Đi trại sáng tác

Đăng lúc: Thứ hai - 29/06/2009 14:43
Đi trại sáng tác

Đi trại sáng tác

Mặc dù chuyến đi dự trại sáng tác lần này tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc được thông báo trước hơn một tháng, nhưng khâu chuẩn bị không đâu vào đâu. Mãi loay hoay công việc cơ quan, sắp xếp việc nhà, tôi như con thoi chạy tới, chạy lui đến bở hơi tai mà khi vác ba lô lên đường lòng vẫn chưa yên.
13 giờ xe lăn bánh mà 10 giờ tôi vẫn còn ngồi ở cơ quan. Hành trang thì chưa chuẩn bị gì, chỉ mang theo có vài bộ đồ tươm tất, cộng với mớ quần áo còn âm ẩm vì mấy ngày trước mải lo đám cưới đứa em nên giặt không kịp. Mượn anh bạn cùng cơ quan đưa xuống Mỹ Tho đúng 12 giờ, bụng đói cồn cào vì chưa kịp ăn, định ghé quán cơm kiếm chút gì lót dạ nhưng anh bạn bảo đã ăn rồi, thôi đành ngồi quán cà phê chờ đến giờ hẹn tại Hội VHNT Tiền Giang.

* Xe hơi ký sự
Từ trước đến nay đi công tác hay tham quan theo đoàn, tôi vẫn được mọi người bố trí ở vị trí cuối cùng. Bởi vì tôi trót dại khoe “sức khỏe tốt”, đi tới Huế cũng không sợ ói, nên sự sắp đặt ấy cũng là sự “ưu tiên” để nhường các ghế trước cho chị em phụ nữ. Theo ý kiến của đoàn trưởng, hành trình đi tới Bình Thuận sẽ nghỉ qua đêm, nhưng bác tài sung sức cho rằng đi ban đêm khỏe hơn ban ngày, thôi thì chúng ta thủng thẳng chạy, mệt chỗ nào nghỉ chỗ đó, kiếm cây xăng nào ven đường nghỉ giải lao, khỏi tốn tiền khách sạn. Thấy cũng hay hay, nên ý kiến của bác tài được mọi người nhất trí cao.

Xe bon bon chạy. Các thành viên trong đoàn cứ chăm chú nhìn ngắm phong cảnh dọc theo chiều dài đất nước, đâu đâu cũng đẹp, cũng lạ. Tôi cũng chăm chú nhìn từng dãy núi, dòng sông lao vùn vụt về phía sau lưng, ánh mắt thích thú như là trẻ con, thỉnh thoảng gật gù, đập đầu vào thành xe cái “bốp”.

Lúc đầu mọi người còn tán gẫu hết chuyện này qua chuyện khác, nhưng rồi chuyện cũng hết, trên xe im như ru, chỉ một mình bác tài căng mắt ra giữ sự an toàn cho 13 người. Để ghi lại được những dòng này, tôi cũng phải cố gắng căng mắt ra đến nỗi xốn con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái không hơn, không kém.

Một đêm rồi, một ngày trôi qua, tổng cộng thời gian nghỉ ngơi dọc đường, ăn cơm, đi vệ sinh, đoàn chúng tôi đến thành phố Đà Nẵng lúc 18 giờ ngày 19 tháng 5 năm 2009, tức khoảng 30 tiếng đồng hồ từ lúc khởi hành.

Đêm thành phố Đà Nẵng thật tuyệt vời. Dọc theo sông Hàn người ta tụ tập rất đông để cà phê, hóng gió hoặc đi bộ. Rất tiếc vì thời gian nghỉ qua đêm quá ngắn, nên không thể nào tham quan được hết thành phố mà chỉ nhìn ngắm nó bằng một lát cắt mỏng mà thôi. Chiếc cầu quay sông Hàn gần như là biểu tượng của thành phố Đà Nẵng, nhưng chúng tôi chỉ được chiêm ngưỡng... trên xe. Mặc dù vậy, nhưng mọi người vẫn háo hức đón chào thành phố như đứa con xa quê lâu ngày trở về, vòng tay dang rộng như muốn ôm cả biển vào lòng.

