Trở lại Bắc Đông

Đăng lúc: Thứ năm - 14/05/2009 08:01
Ảnh: Tanphuoc.vn

Ảnh: Tanphuoc.vn

Không biết cái gì xui khiến, hối thúc mà tôi lại đến với Ngã Ba Bắc Đông vào đầu tháng tư này? Nỗi nhớ Bắc Đông cứ cắm vào kí ức, như hoa cỏ may vô tình vương vào tà áo tuổi thanh xuân. Mảnh đất này, trước đây gọi là Ngã Năm Hoàng Gia, vẫy gọi tôi về. Nó thấm đẫm mồ hôi, cả máu, cả cay đắng và niềm vui, vừa tự hào, vừa xót xa của đời tôi. Nơi đây, tôi đã sống gần mười năm, mười năm sung sức nhất trong đời…

Giữa trưa mùa khô gió chướng ào ào tung bụi, đường thênh thang nhưng đang làm dang dở nên hễ có xe lớn chạy qua là bụi mịt mù, không nhìn thấy lối, phải tạm dừng, bịt mũi nhắm mắt chịu trận. Văn minh công nghiệp đang về với vùng sâu Đồng Tháp Mười.

Cũng con đường gần 50 km này, cách đây gần 20 năm, tôi đã xuôi ngược. Tính sơ sơ những chuyến đi về suốt mười năm khai hoang, tôi đã đi không dưới 20.000 km, tương đương nửa độ dài xích đạo. Đi xe đạp, quá giang xe máy, đi đò, và đặc biệt gần 10 lần lội bộ, đến nơi chân cứng đơ, bỏng rát. Tôi có chú chó lai Béc tên là “Ba Lém”, tinh khôn. Nó đồng hành khổ hạnh với tôi gần 200 km, bốn chuyến xuôi ngược qua Bắc Đông này. Năm 1988, tôi tự nguyện đến lập nghiệp ở đây, bỏ trường, xa nhà cả tháng mới về. Ba Lém ăn thức ăn khô tôi để dành cho nó. Đêm đêm, nó đi kiếm xương về chất đống để “bồi dưỡng” nhưng vẫn gầy trơ xương. Dựng xong nhà ở kinh 27, xã Thủy Đông, Long An, tôi chuyển đồ lên và cho chú chó cưng theo cùng. Dọc đường, nó bị bầy chó khác chặn đường, phải đi vòng, có khi lạc nhau cả 10 km, tưởng mất luôn. Ai ngờ, Ba Lém vẫn đánh hơi theo kịp! Đến cầu Phú Mỹ, tôi mua cho nó tô cháo gà. Chủ quán là người cưng chó, nên thưởng cho thêm mấy mẩu xương heo. Nó ăn, uống nước, nghỉ nửa tiếng lại tiếp tục chạy đến Kinh 27, ngôi nhà mới, nó nằm đúng ba ngày mới lại sức. Từ đó, đảm nhiệm việc coi nhà cho tôi…

Con đường ngày ấy là đá đỏ, chật hẹp, cây cối um tùm và cực kỳ vắng vẻ, khác xa bây giờ. Ấn tượng về con đường ấy cứ đến trong giấc mơ của tôi. Không biết sức mạnh vô hình nào giúp tôi vượt qua đoạn đường kinh hoàng này? Đêm ba mươi Tết đốt nhang mà đi. Đi giữa trưa chang chang nắng, đạp lên đất phèn sắc cứng như sắt nguội. Đi giữa trời mưa nhão nhoét trơn lầy như mỡ… Từ Đồng Tháp ra chỉ còn hai con mắt! Chiếc xe đạp cùn, con Ba Lém và con đường ấy đã thấm vào hồn tôi. Con đường này năm ấy đã đưa tôi đến Bắc Đông - Hoàng Gia. Và, cũng vì nó mà tôi đành bỏ đi, kết thúc giấc mộng lập nghiệp nơi này…

Lớp người đến với đất Tháp Mười những năm 80 gồm bộ đội xuất ngũ, cán bộ tập kết, có cả những giáo viên nghỉ việc,… Mỗi người một cảnh ngộ khác nhau, nhưng đều chung ý chí lập nghiệp, khát thèm một khoảng đất lớn để làm cho phỉ sức, không muốn bon chen tranh chấp kiểu “gà nhà đá nhau”. Tôi là thầy giáo dạy văn trung học. Lương không đủ sống, ra đi mở đất là để giữ lấy nghề, ra đi để gắn bó suốt đời với nghề dạy văn. Ở cái tuổi 27, chí và lực tràn trề đầy ắp!

