Chuyện về hạt ngọc quê hương

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2023 18:32
(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)
 
Tôi quen biết và trở thành đồng nghiệp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thanh Cường tính đến nay cũng đã mười năm. Trong mười năm ấy, rất nhiều lần tôi được anh chia sẻ niềm vui khi ảnh của anh đoạt giải ở cuộc thi này, giành huy chương ở liên hoan nọ. Và có một điều không chỉ riêng tôi mà nhiều người quý mến cũng như theo dõi chặng đường sáng tác của anh cũng nhận ra, đó là trong bộ sưu tập giải thưởng, huy chương của Thanh Cường thì ảnh chụp về muối chiếm số lượng nhiều nhất. Đâu đó hơn chục bức ảnh đã được xướng tên ở vị trí cao nhất tại các cuộc thi từ cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và cả quốc tế. Tôi cũng biết, để có chừng ấy bức ảnh muối đoạt giải thì anh phải tuyển ra từ cả ngàn file ảnh anh chụp về đề tài này.
Có thể người lạ sẽ thắc mắc, rằng “Chụp hoài một đề tài anh không thấy nhàm chán sao?”, hay “Làm sao có thể chụp một đề tài mà đoạt giải suốt? Bí quyết là gì?”… Với tôi cũng như những người thân thiết với Thanh Cường thì điều này không khó giải thích, bởi lý do rất đơn giản: Vĩnh Thịnh (thuộc huyện Hòa Bình) – nơi Phan Thanh Cường sinh ra và lớn lên – là xứ sở của muối. Gia đình anh làm nghề muối tính đến nay truyền lại đã mấy đời, từ ông bà, cha mẹ, anh em rồi bây giờ đến lớp cháu con. Cho nên, chụp về quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn, về cái nghề gia truyền thì làm sao mà chán, làm sao mà không hay, không đẹp khi mỗi khoảnh khắc được ghi lại chứa cả tấm lòng mình trong ấy?!
Có nhiều đợt theo chân Thanh Cường đưa các đoàn nhiếp ảnh về Vĩnh Thịnh chụp ruộng muối, anh không ngừng nói về làng nghề truyền thống của quê mình với tất cả niềm tự hào. “Muối Bạc Liêu khác với những nơi khác là hạt muối trắng hồng, khô chắc, không tạp mùi, có vị mặn dịu, đằm, có chút hậu ngọt chứ không phải vị mặn hơi đắng chát như ở vùng khác. Ngày xưa, khi diêm dân muốn lấy nước biển vào trảng, chủ yếu dùng gàu tát vào mùng 9, 10 âm lịch, bởi ngày nước kém thì nước biển đạt độ mặn cao nhất. Nhưng bây giờ thì họ cứ lấy ngay ngày con nước lớn bởi bằng các phương pháp kỹ thuật như bừa, trả nước… thì có thể làm tăng độ mặn và đồng thời tiết kiệm được chi phí xăng dầu chạy máy bơm.”
Mặc dù giờ đây, Thanh Cường công tác ở lĩnh vực báo chí, nghệ thuật, không tiếp nối làm nghề muối truyền thống của gia đình, nhưng chuyện về hạt muối hôm qua, hôm nay, anh vẫn giữ vẹn nguyên bên lòng. Cũng dễ hiểu thôi, bởi suốt những năm tháng ấu thơ, ngày ngày, anh nhìn thấy mặt trời nhô lên từ cánh đồng muối mênh mông, và mỗi chiều về, sợi ráng đỏ cuối cùng khuất dần trong mắt anh cũng từ phía ấy. Thanh Cường từng kể: “Chiếc máy ảnh đầu tiên anh mua để bắt đầu con đường sáng tác là từ số tiền anh chắt mót sau mấy tháng ròng làm muối. Có chiếc máy ảnh trên tay, anh nôn nả riết riết về nhà, chạy ra ruộng muối sau nhà chụp một hơi mấy chục tấm… cho đã thèm!”.
