Một chiều xuân có mai vàng thắp nắng bình minh

Đăng lúc: Thứ ba - 17/05/2011 08:45
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Cứ vào xuân, vào thời điểm kỳ diệu thiêng liêng, thời khắc giao hòa giữa trời - đất và con người, vạn vật lại sinh sôi. Không hiểu hương sắc lộc biếc non tơ ẩn trốn ở đâu trong lớp vỏ nứt nẻ xù xì, trong nhánh gầy khẳng khiu bỗng túa tràn ra làm ta ngây ngất mê ly? Phải chăng vì thế mà cảm hứng thi ca dào dạt cùng mùa xuân?

Chính vì đề tài người ta khai thác nhiều nên dễ nhàm chán, khó tìm cái mới của riêng mình. Thú thực, tôi không dám viết và cũng ngại đọc thơ xuân bởi sợ sự trùng lắp vô vị… Thơ về hoàng hôn chiều tà, Thôi Hiệu, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Chí Minh, v.v... đã “dán tem chất lượng” từ lâu rồi. Thơ về chiều xuân cũng có Anh Thơ “đóng dấu” trong tập “Bức tranh quê” năm 1941 rồi.

Bởi vậy khi gặp cái tựa đề “Chiều xuân” của tác giả Trần Thế Ngọc, tôi tò mò đọc xem có mới gì không?

Bài thơ tự do phóng khoáng, gồm 3 khổ, 18 dòng. Có 5 dòng 5 tiếng, 3 dòng (mỗi khổ 1 dòng) 7 tiếng. Còn lại 10 dòng 8 tiếng. Loại thơ 8 âm tiết trở lên thường dùng biểu đạt suy tư chiêm nghiệm cõi nhân gian. Chiều xuân của Anh Thơ là bức tranh quê châu thổ sông Hồng man mác hồn xưa lặng lẽ. Chiều xuân của Ngọc Châu là khúc hát tình yêu ngất ngây lứa tuổi thanh xuân. Chiều xuân của Trần Thế Ngọc lại lắng đọng chiêm nghiệm suy tư kiếp người “hồ hải”, “Áo bạc sờn vai, rũ mộng công hầu” và, quan trọng hơn hết thảy, là phát hiện mới về tứ thơ: Một chiều xuân bất chợt có mai vàng thắp nắng bình minh! Nếu không có cái tứ này thì bài thơ khó “đứng” được.

Chiều xuân

Tôi đi bên triền sông
Nước vẫn trôi, hai mùa mưa nắng
Một mình ai đứng lặng
Giữa trường giang bọt sóng bạt ngàn
Như chỉ luôn mơ hoài ảo ảnh
Nghìn lẻ một lần mộng ước vẫn tan

Tôi qua ngõ nhà em
Mấy độ đông tàn chưa trở lại
Quá nửa đời hồ hải
Tử biệt sinh ly, sao mãi cơ cầu
Lối đi xưa, hương trần, cỏ dại
Áo bạc sờn vai, rũ mộng công hầu

Tôi đứng giữa chiều xuân
Vườn nhà em mai vàng đã nở
Một chút hồn vọng mở
Giữ trong tim hạnh phúc vừa thành
Hát ru em ánh hồng rạng rỡ
Để buổi bình minh trái ngọt cây lành.

Trần Thế Ngọc

Cái tứ như hương nhụy một loài hoa. Nó khu biệt đặc trưng hương này là của hoa này, không chung chung nhạt nhòa. Nhớ lại bài kệ của sư Mãn Giác: “Xuân qua, trăm hoa rụng. Xuân tới, trăm hoa cười. Trước mắt việc đi mãi. Trên đầu già đến rồi. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai”. Nếu không có 2 dòng cuối thì trôi tuốt tự lâu. Bài Chiều tối của Hồ Chí Minh nếu cắt 2 câu chuyển và hợp “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc. Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng” thì mất hết hương vị. Có người còn nói: chữ HỒNG là mắt rồng cho bài thơ này hồn vía anh linh!

Mãn Giác “ngộ” rõ: cái này “tịch” thì cái kia “sinh”, sự sống tự nhiên nối tiếp trường cửu vĩnh hằng. Hồ Chí Minh nhìn lò lửa cháy rực trong xóm núi chiều thu giá lạnh hiu hắt mà chợt phát hiện ra điều giản dị: khi mặt trời tắt lửa thì con người thắp lửa - bếp lửa cơm chiều đoàn tụ gia đình là mặt trời hạnh phúc

Tôi nhắc tới thơ tiền nhân để tìm quy luật về tứ thơ, kết cấu bài thơ nói chung, và để cảm nhận về khổ thơ thứ 3 của bài Chiều xuân này. Xuyên suốt bài thơ vẫn là diễn biến tâm trạng suy tư của nhân vật trữ tình trên quê hương sông Tiền trong chiều mùa xuân xao xuyến bâng khuâng. Ta nhận thấy rất rõ cái chủ thể trữ tình luôn đứng đầu khổ đầu dòng:

- Tôi đi bên triền sông...