Ngã Năm Hoàng Gia lúc đó hoang sơ, yên tĩnh khác bây giờ. Bốn phía mây trời, đồng cỏ bát ngát. Nhìn thấy đất bằng phẳng, tơi xốp ai cũng ham. Chúng tôi mơ lập điền trang, đổi mới cuộc đời từ mảnh đất này. Bao nhiêu sức lực đàn ông đều dồn cho đất mới. Có mơ ngày mai hết khổ thì mới vượt qua hiện tại đầy khó khăn thiếu thốn. Ngày, làm dưới nắng, phèn xộc vào mũi, da khô quắt, tóc dựng như rễ tre. Đêm, bóng tối mịt mùng, ngọn đèn dầu như hạt đậu, buồn kinh khủng. Mấy anh em chèo thuyền mấy cây số mua được vài lít đế lai rai với quả dưa leo chấm muối cho qua đêm Tháp Mười.

Năm Hoàng Gia, chú Năm Trung, ông Chín Cốc là người đến trước, coi như thổ địa. Họ hiền lành, sống rất vô tư, dù thiếu thốn nhưng không than thở, khác với những người mới hay so sánh kể khổ, vì cuộc sống nơi trước khá hơn. Năm Hoàng Gia có quá khứ đáng nể, có một đoàn gần chục đứa con trai chiếm cứ xứ Bắc Đông, vì thế người ta gọi Ngã Năm Hoàng Gia? Ông ấy người thấp đậm, hay nhậu, nói chuyện tếu táo, dễ thương. Dữ ở đâu với ai chứ với mấy anh em xóm giềng thì ông Năm hay giúp đỡ. Tôi nghĩ sau này có viết lịch sử khai phá đất Bắc Đông này cũng dành đôi dòng cho Năm Hoàng Gia. Môi sinh tự nhiên ngày đó còn ngon lành lắm: cá lóc, cá trê đủ loại. Tết tát đìa nướng trui nhậu. Ngoài ra còn có chim, chuột, mật ong, đưng, bàng vô khối. Không cần làm chỉ hái lượm của trời cũng dư sống. Đó cũng là lý do tạo ra thái độ ỷ lại của dân cũ. Mấy người thổ địa nhờ vào Kinh Tè Pháp đào mà trồng trọt và dự trữ nước ngọt cho mùa khô. Cũng vì Kinh Tè mà sinh ra mâu thuẫn giữa dân mới và dân cũ…

Một buổi xế trưa, tôi vừa bước vô nhà thì bị mấy cậu thanh niên ùa vô đánh. Tôi đã phải đổ máu vì một khúc Kinh Tè, phải vào bệnh viện Mỹ Tho để điều trị. Đến nay lúc trở tiết lại đau đầu… Tôi không giận mà thương mình, thương cả những anh bạn nông nổi, liều lĩnh vì túng thiếu. Rồi đâu lại vào đấy, những người nông dân khai đất vẫn đi qua xích mích để giúp đỡ nhau. Đáng buồn là trong ban khai hoang có người chưa thương dân, lấy đất người này cho người khác y như mình có quyền quyết hết vậy! Họ bắt chúng tôi phải trồng cái này cái kia, chỉ đại chứ không phải chỉ đạo. Hai Long, bạn tôi mất đất phải bỏ về phố. Vừa rồi nghe tin ông Nguyễn Văn Loa bị xử lí kỷ luật vì chiếm dụng tài sản, đất đai, thấy tin vào luật nhân quả dù hơi muộn.

