Đêm giăng câu

Đăng lúc: Thứ hai - 02/11/2009 12:31
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tháng 9 - 10 âm lịch, nước từ thượng nguồn tràn về làm ngập cả cánh đồng rộng lớn ở quê tôi. Lẹ thiệt, mấy hôm trước, chỉ xăm xắp mặt ruộng mà bây giờ trở thành một biển nước trắng xóa. Xa xa vài căn nhà thưa thớt giữa đồng được bao bọc bằng những rặng trâm bầu xanh ngát. Thời điểm này mà nhà ai không có chiếc xuồng ba lá coi như chịu thua.

Nhà tôi nằm ở vùng gò cao trong xóm vậy mà nước cũng mấp mé đến sân. Bữa nọ, chú Năm, em của  ba tôi, từ An Giang về ăn giỗ ông nội sẵn ở chơi với gia đình tôi hơn mười ngày. Đã 45 tuổi mà tướng tá chú còn “lực điền” chỉ mấy cái răng “mặt tiền” rụng muốn hết, mỗi lần cười thấy móm xọm. Sáng hôm đó, chú đưa tôi tờ giấy bảo ra chợ xã mua nhợ và lưỡi câu theo số lượng đã ghi trong đó. Chú tươi cười nói: “Ở đây mấy bữa thấy “ngứa nghề”. Tối nay mày đi với tao giăng câu, cắm câu nhen”. Tôi mừng rỡ đồng ý ngay vì từ lâu chú nổi tiếng là tay sát cá mà lâu lắm mới có dịp như thế này.

Khi tôi trở về thì thấy chú đang chuốt những chiếc cần câu cắm bằng tre, bình quân mỗi cần dài khoảng 0,8m. Được một bó khoảng 20 cần, chú lấy rơm đốt, hơ lửa, bẻ uốn tạo độ cong để cần câu có sức bật tốt, cá không sẩy được. Chú Năm nói khó nhất là “tóm” lưỡi câu vì nó đòi hỏi phải có tay nghề, nếu không chẳng con cá nào ăn, có khi nó chỉ rỉa hết mồi chứ không mắc vào lưỡi câu. Mấy lưỡi câu mới mua đều được bẻ hơi nghiêng khi cá ăn mới dính mép được. Nhợ câu cũng có hai loại: nhợ gân và nhợ nylon. Nhợ gân chú dùng cho câu cắm còn nhợ nylon để giăng câu bởi “nhợ nylon khi cuộn lại không bị rối”. Mỗi dây giăng câu dài khoảng 10m, cứ cách một đoạn trên 1m chú cột đoạn nhợ khoảng 0,5m, phía dưới có “tóm” lưỡi câu. Làm xong, tôi bơi xuồng đưa chú Năm ra mấy miếng ruộng ở gần nhà bươi những đống rơm mục tìm dế nhũi làm mồi câu. Đây là loài côn trùng mà cá lóc rất khoái. Chú Năm còn xách cái cuốc nhảy lên mấy cái liếp đất cao đào thêm một số trùn đất để bổ sung thêm mồi. Xong việc chú còn bảo tôi bơi xuồng đến đám đế hoang gần đó đốn thêm mớ sậy để giăng câu.

Chiều hôm đó, khi cơm nước, tắm rửa xong, tôi và chú Năm đưa hết “đồ nghề” xuống xuồng rồi chống xuồng đi. Ba tôi nói với theo:

- Hai chú cháu ráng kiếm cá lóc bự để mai nấu canh chua bông điên điển.

Chú Năm quay lại nói:

- Anh cứ an tâm, nghề của em mà!

Chiếc xuồng xé nước lướt bon bon. Gió chướng thổi đều đều làm sóng nước cứ lăn tăn rồi vỗ vào thành xuồng văng lên tung tóe. Chú Năm bảo tôi cặp xuồng vào một bờ ruộng mà nước đã ngập chỉ còn hàng cỏ xanh rì nhô lên, cẩn thận cắm xuống ruộng từng đoạn sậy với khoảng cách 3-4m rồi cột dây giăng câu vào. Hai chú cháu lần lượt móc mồi trùn vào lưỡi câu. Lưỡi câu đã móc mồi thả sâu trong  nước khoảng một tấc để trừ hao nước ròng, nước lớn. Tất cả cần câu cắm được móc mồi dế nhũi và cắm dọc theo bờ kênh, ao đìa, mương liếp trồng rẫy mà người dân đã thu hoạch vì đây nước sâu, lại “êm” nên cá lớn thường trú ngụ. Các chú dế nhũi bị lưỡi câu móc vào lưng cứ chạy vòng vòng trên mặt nước như đánh động những chú cá đói đi tìm mồi. “Cá lóc thích ăn mồi động, cá trê thích ăn mồi chết”, người đi giăng, cắm câu nào cũng biết bí quyết này.

