Tháng tư và khát vọng hòa bình

Đăng lúc: Thứ hai - 03/06/2019 14:50
Tháng ba lễ hội tưng bừng, nhưng với nghề giáo lại phải hối hả, gấp rút để kết thúc khóa học. Lớp 10, 11 khép chương trình, chuẩn bị mùa hè “trên bãi biển”. Lớp 12 thì hoàn thành những môn không thi tốt nghiệp, dồn sức cho kì thi quan trọng nhất. Học sinh băn khoăn đăng kí chọn trường đại học, đặt bút viết những dòng quyết định vô tấm vé vào đời.

Cây phượng chưa cháy trời sắc đỏ nhưng đã rộn rã tiếng ve gọi hè. Buổi trưa, tại nông trường Phạm Văn Cội, nhiệt độ lên tới 38 độ, người cứ hâm hấp. Tôi tìm gốc phượng trong khuôn viên khu nông nghiệp công nghệ cao. Bất chợt nghe bản đàn ve mùa hạ. Lâu lắm, ở miết trong phòng với máy tính, điều hòa, nay bất ngờ, trở lại năm tháng học trò. Tôi mở máy thu âm mang về “làm quà” cho mình và bạn thân. Chỉ có tiếng ve và tán phượng xanh mát chưa kịp đơm bông…

Thầy Triệu Văn Hoàng, Bí thư đoàn trường mời tôi tham dự chuyến đi học trải nghiệm, kết hợp về nguồn thăm Củ Chi đất thép. Được đi cùng 240 học sinh tuổi trẻ bừng bừng, hồn nhiên, tôi hào hứng. Lịch trình đến ba điểm chính: thị trấn Đức Hòa, khu nông nghiệp Phạm Văn Cội, thuộc huyện Củ Chi và địa đạo Củ Chi - đúng ý nghĩa chuyến “về nguồn”. Hội Văn nghệ thường tổ chức cho anh em nghệ sĩ rất nhiều chuyến tìm hiểu thực tế làm vốn sáng tác. Biển Cần Giờ - đặc công rừng sác, Trung ương cục Tây Ninh, Ba Chúc - Tịnh Biên tỉnh An Giang, Nghĩa trang Trường Sơn Quảng Trị, v.v. Địa đạo Củ Chi, tôi đến nhiều lần rồi. Chuyến này chỉ muốn tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao. Cách mạng 4.0 nghe còn mù mờ. Đi với Hội văn nghệ toàn người lớn tuổi, lại nhóm nhỏ một hai chục người. Đi với học sinh đông vui nên cảm xúc mới lạ. Tôi cũng không ngờ về tài xoay xở, tổ chức của đoàn trường Thủ Khoa Huân: không khí thi cử căng như dây đàn vậy mà vẫn dành khoảng thư giãn nho nhỏ nửa đầu tháng tư này.

Đoàn gồm 6 xe lớn 45 chỗ. Nếu lấp đầy là khoảng 250 - 270 người. Tôi thuộc khách “ngẫu hứng”, thầy Hoàng xếp đi xe số 6, mấy em ngồi quanh là trò lớp 12. Năm nay tôi không dạy trực tiếp nhưng lớp 11 năm trước đã dạy, nên còn nhớ họ tên và tính nết mấy đứa. K.A nói:

- Mai mốt thi xong, tụi em quậy một bữa!

- Bộ bấy lâu dồn nén dữ lắm hay sao mà đợi thi xong sẽ “bung lò xo”?

Mấy đứa cười tủm tỉm như giấu bí mật niềm riêng của tuổi trẻ. Cái thế giới thanh niên đầy bất ngờ kì lạ lắm! Vô lớp, thầy cô chỉ nhìn thấy một khía cạnh tâm hồn của chúng thôi. Nếu không giao tiếp đời thường, không cùng chơi với mấy em, giáo viên không hiểu nổi! Tôi đã thử tiếp xúc với trò bằng thân thiện, bạn hữu nên phát hiện ra nhiều bất ngờ của tuổi trẻ. Chúng thông minh, nhạy cảm hơn mình tưởng, vẫn thích ăn quà vặt, ăn trong lớp, mê điện thoại, rất nhạy tin tức mới và nóng. Ngồi trên xe, thấy các em trao bình sữa uống chung, hơn chục đứa cắn một cây xúc xích… thấy thương làm sao đâu. Ra sân thể thao, nghe chúng nói ngây thơ, hồn nhiên quá đỗi. Khi vô lớp, phải kỷ cương nghiêm túc, phải “già” đi mà học kiến thức hàn lâm. Khi chuẩn bị xuống xe về nhà, các em tự giác dọn rác như trong lớp thầy cô dạy vậy. Đến không gian cộng đồng vui chơi rất trật tự, vui vẻ hồn nhiên nhưng đầy ý thức trách nhiệm, tế nhị dễ thương đúng là người có học!