Có một chuyện phải nhắc lại để sau này đừng bao giờ lặp lại. Đó là chủ trương nhổ sạch hơn 3.000 cây khóm trên bờ Kinh Tè, để quy hoạch trồng bạch đàn! Hơn ba tháng làm sạch cỏ gừng, cỏ tranh, đi mua từng con khóm… Thế mà chỉ một ngày thành trắng tay. Chiều tháng 7 năm ấy, có một thầy giáo tập làm nông dân, đứng chết lặng, mắt nhòe, miệng đắng ngắt, không lê nổi bước chân…

Mấy năm 1990 đến 1992 lụt liên tiếp, nhiều người nản chí bỏ đất. Tôi cố gượng đến 1996, kiệt vốn, yếu sức, cũng đành cuốn dù, để bây giờ làm khách tham quan!

Chỉ có những ai đã sống chứng kiến suốt chiều dài ngần ấy năm thì mới xúc động trước sự đổi thay từng ngày của vùng ngã Năm Bắc Đông gần 20 năm qua. Và hạnh phúc cũng chỉ đến với những ai kiên trì bám trụ, biết làm ăn và chờ đợi cơ trời tiết đất.
Thực ra, ngồi ở nhà, tôi vẫn nhớ như in từng gương mặt những người còn ở lại. Không cần đến tận nơi, tôi vẫn biết được sự thay đổi theo suy đoán và qua thông tin báo chí, truyền hình. Nhưng chẳng gì bằng tận mắt và nghe cư dân vùng Bắc Đông nói chuyện.

Xe bể bánh, phải thay vỏ ruột. Anh thợ quê Mỹ Tho lên đây làm ăn hay chuyện trò cho biết:

- Đất trong đó (Ngã Năm) giờ rờ vô bỏng tay đó chú. Mấy trăm triệu một ha. Người giàu từ thành phố vô mới mua nổi!

Anh ta nói đúng nhưng chỉ một phần nhỏ. Giá trị đất đai còn ở vị thế nữa. Cao hơn hết là giá trị muôn đời cho ai gắn bó với đất, sống chết với đất. Còn tiền bạc chỉ với người kinh doanh bất động sản thôi. Tôi chợt nghĩ: Khoa học tân tiến có thể nhân bản được con người kia, nhưng đâu có nhân bản được đất đai. Không ai chế tạo ra được đất đai nên nó là vô giá! Những người đi khai hoang vì sự sống, vì khát đất chứ đâu phải để bán. Nếu thế thì lỗ thấu xương còn gì?

Đất Đồng Tháp đang nhiễm phèn nặng. Nó giống như cô công chúa bé bỏng bị mụ phù thủy phèn chua ác độc cho uống thuốc độc, ngủ mê mệt trong rừng hoang dại. Nó chờ những hoàng tử đến chăm sóc, tẩy độc, giải bùa… Cô công chúa tỉnh dậy, dần dần khỏi bệnh, dậy thì và sẽ sinh sôi hoa trái… Tôi là đại diện cho những ai nóng vội, vì yếu đuối đã bỏ cuộc, nay đến để thấy nàng công chúa ấy thức giấc!

*

*           *

Điều dễ nhận thấy đầu tiên là toàn bộ gương mặt Ngã Năm bừng sáng lên. Nó ra dáng của khu phố đô hội, trù phú. Vài chục năm nữa chắc chắn sẽ ngang và đẹp hơn Bàu Bèo, Tân Phước. Đường nâng cao rộng rãi, nền nhựa hóa, xong cầu có thể phóng xe như bay. Đường, điện, nước, trường và trạm là năm yếu tố đánh giá chất lượng của cuộc sống.

