Hương sắc miệt vườn sông nước trong thơ Trúc Linh Lan

Đăng lúc: Thứ hai - 25/09/2017 16:04
Nhà thơ Trúc Linh Lan

Nhà thơ Trúc Linh Lan

Trong số những cây bút nữ trưởng thành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trúc Linh Lan được biết đến với giọng thơ hồn hậu, sâu lắng mang đầy nữ tính. Thơ Trúc Linh Lan tuy không có những cách tân ồn ào, một giọng thơ tự nhiên không cần trang điểm, nhưng lại có khả năng mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc, bình dị nhưng lại vô cùng sâu sắc.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nam bộ nên trong hầu hết sáng tác của nhà thơ Trúc Linh Lan chúng ta đều bắt gặp cảnh sắc, con người với cách sống, cách nghĩ và những nét đặc trưng văn hóa của vùng đất miệt vườn Nam bộ. “Vùng đất nào, hồn thơ đó”, điều đó xem ra rất đúng với thơ Trúc Linh Lan. Nhà thơ Võ Tấn Cường cho rằng: “Tính cách con người vùng ĐBSCL vốn hào phóng giàu nghĩa tình và giàu tính khí khái... Đây chính là "mảnh đất" phì nhiêu để những hạt mầm thi ca sinh sôi nảy nở”. Hồn thơ bám rễ trên vùng đất ấy, nên khi đọc thơ chị chúng ta nhận ra những cung bậc tình cảm, những nỗi niềm sâu kín, những tâm tư lắng đọng của con người ĐBSCL và từ đó thấy được vẻ đẹp tâm hồn, nét văn hóa độc đáo của vùng đất và con người ĐBSCL được thể hiện qua thơ.

Là vùng đất mới ở cực Nam của Tổ quốc, lịch sử văn hóa ĐBSCL gắn liền với quá trình khẩn hoang và dấu chân của những người đi mở đất. Những năm tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng của một thời “mở cõi” được tác giả tái hiện hết sức sinh động, chất chứa “khí phách người đồng bằng”. Và đặc biệt đó là những nét văn hóa tinh thần của cha ông như những trầm tích lắng tụ trong phù sa của vùng đất phương Nam:

                   Con trâu cõng tiếng sáo trên lưng

                   Điệu buồn ly hương của người đi mở đất

                   Câu thơ hóa thành câu vọng cổ,

                   Một miền quê để lại sau lưng

                                                                          (Đêm trầm tích)

Bài thơ đoạt giải Ba cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV của chị cũng với tinh thần hào sảng, khí khái của con người Nam bộ. Nhà thơ lấy hình tượng của Lục Vân Tiên để khái quát nên tính cách của người đồng bằng như một nét đặc trưng văn hóa, để từ đó tôn lên tinh thần nghĩa hiệp, khẳng khái, bộc trực nhưng cũng rất đôn hậu và nặng nghĩa tình.

                   Thơ của người đồng bằng - thơ Lục Vân Tiên

                   Đạo lý nghĩa nhân sáng ngời con chữ

                   Lung linh cánh lục bình tím trời châu thổ

                   Ghe thương hồ chèo vụn vỡ vầng trăng.

                                                                                          (Thương nhớ đồng bằng)

Trong nhiều bài thơ của Trúc Linh Lan, ta bắt gặp một vùng ký ức tuổi thơ thật đẹp, thật trong lành nhưng cũng đầy gian khổ và đau thương. Đó là những năm tháng chiến tranh đói nghèo và mất mát:

                  Tôi lớn lên bên dòng Xà No

                  Chiều tím biếc cánh hoa lưu lạc

                  Nơi mẹ tiễn chân ba ra trận

                  Bằng chiếc xuồng con cơm nắm mo cau

                                                                                          (Câu chuyện bên dòng Xà No)

Hay đó là những mùa lũ đã trở thành nét đặc trưng văn hóa ăn sâu vào đời sống người dân Tây Nam bộ. Những cơn lũ để lại nhiều sự mất mát nhưng nó cũng mang về cho vùng đồng bằng phù sa, tôm cá cùng nhiều sản vật thiên nhiên quý giá. Và tự dưng, nó đã trở thành nỗi nhớ của mỗi người khi phải

đi xa:

                   Gió bấc tràn về… nhớ quá phương Nam

                   Cơn lũ đầu nguồn nghe mà thắt ruột

                   Ngọc khói đốt đồng qua mùa nước ngập

                   Em có còn nhóm lại nùn rơm?

                                                                          (Xuân về trên đồng bằng Nam bộ)

Những mùa lũ đã góp phần hình thành nên một vùng đất mới trù phú, giàu hoa trái và sản vật, được xem là vựa lúa lớn của cả nước. Ta bắt gặp những nét chấm phá độc đáo của vùng đất trù phú Tây Nam bộ với cây trái bốn mùa xanh tươi, với những chiếc xuồng ba lá, với chợ nổi… và nhất là sắc vàng óng ả như màu nắng phương Nam của hoa mai, hoa vạn thọ mỗi dịp xuân về:

                    Một chút hương nồng trong gió nội                 

                    Mái chèo khuất nước rộn mùa sang

                   Chút hương cam quýt trong vườn biếc

                   Vạn thọ đầy sông rực nắng vàng

                                                                          (Mùa xuân đi chợ nổi)

Những bài thơ mang vẻ đẹp hào phóng, sâu lắng của tâm hồn con người và vùng đất Nam bộ lẽ dĩ nhiên không thể thiếu những tên đất, tên làng, những món ăn dân dã… mà nhà thơ đã gắn bó và trải nghiệm. Qua ký ức và những tình cảm, những kỷ niệm rất đỗi riêng tư của tác giả, tất cả đã đi vào thơ hết sức tự nhiên và chân thật.

