Người bám trụ lập nghiệp ở đất phèn chua

Đăng lúc: Thứ năm - 29/04/2010 15:01
Người bám trụ lập nghiệp ở đất phèn chua

Người bám trụ lập nghiệp ở đất phèn chua

Tên ông già 84 tuổi ấy là Phạm Văn Pheo. Trước ở xã Tân Hòa Đông còn giờ thuộc xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Pheo là cây tre - tiếng miền ngoài đó. Tên quê kiểng vậy. Mà bụng dạ, tính nết ông cũng như loài tre: “Rễ siêng không sợ đất nghèo. Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù” và lao động chắt chiu vì con cháu “có manh áo cộc tre nhường cho con”…

Người ta quen miệng gọi ông là Hai Bắc. Từ đó cái tên thật đi vào ẩn dật luôn. Tây Nam bộ có thói quen ăn nói tuềnh toàng. Tên cha sinh mẹ đẻ của người ta không cần biết, cứ gọi đại theo thói quen. Mới đầu tự ái nhưng lâu rồi cũng thấy hay hay dễ nhớ dễ thương luôn! Với nông dân, tên gọi không quan trọng miễn người đó uy tín, sống trọn tình vẹn nghĩa lối xóm là được.

Tôi ngồi uống trà cùng ông ngay giữa ngôi nhà khang trang (Hơn 30 năm gom góp, ông mới xây cất được). Ông nói:

- Hồi mới vô đây, mấy cậu thanh niên gọi tôi là “ông Bắc k.  ăn cá rô cây!” Bực mình, tui nói: “Nè, tôi tên họ đàng hoàng nghe”. Mấy anh cán bộ xã kêu tụi nhỏ lên răn dạy, biểu thưa chú Hai lễ phép. Tôi nói giọng xứ Bắc xa lạ so với trong vùng nên tụi nó cứ gọi chữ “Bắc” để phân biệt với những thứ hai khác. Mà vậy cũng được. Lên huyện Châu Thành hay ra ngoài tỉnh cũng mang danh Hai Bắc luôn. Anh Bắc, chú Hai Bắc và giờ là ông Hai Bắc… Tui vẫn vậy chớ khác chi?

Quả thực, hơn nửa thế kỷ phiêu bạt khỏi Hải Dương, làm nghề lái xe ở Sài Gòn, rồi về đây làm nông, toàn chung sống với dân Nam bộ, ông vẫn giữ đặc giọng quê mình. Tôi biết danh ông từ năm 1987. Hồi vô khai hoang ở ngã năm Bắc Đông, lên liếp, trồng khoai chưa rành, tôi lại tìm “đại ca” Năm Hoàng Gia và Hai Bắc. Hình ảnh ông mặc bộ áo nâu, tay xách cuốc, tay xách bình nước đen nhẻm khói tràm, cần mẫn lật đất nhặt từng cọng cỏ gừng cỏ sậy, mồ hôi đầm lưng, đôi mắt hiền từ, giọng nói chậm rãi đã in sâu trong tâm trí tôi. Không nhậu nhè, không hút thuốc chỉ làm quần quật suốt ngày, ông đối lập với Năm Hoàng Gia. Ông Năm thấp đậm, mắt xếch dữ tướng. Đám nhậu nào cũng có mặt. Vừa uống đế vừa đốt thuốc khét lẹt, hoa tay tuyên bố dứt khoát:

- Đất phèn tổ cha này trồng trọt chi được? Mình hết nó không hết. Tụi bây cắt bàng đưng bán, săn chuột, bắt rắn, hứng cá lấy tiền mua gạo, nước mắm vẫn sống khỏe!