Cũng ở Ngã Năm này, 20 năm trước, vắng bóng người. Chiều chiều, sau bữa cơm, mấy anh em tụ tập ở đây chờ những chuyến ghe nổ máy đi qua để đỡ nhớ nhà. Còn chiều nay, quanh tôi đang rộn rã cuộc sống mới. Mười Rưỡi lên lầu thay cho cái chòi lá tạm bợ bên sông. Tôi tìm vào nhà chú Hai Thạo. Tên chú là Lâm Quy Thạo, nguyên phó phòng nông nghiệp huyện Cai Lậy nghỉ hưu, chuyển vào đây sinh sống. Ở tuổi 66 mà nước da vẫn đỏ đắn, sinh lực còn dồi dào. Cơ ngơi của Hai Thạo quả đáng nể: ngôi nhà thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, nội thất cỡ nhà giàu ở thành phố Hồ Chí Minh. Vườn xoài trĩu quả, ao cá như mơ ước bao người công chức lúc nghỉ hưu. Tôi đang ngồi trong ngôi nhà mơ ước này đây! Bà cụ gần trăm tuổi, vẫn tinh nhanh, đang ăn cơm chiều. Đây là minh chứng cho đất lành chim đậu, khí hậu trong lành của miền sông nước!

- Sao gia đình không ở thị trấn Cai Lậy, giàu có đầy đủ mà vào nơi xa xôi này? Tôi hỏi thật lòng vì đều cùng cảnh ngộ xa quê, tìm đất mới.

- Ngoài ấy không có đất trồng trọt chăn nuôi. Ngồi không buồn, vào đây dễ sống và vui hơn! Hai Thạo nói thoải mái, tự tin. Đây sẽ là nơi dừng chân cắm rễ đời đời của gia đình người đàn ông từng bôn ba từ Ninh Bình vào Bắc Đông. Hai chú thím vẫn tham gia phong trào xã hội. Thím Hai cho tôi xem bằng khen công tác xuất sắc cho Mặt trận ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ.

Xã Thạnh Mỹ hiện có 520 hộ, nằm ở vị trí đắc địa nhất của Ngã Năm Bắc Đông. Ngã Năm cực kỳ thuận lợi. Nó như một trái tim trẻ trung nhận dòng máu từ năm hướng đổ về! Con số năm ứng với ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Thổ và Hỏa. Nó dự báo ngày mai cất cánh vươn xa. Ở đây hội tụ ba tiêu chuẩn để lên thành phố tương lai: thiên thời, địa lợi và nhân hòa! Phùng Thị Hồng Nghĩa là cô học sinh thông minh và trầm lặng của tôi. Bây giờ là chủ tịch xã Thạnh Mỹ. Phong trào ở đây rất tốt, được UBND tỉnh tặng bằng khen: Đơn vị xuất sắc nhất. Tôi vô tình đi vào ủy ban xã và tình cờ gặp Hồng Nghĩa. Không ngờ một phụ nữ mảnh mai, ít nói mà đứng đầu một xã như thế. Quan điểm đánh giá của tôi là gặp dân, nghe dân nói, tận mắt nhìn thành quả của mỗi gia đình chứ không xem và nghe báo cáo! Nhưng bất ngờ này làm tôi hưng phấn hơn. Hồng Nghĩa đang bàn giao công việc cho Huỳnh Văn Bé Năm để lên công tác huyện Tân Phước. Qua trò chuyện biết huyện, tỉnh đang chọn Thạnh Mỹ làm xã điểm. Sao trúng tâm ý mình vậy - tôi nghĩ thầm. Thạnh Mỹ hãy làm cánh chim đầu bay lên để vẫy gọi cả đàn cò trắng cùng bay lên. 20 năm nữa, nơi đây có lẽ sẽ mang tầm vóc của thị trấn sầm uất giữa Tháp Mười đồng hoang chó ngáp…

Bên kia bờ kinh Bắc Đông là xã Thủy Đông, Thạnh An thuộc Long An. Cư dân ngoài đê bao, nơi có ngôi nhà tôi để lại làm kỷ niệm. Cùng một dòng kinh mà hai tỉnh khác nhau. Đều là tận cùng ranh giới tỉnh, đều là sơn cùng thủy tận, một thời heo hút hoang dại. Bên này có đê bao, chủ động trồng đủ cây trái, nhưng không được sa bồi. Bên kia không đê bao, trôi nổi biển trời, không trồng cây trái vì bà Thủy hay xơi bất tử, nhưng bù lại, được sa bồi năm tháng! Ở Đồng Tháp nên tập trung gia cố vài vùng cư dân, còn thì cứ để thế cho nước lũ dừng chân, để đảm bảo tính tự nhiên của sinh thái.