Tôi và Trương Trọng Nghĩa có may mắn là được ngồi vỉa hè nhâm nhi vài ly bia với mấy ông bạn văn nghệ từ Quảng Nam ra. Số là nghe đoàn Tiền Giang ra Bắc, trên đường đi Trọng Nghĩa có nhắn tin thông báo, chủ yếu là để báo cáo vậy thôi, nhưng sự nhiệt tình của các anh làm cho bọn tôi xúc động vô cùng. Họ chạy xe gắn máy trên 30 cây số để đến thành phố Đà Nẵng - nơi chúng tôi ở trọ chỉ có mỗi một việc là được gặp mặt. Có những người từ trước đến nay chỉ nghe tên hoặc gặp gỡ nhau qua mạng internet thôi, nhưng hôm nay mới được diện kiến, quả thật bất ngờ và thú vị. Tôi được tác giả thơ Thảo Nguyên, Đỗ Thượng Thế tặng 2 tập thơ, được gặp me Lộc - Nguyễn Thế Thọ - bút nhóm Vòm Me xanh báo Mực Tím, được trò chuyện với nhóm bạn của Trọng Nghĩa quen biết nhau qua blog, fan hâm mộ của cây bút thơ Lá Me,...

Tiễn các anh Thảo Nguyên, Đỗ Thượng Thế ra về trong những cái bắt tay quyến luyến, chúng tôi ngồi lại với nhóm bạn của Trọng Nghĩa, me Lộc nhấm nháp cà phê, nói chuyện văn thơ, blog mãi tới 12 giờ khuya.

Hành trình lại tiếp tục lúc 7 giờ ngày 20 tháng 5 sau một bữa ăn sáng tại khách sạn Công Đoàn - nơi chúng tôi nghỉ lại đêm qua. Lại thêm một ngày, một đêm chúng tôi mới tới được thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Phải công nhận bác tài có sức khỏe dẻo dai, bọn tôi ngồi không mà phải xoay trở hết ngồi lại nằm với mọi tư thế, vậy mà anh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình không một lời than vãn. Chỉ có mỗi một việc là anh không quen đường, nên khi vào thành phố Hà Nội phải hỏi thăm nhiều lần, tới Vĩnh Phúc lại càng lạ lẫm hơn nên xe chạy chậm, tốn khá nhiều thời gian.

Trên đường đi, ông giám đốc Nhà sáng tác Tam Đảo cứ gọi điện cho chị Thu Trang, Phó Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang - Trưởng đoàn, liên tục. Nội dung chủ yếu là thăm hỏi tình hình sức khỏe anh em trong đoàn, mặt khác thăm dò xem chúng tôi đi tới đâu để chuẩn bị tiếp đón. Đường lạ và hơi rối rắm, nên ông phải cho anh nhân viên của mình chạy xe máy ra tận Vĩnh Yên để đón đoàn giữa lúc mọi người đang say giấc.

5 giờ sáng ngày 21 tháng 5 đoàn văn nghệ sĩ Tiền Giang đã có mặt tại Nhà sáng tác Tam Đảo, nơi chúng tôi sẽ ăn, ở, hoàn thành tác phẩm của mình trong suốt thời gian mở trại.

* Một chút nội bộ
Người ta thường nói: Một người đàn bà và một con vịt thì họp lại thành cái chợ, huống chi trong đoàn chúng tôi có tới 6 chị em, cộng với 7 anh “tám” nữa là 13 thành viên thì thành cái… chợ lớn rồi còn gì.