Gần về nhà K.A hỏi câu bất ngờ:

- Cả ngày nay chỉ ăn một bữa trưa thầy có bị đói không ạ?

- Không đâu em. Sống độc thân nên ngày chỉ ăn hai bữa hoặc chỉ một bữa quen rồi!

K.A kể cho tôi nghe: Em thi vào trường Cao Thắng, làm thợ cơ khí. Học ra có việc làm tự lo và giúp gia đình. Tụi em chỉ mong có việc làm ổn định sau khi học hơn chục năm. Thấy ba má quần quật lo tiền bạc. Đại học thì em không vô được, sức học có hạn. Làm thợ thì tập dần sẽ giỏi phải không thầy? K.A dáng cao gần thước tám, mày đậm khí chất đàn ông. Năm trước thương không soạn bài, tôi phải la hoài. Con em nông dân, cha mẹ chi lo đủ tiên học. Còn dạy thì không như ở thành phố. Tôi động viên: Em chọn vậy là phù hợp khả năng. Làm thợ giỏi còn hơn làm thầy thất nghiệp và dở! Mấy thầy trò cười rất vui vẻ…

Có những em ương bướng, hay làm ngược điều ta yêu cầu. Nhưng sống tình cảm, có tính tự lực, có ý nghĩ riêng. Giáo viên than phiền một phần do chủ quan áp đặt. Gặt hái quan trọng nhất của chuyến đi và quá trình “chơi chung”, là thật sự yêu thương, bao dung với trò. Sẽ cảm hóa rung động được tuổi trẻ! Giáo viên phải thoát khỏi “độc quyền”, áp đặt chủ quan, cùng khao khát cảm xúc với lớp trẻ thì chắc chắn được ngưỡng mộ. Lời dạy mới đọng trong tâm trí các em. Mấy lớp có giáo viên chủ nhiệm cùng đi chơi. Cô trò quấn quýt bên nhau. Lớp 10 của cô Mai Thảo là “sung” nhất. Cả lớp mua chung áo phun màu cam, cùng đi giày trắng, quần jean. Dáng mảnh mai tuổi mới lớn đẹp như hoa tinh khiết làm sáng cả góc rừng địa đạo. Lớp còn mang theo biểu ngữ: Hành trình về nguồn chụp ảnh, quay video nữa. Tôi hỏi Mai Thảo:

- Tụi nó có nói với cô không?

- Em không biết! Sáng lên xe, nó đưa em chiếc áo thun bắt mặc vô…

Khi đã tự giác, háo hức hướng thiện, con người ta sẽ sáng tạo bất ngờ. Và, sẽ đi theo ánh lửa từ trái tim mình. Tự học mà lớn khôn.

Đoàn được xem ba bộ phim nói về nông nghiệp 4.0, được thuyết minh cẩn thận. Tôi cho rằng hiệu quả hơn ngồi ở lớp học lí thuyết nhiều. Thủ Khoa Huân đã có truyền thống học trải nghiệm, tổ chức câu lạc bộ vừa chơi vừa học. Mấy năm rồi không làm được. Sau một chuyến đi, ý thức của học sinh sẽ thay đổi. Nếu có trò chán học, mình lôi kéo đi thực tế có thể đánh thức những em đó? Mời gọi học sinh cá biệt quay lại trường.

Học sinh trường THPT  Thủ Khoa Huân chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi

Tháng tư nắng vàng và cờ đỏ. Ngày đại thắng của một dân tộc: “Ngàn năm chiến tranh/ Vạn ngày trận mạc/ Để yên lòng thì con chim hót, cho kẻ ra đi cho kẻ đợi chờ”… Thương một dân tộc chưa bao giờ yên tiếng súng. Sau 1975, tưởng hưởng hòa bình. Năm 1978, máu lại tràn biên giới. Năm 1980, tổng động viên cả nước. Tôi có giấy báo nhập đại học sư phạm Vinh vừa có giấy gọi nhập ngũ. Không biết giải quyết ra sao? Chị gái lúc đó là bí thư xã đoàn quyết định lên biên giới phía Bắc, mặt trận Hoàng Liên Sơn, thay cho tôi. Chị gái đi bộ đội thay em trai! Kỷ niệm này không thể nào quên! Nhờ vậy mà tôi thành thầy giáo dạy văn. Nhưng tốt nghiệp xong lại học sĩ dự nhiệm thay vì đi bộ đội hai năm. Lính chiến và lính chiến. Áo xanh và áo xanh suốt chiều dài đất nước. Người Việt Nam muốn áo trắng sinh viên, bác sĩ, muốn làm doanh nhân chiến thắng đói nghèo. Không ai muốn khoác mãi màu áo xanh người lính!

