Tháng tư, về lại chiến trường Tây Nguyên

Đăng lúc: Thứ hai - 17/11/2008 13:21
Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang chụp hình lưu niệm tại thuỷ điện Ialy

Đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang chụp hình lưu niệm tại thuỷ điện Ialy

Theo lịch trình chuyến đi thực tế của đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang, sau khi tham quan một số thắng cảnh, địa điểm cuối cùng mà chúng tôi dừng chân ở Tây Nguyên là Thủy điện Ialy (Gia Lai). Đây là công trình thủy điện được xây dựng trên sông Sê San, một con sông lớn ở Tây Nguyên, là công trình trọng điểm quốc gia, lớn thứ hai sau thủy điện Hòa Bình, với công suất 720MW và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ Kwh. Sau khi được ngắm nhìn những đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, chúng tôi sẽ quay trở về "thủ phủ Tây Nguyên", thành phố Ban Mê thuộc, để từ đó ngược lên "Đà Lạt ngàn hoa", kết thúc chuyến tham quan một phần "Con đường xanh Tây Nguyên".
Thế nhưng, buổi sáng khi sắp khởi hành từ thành phố Plei - cu đi Ialy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đến Tây Nguyên mà không tới Kon Tum là coi như mới chỉ biết hai phần ba Tây Nguyên. Mà từ IaLy đến Kon Tum chỉ vài chục cây số. Với hầu hết thành viên trong đoàn đây là lần đầu được giáp mặt Tây Nguyên, ai cũng háo hức khám phá. Và một trong những địa danh làm nức lòng chúng tôi là Ngã ba Đông Dương, nơi "một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe", cách thị xã Kon Tum 80km. Riêng tôi, trong chuyến đi Tây Nguyên cách đây hai năm, vội đến Kon Tum rồi đi trong vòng không tới 24 tiếng đồng hồ, tôi đã không kịp đến địa danh lịch sử này với niềm luyến tiếc không nguôi về cảm giác "biên tái" mà tôi đã tưởng tượng ra trong một chiều mưa ở núi rừng biên giới.

Thế là trực chiến Kon Tum, trực chiến Ngã Ba Đông Dương. Hai bạn thơ Tạ Văn Sỹ và Hoàng Việt đón ở thị xã, cùng đi với Đoàn. Dọc đường gập ghềnh, xe lắc lư theo từng khúc ngoặc, từng đoạn dốc, trong cái nắng và những cơn gió mùa cao nguyên, giọng thuyết minh trầm ấm có phần tếu táu nhưng đầy ấn tượng của nhà thơ Tạ Văn Sỹ đã dẫn dắt chúng tôi về với miền Kon Tum, vùng đất nằm ở phía Bắc Tây Nguyên nơi điều kiện tự nhiên đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Chỉ trên nền đất mẹ granít, bazan, nhưng với tích tụ phù sa sông suối, nhiều mùn tơi xốp, đất Ferlalít ở Kon Tum có nhiều loại, phân bổ trên các vùng khác nhau. Trong các loại đất đỏ, đất Feralít nâu đỏ phát triển trên nền đất Bazan không nhiều, nhưng có độ phì tự nhiên cao chiếm trên những vùng đồng bằng rộng thích hợp cho việc trồng cao su, cà phê... Đất xám phát triển trên đá granít, nằm rải rác dọc theo các thung lũng của các sông Krông Pô Cô, Đăk Bla, Đăk Pxi, H'drâng, Đăk Pne và nhiều suối lớn nhỏ... rất thích hợp cho trồng lúa, màu, đậu…

Nhưng hấp dẫn nhất phải kể đến rừng. Dù đã bị phá bỏ nhiều, nhưng đến nay, Kon Tum là tỉnh có thế mạnh lớn nhất là rừng. Rừng Kon Tum rất đa dạng, phong phú về động, thực vật quý hiếm. Hiện nay đã biết được trên 1.200 loài thực vật bậc cao với nhiều loại cây gỗ quí như: trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, gụ, bạch trùng, thông tre, trầm kỳ, nhựa thông, dầu rái, mây, song, các loại lá làm men nhựa, cây làm nước xá xị... Động vật rừng nguyên sinh có nhiều loài quý hiếm có tên trong danh sách đỏ Việt Nam như: bò rừng, bò tót, hoẵng, trâu rừng, nai trâu, sóc bang, trĩ công, sao, gà... mặt đỏ... Qua cửa kính xe, chúng tôi ngắm nhìn những dãy dừng nguyên sinh được bao bọc bởi những vuông tràm, tiếc nuối vì không có thời gian để ghé qua.

Nhưng anh Sỹ không để cho sự tiếc nuối của chúng tôi kéo dài . "Chúng ta sắp qua dốc Đầu Lâu, hay còn được gọi là điểm Cao 601". Theo anh Sỹ, dốc Đầu Lâu thật ra là tên gọi dân gian mới có từ sau ngày xảy ra chiến sự tháng 4 năm 1972 giữa quân cách mạng và quân địch. Người Ba Na vùng này gọi địa danh đó là Kon Loong Phă, có nghĩa là dốc có nhiều cây Trắc và Điểm cao 601 là thuật ngữ quân sự gọi cứ điểm quân sự của địch trên đồi K'Rang Loong Phă. Cho đến đầu năm 1972, điểm cao vẫn là một chốt điểm quân sự quan trọng của địch, gồm có trận địa pháo binh và xe tăng được bố trí trên hai mỏm đồi hình yên ngựa. Phía Bắc có đồn Bảo an Hà Mòn do tiểu đoàn Bảo an số 23 đóng giữ có xe thiết giáp tăng cường. Phía có Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3, trận địa pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép chốt giữ. Ngoài ra còn có các trận địa pháo, đồn Bảo an của địch ở rải rác chung quanh…

Với vị trí chiến lược quân sự quan trọng, chiếm được điểm cao 601 là khống chế được phần lớn thị xã Kon Tum cũng như toàn bộ vùng Đăk Tô - Tân Cảnh. Chiếm được Điểm cao 601 là làm chủ được hoàn toàn con đường chiến lược 14, đoạn phía bắc Tây Nguyên.