Và tôi chợt nhận ra, “buôn dưa lê” là việc làm hết sức có ý nghĩa trên đường thiên lý. Thứ nhất để cho tài xế vui mà đỡ buồn ngủ; hai là để các thành viên trong đoàn có cơ hội tìm hiểu về nhau (mặc dù chúng tôi ở cùng địa phương nhưng chưa chắc đã hiểu nhau nhiều); ba là để tìm “cảm hứng” sáng tác (không biết có phải vậy?) và bốn là để giết thời gian. Lúc khởi hành chuyến đi, không những giới phụ nữ hay ăn vặt mà cả bọn đàn ông chúng tôi cũng không vừa, ai nấy chuẩn bị lủ khủ nào bánh tráng, kẹo dừa, cốm, trái cây,… Trong lúc xe chạy, cảm thấy cạn đề tài tán gẫu thì bày bánh trái ra ăn. Cái điệp khúc ấy lặp đi lặp lại suốt cuộc hành trình.

Vì đi suốt gần 30 tiếng đồng hồ mới nghỉ lại khách sạn, nên cơ hội được tắm táp đúng nghĩa của bọn tôi chỉ có một đêm duy nhất tại Đà Nẵng trên hành trình ra Bắc. Ai cũng nghĩ trên người mình chắc đã mọc men giấm, nhưng nhờ trên xe máy lạnh chạy 24/24 nên những con vi khuẩn chưa có dịp tung hoành. Tôi thì có tật ngày nào không tắm ít nhất 3 lần thì không chịu nổi, trong lúc ngặt nghèo cũng đành cắn răng chịu, nhưng quần áo thì phải thay. Ngồi trên xe ở dãy ghế cuối cùng cũng có lợi thế, ban đêm đợi xe chạy đến đoạn đường vắng ít đèn pha, tôi rón rén thay bộ đồ mới một cách an toàn mà mọi người trên xe không hề hay biết. Lúc gần sáng ghé lại trạm xăng mọi người mới ồ lên, cho rằng đêm qua tôi đã… Hix, chuyện bất đắc dĩ thôi!

* Ngạc nhiên Tam Đảo
Trước khi đến Tam Đảo, tôi có dành chút ít thời gian lên mạng để tìm hiểu về vùng đất, con người nơi đây.

Tam Đảo là một dãy núi dài 50 km, rộng 10 km, cách Hà Nội 86 km, là khu nghỉ mát lý tưởng của miền Bắc. Thiên nhiên và dấu vết thời gian đã ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh tuyệt vời vừa thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mây gió, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Hè về, Tam Đảo vào mùa du lịch đẹp nhất trong năm. Từ thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sau một giờ xe chạy là lên tới Tam Đảo. Thêm 20km đường dốc nghiêng nhẹ, lượn qua các sườn núi thông mọc thẳng tắp nhìn lên cao vút, mờ mờ ẩn hiện Tam Đảo trong sương ở độ cao 1.685m so với mặt biển, ta có thể với tay chạm vào những đám mây đẹp như mơ.

Là dân viết lách, thế nhưng chúng tôi có cảm giác mình là “nhiếp ảnh gia”, đi đâu cũng bấm máy lia lịa, mới có ngày đầu tiên mà chụp được cả ngàn kiểu hình máy kỹ thuật số. Mỗi ngọn cỏ, cành cây, tảng đá ở Tam Đảo đều toát ra một vẻ ngây thơ kỳ lạ, huyền diệu và bồng bềnh trong mây khói, tất cả đều được ghi lại trong ống kính nghiệp dư của chúng tôi.

Tôi, Trọng Nghĩa và Minh Châu như bộ ba ông táo đi đâu cũng đủ bộ và có cách khám phá vùng đất lạ cũng không giống ai. Một đám rêu mọc trên đá cũng được Trọng Nghĩa chú ý. Tôi lại thích những bông hoa dại mà ở dưới đồng bằng sông Cửu Long không bao giờ có. Minh Châu “kết” với những bức tường bỏ hoang, đi đâu gặp bức tường có vẻ hay hay có rêu đeo bám hoặc một bụi dương xỉ đẹp, cô đều trầm trồ và bắt bọn tôi phải bấm vài kiểu hình. Tôi đặt cho cô một biệt danh “Công chúa đá”. Đáp lại, cô gán cho tôi một tước hiệu khá dễ thương: “Hoàng tử su su” vì tôi rất thích chụp hình bên giàn su su.