                   Mẹ tôi,

                   Với chiếc xuồng con

                   Xuôi dòng Cái Tư vớt bẹ dừa, củi mục

                   Những trái dừa chuột ăn… đốt thơm nồng ngọn lửa

                   Hái rau muống, rau trai, lục bình, rau mác…

                   Món mắm kho, cua đồng, ếch, nhái…

                   Bữa cơm vui quần tụ sum vầy.

                                                                          (Giấc mơ gõ cửa đời người)

Nhiều người ví von đờn ca tài tử chính là nét đẹp tâm hồn người Nam bộ. Trải qua quá trình hình thành từ những ngày đầu đi mở cõi của những lưu dân Nam bộ, đờn ca tài tử đã trở thành tiếng lòng, khát vọng của những con người phương Nam nên nó đã đi vào đời sống và làm say mê biết bao tâm hồn người Nam bộ từ trẻ đến già, từ giới trí thức cho đến người lao động bình dân. Không khó để tìm trong thơ Trúc Linh Lan, những câu thơ viết về loại hình âm nhạc đặc sắc này:

                   Đêm mắc võng hát vài câu vọng cổ

                   Đôi mắt ai lung liếng mé hiên nhà

                   Trăng rơi xuống bồng bềnh trên sóng nước

                   Điên điển vàng rực ấm cả bờ xa

                                                          (Đêm hành quân nghe câu dân ca Nam bộ)

Thơ Trúc Linh Lan luôn có những hình ảnh rất quen thuộc với người dân Nam bộ và nhịp thơ rất gần với ca dao, dân ca… như muốn mời gọi, như muốn đưa người đọc đến với vùng đất phương Nam đầy quyến rũ và đồng thời tạo được giọng điệu độc đáo, riêng biệt của tác giả:

                   Nhịp cầu tre lắt lẻo khó đi

                   Con cá quẫy đuôi vỡ vầng trăng bạc

                   Nơi cây mạ vui buồn theo con nước đầy nước cạn

                   Áo bà ba trong vắt tiếng hò…

                                                                                          (Cần Thơ)

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất hội cư của nhiều tộc người tạo nên những nét văn hóa phong phú và đặc sắc cho nơi đây. Có những bài thơ Trúc Linh Lan viết về sóc Trà Mòn (quê nội của tác giả) với đặc trưng văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ. Những hình ảnh như “Mái chùa cong vút vầng trăng”, “cây thốt nốt bên nhà”, “con chim sáo bay về trên cây tà quách”, “mùa trăng cốm dẹp ngọt đường thơm”, “ba săm soi chiếc ghe ngo”… đã trở thành nguồn cảm xúc dạt dào bất tận để thi thoảng lại có dịp lấp lánh lên trong những câu thơ của Trúc Linh Lan.

Hay đó còn là mùa chim sáo gọi, khi trai gái hẹn hò nhau trong những mùa trăng thật rộn ràng. Làng quê thanh bình hiện lên trong thơ bằng những âm thanh và hình ảnh đầy sức sống của phum sóc.

                   Hát Xa-ri-ca-keo… con trai con gái

                   Phum sóc quê mình cứ thế đông vui

                   Vào những mùa trăng,

                   Vào những mùa cau,

                   Mùa chim sáo đậu trên cây tà quách gọi bạn tình hò hẹn…

                                                                                                          (Mùa chim sáo gọi)

Là một người nặng lòng với vùng đất Nam bộ, nên không khó hiểu khi thơ của Trúc Linh Lan luôn đầy ắp hương sắc miệt vườn sông nước cũng như đời sống và tình cảm của những người dân xứ phương Nam đến vậy. Để rồi, có lần nhà thơ đã tự thú nhận:

                   “Có đi đâu?

                   Vẫn thương nhớ đồng bằng!

                   Nơi câu dạ cổ hoài lang vang danh một vùng đất…”.

Quả vậy, với Trúc Linh Lan vùng đất Nam bộ đã trở thành một phần máu thịt nên chỉ cần chạm vào đó thì những hạt mầm thơ lại được giải phóng và phát triển mạnh mẽ. Hồn thơ ấy chắc chắn sẽ còn tiếp tục cháy hết mình trước một đồng bằng đang được đánh thức, đang từng ngày đổi thịt, thay da.
 

TRÚC LINH LAN
Tên thật là Thạch Thị Liễu, sinh năm: 1953
Bút danh: Trúc Linh Lan - Nguyễn Thị Đồng Bằng
Hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ
* Tác phẩm đã xuất bản:
- Cuối đường tình yêu (tiểu thuyết) - Văn nghệ Châu Đốc 1989
- Phượng tím (tiểu thuyết) - Văn nghệ Châu Đốc 1989
- Khoảnh khắc chiêm bao (thơ) - NXB Văn nghệ 2004
- Đêm trầm tích (thơ) - NXB Văn nghệ 2005
- Người đàn bà ngồi nhặt ký ức (thơ) - NXB Hội Nhà văn 2014

 

Trương Trọng Nghĩa
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 80)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 323
  • Khách viếng thăm: 321
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 36337
  • Tháng hiện tại: 427185
  • Tổng lượt truy cập: 60777323