Ngậm ngùi nhớ lại người xưa thiên cổ. Năm Hoàng Gia ra đi mà chưa biết đất này có trồng được lúa hay thứ gì ngoài khoai hay không? Năm Trung chuyên hút thuốc rê khét lẹt để tiết kiệm vừa để… hun muỗi. Khi mai táng chẳng có một bộ đồ lành mặc cho tươm tất! Những đứa trẻ trước đây không biết chữ, chữa bệnh bằng cách tắm nước phèn. Chúng bắt rắn dễ như chộp nhái hay cào cào, châu chấu. Bé Lan đi soi cá lóc, đêm dám nhảy xuống kinh ôm con trăn rừng dữ tợn… Lớp lớn ra đi, lớp trẻ đang thành cư dân mới, không giàu thì cũng khá giả. Đất này vẫn dễ sống. Ông Mười Tươi nói chắc chắn: “Có làm là có ăn, là chắc ăn!”

Đất chẳng bao giờ phụ lòng người. Tôi trò chuyện với Bảy Mừng, Mười Tươi, Năm Nhạn, Ba Trân. Ai cũng tiếc cho việc mấy anh em chúng tôi đến khai khẩn đầu tiên, háo hức rồi lại bỏ đất ra đi.

Đất có tuần, nhân có vận. Muốn cũng không thành. Phải trì chí, bền gan, đợi thời. Hồi đó mong trồng được cây gì cho sống có bóng mát là mừng. Bây giờ, nông dân tính trồng và nuôi cây, con gì có giá để làm giàu. Khác nhau vời vợi, làm sao so sánh.

Chạy xe trên bờ kinh mát rượi bóng tràm, tôi miên man nghĩ về cư dân mới. Họ sống thoải mái trong những ngôi nhà trị giá từ trăm triệu trở lên. Xe máy, truyền hình, điện thoại,… đủ hết. Cuộc sống thực ra vẫn chưa là gì so với cư dân giàu sang ở phố lớn, nhưng đó chính là điều mơ ước của lớp người đầu tiên đặt chân khai phá! Xã Thanh Mỹ năm 1994 mới có 95 hộ tạm bợ nhà lá, nay đã có 520 hộ, trên 2.000 cư dân. Tốc độ tăng cực nhanh. Đây là minh chứng rõ nhất cho cuộc sống ngày càng đi lên. Dân đến ở nhiều dễ làm ăn. Người ta mang theo sức lực, tài sản, trí tuệ để xây dựng quê mới.

Tư Xệ mới ngoài 40 mà có một cơ ngơi bề thế. Con cái học hành thành đạt. Cách làm ăn linh hoạt sáng tạo: Làm chòi nuôi dơi để bán phân dơi và có thể xơi thịt. Thịt dơi thơm ngon như thịt chim cút vậy! Tôi thú vị về mấy cái chòi dơi của Tư Xệ. Tận dụng địa hình địa lợi quả là khôn ngoan!

Mười Tươi là cán bộ tập kết về Trung Hòa, Chợ Gạo, lên đây lập nghiệp gần 20 năm. Tuổi 76, đa bệnh tật thế mà đôi mắt sáng lấp lánh, tràn đầy niềm tin khi nói về cuộc sống hiện đại. Ông là cha của chủ tịch xã Hồng Nghĩa, kiên trì bám đất từ những ngày đầu gian khổ đến nay. Tôi hỏi ông: “Lớp trẻ bây giờ khác lớp đi trước chỗ nào
hả ông?”

- Khác nhiều lắm chứ! Mình đi khai hoang cơm nắm nước bình, lội bộ nhừ chân, tay đóng phèn phồng rộp, khổ hết biết… Bây giờ phóng xe máy ào ào, đi guốc cao gót, tay búp măng, việc nhẹ nhàng như chơi!

Xung quanh nhiều cô gái da dẻ hồng tươi, đang cười vui tíu tít… Hồi tôi đến, vắng những đóa hồng. Khâu đào bờ bao, lên liếp, xẻ kinh mương đã xong rồi. Lao lực đã giảm, bây giờ tăng cường hàm lượng trí tuệ, tính toán sao cho khéo, chứ không như trước chủ yếu là đào đất hao tổn sức lực, ăn uống kham khổ, người cứ vêu vao, khô đét đi.