Nhắc tới từ “su su”, tôi chợt nảy ra ý định phải đưa vào bài viết một đoạn nói về thứ rau đặc sản có một không hai ở vùng Tây Bắc này. Su su là một loài rau rất thích hợp với vùng núi đồi Tam Đảo. Đi đâu cũng gặp su su, su su dưới chân núi, trên đỉnh đồi, triền dốc, ven lộ, thậm chí bò trên mái nhà,… ngút ngàn một màu xanh mát rượi. Ở đây người ta trồng su su chủ yếu để lấy ngọn. Ngọn su su là nguồn rau xanh cung cấp cho cả tỉnh Vĩnh Phúc và xuất đi nhiều tỉnh trong khu vực. Với giá tương đối mềm, vào mùa này giá niêm yết ở chợ dao động từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, nên trong mỗi bữa ăn tại Nhà sáng tác Tam Đảo đều hiện diện đĩa ngọn su su luộc hoặc xào tỏi, thỉnh thoảng đổi món trái su su luộc chấm đậu phộng rang pha muối. Qua tìm hiểu, sở dĩ ở đây trồng su su lấy ngọn là vì nhu cầu nguồn rau xanh trên thị trường rất lớn. Đây là vùng trồng rau sạch có thương hiệu nên được nhiều người ưa dùng, nhất là khách du lịch. Mặt khác, do đặc điểm sinh học của loài dây leo này là càng bấm ngọn nó mọc càng hăng. Theo một số chủ vườn cho biết, chỉ cần qua một đêm là ngọn su su có thể ra dài trên một tấc, nên tiến độ thu hoạch cũng khá khẩn trương, hầu như ngày nào chủ vườn cũng làm mỗi công việc là đi hái ngọn su su.

Ngọn su su ăn rất giòn và ngọt, ngon hơn khi chúng ta ăn ngọn bầu, ngọn mướp. Mới được thưởng thức món lạ lần đầu, mọi người trong đoàn chúng tôi đều tỏ ra thích thú. Nếu đường không quá xa xôi, thì khi ra về chắc ai cũng mua một mớ làm quà.
Khí hậu ở Tam Đảo rất lạ: sáng sớm mở cửa ra là hơi sương tràn vào nghe lạnh buốt, có ngày trời âm u đến hết buổi sáng, buổi chiều nắng xuống núi rất chậm. Ở Nhà sáng tác Tam Đảo ba ngày đầu không thấy một tia nắng đẹp. Bọn tôi giặt đồ phơi mấy ngày liền mà nó cứ âm ẩm rất khó chịu, đêm đến phải mang quần áo vô phòng đóng kín cửa, bật quạt máy cho chạy suốt, tuy vậy sáng ra quần áo vẫn lạnh ngắt mặc dù có ráo hơn đôi chút.

Nhờ thời tiết mát mẻ, nhiều sương mù nên các loại rau, cây cỏ ở Tam Đảo đều xanh mượt quanh năm. Du lịch cũng nhờ vậy mà phát triển, du khách kéo đến nườm nượp vào những ngày cuối tuần. Ngược lại, những ngày thường lượng du khách đến đây rất ít, Tam Đảo như những hòn đảo hoang.