Câu chuyện ấy, Phan Thanh Cường đã kể với tôi ngót chục năm rồi, nhưng giờ đây tôi thấy anh vẫn cứ còn nguyên cái sự “thèm” ấy. Bằng chứng là mấy năm nay, có khi nào anh ngừng chụp về muối đâu! Hạt muối quê hương đã nuôi lớn anh, bồi đắp vào tâm hồn anh sự trữ tình, thơ mộng, khơi gợi trong anh những rung cảm nghệ thuật. Vì vậy, qua lăng kính của anh, hành trình của hạt muối từ khi còn là dòng phù sa ngầu đục đến khi kết thành thể rắn trắng tinh được phản ánh một cách trọn vẹn. Và tất nhiên, ống kính của Thanh Cường cũng đặc biệt hướng nhiều về những khoảnh khắc lao động cần mẫn của diêm dân: Từng giọt mồ hôi rơi trên đồng mặn, những làn da rám nắng làm bật lên những ánh mắt rạng ngời, đôi bàn tay khô cằn cùng dáng người lom khom cào muối… Tất cả nhọc nhằn, gian lao ấy là để đổi lấy những hạt ngọc trắng ngần kết tinh từ nắng gió của đất trời phương Nam này.  
Trong số ảnh chụp về muối của Thanh Cường, tôi đặc biệt thích mấy bức thuộc thể loại đen trắng. Nó mang lại cho tôi cảm giác sâu lắng, có chút gì đó xưa cũ, bâng khuâng hoài niệm. Thỉnh thoảng thả hồn vào một bức ảnh như thế, tôi như nghe vang bên tai mình câu hát: “Đất Bạc Liêu, muối tên Ba Thắc/ Nhãn cơm dày, dễ lột thơm ngon”. Câu hát gợi nhớ một thời muối Ba Thắc vang danh khắp Nam Kỳ Lục tỉnh, xuất sang tận các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Theo hồ sơ lý lịch muối mà Bạc Liêu gửi Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đề nghị đưa nghề làm muối ở Bạc Liêu vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thì trước đây, ruộng muối của Bạc Liêu đã từng trải dài hàng chục kilômét ven biển từ bãi biển Vĩnh Châu đến cửa biển Gành Hào. Khi ấy, nghề muối chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đây. Những điền chủ như Hội đồng Trạch, Hội đồng Điều, Châu Oai, Bá hộ Biết… giàu nổi tiếng cũng nhờ sở hữu diện tích ruộng muối bạt ngàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh muối quy mô. Riêng nhà tư bản muối Lý Trung Nguyên còn thuê cả ngàn công nhân làm việc cho sở muối rộng lớn của mình. Vào thời Pháp thuộc, Bạc Liêu có diện tích làm muối đứng nhất nhì cả nước. Trước năm 1975, nơi đây có khoảng 6.440 hécta đất nông nghiệp là ruộng muối. Hàng năm, sản lượng muối thu hoạch lên đến khoảng 35.000 tấn. Có khi vừa trúng mùa vừa trúng giá, cho nên có một thời, vùng ven biển Bạc Liêu mọc lên nhiều ngôi nhà đúc khang trang, hình thành một vùng dân cư trù phú.
Bây giờ, xứ Bạc Liêu vẫn có nhiều hộ gia đình có cuộc sống khá giả, sung túc nhờ vào sản xuất muối, điển hình như ông Phan Văn Phúc - anh ruột của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thanh Cường. Nối tiếp nghề làm muối từ cha, ông Phúc cứ vài năm lại sang thêm đất và hiện nay gia đình ông có đến 30 hécta đất ruộng muối, cộng thêm hợp đồng thuê 10 hécta nữa, tùy vào tình hình thời tiết, muối trúng hay thất mà sản lượng thu hoạch khác nhau, nhưng ước tính con số trung bình khoảng 70.000 giạ mỗi năm, nếu trúng giá có thể thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Từ số vốn tích lũy dần theo thời gian, gia đình ông bắt đầu đầu tư nuôi tôm công nghiệp, buôn bán thức ăn, vật tư trong nuôi tôm, xây nhà yến… Cơ sở của gia đình ông Phúc ngày càng phát triển, mà theo ông “cái móng được xây vững chắc từ hạt muối của biển khơi”.
Cách ví von của người diêm dân gắn bó với muối gần cả cuộc đời làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của người Nhật: “Những ai sống bên bờ biển sẽ được ban phước với kho báu của đại dương”. Đối với Bạc Liêu, nơi có bờ biển dài 56 kilômét, trong kho báu ấy, ngoài khoáng sản, cá tôm, thứ quý giá còn có cả hạt ngọc thâm trầm kết tinh từ nước, từ sức lao động, giọt mồ hôi của diêm dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cho nên, nghề làm muối chính là tài sản quý giá mà xưa kia những người khai phá vùng đất ngập mặn phương Nam đã để lại cho mảnh đất Bạc Liêu, nơi được thiên nhiên ưu đãi điều kiện sinh thái thuận lợi để phát triển làng nghề.