Năm Hoàng Gia và Hai Bắc vô đây gần như cùng lúc. Tuổi tác cũng sàn sàn. Nhưng lối sống xung khắc như nước với lửa. Năm Hoàng Gia với tám con trai chuyên săn bắt hái lượm chim trời cá nước. Dấu chân tới đâu, chủ quyền tới đó. Ai đến sau phải xin phép. Nếu không thì xử theo luật rừng. Người ta kể: ông Năm từng chém hai người. Lúc tôi lên thì vị trí “độc tôn” của ông suy giảm. Bởi có thêm Sáu Vĩnh, Sáu Khánh, Hai Mỹ Tho… Mạnh rồi yếu, đè người thì người ép lại. Ngạo ngược và sức mạnh cơ bắp hù dọa kẻ yếu bóng vía như gió nước ào qua. Chế ngự và thuyết phục người chỉ có lẽ phải và từ tâm? Cái này thì Hai Bắc có trong lòng. Ông tin vào đất: Mình phụ đất chứ đất không bao giờ phụ mình! Ông tin vào bàn tay lao động kiên trì. Của phù vân, chim trời cá nước săn bắt mãi cạn kiệt. Của cải do bàn tay gieo trồng chăm sóc từ đất đai sông nước mới bền lâu.

Điều đó thấy rõ như ban ngày. Nhà ai chịu khó gieo trồng, sống “thâm canh”, từ từ mà đến thì gần như giờ này đều giàu lên thấy rõ. Nhà chú Mười Tươi, Mười Mao, Bảy Mừng, Ba Mỹ, Hai Ngầu, nhà anh Trần Văn Lữ, Lê Việt Hà…, đang sống rất phong lưu.

Hướng đi, cách sống, cách tổ chức sản xuất gia đình quyết định đích đến. Còn nhanh chậm thì tùy sức, may rủi và vốn liếng ban đầu của mỗi người. Ông Hai chưa phải giàu sang nhất vùng. Nhưng chí kiên trì bám trụ đất xếp vào hạng nhất xứ. Một ngày cuối tháng 11 năm 2009, tôi gặp anh Thọ phó chủ tịch xã Thạnh Tân. Anh Thọ nói:

- Gia đình ông Hai kinh tế vững mạnh và văn hóa gia phong nổi bật cả vùng này. Ông xứng đáng lưu danh, xứng đáng được sách báo tôn vinh lắm chứ!

Gặp chủ tịch xã Tân Hòa Đông Lê Hoàng Tuấn cũng nói thế. Ra huyện, Phùng Thị Hồng Nghĩa cũng khen:

- Chú Hai thương bà con, tham gia phong trào từ thiện vì người nghèo nhiệt tình lắm đó thầy! Mấy năm trước, chú lên Sài Gòn nhờ mạnh thường quân ủng hộ tiền bắc cầu qua kinh Bắc Đông cho bà con đi lại. Nếu có nhiều người như chú thì vùng này phát triển nhanh biết mấy?

Uy tín, lời nói của Hai Bắc còn thấy ở ngân hàng nông nghiệp. Hễ ông đến vay là cán bộ tín dụng kí ngay không căn vặn nọ kia. Vì vay trả đúng hạn không dây dưa. Hứa gì chắc đó mà. Tính ông vốn vậy.

Hai Bắc sinh năm 1925, tại Hải Dương, vùng gốm sứ và học hành khoa bảng nổi tiếng. Hai vợ chồng cùng quê. Năm 1955, cả nhà di cư vô Sài Gòn làm ăn (không phải vì chính trị). Ông học chữ Hán lẫn quốc ngữ nên thấm cái đạo thánh hiền Khổng Tử. Mới đầu ở gần trường Pháp- Hoa, quận 5. Sau đó về gần trường đua Phú Thọ. Có nhà cửa đàng hoàng. Ông lái xe taxi nuôi vợ và 7 đứa con. Kinh tế chật vật, sống đấp đổi qua ngày. Giải phóng miền Nam, ông lái xe cho đoàn kiểm soát quân sự được 6 tháng. Tháng 11/1975, UBND TP Hồ Chí Minh vận động các hộ dân đi nông trường Lê Minh Xuân, Cần Giờ, các tỉnh Tây Nguyên, xuống Đồng Tháp Mười xây dựng kinh tế mới nhằm giãn dân, điều hòa dân số. Gia đình ông được đưa xuống Tân Hòa Đông cùng với 53 hộ nữa.

