Trong những năm 1998- 1999, diện tích trồng tràm tăng vụt do tốc độ xây dựng phát triển, thiếu nguyên liệu tràm nên đã đẩy giá tràm lên cao, nhiều nông dân bỏ lúa trồng tràm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhu cầu thị trường giảm, tràm rớt giá nên nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng đã gắn bó từ lâu trong cuộc mưu sinh đầy vất vả. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ còn trên 500.000 ha rừng tràm.
Cây tràm hay còn gọi là Tràm ta, Tràm Cajuputi có tên khoa học là Melaleuca Cajuputy Powell, là loại cây lấy gỗ dùng để làm cọc cừ trong xây dựng, làm nhà, đóng đồ dùng, đốt than,... lá tràm được cất tinh dầu dùng làm dược liệu, vỏ tràm dùng để xảm thuyền, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ,...
Cây tràm thích hợp ở nơi có nhiệt độ trung bình 26-270C, lượng mưa 1.500 - 1.800 mm, trên vùng đất ngập phèn, pH 2,5- 3, chịu được úng ngập từ 4- 5 tháng trong năm. Ngoài ra, nó cũng mọc được ở đất ngập vùng núi đá vôi, đất xám hay đồi núi ít chua, pH 5- 6.
* RỪNG TRÀM GẮN LIỀN VỚI CUỘC MƯU SINH:
Từ xưa đến nay, cư dân dưới tán rừng tràm thường sinh sống chủ yếu bằng những nguồn lợi thu được do rừng mang lại. Mùa nào thức ấy như: gát kèo ong, tát đìa, hái đọt choại, dậm cù bắt cá lia thia, thả lưới bồ hứng cá trê năn, cá rô non, cá trâm,... trên những bìa rừng thì bà con làm rẫy, cất chòi để bảo vệ rừng. Nói chung, cuộc sống của họ gắn bó với rừng tràm như máu thịt.
Nhìn lại những ngày đầu khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới huyện Tân Phước, Tiền Giang mới cảm thấy thán phục sức bền của người nông dân một nắng hai sương ở đây. Hơn mười năm trước, để động viên đồng bào vào khai hoang, ông Huỳnh Văn Niềm - nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang đã viết:
“So với nhiều nơi đã biến sỏi đá trở thành cơm thì không có lý do gì chúng ta không thể biến vùng phèn mặn này thành một vùng quê trù phú”. Quyết tâm là như vậy, nhưng để đạt được thành quả như mong muốn không phải là chuyện một sớm, một chiều. Việc khẩn hoang được tiến hành cật lực nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất chậm. Nạn cháy rừng và lũ lụt trong những năm 1996, 2000 đã cướp đi nhiều thành quả lao động của người nông dân. Chủ trương của huyện là phát triển vùng khóm nguyên liệu, bên cạnh việc đảm bảo giữ vững diện tích rừng tràm sản xuất, rừng tràm phòng hộ và rừng nguyên sinh, nâng độ che phủ để giữ màu xanh đặc thù vùng Đồng Tháp Mười gắn với phát triển kinh tế theo mô hình nông lâm kết hợp bền vững, song do nhu cầu của cuộc sống trước mắt, rừng tràm ngày càng teo lại dần thay vào đó là những cánh đồng khóm, lúa bạt ngàn.
Có những giai đoạn người ta khai thác tràm để bán củi vì tràm cừ bán với giá quá rẻ. Vả lại, tràm bán làm củi thì mới có tiền để chi tiêu ngay trong lúc ngặt nghèo, chứ đợi bán được cây tràm cừ thì lâu lắm! Cho nên người dân ở đây thường có những sáng kiến “lấy ngắn nuôi dài”, tức là dưới tán rừng hoặc ven rừng phải tính toán xem trồng cây gì, nuôi con gì để sinh sống, lấy công lao động đó, nguồn vốn đó “nuôi” lại cây tràm. Một cây tràm từ khi trồng đến khi thu hoạch làm cừ phải mất từ 7- 10 năm. Giá tràm rẻ như giá củi nên nông dân không còn sợ cháy rừng nữa, thậm chí người ta lén đốt rừng để có cớ phá bỏ luôn. Trước đây giá tràm bán cừ từ 60- 80 triệu đồng/ha, có khi lên đến 100 triệu đồng/ha (tràm tốt), nay tuột dốc xuống còn 15-30 triệu đồng/ha nhưng cũng ít ai thèm ngó. Tràm tốt hay xấu gì, muốn bán được phải năn nỉ thương lái. Chính vì vậy, người dân cũng không màng chăm sóc rừng tràm, để mặc cho chúng xơ xác, loang lổ.
