Công viên tâm linh

Đăng lúc: Thứ năm - 06/11/2008 10:52
Tác giả bài viết đang đứng tại nghĩa trang Trường Sơn...

Tác giả bài viết đang đứng tại nghĩa trang Trường Sơn...

Viết từ nghĩa trang Trường Sơn...

Có lẽ trên thế giới này không ở đâu có một nghĩa trang rộng lớn, hoành tráng và có cấu trúc đặc biệt như nghĩa trang quốc gia Trường Sơn trên mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa của Tổ quốc ta.

Với tôi, người lính Trường Sơn năm xưa, nay được trở về thăm lại những đồng đội của mình sau hơn 35 năm chiến tranh đã lùi xa, là một cuộc viếng thăm khá muộn màng. Nhưng dù muộn vẫn còn hơn để hôm nay trên mảnh đất "Hoành sơn nhất đái" này tôi và một số bạn văn chương được đốt nén nhang, mặc niệm trước hương hồn đồng đội.

Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn…

Nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh trên địa phận tỉnh Quảng Trị, nơi đây hiện đang cất giữ hơn 13.000 hài cốt liệt sĩ. Hầu hết các tỉnh trên đất nước ta đều góp mặt liệt sĩ trong nghĩa trang này, chính vì vậy nó được gọi là nghĩa trang quốc gia. Đài kỷ niệm nơi cổng chính của nghĩa trang là công trình hoành tráng bằng đá xanh nguyên khối được lắp ghép có hình như một quyển lịch sử mở giữa đất trời lộng gió Trường Sơn; với những đường chạm khắc tinh xảo, những hoa văn như mây, như khói quấn quyện quanh dòng chữ Tổ quốc ghi công đặt uy nghi giữa đỉnh đồi thông đêm ngày vi vu khúc nhạc đại ngàn.

Cảm động dâng trào trong tôi khi được đích thân kính cẩn thắp, cắm những nén nhang trên bát nhang đá hình chiếc đỉnh đồng đặt giữa chân đài. Gió nhẹ thổi, vòm thông rì rào, lao xao, khói hương xanh xám ngạt ngào lan tỏa ra khắp quả đồi; nơi hàng hàng lớp lớp mộ anh hùng liệt sĩ dọc ngang, nghiêm chỉnh như những đoàn quân đang duyệt binh trong ngày đại thắng. Hồn tôi lâng lâng lướt theo sương khói, hương rừng hòa nhập vào anh linh những đồng đội một thời…

Nghĩa trang Trường Sơn rộng lớn nhưng không phải là một bãi tha ma đầy mộ phần trắng toát lạnh người. Đó là một tổ hợp tâm linh, một khu đất đầy bi tráng được xác lập bởi hàng chục quả đồi liên tiếp và kết nối với nhau bởi những con đường nhựa ngoằn ngoèo lên xuống và những hàng thông xanh cổ thụ uy nghi kiêu dũng… ngăn cách mà không cách xa. Một quần thể kiến trúc liên hoàn rộng dài nhưng không hoang lạnh; nó như một tập đoàn quân được hợp thành bởi các binh chủng khác nhau gắn kết giữa đất trời cây cỏ Việt Nam tạo ra thế trận ỷ dốc với đầy đủ sức mạnh vô song có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào trong cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương đất nước.

Mỗi quả đồi là một nghĩa trang nhỏ của một tỉnh và tỉnh nào cũng đều muốn biểu hiện ý thức trách nhiệm, tình cảm đặc biệt với anh hùng liệt sĩ quê mình, nên đều đã xây những kỳ đài riêng theo cách biểu hiện cũng rất riêng. Nam Định có mô hình tháp Cửu Trùng chùa Cổ lễ, Hà Nội có hình một tấm khăn điều quàng lên bát nhang, Nghệ An thì lại thiết kế như một nhà bia cổ… Gắn với nghĩa trang nhỏ là các khoảng đất trồng cây, trồng cỏ đường đi bộ lát đá tới các tổ hợp tượng đài với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, được xây dựng bằng đá, bằng bê-tông cốt thép, bằng gạch men, đá rửa… làm cho người ta có cảm giác đang được đi dạo trong một công viên… Không phải là công viên vui chơi giải trí mà là công viên đặc biệt: Công viên tâm linh. Bởi vì đi trong đó chúng ta không chỉ được nghe chim hót líu lo, thông reo thầm thì, suối chảy róc rách, được hưởng những làn gió mát lành thơm thoảng nhựa thông, mà trước mắt chúng ta lại là những hàng hàng lớp lớp hài cốt liệt sĩ đã nằm lại đây để đất nước có ngày độc lập thống nhất, nhân dân được tự do và hạnh phúc hôm nay. Tôi và nhiều người còn có một cảm giác hình như anh linh những anh hùng liệt sĩ đang nhìn, đang dõi theo chúng tôi và nhắn nhủ: "Các bạn may mắn còn sống, hãy sống sao cho xứng đáng với máu xương mà chúng tôi đã đổ trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc".

Tiếp xúc với những người quản trang sau khi làm lễ truy điệu tại nhà tưởng niệm chúng tôi được biết có những đêm họ còn nghe âm vang vọng về từ các hàng mộ tiếng hô "nghiêm", "nghỉ", "đều bước" "chào cờ" của các anh linh liệt sĩ… Thật kính phục biết bao những anh hùng liệt sĩ mặc dù đã hy sinh mà vẫn gương mẫu giữ gìn "quân pháp, quân kỷ" trung thành với Tổ quốc, nhân dân; trong khi không ít người đang được hưởng thành quả từ xương máu của họ lại quên đi quá khứ. Không biết những người đó có dám đến đây để viếng mộ các anh, và nếu họ đến đây họ sẽ nghĩ gì?

Nằm trên đường Thiên Lý Bắc, Nam - đường Hồ Chí Minh, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, mỗi ngày có hàng trăm người thăm viếng tỏ lòng tri ân ngưỡng mộ kính cẩn nghiêng mình, tự vấn lòng mình hay thì thầm những lời gì đó với người nằm lại… Họ là cán bộ, học sinh, đồng đội cũ, là anh em, là con, là vợ, là mẹ, là cha… liệt sĩ đang an nghỉ tại đây. Tôi còn gặp một chàng thanh niên người dân tộc Vân Kiều tự nguyện đến đây dọn vệ sinh, hướng dẫn khách thăm mà không nhận một khoản thù lao nào.

Ai cũng chỉ có một mong muốn làm sao cho hài cốt, linh hồn liệt sĩ được yên nghỉ nơi cỏ hoa, núi rừng luôn bình yên tươi đẹp và uy nghi, bốn mùa khói hương ngào ngạt. Điều đó không chỉ làm ấm lòng những linh hồn liệt sĩ mà chính là làm yên lòng chúng ta những người đang sống hạnh phúc trên đất nước hòa bình hôm nay.

Tháng 7/2008

Trần Đỗ Liêm
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 214
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 13120
  • Tháng hiện tại: 2512506
  • Tổng lượt truy cập: 48886633