Trời sụp tối. Tôi và chú Năm bơi xuồng vào một cái chòi vịt đã bị ngập nước để chờ. Cá thường ăn mồi theo nước lớn, khoảng thời điểm giữa mùa ăn lúc chạng vạng, lúc trăng chuẩn bị mọc và gần hừng sáng. Cột chiếc xuồng vào gốc cây để không trôi, hai chú cháu nằm ngửa ra xuồng nhìn lên bầu trời đầy sao, lâu lâu có một làn gió mát rượi thổi qua, nghe xa xa tiếng vọng cổ ngân nga của ai đó vọng lại mà lòng trào dâng một cảm xúc lạ kỳ. Bỗng chú Năm nhép miệng ca theo và liên tục hát hết bài này đến bài khác. Mặc dù hàng trước không có răng nhưng nhờ hơi ấm nên lời ca nghe cũng được. “Nếu mai thất nghiệp anh về quê cắm câu. Bắt con nhái bầu, cắm ngay đầu cầu, chờ cho nước lớn cá ăn câu. Tưởng đâu cá bự ai dè là em về làm dâu…”. Nghe tiếng tôi cười, chú liền hỏi:

- Có gì mà mày cười?

- Con nghe lời ca có gì ngồ ngộ, vui vui vậy mà!

- Ừ, để tao kể cho mày nghe chuyện này vui lắm. Hổng biết có thiệt hay không mà mấy ông ở An Giang truyền nhau từ đời này qua đời khác. Số là ở trên đó, mùa nước nổi lỡ có ai chết không thể chôn ngay được. Người ta đưa quan tài ra cánh đồng, để trên một cái giá đỡ bằng gỗ được đóng chắc chắn, cách xa mặt nước. Người ta làm cái chòi bằng lá để che nắng, che mưa cho quan tài, chờ nước rút mới chôn. Đêm đó có anh thanh niên nọ sau khi giăng câu thì trời chuyển mưa, thấy cái chòi xa xa vội vã bơi đến cột xuồng rồi ngồi trú mưa. Mưa tạnh, anh bật hộp quẹt hút thuốc. Ánh sáng lóe lên cũng đủ nhận ra chiếc quan tài to tướng trước mặt, liền nhổ cây dầm bước ra phía trước xuồng bơi liên tục mà xuồng không chịu đi. Hoảng quá, anh la làng “Ma kéo xuồng, ma kéo xuồng” vang vọng cả cánh đồng. Mấy người giăng lưới gần đó bơi đến thì thấy anh đã ngất xỉu, còn chiếc xuồng vẫn  cột chặt trong cái chòi. Mọi người vừa tìm cách làm anh tỉnh lại vừa tủm tỉm cười. Mấy ngày sau đó câu chuyện loan ra, cả xóm ai cũng biết.

Nghe qua câu chuyện, tôi cười rũ rượi nhưng theo phản xạ cũng chộp lấy cái đèn pin rọi qua cái chòi vịt cho an tâm. Tiếng chú Năm vẫn kể đều đều những câu chuyện khác. Tôi nằm im nghe rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Chú Năm đánh thức tôi dậy đi thăm câu là lúc gần nửa đêm. Cái đèn ba pin của chú sáng choang giúp tôi từ xa cũng trông thấy chú giăng câu động đậy liên tục. Như vậy là có cá đã mắc câu. Khi xuồng áp sát, tôi cắm dầm giữ xuồng không trôi, một tay cầm đèn pin rọi cho chú gỡ cá. Ôi chao: 1…2…3… rồi 7, 8 con cá trê vàng, trê trắng cùng hai con cá lóc gần nửa ký được chú gỡ nhanh, cẩn thận bỏ vào cái thùng nước có nắp đậy. Gỡ hết cá, chú Năm cùng tôi móc mồi  lại rồi bơi đi thăm mấy cần câu cắm dọc bờ kênh. Qua 1, 2 cần đầu vẫn thấy mấy con dế nhủi vẫn ung dung bò trên mặt nước. Bỗng chú Năm ra hiệu cho  tôi bơi chậm lại vì cái cần câu phía trước bị kéo sát mặt nước. “Dính cá bự rồi” - chú Năm nói khẽ. Đến gần, chú nhẹ nhàng cầm cái rổ đưa sâu xuống nước dưới cần câu cắm. Con cá lóc quẫy mạnh làm nước văng tung tóe, cùng lúc cái rổ cũng được đưa vào xuồng. Con cá lóc khoảng 2 ký không còn sức để giãy nữa nằm im thin thít trong rổ trước khi bị đưa  vào thùng chứa. Ở mấy cần câu cắm còn lại gần phân nửa dính cá lóc, cá rô mề có con nặng gần 1 ký. Sơ sơ chỉ qua một lần thăm câu mà cũng kiếm được gần 7 ký cá. Tất cả số cá được đưa nhanh về nhà  rộng ngay để không bị chết. Sáng hôm sau, tôi và chú Năm đi “thu hồi” cần câu cắm cũng như dây giăng câu cũng kiếm thêm khoảng 4 ký cá nữa. Từ đó về sau, mỗi mùa nước nổi, tôi đều đi giăng câu, cắm câu một mình chẳng những kiếm đủ cá để ăn mà còn bán ở chợ xã nữa.

Mấy năm nay, quê tôi nằm trong vùng đê bao khép kín nên ba tiếng “mùa nước nổi” thưa  dần trong lời ăn tiếng nói của người dân. Tôi đi học rồi đi làm xa nhà, thỉnh thoảng mới về quê. Cái cảm giác mong chờ mùa nước nổi để đi giăng câu, cắm câu không còn nữa. Tôi nghĩ thầm: dẫu sao mình cũng còn may mắn có những đêm giăng câu tuyệt vời.

Lê Quang Huy
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 427
  • Khách viếng thăm: 419
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 10679
  • Tháng hiện tại: 1876458
  • Tổng lượt truy cập: 48250585