Người xứ Mỹ Tho

Đăng lúc: Thứ ba - 11/05/2010 15:46
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tôi không sinh ra và lớn lên ở Mỹ Tho, tôi vốn người ở Gia Định thành, nơi có lăng ông Lê Văn Duyệt người lững lờ giữa công và tội của thời Nguyễn, có cây cầu Kinh nổi tiếng là nơi thủ tiêu các chiến sĩ cộng sản thời Diệm, thời Thiệu và bây giờ, cái nền nhà của tôi vẫn còn đó lại được mang cái biển số Phường 27, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi đến Mỹ Tho chỉ để học cho được lớp Đệ Thất của trường Nguyễn Đình Chiểu - một trường rất có tiếng cũng là điều dễ hiểu, chị tôi có chồng là người Mỹ Tho và tôi rất lấy làm thú vị cường điệu với người khác khi tự nhận mình là… người Mỹ Tho!

Với tôi, cái thành phố thầm lặng này là nơi tôi đã có nhiều kỷ niệm đầu đời nhất, nó rất đẹp, đẹp một cách quý phái như vẻ đẹp của một cô tiểu thư khuê các, vừa đẹp mà lại vừa có vẻ buồn buồn thế nào ấy.

Nhà tôi ở trong một con đường nhỏ và thầm lặng, một ngõ vắng không tên, ở đó tôi có cô bạn học tên Hòa, một cái tên con trai mà sao lại có trái tim rất là con gái… Năm đó, tôi mười lăm và Hòa, cô bạn người Hà Nội của tôi mới mười ba, đó chính là mối tình đầu của tôi.

Vào những năm của thập niên 60, Mỹ Tho còn rất nhiều cây phượng vĩ, chỉ trong sân trường Nguyễn Đình Chiểu đã có đến ba gốc phượng, vào hè trong tiếng chuông nhà thờ buồn bã gần đó vang lên mỗi chiều, tôi ngồi trên xe đạp để nhìn hoa phượng đỏ thắm sân trường. Trên đường Hùng Vương, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Trung Long vừa phượng vừa me, mát rượi như ở trong khu rừng ôn đới!

Buổi chiều tôi hay đứng dưới mấy cây me cổ thụ gần khu Tòa án ngóng nhìn lên, mấy anh bạn nhỏ “bụi đời” của Mỹ Tho đang hái me chín, những quả me chín nhẹ tênh, vỏ giòn như bánh tráng rơi xuống là phần của… tôi. Con người thời đó hình như còn nhiều tình cảm hơn bây giờ gấp bội, mấy người bạn nhỏ trên cây nhìn tôi lượm me với nụ cười dễ thương đồng cảm. Coi vậy chứ giữa tụi tui cũng có cái luật bất thành văn là me rụng tự nhiên ăn thoải mái nhưng tuyệt đối không được bỏ túi mang về!

Món ăn Mỹ Tho nổi tiếng là hủ tiếu Mỹ Tho, so với hủ tiếu Nam Vang, tôi dám cá một ăn mười là “anh Nam Vang”… ở lại! Hủ tiếu Mỹ Tho sợi bánh vừa dai mà lại vừa giòn, nước lèo thì ngọt lịm mùi tôm, mùi mực, trên tô trang trí hai cục xương mềm rụm với mấy lát thịt nạc trắng như bông bưởi có thêm chút nhụy mầu đỏ của mấy lát ớt sừng… Chao ôi! Tô hủ tiếu Mỹ Tho đúng là… “danh bất hư truyền”.

Với tôi, buổi sáng đi ngang con đường Tòa án, thẳng qua Cầu Quay, rẽ trái ghé quán hủ tiếu chị Lùn là một buổi sáng tuyệt vời để bắt đầu cho một ngày tất bật!

Mỹ Tho cũng có phở, món ăn sáng của người Hà Nội, quán phở đối diện với Công viên Bến xe cũ bây giờ là nơi tập trung đa phần khách ăn sành điệu của “Hà Nội, băm sáu phố phường” như nhà văn Thạch Lam đã từng mô tả.

Hình như, Mỹ Tho kỷ niệm thời thơ ấu của tôi luôn luôn là những đêm mưa phùn, mưa không to, không xối xả mà cứ mưa nhè nhẹ, ngọn đèn đường mầu vàng cứ chao đảo theo từng cơn gió nhẹ… Có tiếng gõ lốc cốc của hai thanh tre già, a, đó là xe mì gõ của chú Xưng, chú là người rất thân với tôi, tô mì hoành thánh mà chú bán cho tôi luôn có đến hai miếng bánh tôm chiên giòn và một miếng khô mực. Ngồi nép vào mái hiên nhà ai đó đã đóng cửa sớm mà húp sì sụp tô mì gõ quả là một điều thú vị trong tiếng mưa đêm và tiếng còi tàu vọng về từ bến phà Rạch Miễu.