Theo như nhiều tài liệu nghiên cứu thì địa hình bờ biển Bạc Liêu bằng phẳng và thấp, không có các núi đá vôi ven biển. Hướng nghiêng chính của địa hình từ Đông Bắc xuống Tây Nam, độ nghiêng trung bình từ 1-1,5 cm/km. Ngoài ra, Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi dày đặc, có các cửa sông chính là cửa sông Gành Hào, Chùa Phật và Cái Cùng. Địa hình trên toàn tuyến bờ biển thuận lợi cho việc lấy nước biển vào các kênh mương, trảng chứa nước làm muối. Nhiệt độ không khí của khu vực sản xuất muối trung bình hàng năm 27°C, tổng lượng nhiệt hàng năm 9.425°C, trung bình đạt 160 Kcalo/cm2/năm. Lượng mưa trung bình là 2.213 mm. Độ ẩm dao động từ 80% vào mùa khô đến 86% vào mùa mưa... Đây là điều kiện khí hậu thuận lợi cho quá trình bốc thoát hơi nước từ các sân phơi và quá trình kết tinh muối. Đất đồng muối chủ yếu là đất bãi bồi và đất pha cát. Trong đất chứa rất ít disulfua sắt (FeS2). Đất không có biểu hiện của phèn. Hàm lượng sét trong đất  sản xuất muối cao (42,19–59,43%) nên tránh được tình trạng thất thoát nước biển, giúp tăng sản lượng muối. Nước biển tại khu vực sản xuất muối Bạc Liêu có chất lượng khá tốt. Độ mặn của cũng rất lý tưởng cho việc muối kết tinh nhanh…
Đó là lý do quan trọng để các làng nghề muối ven biển Bạc Liêu hình thành và trở thành vùng nguyên liệu muối nổi tiếng từ xa xưa cho đến nay. Riêng Đông Hải quê tôi là địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh với hơn 1.200 hécta. Thế nhưng ấp Minh Điền (xã Long Điền Đông) nơi tôi sinh sống thuở nhỏ, bà con chỉ trồng rẫy và làm ruộng, phương tiện truyền thông khi đó lại không phổ biến rộng rãi như bây giờ, cho nên ngày bé tôi không có khái niệm nào về ruộng muối. Nhưng có điều trong số các loại gia vị, tôi ấn tượng nhất là muối. Muối trong suy nghĩ trẻ con của tôi ngoài việc nêm nếm cho bữa cơm gia đình, nó còn đóng vai trò như một loại “thần dược” trị được bách bệnh.
Hồi nhỏ, mỗi lần tôi bị sâu răng và sưng nướu, mẹ liền nấu một ít nước muối ấm rồi biểu tôi ngậm và súc miệng mấy lần trong ngày. Khi chế Hai bị đau bụng tháng, mẹ đi xúc chén muối hột rang lên cho nóng, sau đó túm vào tấm khăn rồi chườm quanh vùng bụng cho chế. Mấy lần cha than nhức ngay thắt lưng, mẹ cũng lấy muối đem rang, rồi rải một lớp dày khoảng 1 cm lên miếng vải, trải lên đó mấy lá nhàu, kêu cha đặt lưng lên nằm. Kỳ diệu thay, những lần như vậy, răng tôi từ từ bớt viêm sưng, cơn đau bụng của chế Hai dịu lại, lưng của cha cũng đỡ đau hơn nhiều.
Những chuyện kỳ diệu từ muối không chỉ dừng lại ở đó. Muối còn góp phần làm nên những món ăn dân dã đậm hồn quê mà dù cho có đi xa, đi đâu người ta cũng không thể nào quên được. Hồi tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh khó khăn, tôi tạm dừng việc học, lên Sài Gòn làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một lần đi chợ nhóm ở dưới chân cầu Gò Dưa, nhìn thấy thau ba khía muối được bày bán, bất giác nước mắt ở đâu cứ trào ra không kìm được. Nó làm tôi nhớ chuyện hồi đó, sau mấy ngày mưa, thấy mớ ba khía cha soi được bộn bộn, mẹ đem ngâm và rửa với nước muối lờ lợ cho thiệt sạch, sau đó vớt ra để thiệt khô. Mẹ tiếp tục pha thêm nước muối đậm, cho ba khía vào ngâm (dân gian còn gọi là cho ba khía uống nước muối). Khoảng hai, ba tiếng đồng hồ sau, ba khía được vớt ra, xếp từng lớp chồng lên nhau trong một keo thủy tinh. Sau cùng, mẹ nấu nước muối (tỷ lệ muối và nước cân đo làm sao để khi nước nguội, thả hột cơm vô nó nổi trên mặt là được), rồi đổ vào keo. Đợi tầm 5 đến 7 ngày là có thể vớt ba khía muối ra trộn với đường, chanh, tỏi, ớt và dùng. Món này là món khoái khẩu của cả nhà tôi. Giờ đã có tuổi, ăn gì cũng ngán, mẹ tôi hay nhắc về những bữa cơm mùa gặt chỉ có cơm nguội và mấy ngoe ba khía muối thôi, vậy mà thấy ngon quá chừng quá đỗi. Ngoài ba khía muối, mẹ cũng nấu nước muối rồi muối mớ chanh hái từ vườn nhà để dành pha nước uống giải nhiệt. Thức quà này hầu như quanh năm không thiếu. Lâu lâu, trong xóm ai bị đầy bụng khó tiêu, thường xách chén lại nhà tôi xin một trái chanh muối, về dầm ra pha với nước ấm uống vào lát sau sẽ khỏi.