- Tôi qua ngõ nhà em...

- Tôi đứng giữa chiều xuân...

Tôi vẫn là tôi đấy thôi. Nhưng tâm trạng cảm xúc phút chốc chợt thăng hoa để tôi nhận ra cái tươi đẹp dung dị cõi đời này. Ở khổ 1 và 2, chỉ một tâm trạng buồn, trống trải đơn côi.

“Một mình ai đứng lặng”. Cái cá nhân như hạt bụi trần gian trước dòng sông Tiền mênh mang sóng vỗ. Trước dòng sông cuộc đời thản nhiên cười khóc, nó thản nhiên bỏ mặc “tôi” ngụp lặn đeo đẳng nghìn lẻ một mộng ước xa vời. Giống chú cá nhỏ bơi theo bóng bọt nước. Để nhận biết cái phù phiếm, “ảo ảnh” ấy, tôi phải trả giá bằng tuổi đời vô giá! Giọng thơ thật trầm buồn đầy suy tư chiêm nghiệm.

Sang khổ 2, vẫn tiếp nỗi buồn ấy, song không gian suy tư thu nhỏ hơn: “ngõ nhà em”. Thực ra chỉ là sự giả định, không gian giả định để giãi bày xúc cảm. Tôi đã sống và đang tiếp tục sống trong bon chen lụy tục. Bao kỷ niệm bạn bè, kỷ niệm người yêu và cả kỷ niệm riêng từ sâu thẳm cõi lòng tôi cứ như nước sông thời gian trôi qua lưu lại ngấn bùn có màu tím nâu, có vị đời chua chát mặn cay…

“Quá nửa đời hồ hải” - nhờ qua cái tuổi tri thiên mệnh và bước chân tới bao vùng đất, vùng văn hóa khác nhau mà “tôi” đúc kết một điều: “Tử biệt sinh ly, sao mãi cơ cầu”. Là gì vậy? Câu thơ “nén” và ẩn ý. Tôi hiểu là: sinh mạng người ngắn ngủi mong manh, ai cũng biết vậy, nhưng sao vẫn bon chen, đeo đẳng tham vọng vô đáy. Chính thế mà tự hành khổ mình, xô đẩy người khác mắc vào bẫy, vào lưới oan khiên. Cái danh lợi mê hoặc con người: Áo bạc sờn vai, rũ mộng công hầu.

“Mộng công hầu” là tham vọng chức tước công danh. Mong giàu sang, mong thoát khỏi đẳng cấp thấp nhập vào lớp thượng lưu, điều chính đáng thôi. Nhưng mê muội tối mắt vì nó là “quá hớp”. Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong. “Áo bạc sờn vai” là thành ngữ. Trong văn cảnh này phải chăng chỉ tuổi tác từng trải? Đến chừng tuổi này mới “rũ” - từ bỏ được “mộng công hầu”? Hay đến chừng này tuổi rồi mà vẫn chưa “rũ” được nó? Một câu hỏi thấm đẫm chiêm nghiệm khiến ta day dứt trăn trở. Day dứt trăn trở thanh lọc tâm hồn. Nó “rũ” bớt ghen tuông đố kỵ bon chen mà sống thanh thản nhẹ nhàng hơn!

Chủ thể trữ tình đang bâng khuâng suy tư về cuộc đời, về cái phù phiếm phải trả giá với “quá nửa đời hồ hải” thì bất chợt dừng chân trước “vườn nhà em”, “đứng giữa chiều xuân”. Cái thời gian cực ngắn mà thiêng liêng. Cái không gian bé nhỏ mà kỳ diệu thần tiên. Hình ảnh “mai vàng đã nở” rất bình thường ở phương Nam phóng khoáng ngập nắng và gió chướng. Nhưng sự đa cảm thăng hoa trí tuệ như tia chớp liên tưởng đến “ánh hồng rạng rỡ”: “Để buổi bình minh trái ngọt cây lành”. Liên tưởng bất ngờ: từ chiều đến bình minh, từ cánh mai vàng đến nắng mới ban mai. Mai vàng ở đây không dùng để tả. Trái ngọt cây lành không phải tụng ca. Mà chuyển tải cảm xúc, trí tuệ của chủ thể trữ tình. Một chiều xuân có mai vàng thắp nắng bình minh. Tâm trạng “tôi” bỗng tin yêu tràn đầy hy vọng. Bởi “tôi” đã “kết nối”, giao hòa với thiên nhiên, với vũ trụ cao xanh linh diệu vô cùng!

Một chiều tìm lại được sức sống thanh xuân, trực giác tuổi thơ vốn có của mình. Bài thơ có cấu trúc bật nhảy, bất ngờ và tứ mới lạ. Nếu cần chỉnh một chữ thì thay chữ “Để” cho mạch liên tưởng kín đáo hơn? Ví như: “Một buổi bình minh trái ngọt
cây lành”.

Nguyễn Ngự Bình
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 45)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 65
  • Khách viếng thăm: 61
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 15448
  • Tháng hiện tại: 638385
  • Tổng lượt truy cập: 60988523