Nhận rõ được tầm quan trọng của Điểm cao 601, ta quyết tâm đánh chiếm, về phía địch chúng cũng bằng mọi cách cố thủ. Trong hai ngày giao tranh ác liệt, mồng 10 và 11 tháng 4 năm l972, ta đã thắng lớn tại Điểm cao 601. Ngoài những thiệt hại về phương tiện chiến tranh, hàng trăm tên địch đã bị thiệt mạng.

Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), những xác chết chỉ còn trơ lại đầu lâu và xương cốt. Người qua lại đây, tự ý gom nhặt, đem lên đỉnh dốc chất thành từng đống rồi nhặt những cục đá xung quanh kè lại để không bị mưa gió cuốn trôi . Lâu ngày, ngôi mộ đá to dần và nghiễm nhiên đây trở thành "gò Đống Đa" của Kon Tum.

Ngang qua căn cứ E42 ĐăkTô - Tân Cảnh ngày xưa, chúng tôi thấy sừng sững một bia tưởng niệm chiến tích anh hùng của quân dân Kon Tum thời chống giặc cứu nước. Bên cạnh tượng đài là hai chiếc xe tăng cách mạng đã từng tham gia trận đánh năm 1972. Được biết một trong hai chiếc xe ấy là nơi nhà thơ Hữu Thỉnh (trước là lính xe tăng) đã nhặt được nắm cơm đã bị thiêu cháy của một đồng đội đã hy sinh (nắm cơm nay vẫn còn lưu giữ ở bảo tàng) và cũng từ cảm xúc nầy ông đã sáng tác bài "Năm anh em trên chiếc xe tăng".

Trước mắt chúng tôi bây giờ là địa danh Charlie. Hai đỉnh cao Ngọc Rinh Rong và Ngọc Rinh Rua (800m) mà Mỹ - ngụy gọi là chân cột cờ vẫn đứng đó, màu xanh chưa phủ kín đỉnh đồi. Trước đây vào "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972, thiếu tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng một Tiểu đoàn dù ngụy có nhiệm vụ giữ đỉnh cao này, án ngữ sân bay Phượng Hoàng, đã chết khi cố thủ đỉnh cao đồi Charlie. Để giúp quân ngụy "tử thủ", chất độc khai quang được quân đội Mỹ rải suốt ngày đêm, xung quanh chân đồi nhằm khai quang để địch dễ bề "rót" pháo từ trên xuống. Thế nên nồng độ dioxin quanh Charlie rất cao. Cho đến nay khu vực quanh đó vẫn còn là những ngọn đồi trọc.

Sau hơn một giờ rời Kon Tum, chúng tôi đến thị trấn Plei-Kần, thêm vài cây số nữa là ngã ba Ngọc Hồi là điểm bắt đầu đường Trường Sơn vừa khánh thành không lâu. Cách Ngọc Hồi khoảng 18km về phía Tây là ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, phía VN là cửa khẩu Bờ Y nơi được mệnh danh là "một con gà gáy, ba nước cùng nghe", và dường như cũng tại điểm này, ngày xưa là nơi phân tán lực lượng của bộ đội từ Bắc vào Nam sau bao nhiêu ngày đêm gian khổ đi bộ xuyên suốt từ Quảng Bình vào, nên nơi đây còn gọi là điểm "Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn". Có thể là như vậy vì ngọn đồi Charlie lân cận đã là cứ điểm ác liệt để giành quyền kiểm soát quân sự cho khu vực cuối của đường Trường Sơn.

Sau khi chụp ảnh lưu niệm, nơi ngả ba cửa khẩu, chúng tôi xin phép và được chấp thuận bước qua địa phận Lào. Chỉ một vài bước chân mà khái niệm Tổ quốc bỗng trở nên thật rành rọt. Như những hòn đá, nắm đất, vạt cỏ các bạn trong đoàn thi nhau nhặt nhạnh để làm kỷ niệm. Và càng thắm đượm hơn tình nghĩa bè bạn láng giềng hôm nay khi đứng trước cột mốc biểu thị tình hữu nghị ba bên, đã được đặt tại ranh giới ba nước và khai trương - thông xe cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) - Phu Cưa (Attapư).

Đứng ở ngã ba yên bình hôm nay, lòng ta bỗng dậy lên bao cảm xúc lại nhớ tới năm xưa từng trận bom, đại bác đã dọi xuống nơi nầy, nhớ tới những bước chân rầm rập chuyển quân trong đêm, và tiếng xe tăng T.54, motolova ào ạt ngay trên con đường để chuẩn bị cho ngày 30 tháng 4 lịch sử.
Cỏ May
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 383
  • Khách viếng thăm: 381
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 96151
  • Tháng hiện tại: 1737564
  • Tổng lượt truy cập: 48111691