Có lẽ chính vì những lý do trên mà tôi có một tình cảm đặc biệt dành cho hạt muối, cho những bức ảnh về muối của Phan Thanh Cường. Hồi còn nhỏ, mỗi năm, dịp đi Thanh minh hay cúng giỗ ông nội, ngoài việc vui vì được ăn nhiều món ngon, được tụ tập với anh chị con mấy cô mấy bác giỡn đủ trò, lòng tôi còn mong một điều, đó là được nhận bao muối của bác Hai cho. Điều này như thành thông lệ. Số là cha tôi có hết thảy chín anh chị em, nhưng chỉ duy nhất nhà bác Hai là làm nghề muối, nghề bên nhà vợ của bác duy trì đã mấy mươi năm. Cho nên cứ mỗi lần về nhà nội cúng quảy, giỗ chạp, bác Hai thường vô mỗi bao cỡ hơn giạ muối chất xuống xuồng chở theo về, đặng em út chòm xóm ai cần thì cứ lấy.
Có một điều bà nội tôi hay nhắc hoài mỗi lần nhà nội có dịp tụ họp gia đình, nội nói: “Trong hơn hai mươi đứa cháu, thì gánh nhà thằng Hốt (tên bác hai tôi) là có đặc điểm dễ nhận ra nhất. Đứa nào đứa nấy giọng nói sang sảng, mỗi lần về là “rộn đám”, da thì ngâm ngâm, dáng người liền, đậm, hịch hạc, làm chuyện gì cũng xốc vác, mạnh dạn hơn tụi cháu còn lại”. Và điều đó đa phần giống với ấn tượng đầu tiên của tôi về những diêm dân mà tôi được gặp trong buổi lễ công bố nghề làm muối ở Bạc Liêu là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia hồi cuối năm 2020. Trong đó có chú Trung (Trần Việt Trung, ở ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông) và chú Niên (Hồ Văn Niên, ở ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông) – là những cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen vì có công trong việc giữ gìn, bảo tồn nghề làm muối.
Hai người nông dân đã qua cái tuổi lục tuần trong ngày vui chung của bà con diêm dân xứ biển không giấu được niềm xúc động khi nghề làm muối của cha ông truyền bao đời nay đã trở thành di sản được vinh danh. Khi được phóng viên hỏi về việc làm muối có cực không, chú Trung cười hào sảng: “Cực chớ!”. Và rồi như bắt trúng mạch cảm xúc, chú kể về nghề một cách say sưa. Một vụ muối chú làm khoảng 5 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 11 dương lịch. Tuy thời tiết nó lúc này lúc nọ, nhưng bà con vẫn theo thông lệ mà chuẩn bị cho vụ mùa và có thể chậm hơn một chút. Muối xứ này được sản xuất theo phương pháp sản xuất truyền thống là phơi nước, gồm 4 công đoạn chính: lấy nước, chứa nước, phơi nước và phơi kết tinh. Công việc đầu tiên của quy trình là cải tạo mặt ruộng và gia cố nền. Sau đó khi triều cường lên, tiến hành lấy nước biển dẫn vào đồng muối. Nước được lấy chứa trong một khu vực (được đào sâu, rộng) nhằm mục đích cho nước lắng đọng các tạp chất, chất bẩn. Giai đoạn này ngoài mục tiêu làm sạch nước còn có vai trò dự trữ và đảm bảo nguồn nước ổn định để sản xuất vào những thời điểm không có triều cường. Nước biển được bơm từ các mương chính lên các mương dẫn thẳng vào khu phơi nước chạt trong khoảng 4 đến 7 ngày. Tiếp theo là công đoạn cuối cùng, phơi kết tinh thành muối. Sau khi muối kết tinh, diêm dân tiến hành thu gom và bảo quản. Muối được bốc dỡ lên bờ ruộng và che đậy lại bằng tấm che (có thể bằng nilon, lá dừa) chờ thương lái đến mua. Chú còn tự hào khoe với tôi về việc Bảo tàng tên tỉnh có trưng bày những dụng cụ làm muối của gia đình chú như bừa, dù bế, ki xúc muối,… Mấy vật dụng đó của cha chú để lại, chú quý và giữ kỹ lắm, cũng muốn cất riêng cho mình, nhưng nghe mấy anh chị trên Bảo tàng biểu đem những thứ ấy lên trưng bày thì nhiều người sẽ biết hơn đến nghề muối xứ mình nên chú chịu, chỉ giữ lại cái cân nước đo độ mặn đã theo chú trên 50 năm nay. Chú nói thêm, “Nó đo chính xác lắm. Chú cưng đến nỗi ai mượn đo nước thì dù xa cỡ nào chú cũng đi đo dùm luôn chớ không dám đưa, sợ lạc mất thì không biết tìm ở đâu”.