Lịch sử Bắc Đông đã lật sang trang mới mà người viết tiếp là tuổi trẻ năng động, giỏi giang và thông minh.

Người nông dân Tiền Giang có trình độ canh tác giỏi. Người đến đâu, màu xanh đến đấy. Đất đang nở hoa dưới bàn tay cần cù của họ. Đất là của nông dân. Những người như tôi nên nhường đất cho nông dân thực sự. Vì chỉ có nông dân mới yêu đất như máu thịt. Họ không định giá đất bằng tiền mặt. Họ như cây tre, cây tràm, cây đước cắm rễ vào đất mẹ, đời tiếp đời gắn với đất đai. Những Hai Thạo, Bảy Mừng, Mười Tươi, Hai Bắc… là vậy. Họ như Hạng Vũ phủ trầm châu quyết thắng. Đã đến là ở, sống chết, vui buồn với đất Tháp Mười. Vì thế mà họ xứng đáng được như bây giờ.

Cây khóm là cây trồng chủ lực ở đây. Nhờ đê bao, chủ động được nước tưới. Cứ 18 tấn 1 ha giá 18 triệu trở lên. Đường tốt, thương lái không ép được giá như trước nữa. Khóm bây giờ đang ngọt lại. Cây tràm tạm thời rớt giá. Nhưng đừng vì đồng bạc trước mắt mà chặt phá rừng tràm. Cây tràm ở đây như cây thông Đà Lạt. Đà Lạt sẽ thế nào khi chặt hết thông? Tràm tạo ra sự cân bằng sinh thái của Đồng Tháp Mười. Nó nuôi chim, ong, trăn, rắn, cá mú… và cải tạo đất. Chặt phá dễ nhưng trồng lại khó. Tôi dẫu đi đâu vẫn nhớ mùi tràm, hương tràm. Hương tràm là hương tóc thiếu nữ Tháp Mười.

Khoai mỡ vẫn là cây làm giàu của xứ này. Với năng suất 17 tấn 1 ha sắp lên, giá dao động từ 3-6 ngàn đồng 1 kg, một năm nông dân cầm chắc trên 50 triệu đồng 1 ha. Dỡ khoai xong, tận dụng phân bón tồn dư, đất tốt có thể trồng đậu, bắp, dưa hấu… khai thác tối đa liếp khoai. Khoai mỡ thủy chung với nông dân. Lớp đất mùn tích tụ ngàn năm hợp với khoai, họ củ nói chung. Hai Bắc là vua khoai. Ông ấy chăm khoai như mẹ hiền chăm con vậy! Tôi định gặp ông để hỏi xem: “Này, vua khoai ơi! Có thể làm giàn cao 7 tấc cho khoai leo để trồng dày hơn, tăng cường sự quang hợp của lá, đẩy nhanh độ tổng hợp tinh bột, phòng chống mốc ẩm và sâu bệnh… được không?”

Một người vẩn vơ mà dám đề đạt với bậc thầy trồng trọt? Nhưng cái gì cũng phải cải tiến nếu chủ quan ỷ vào thói quen kinh nghiệm thì làm gì có cách mạng?

Màn đêm đã trùm lên Ngã Năm Hoàng Gia - Bắc Đông. Không thể xuống Tân Hòa Đông thăm và trò chuyện với “vua khoai” Hai Bắc. Tôi phải về thôi. Cuộc lội ngược dòng này đã làm tôi vơi đi kỷ niệm đắng cay. Trái khóm trong tôi đang ngọt lại dần. Ngoái lại nhìn vùng sáng lấp lánh ánh điện của Bắc Đông, tôi nghĩ thầm: “Một ngày nào đó tôi lại trở về với thành phố ngã năm sông!...

Nguyễn Thanh Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 368
  • Khách viếng thăm: 367
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 67626
  • Tháng hiện tại: 1709039
  • Tổng lượt truy cập: 48083166