Hai Bắc trầm ngâm nhớ lại: Xe thành phố chở các hộ gia đình xuống chợ Bà Bèo, ở đó 15 ngày nghỉ lấy sức. Tiếp theo là hành trình bằng xuồng vô ngã năm Bắc Đông. Đến đây kể như cụt đường. 53 gia đình lỉnh kỉnh mang vác lội bộ chừng 4 km nữa mới tới Tân Hòa Đông. Nắng chang chang, hơi phèn xộc lên ngộp thở. Người khô rang, uống nước liên tục. Nước mưa mang theo lúc này ngọt mát làm sao, quý giá làm sao! Nhà nước cất cho mỗi hộ một chòi lá sát bờ kinh, cho cái lu hứng trữ nước ngọt. Mỗi khẩu 10kg gạo/1 tháng. Nhà ông 9 khẩu cộng cũng xem xém 1 tấn rồi ít gì? Hồi đó đói quay đói quắt khắp nước. Nhà nước hỗ trợ bấy nhiêu là chu đáo quá rồi còn đòi hỏi gì hơn nữa? Ở phố ăn hai ba chén vừa no, ở đây nước phèn sắc lẻm ăn hao cơm. Mỗi bữa năm bảy chén còn thòm thèm. Cơm với khô quẹt chấm rau má, đọt chạy vẫn ngon!

Lọt vô đồng chó ngáp như một thế giới riêng biệt. Vây quanh là rừng tràm, năn bàng lác đưng bạt ngàn. Gió chướng ào ào. Đồng rộng mênh mông. Trời cao xanh bát ngát. Con người như hạt bụi tí ti. Mặt trời dậy sớm và ngủ muộn. Nhá nhem, lũ muỗi thổi sáo vi vo. Muỗi như trấu. Ăn cơm sớm nếu muộn thì phải vô mùng. Muỗi bu cắn cả cá lóc thò đầu lên bờ, cắn cả gà trụi khi lông chưa kịp phủ khắp mình. Muỗi, chuột, rắn hổ ngựa nhiều lắm. Trời nắng, rắn chui vô gầm giường phát hoảng! Cơm chiều xong, ráng vàng phía tây rải xuống đồng phèn là lúc nhớ thành phố vô kể… tụi tui trồng khoai mì, khoai lang, mía đường chuẩn bị lương thực tự túc sau khi hết cấp phát. Về mùa khô nhìn ngon ăn lắm. Nó bằng phẳng, tơi xốp, không phân tro gì cây cứ tốt bời bời. Nhưng mà vô mùa nước nổi thì ôi thôi… Trước khi đi kinh tế mới, 53 hộ đều viết cam kết: định canh trên đất mới, không được tự tiện bỏ về thành phố. Tui cũng viết thề không quay lại. Cái nhà bán rẻ để cầm chút vốn phòng thân. Nhưng cam kết ư? Nó chỉ là tờ giấy mỏng manh đâu giữ nổi người ta chịu đựng với nơi này? Túng thì phải tính…

Đầu tiên là thiếu gạo. Đói. Tiếp theo là thói quen sống thành phố nhàn hạ. Lười. Xa nơi chốn cũ. Nhớ. Cuối cùng là mùa nước nổi. Ngập láng te! Vài hộ lén trốn đi. Vài năm sau, 50 hộ biến mất. Còn 3 hộ.  Tôi hỏi:

- Có phải Hai Ngầu nhà lầu rất đẹp gần đây đã cùng cầm cự đến cùng với ông hay không?

Hai Bắc gật đầu: Phải, tôi nghĩ họ giống chiến binh còn lại sau trận đánh lâu dài và khốc liệt.