Là xứ sở du lịch nên khách sạn, nhà nghỉ ở Tam Đảo rất nhiều. Nhưng có một điều lạ mà tôi chưa có đủ thời gian để tìm hiểu, đó là những ngôi nhà hoang, những khách sạn đóng cửa thường trực cũng không ít, mặc dù nó được xây cất khá khang trang trên những vùng đất đắc địa. Khi chiều về, sự huyền ảo của khói sương, u tịch của núi rừng, những ngôi nhà hoang trở thành tâm điểm xôm tụ của những lời dự đoán mơ hồ mang tính chất tâm linh đối với một số người thích… sợ ma trong đoàn. Dịch vụ ở đây khá đắt đỏ: một ly cà phê sữa đá 15.000 đồng, một gói dầu gội đầu X-men, Romano 2.000 đồng, Rejoice 1.000 đồng,… gấp đôi ở vùng thấp. Một bịch xà bông giặt Omo ghi giá trên bao bì là 3.000 đồng nhưng họ bán ra tới 6.000 đồng. Đã vậy, tìm một chỗ bán tạp hóa cũng đỏ con mắt. Ở Nhà sáng tác Tam Đảo đến ngày thứ 3 chúng tôi mới phát hiện vài chỗ bán tạp hóa gọi là phục vụ tương đối những nhu cầu tối cần thiết. Còn lại là dịch vụ ăn uống, giải khát, karaokê, những quán nhậu “lai dai”,… nghe đồn cũng đắt đỏ lắm nên chẳng mấy người vô. Bọn tôi đi đến đâu cũng được họ chào mời đon đả, nhưng chúng tôi hơi ngại vì không biết túi tiền của mình còn rủng rẻng tới bao lâu so với 2 tuần ở trại. Không như ở đồng bằng từ nông thôn ra thành thị đầy rẫy chợ và quán xá, ở Tam Đảo muốn đi chợ mua lương thực, thực phẩm cũng phải xuống đến trung tâm huyện dưới chân núi đường xa, đèo dốc trên 20 km. Còn chợ ở thị trấn Tam Đảo chỉ bày bán toàn đặc sản núi như: thuốc Bắc, trái cây, quà lưu niệm, nhiều nhất là ngọn su su. Phương thức họp chợ ở đây khá đơn giản, một người đàn ông ngồi sau cái mẹt với vài lon đậu phộng luộc cũng trở thành một gian hàng, có vài ba buồng chuối vắt trên xe đạp họ cũng mời mọc xôm tụ. Đặc biệt, cánh thanh niên, đàn ông ở Tam Đảo có giọng mời khách khá ngọt, và họ làm việc này thường xuyên như ở đồng bằng thường nghiêng nhiều bên giới phụ nữ. Họ mời nhiệt tình nhưng không tỏ ra khó chịu khi khách chỉ dòm hoặc hỏi giá rồi bỏ đi.

Mấy ngày ở Tam Đảo, xin ghi lại chút cảm nhận để gọi là kỷ niệm một chuyến đi trại sáng tác. Rất vinh dự cho chúng tôi, bởi chúng tôi là đoàn văn nghệ sĩ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long ra đóng quân tại Nhà sáng tác Tam Đảo năm 2009, như lời ông giám đốc Lương Cao Bằng phát biểu trong ngày khai mạc. Tôi cũng như các thành viên trong đoàn muốn gởi những bài viết, hình ảnh thật nhanh lên web, blog để người thân, bạn bè ở quê nhà thưởng thức nhưng ngặt nỗi ở Nhà sáng tác Tam Đảo không có wifi, internet công cộng chỉ có mỗi một điểm ở bưu điện thị trấn, muốn lên mạng phải chịu khó lội bộ từ Nhà sáng tác xuống dốc mất 10 phút. Vì lý do đó mà đành làm những động tác thủ công: ngồi viết ra giấy, ra bưu điện đánh lại, mướn in ra và nộp cho Nhà sáng tác. Hơi mất công nhưng cũng khá thú vị, đi xa nhà mà, đừng đòi hỏi quá nhiều những gì không thuộc về mình, phải không?

Trại sáng tác Tam Đảo 2009
Nhật Linh
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 173
  • Khách viếng thăm: 165
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 64886
  • Tháng hiện tại: 455734
  • Tổng lượt truy cập: 60805872