Tuy cũng cùng chung niềm vui đó, nhưng sau khi chia sẻ đầy phấn khởi khi nghề làm muối của diêm dân xứ Bạc được vinh danh, chú Niên cũng còn nhiều điều băn khoăn, trăn trở. Nghề làm muối còn lắm nỗi bấp bênh, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, có khi mưa sớm, vụ mùa thất bát dẫn đến cuộc sống bà con khó khăn hơn. Câu chuyện muôn thuở, được mùa mất giá - được giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc buồn ngân hoài trên đồng muối. Đường giao thông ngày càng xuống cấp, gây khó khăn trong việc vận chuyển muối sau thu hoạch. Hệ thống sông ngòi dù nhiều, nhưng do nơi đây mang đặc thù vùng biển mặn phù sa nên các dòng sông bồi lắng với tốc độ nhanh mà không kịp cải tạo khiến việc lấy nước trở nên gian nan. Hiện diêm dân cũng rất cần vốn vay để sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt để tăng năng suất cũng như chất lượng muối, mà vốn thì không biết vay ở đâu. Chú biểu, những điều chú nói ở trên không biết chừng nào mới được tháo gỡ. Bấy nhiêu trăn trở, suy tư cũng đủ thấy được sự tâm huyết mà người nông dân này dành cho nghề muối xứ mình.
Những điều mà chú Hồ Văn Niên từng chia sẻ với tôi cũng là điều được bàn bạc, thảo luận nhiều tại Hội thảo Khoa học Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu được diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua. Hiện nay, diện tích sản xuất muối trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang sụt giảm đáng kể (năm 2011 toàn tỉnh có hơn 3.000 hécta, năm 2015 còn hơn 2.600 hécta, đến năm 2022 thì con số chỉ còn 1.411 hécta). Diêm dân thiếu vốn đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sản xuất muối theo phương pháp trải bạt, đồng thời còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với các chính sách ưu đãi của nhà nước. Đời sống khó khăn, kinh tế bấp bênh, thu nhập thấp, không ổn định, nên bà con bỏ ruộng muối, chuyển sang công việc khác. Lao động nghề muối hiện nay phần nhiều là người lớn tuổi, diêm dân phần lớn là những gia đình còn khó khăn chưa được tập huấn trang bị kiến thức về kỹ thuật sản xuất muối nên hạn chế việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất...
Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, còn nhiều bài toán khó là một thách thức không nhỏ. Nhưng điều đáng mừng là Bạc Liêu, từ lãnh đạo, các ngành chức năng và diêm dân luôn nghĩ về việc tìm lời giải, và đã có cho mình những định hướng, giải pháp phát triển trong thời gian tới. Trong đó, việc muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý, việc nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là một trong những bước thuận lợi trên hành trình bảo tồn làng nghề và đưa hạt muối vươn xa. Các giải pháp về chính sách, công tác thông tin, tuyên truyền, phát triển sản xuất muối gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực… đang được quan tâm thực hiện. Đặc biệt hơn, công tác bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm từ muối gắn với du lịch nông thôn sẽ trở thành chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa cho hạt muối Bạc Liêu tiến ra những thị trường lớn. Bản thân diêm dân ngoài khai thác những kinh nghiệm sản xuất truyền thống còn mạnh dạn cải tiến công nghệ, nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, sáng tạo một số mô hình mới như mô hình tôm – muối (mùa khô làm muối, mùa mưa nuôi tôm), nuôi artemia, nuôi cá kèo luân canh trên đất muối, sản xuất nước ót bán cho trại tôm sú giống... Tất cả chỉ với mục đích bảo tồn và phát huy nghề truyền thống lâu đời của Bạc Liêu vốn đã gắn bó với người dân nơi đây hơn trăm năm qua, để câu chuyện về hộp muối Bạc Liêu xuất hiện trong các siêu thị cao cấp như Le Marché (TP.HCM), trở thành nguyên liệu chính trong “Muối sấy Ngọc Yến (Đồng Tháp) qua lời kể của nhà báo Vũ Thống Nhất không còn là câu chuyện tình cờ, hiếm gặp mà là điều phổ biến ai cũng biết đến như việc nó trở thành nguyên liệu của ba khía muối Rạch Gốc (Cà Mau), cá tra phồng (An Giang), bún mắm (Sóc Trăng)… Điều đó hoàn toàn khả thi khi tại những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, hạt muối Bạc Liêu đã đường hoàng chinh phục được, trở thành nguyên liệu để muối kim chi và sản xuất rượu.
Và quan trọng hơn cả là bất cứ khó khăn, thách thức nào rồi cũng sẽ dần bị khuất phục trước quyết tâm, ý chí và khát vọng của con người. Mà trước tiên đó chính là những lão nông như ông Phan Văn Phúc, chú Trần Việt Trung, Hồ Văn Niên, những người xem hạt muối như ân nhân, dìu dắt mình đi qua những tháng ngày khốn khó, xem nghề làm muối như nợ duyên đã se kết thì gắn bó trọn đời. Họ khi còn là những cậu bé lên tám, lên mười đã biết trân trọng những hạt ngọc trắng ngần của biển trời. Sự trân trọng đó thể hiện ở việc những cánh đồng muối trong tâm thức họ không chỉ là phương tiện lao động, là kế sinh nhai. Mà đó còn là bạn, là tri âm tri kỷ. Như chú Hồ Văn Niên, nhà canh tác 4 hécta muối, vậy mà công đoạn nào cần mướn thì mướn, riêng việc cào muối, chú nhất quyết chỉ để mình và con trai cào, bởi “sợ mướn người lạ, họ không “thương” ruộng muối như mình, cào không kỹ làm hư mặt sân thì tiếc lắm”. Và còn một chuyện làm tôi xúc động nữa là gần đây chú mới xây một ngôi nhà khang trang, thay vì chọn cách trang trí tường nhà bằng tranh ảnh hiện đại, chạm khắc tinh xảo, phù hợp với thiết kế thì chú lại nhờ đứa cháu là giáo viên dạy mỹ thuật, chạy ra ruộng muối của chú quan sát, chụp rồi vẽ y hệt khung cảnh ấy lên vách nhà dùm chú. Chú Niên nói, “để khi chú trăm tuổi già, bức tranh vẽ đơn sơ này sẽ nhắc nhở con cháu đừng bao giờ quên cái nghề của cha ông”.
          Tự dưng, tôi thấy mình có một niềm tin mãnh liệt rằng, nghề làm muối ở xứ sở này rồi sẽ như bài Dạ cổ hoài lang, dù có lúc thăng lúc trầm, trải qua muôn hình vạn trạng, biến hóa thế nào rồi cũng sẽ trường tồn theo năm tháng. Bởi những câu chuyện về “Ba Thắc muối ngon” sẽ còn được giữ, được truyền, được kể qua nhiều thế hệ nữa. Câu chuyện về hạt muối Bạc Liêu đằm vị mặn, đậm vị tình có khi được kể từ cái hủ lô, cây bừa, cây sụt, cái gàu, cây trang… trưng nơi Bảo tàng tỉnh mỗi lần du khách ghé qua, hoặc cũng có thể được kể từ những bức ảnh nghệ thuật về muối mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thanh Cường gửi đi khắp muôn nơi thông qua các liên hoan, cuộc thi, triển lãm – bởi đó là những bức ảnh mà anh chụp bằng tình yêu từ trái tim mình!
Nguyễn Kim Nghỉ
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 167
  • Khách viếng thăm: 162
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 19922
  • Tháng hiện tại: 226972
  • Tổng lượt truy cập: 67201463