Một cuộc sàng lọc sòng phẳng và lạnh lùng của trời đất. Nó nghiêm khắc hơn hết thảy cuộc “thi tuyển dụng công chức” bây giờ... Người như ông, miệt Đồng Tháp này chỉ đếm đầu ngón tay! Tôi và những người bạn cũng thèm khát đất đến làm chừng năm phải chạy về phố kiếm ăn. Đất bị huyện đội thu hồi. Giận quá tìm đến Sáu Lập (trưởng ban khai hoang) thưa. Ông thông cảm nhưng vẫn mắng:

- Mấy đứa bây nói dài dài tao thấy sai rồi! Kinh nghiệm là ai nói nhiều thì ít làm và có vấn đề… Tại sao không trồng bạch đàn hay tràm gì để chứng minh đất của mình? Liếp đào xong nằm đó, cây trồng tự lớn đâu cần cho ăn? Ai dám chiếm?

Sáu Lập nói đúng. Đất khai hoang như vợ chưa hôn thú. Bỏ đi quay lại họ “cưới” mất toi, đòi gì được? Người ta nói: Thà sống vỉa hè bán hàng rong ở thành phố cũng còn hơn ôm hàng chục mẫu đất phèn chua Tháp Mười! đúng sai khó biết. Nhưng con cá lội ngược dòng mới là cá khỏe cá khôn. Hai Bắc và Hai Ngầu lặng lẽ chứng minh bằng cơ ngơi bề thế khang trang nơi này. Nhà mặt tiền đường nhựa thẳng băng. Kinh Bắc Đông tàu ghe tấp nập. Phía sau nhà là hàng chục mẫu đất khóm khoai xanh ngát. Muốn đi đâu thì lên xe máy phóng tới. Chẳng phải hỏi hẻm này ngách nọ, số nhà bao nhiêu. Nhiều người mơ cũng không được! Chuyện đời ông Hai chắc viết đến tiểu thuyết mới đủ.

Bà Hai ngồi lựa khoai giống sát bên. Cơ thể héo như trái táo khô. Ánh mắt hiền từ. Bà chỉ cười rất ít nói. Miếng đất nhỏ thiêng liêng của ông Hai đó! Bà sinh cho ông bảy người con, ba trai bốn gái khỏe mạnh và hiếu thảo. Đứa nào cũng thành gia thất chăm chỉ làm ăn. Cứ tính mỗi người 10 mẫu thì đại gia đình ông cũng có trên 70 mẫu. Đất đai vô giá. Bao nhiêu vàng đây? Xài mấy đời mới hết? Mà mỗi năm mỗi sinh sôi. Dù trước mắt còn truân chuyên vất vả, tương lai gia đình bát ngát một màu xanh. Nhất thì hay chữ nhì thì giữ đất... Đất là tài sản ông trời ban tặng. Con người không chế tác được! Con đường tìm đất của ông tuy lận đận lao đao mà đúng hướng. Dòng ai thông minh thì ráng học làm tiến sĩ. Nhà mình chưa giỏi thì tạm bám đất phèn. Sau này con cháu học hành đỗ đạt… Mải mê chuyện tôi quên đi việc ông là người đầu tiên rước cây khoai mỡ về vùng này. Ông trăn trở tìm kiếm cây gì thay cây mía thất thu bấp bênh. Một lần bơi xuồng sang Bến Kè, Long An, thấy dân bên ấy trồng trúng to. Thế là ông mua về trồng thử. Đất mới mùn xốp, đào lên lủ khủ như lũ heo con xếp hàng đàn! Mừng ghê nơi! Ông nhân rộng ra. Bà con học theo. Hai Bắc tận tình hướng dẫn. Tân Hòa Đông trở thành vùng khoai mỡ nổi tiếng. Cây khoai xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho bà con. Nhà báo Đậu Viết Hương đã viết “Vua khoai”. Quả đúng vậy. Bây giờ nhiều nhà trồng thu hoạch cả trăm tấn tiền tỉ. Nhà ông xuống chưa tới mười ngàn mặt giống mỗi vụ, chẳng đáng kể. Nhưng chăm chút cưng nựng khoai như chăm chút bé yêu của mẹ thì chỉ có Hai Bắc! Vì thế ngôi nhà của ông là ngôi nhà xây kiên cố đầu tiên vùng này. Mà cũng chiếm kỷ lục: xây lâu nhất hơn 10 năm mới xong! Do nửa chừng hết …tiền! Vua khoai xây nhà nhờ khoai. Ai cũng đồn, cũng phục.