Cây tràm muốn bán làm củi cũng phải qua nhiều công đoạn. Sau khi khai thác từ rừng phải vận chuyển ra bờ kinh tập kết. Người ta cất lán trại ngay trên bờ kinh để “chế biến” cừ tràm thành củi. Trước hết cây tràm được cưa ra thành từng khúc khoảng 4-5 tấc, tiếp đến là lột sạch vỏ, chẻ đôi, phơi khô và chất thành cây, mỗi cây thường là một mét chiều ngang và một mét chiều thẳng đứng (gọi nôm na là 01 mét). Vào những lúc cây củi đắt đỏ, thương lái vào tận chỗ để mua, nhưng cũng có khi nguồn nguyên liệu làm chất đốt này xuống giá thì bà con phải chịu cảnh khốn đốn, năn nỉ chỗ này, chỗ kia để bán. Trước đây, mặc dù có khó khăn như vậy, nhưng một mét củi cũng đổi được hơn một giạ gạo loại ngon, còn với giá cả leo thang như hiện nay một mét củi chưa mua được một giạ gạo loại thường.
Vỏ tràm là thứ chất thải ít khi được dùng đến, năm khi mười họa mới có người hỏi mua về làm chất đốt hoặc xảm ghe xuồng. Còn không thì người ta cứ chất đống lại để dành un muỗi. Những năm gần đây, ở một vài nơi đã xuất hiện những nghệ nhân chế tác vỏ tràm thành tranh mỹ nghệ xuất khẩu.
Vào năm 2005, trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành khảo sát xây dựng dự án sử dụng tràm cừ chế biến bột giấy, gỗ ghép gia dụng. Dự án xây dựng một kế hoạch đồng bộ từ khâu trồng đến tiêu thụ sản phẩm cuối cùng cho thị trường nội địa và quốc tế. Trong cái khó đã ló cái khôn. Hiện nay cư dân dưới tán rừng tràm đã có một nghề mới đó là mua bán tràm ký, tức là tràm cân ký để bán, chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến gỗ gia dụng. Để bán được tràm ký thì cây tràm trước khi đem lên bàn cân phải được róc bỏ vỏ và cưa thành khúc theo qui định độ dài. Âu cũng đã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây tràm vốn đã bấp bênh!
* RỪNG TRÀM GẮN LIỀN VỚI NHỮNG KỶ NIỆM:
Ba tôi có ba hecta rừng tràm nằm cặp kinh Trương Văn Sanh. Những ngày đầu nhận đất lập nghiệp rất gian khổ, chỉ cất được một cái chòi cặp bờ kinh lợp bằng cọng đưng, vách bện bằng cây tràm chỉ (một loại tràm nhỏ bằng ngón chân cái người lớn, thân thẳng, thường người ta tỉa bỏ bớt để nuôi những cây tràm khác lớn hơn trong rừng tràm), đòn tay buộc bằng nuộc lạt dây choại khô. Gia đình vốn đã nghèo, về vùng đất mới gặp lúc khó khăn nên bữa đói, bữa no là chuyện thường tình. Có những lúc:
Bữa cơm chiều thơm nồi canh rau dạiLửa bập bùng con cá lóc nướng trui.Đường xe hai bánh chưa có, muốn đi ra ngoài trung tâm xã phải cuốc bộ, qua nhiều chuyến đò, hoặc bơi xuồng 2- 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nếu có tiền, muốn mua gạo, thức ăn cũng không dễ. Hai, ba ngày mới có một bà già chèo xuồng ba lá chở lương thực, thực phẩm thiết yếu vào đây để bán nhưng với giá đắt đỏ, cao gấp rưỡi, gấp đôi ngoài chợ xã. Ngày không tiền thì cứ rau choại, bông súng chỉ, con cá rô non đắp đổi. Nhưng cuộc sống cũng có nhiều thú vị, rau choại thì đầy ở rừng, con cá thì lội ken dưới dòng kinh-buồn buồn hái mồi kiến vàng câu một lát là ăn không hết. Chỉ có mỗi việc thiếu gạo thì không tìm ra được từ mảnh đất “khỉ ho cò gáy” này.