Mấy năm trước, biên giới căng thẳng. Tôi về quê. Hai chị em tâm sự. Chị tôi lắc đầu:

- Giờ chỉ lo làm ăn cho có tiền, không muốn vô trận tuyến! Bà con trong xóm ai cũng chán ghét chiến tranh. Hồi trước là tình thế bắt buộc. Đơn vị của chị toàn nữ là nữ…

Đó là ước vọng của chị - người mà năm 1980 đã tình nguyện đi bộ đội thay cho tôi. Chị muốn em mình là thầy giáo dạy văn giỏi kế thừa truyền thống gia đình.

Nguyễn Trãi thay Lê Lợi năm 1428 tuyên bố: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Ta phải chiến tranh vì cần hòa bình! Anh hùng Quang Trung thần tốc tiến quân ra Bắc bởi muốn Thăng Long như mặt hồ gươm lung linh soi bóng trời xanh. Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến 12/1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới… Chúng ta phải đứng lên!”.

Trưa giữa rừng địa đạo, tôi như thấy hàng vạn chiến sĩ mờ mờ trong khói nắng. Họ nói:

- Chúng tôi nằm lại nơi rừng thiêng nước độc là để đất nước đến ngày 30/4/1975, là để cho lớp sau mặc áo trắng sinh viên, bác sĩ, trí thức. Máu đỏ chúng tôi làm nên bầu trời xanh bình yên. Chúng tôi không muốn thế hệ sau lại cứ phải khoác áo xanh người lính chiến!

Xanh núi xanh sông xanh rừng xanh biển/ xanh trời, xanh cả những giấc mơ… Đêm nay về, xem chương trình “Quán thanh xuân” của VTV1 có tên: “Ngày mai anh lên đường” ôn lại kí ức chiến tranh và lính chiến. Hy vọng dân tộc mình không mãi ca bài ca người lính. Mà chỉ ôn lại để nhớ cho lớp thanh niên đang đi chung chuyến xe này vô giảng đường đại học đưa Tổ quốc tiến thẳng vào công nghệ 4.0 cùng thế giới. Như K. A thích làm người thợ cơ khí lành nghề, vậy thôi.

Tháng tư, kí ức chiến tranh. Xin nghiêng mình trước hàng triệu anh linh nằm suốt Trường Sơn : “Rải rác biên cương mồ viễn xứ. Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”… Hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, Việt Nam khát khao cháy bỏng hòa bình. Chúng ta sẽ lên tàu hàng hải thay vì hàng không mẫu hạm. Chúng ta ngồi trên những máy bay Boeing chở hàng chở khách du lịch thay vì chiến đấu cơ thế hệ mới! Vũ khí hiện đại nào cũng sẽ cũ xì, lạc hậu rất nhanh xếp xó kho phế liệu. Chỉ có lòng yêu cuộc sống, yêu hòa bình, khát khao chung sống bay tới ngày mai tươi sáng là luôn hiện đại và luôn mới, cần thiết cho nhân loại. Tháng tư này ta khát vọng một màu xanh sự sống bình yên. Biến đổi khí hậu khốc liệt chống chọi chưa đủ hay sao mà còn kiếm chuyện làm đổ máu xương của triệu triệu thanh niên đẹp  như hoa hồng? Chiến tranh xảy ra, nhân dân lao động sẽ phải gánh nặng đôi vai. Bao nhiêu học sinh thông minh lãng mạn đang ngồi cùng chuyến xe với tôi phải rời xa trường đại học. Nếu làm một khảo sát, thanh niên thời 4.0 sẽ chung một câu trả lời: chúng tôi phản đối chiến tranh, chúng tôi chỉ muốn có việc làm hạnh phúc bình yên.

 

Nguyễn Thanh Xuân
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 91)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 331
  • Khách viếng thăm: 325
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 20339
  • Tháng hiện tại: 1243016
  • Tổng lượt truy cập: 63471984