miền Tây với khát vọng xanh vững bền cuộc sống…

Tôi đến Đà Lạt để viết một hồi kí về nghề dạy học. Nhưng không thực hiện được bởi hồn không lắng đọng.

Khách du lịch muốn đổi gió, đổi thực đơn giác quan. Nhưng cái quan trọng níu giữ chân khách là văn hóa, là tình người kết nối. Không tìm được con người tâm tình để khám phá văn hóa thì người ta sẽ bỏ đi và không hẹn ngày tái ngộ… Du lịch Việt Nam không có chiều sâu thì sẽ về đâu?

Tôi chia tay chốn thông reo vào buổi sáng đẹp trời. Lên leo dốc, trở về xuôi dốc. Xe bon bon êm nhẹ như không! Nếu không mắc mưa giông từ đèo Chuối đến Biên Hòa thì chuyến về hoàn toàn mỹ mãn…

Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng, cả năm tỉnh Tây Nguyên nói chung đều đang mất rừng trầm trọng. Biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái đang hiện hữu trong bữa cơm gia đình, trong ánh mắt lo âu của mỗi người tôi gặp. Tây Nguyên là nóc nhà bảo vệ sự sống cho đất nước. Rừng cây là tấm lợp của nóc nhà. Rừng là tất cả! Trên rừng là khí hậu. Trong rừng là muông thú. Dưới rừng là đất mỡ màu, là khoáng sản tài nguyên vô giá…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định đóng cửa rừng. Tôi phấn chấn nhưng cảm thấy đã hơi muộn! Giá như ta làm điều này từ mấy chục năm trước? Hệ sinh thái do trời đất tạo nên mất vài chục triệu năm. Con người tàn phá chỉ trong vài năm! Để phục hồi sẽ mất bao nhiêu năm? Bao nhiêu công của? Bao giờ trả nước cho sông? Trả mây cho núi/ trả cây cho rừng?

Có rừng mới có nước ngọt canh tác. Có rừng xanh mới bảo vệ được đất đỏ ba-zan…Gỗ quý Tây Nguyên chui vô biệt thự người giàu. Còn dân sở tại chỉ xài đồ da hay gỗ dán! Đúng là nước chảy xuôi mà đồng tiền thì lại chảy ngược…

Tôi đang đi trong khao khát rừng xanh, biển xanh và những cánh đồng xanh. Cái màu ấy ngày xưa là thực. Bây giờ là mơ. Và, mai này biết có trở về để xứng đáng với công leo đèo vượt núi?

“Bao giờ cạn nước Đồng Nai/ Nát chùa Thiên Mụ không sai tấc lòng…”

Sông Đồng Nai chảy mãi lời thề chung thủy cũng nhờ đại ngàn nơi ấy chớ tìm đâu? Sự sống bền vững, nét đẹp thiên thu là ở đó.

Đà Lạt, Lang-bi-an, Chư-yang-sin cao ngất trời Nam, là đỉnh của nóc nhà Tây Nguyên. Giữ được màu xanh rừng nguyên sinh nơi ấy là bảo vệ cho các tỉnh duyên hải miền Trung, cho miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Đất nước mình thống nhất một cơ thể. Máu chảy nơi này đau buốt tận nơi kia. Nước ngọt là máu, đất là thịt da và núi rừng là xương cốt làm nên hình hài đất nước. Vậy còn cây xanh rừng xanh là gì? Tôi không biết! Nhưng không có nó thì máu, thịt và xương cốt cũng không còn…

Nguyễn Thanh Xuân
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 75)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 304
  • Khách viếng thăm: 286
  • Máy chủ tìm kiếm: 18
  • Hôm nay: 40715
  • Tháng hiện tại: 431563
  • Tổng lượt truy cập: 60781701