Gặp phải vùng đất phèn nặng lại chưa có đê bao nên không trồng được cây gì ngoài cây tràm. Cuộc mưu sinh chủ yếu là đốn tràm làm củi bán, chỗ nào trũng thấp thì cấy bàng làm nguyên liệu bán cho những người đan nón, đan đệm. Ngày nào cũng như ngày nào lặn lội dưới tán rừng, nên bàn chân nứt nẻ, đen xỉn lại vì chất phèn cố hữu, trên khuôn mặt ba tôi hằn sâu những vết nám vì cái nắng, cái gió gay gắt, màu da ngâm ngâm như chiếc vỏ tràm lâu ngày bị gió hất ra ngoài bìa rừng.
Dưới tán rừng ấy, tôi đã trưởng thành. Mỗi bước chân tôi đi qua trên con đê gập ghềnh chưa phải là đường đó là những giọt mồ hôi của ba tôi - Những giọt mồ hôi mằn mặn đã góp phần làm cho dòng nước vốn chua chát kia trở nên trong hơn, xanh hơn. Tôi chỉ sống ở vùng đất này có ba năm thôi, thời gian còn lại thì phải xa nhà để đi học, đi làm, nhưng đối với cánh rừng đó đã cho tôi biết bao kỷ niệm. Nhớ có đêm ngủ ở trong chiếc chòi một mình, cánh rừng kế bên bỗng phát hỏa, người ta la ó om sòm, giật mình thức dậy thì lửa đã liếm gần đến vách. Có những đêm mưa kéo dài, sét đánh rền rền nghe rợn người, ngồi trong chòi cũng giống như ngồi ở ngoài sân vì gió tạt. Bù lại, những đêm trăng tròn, trải tấm đệm bàng trên đê ngồi hóng gió, nghe tiếng con chim gõ kiến thôi thúc ngoài xa, lòng bỗng thấy lâng lâng. Tôi đã biết làm thơ từ đó...
* RỪNG TRÀM SINH THÁI:
Về khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ở xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) mới thấy được giá trị của việc gìn giữ rừng tràm. Với diện tích trên dưới 100 hecta, khu bảo tồn không những có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học mà còn mở ra một hướng phát triển mới cho kinh tế vùng, đó là du lịch sinh thái.
Vào mùa khô năm ngoái, tôi có dịp vào công tác tại xã Thạnh Tân, được các anh trong khu bảo tồn dẫn vào giới thiệu nơi thuần dưỡng chim. Tôi thật sự choáng ngợp trước những âm thanh líu lo của hàng ngàn con chim, cò các loại, nghe xao động cả một góc rừng. Thấy có người lạ, một đàn cò trắng bỗng vụt bay lên, tiếng vỗ cánh hòa với tiếng khua lá tràm rào rào như một cơn mưa thoáng qua. Đoạn, chúng sà xuống một bãi cỏ năn trống hoác cách chỗ chúng tôi đứng gần 100 mét, dáo dác nhìn quanh. Chúng tôi hơi ngại, những bước chân thậm thịch vô tình đã làm cho vài chú cò non mới tập bay từ trên tổ nhào xuống đất và không cất cánh lên được. Anh cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đoàn đã cho chúng tôi biết, những chú cò non đó chắc chắn sẽ chết nếu như anh không kịp ra tay cứu giúp. Tình cảm của những cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở đây đối với sự sinh tồn của loài chim, cò thật đáng trân trọng. Nó đã gắn bó với các anh từ những ngày đầu mới thuần dưỡng hơn chục con cò để dụ những con khác hội tụ về, bây giờ ngoài đàn cò, nhiều loài khác như vạc, còng cọc, diệc, trích, cu, le le,... cũng đã về và đẻ trong khu sinh thái này.