Mưa đêm Mỹ Tho không thể thiếu chiếc xe bán mía hấp của chị Lì, nguyên một khúc mía dài nửa mét, được rút ra từ cái nồi hấp bốc khói dưới ánh sáng của ngọn đèn khí đá vừa thơm mùi lá dứa, lại vừa ngọt mùi đường phèn, bàn tay chị thoăn thoắt, chặt thành từng lóng, loại bỏ mấy khúc mắc và… ấm áp biết bao khi vị ngọt của viên mía tan nhẹ trong cổ họng!

Nghe nói, vào những năm thập niên 40, một ông công chức ngành Bưu điện mà hồi đó người ta vẫn thường gọi là thầy Ký Nhà Dây Thép “từ miền Bắc đã đến Mỹ Tho để nhận việc… và đó chính là nhà thơ Xuân Diệu, người đang làm cuộc cách mạng thi ca của Thơ mới như Hoài Thanh Hoài Chân nhận định.

Tôi cứ tưởng tượng ra hình ảnh một trí thức Tây học lịch sự nói đúng chuẩn giọng Hà Nội nhẹ nhàng với sơ mi cà vạt, giầy da cồm cộp trên vỉa hè Mỹ Tho với mái tóc bồng đang đứng dưới cây phượng của Công viên Lạc Hồng mà nhìn sang cồn Rồng! Đó là Xuân Diệu và mấy tháng sau Mỹ Tho lại tiếp thêm một nhà thơ nổi tiếng: Cù Huy Cận!

Rạp Định Tường nằm trên con đường có quá nhiều quán kem và chuyên chiếu phim mới của Holywood, đình đám nhất là phim Fanny và phim Hình sự gì đó có Alain Delon. Khách giải trí mê cải lương thì đã có rạp Viễn Trường bên kia Cầu Quay, bọn nhóc nhỏ tụi tui thì chỉ thích nhìn Thành Được mặc đồ pi-gia-ma mặt không son phấn ngồi ăn hột vịt lộn với Út Bạch Lan trước khách sạn Minh Cảnh!

Chỗ học bài lý tưởng nhất của tôi chính là… nghĩa địa giếng nước!

Bây giờ thì khang trang lộng lẫy chớ thời ấy chỉ là một nghĩa địa buồn, trong đó có cả một cái mả của một ông Tây nào đó mà tôi khoái leo lên ngồi học bài vì có cái mái che bằng xi măng.

Buổi chiều, bốn giờ thì xe lửa từ Sài Gòn xình xịch chạy vào ga gần đó, đó là tôi nghe người lớn kể lại cái thời “một ngàn chín trăm hồi đó” chớ cái thời nhóc tí của tôi, đi Sài Gòn người ta vẫn thường đi bằng phương tiện “Xe lô Minh Chánh” có mấy ông tài xế bận đồ bà ba nâu trên đầu có “củ tỏi” hay còn gọi lá cái “Xi-nhông” đích thị là đệ tử của ông Đạo Dừa! Giá vé mỗi người đúng ba chục đồng!

Nói về cái ông Đạo “Bất chiến tự nhiên thành” này là lu bù điều kỳ lạ, nghe nói ổng không cơm nước gì ráo mà chỉ ăn dừa… tôi vốn là thằng nghịch ngợm và hơi cẩn thận cứ lo hoài cho cái đường ruột của ổng mà không dám nói ra.

Chợ Hàng Bông ở trước công sở xã Điều Hòa ngày ấy chỉ là một ngôi chợ nhỏ, đối với tôi, trong kí ức vẫn nhớ hoài cái gánh bông cỏ của dì Ba, chao ôi, chỉ vài ba “cú” hớt của dì Ba trên mặt chậu, cho mấy muỗng đường nước rồi xịt thêm mấy giọt dầu gì đó. A! Dầu chuối! Thơm phức là tôi quên hết mọi thứ trên đời.

Và... thế là tôi trở thành “người Mỹ Tho”, với tôi dù bao nhiêu thay đổi Mỹ Tho vẫn luôn là một quê hương dịu ngọt đậm đa. Với bề dày hơn 300 năm, thành lập chỉ sau Sài Gòn không bao lâu, Mỹ Tho vẫn được xem là một vùng đất địa linh nhân kiệt không những bằng những chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút mà còn là nơi sản sinh ra những anh hùng và những nghệ sĩ… bậc thầy. Ôi! Thân thương biết mấy, Mỹ Tho của tôi.

Thảo Bích
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 421
  • Khách viếng thăm: 418
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 16077
  • Tháng hiện tại: 1881856
  • Tổng lượt truy cập: 48255983