Tham gia tập đoàn sản xuất, công tác xã nhiều năm. Không lương, không chế độ hưu, kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Tôi xem hơn 35 cái giấy khen, bằng khen của ông. Không tiền nhưng cấp ủy chính quyền đã ghi nhận công lao bậc lão nông tri điền này. Nó là nguồn sức mạnh tinh thần tiếp sức cho ông sống tiếp tuổi già thanh thản thong dong…

Bất chợt tôi nghĩ tới Mai An Tiêm bị đày tới đảo hoang, nhờ chim mà tìm được giống dưa đỏ ngọt ngào... Phạm Văn Pheo có phải là Mai An Tiêm trong cánh đồng chó ngáp? Mai An Tiêm giữa đời khốn khó không nhỉ? Đáng lắm chứ! Chỉ khác là một người bị đày ải còn một người tình nguyện ra đi. Và, khác nữa: Mai An Tiêm trở về đất liền sau lưu đày, còn ông lại là người cuối cùng bám trụ thủy chung với đất phèn chua, lập nghiệp sáng danh và hòa vào mảnh đất cực kì gian khổ!

Ông già tóc bạc bình dị ngồi đó. Đất thì lại đang trẻ, bắt đầu sinh sôi hoa trái nuôi đời. Ba mươi tư năm gắn bó. Mỗi ngày ông tưới cho đất một lít mồ hôi. Tính ra sẽ là 12.410 lít cái chất mặn chát như keo kết dính người với đất! Ân nghĩa như vợ như con cái ruột thịt. Bí quyết nào giúp ông và cả gia đình bám trụ kiên trung nơi này?

Mãi sau này tôi mới nghĩ ra.  Đất lặng thầm nhưng biết chọn người chân thật cần cù, làm lụng nhiều nhưng ít nói. Nói dối với đất, làm qua loa chiếu lệ với nó thì nó đuổi anh đi! Bây giờ người ta lừa lọc dối trá nhau  nhiều lắm mà cũng chẳng sao… Nhưng với đất này thì không thể. Ông nhắc tôi chấm dứt chuyện để đi đâu đó có vẻ gấp lắm? Lại công việc. Tám tư rồi vẫn không nghỉ ngơi ư? Hai Bắc lại đạp xe đi giữa trưa nắng chang chang. Tôi dõi theo bóng ông mất hút trên đường bạch đàn rì rào gió…

Cái ông để lại chưa phải cây khoai hay tài sản cho con cháu. Cái lớn nhất của ông là gieo hạt giống gia đình văn hóa, lối cư xử, cách chung sống với đất với người. Chẳng văn chương nào mà chép nổi. Chỉ có màu sắc cảnh vật, đời sống thực nơi đây mới ghi nhận đầy đủ cái tình, cái công của những người như Hai Bắc chăng? Có thể phải đợi thêm vài thập niên nữa nó mới hiện rõ... Khi hình hài tan vào đất, tinh anh vẫn sáng lấp lánh. Ông là cây tre hồn Việt hành trình ngàn dặm mọc thành xóm làng ở mảnh đất nghèo nhất nước. Nó lặng thầm sinh sôi, ít ai biết đến. Nhưng tự nhiên một ngày nào đó, người ta chán đồ nhôm nhựa lại tìm về tre pheo thân thiện ngày xửa ngày xưa, ông bà vẫn dùng.

Nguyễn Thanh Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 68
  • Hôm nay: 16211
  • Tháng hiện tại: 297325
  • Tổng lượt truy cập: 67271816