Đi một vòng quanh khu thuần dưỡng chim có hàng rào bao bọc, chúng tôi càng ngạc nhiên và thắc mắc không hiểu tại sao trong khu rừng rộng mênh mông như vậy mà phải rào lại. Anh cán bộ kỹ thuật cho biết, đó là giới hạn nơi trú ngụ của các loài chim, cò được thuần dưỡng như đã trở thành nền nếp. Từ đó xuất hiện một điều lạ là, những đàn chim, cò không bao giờ làm tổ vượt ra ngoài “vùng cấm” ấy. Ngước nhìn lên ngọn tràm mới tin lời anh cán bộ kỹ thuật nói, thật vui mắt với cơ man tổ cò, tổ chim được chúng xây dựng lộn xộn không theo một trật tự nào, nhưng khi bước qua khỏi bờ rào chỉ chừng một sải tay, một cái lông chim cũng không thấy!
Lọt ra ngoài khu thuần dưỡng các loài chim, men theo lối đi là hàng trăm gốc cà na được Ban quản lý trồng cách đây vài năm, nay đã đơm hoa, kết trái. Hàng đàn ong ruồi đua nhau hút mật, tiếng vỗ cánh vo ve tạo cho ta cảm giác êm ái, nhẹ nhàng sau cái náo nhiệt của vườn chim. Vành đai khu bảo tồn là những bụi tre, trúc, gừa, bình bát,... đã phát triển tốt, tạo nên một màu xanh bao quanh cánh rừng tràm bạt ngàn đang độ trưởng thành. Hiện nay khu bảo tồn đang ngày một hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, tuyến tỉnh lộ vào Bắc Đông, một đoạn vào khu sinh thái cũng đang được xúc tiến trải nhựa, hứa hẹn mở ra khai thác vùng du lịch sinh thái đầy tiềm năng.
*
Một thời vàng son của cây tràm đã qua, phải chăng đây chỉ là những khó khăn nhất thời. Nhưng dù sao đi nữa, nếu một khi quyết định bám trụ dưới tán rừng tràm thì phải nghĩ đến cái lâu dài mà hiệu quả của nó mang lại đôi khi không thể ngờ được. Bởi vì, cây tràm đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sinh thái. Nó giúp điều hoà khí hậu, ngăn được tình trạng ôxy hoá đất phèn, chống chịu gió bão, lũ lụt, chống xói lở vùng đầu nguồn,... Rừng tràm còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim và động vật khác.
Dưới tán rừng tràm còn có nhiều điều thú vị, sau này có dịp tôi sẽ kể tiếp cho bạn đọc nghe về hành trình cuộc mưu sinh của những người dân quê chân chất một đời bám trụ với quê hương, xứ sở. Cây tràm từ khi sinh ra vốn đã mang nhiều kỳ tích!
Một thời vàng son của cây tràm đã qua, phải chăng đây chỉ là những khó khăn nhất thời. Nhưng dù sao đi nữa, nếu một khi quyết định bám trụ dưới tán rừng tràm thì phải nghĩ đến cái lâu dài mà hiệu quả của nó mang lại đôi khi không thể ngờ được. Bởi vì, cây tràm đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sinh thái. Nó giúp điều hoà khí hậu, ngăn được tình trạng ôxy hoá đất phèn, chống chịu gió bão, lũ lụt, chống xói lở vùng đầu nguồn,... Rừng tràm còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim và động vật khác. Dưới tán rừng tràm còn có nhiều điều thú vị, sau này có dịp tôi sẽ kể tiếp cho bạn đọc nghe về hành trình cuộc mưu sinh của những người dân quê chân chất một đời bám trụ với quê hương, xứ sở. Cây tràm từ khi sinh ra vốn đã mang nhiều kỳ tích!
Ý kiến bạn đọc