Ghi nhận về trại truyện ngắn và bút ký Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/01/2009 15:49
Nhà văn Lê Văn Thảo trao đổi với các trại viên - Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Nhà văn Lê Văn Thảo trao đổi với các trại viên - Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Trại sáng tác truyện ngắn và bút ký Tiền Giang khai mạc ngày 4/12/2008 với sự tham dự của 22 cây bút là hội viên Chi hội Văn, cộng tác viên Tạp chí Văn nghệ và CLB sáng tác trẻ. Kể từ ngày thông báo phát động (đầu quí II), đến trước ngày khai mạc nửa tháng, BTC đã nhận được 36 bản thảo của 25 thành viên đăng ký tham gia trại. Các tác phẩm đã được chuyển đến nhà văn Lê Văn Thảo và nhà văn Trần Thanh Giao đọc, thẩm định.
Trong hai ngày làm việc (4 và 5/12), các tác giả đã được nghe một số lý luận cơ bản về truyện ngắn và bút ký, cùng với những nhận xét chung về diện mạo truyện ngắn và bút ký Tiền Giang qua các tác phẩm tham gia trại. Theo nhà văn Lê Văn Thảo, so với trại truyện ngắn cách đây bốn năm, trại truyện ngắn năm nay có tiến bộ, thành công hơn. Một số truyện, theo ông, nếu dự thi trong khu vực, thậm chí quốc gia có thể được chấm giải.

Tuy nhiên, theo nhà văn Lê Văn Thảo, ở một số truyện, kể cả vài truyện ông đánh giá là hay, nếu được gia công sửa chữa có thể trở thành những truyện ngắn đặc sắc. Theo kinh nghiệm của cá nhân ông, cũng như không ít nhà văn nổi tiếng trong nước và trên thế giới, thời gian sửa chữa tác phẩm vô cùng quan trọng. Nếu đã bỏ ra một đơn vị thời gian để viết tác phẩm thì nên bỏ ra gấp ba lần đơn vị thời gian để sửa chữa.

Một vài thủ pháp nghệ thuật được nhà văn Lê Văn Thảo giới thiệu khi đi vào phân tích các tác phẩm của trại viên, như vấn đề hình thức trong tác phẩm văn chương. Ông đặc biệt nhấn mạnh hình thức và nội dung của tác phẩm văn học là một. Hình thức trong văn chương chính là câu văn, vì vậy cần đặc biệt trau chuốt câu văn, viết đúng chính tả (chấm câu), đúng văn phạm.

Mặt khác, viết văn xuôi như kể một câu chuyện, người viết phải thật khách quan. Xúc cảm của tác giả trong tác phẩm ví như mẫu số của phân số. Mẫu số này càng lớn thì phần rung động đem lại cho độc giả càng ít, vì thế người viết nên giữ thái độ lạnh lùng, phải giấu biệt cảm xúc, tránh để lộ ra ngoài.

Kết thúc của truyện ngắn cũng rất quan trọng, cái hay của một truyện ngắn thường nằm ở đoạn kết, đoạn kết phải gây được sự bất ngờ, tránh nói thêm, diễn giải thừa.

Trong ngày làm việc thứ hai, nhà văn Trần Thanh Giao đã nêu bật về đặc trưng của thể loại bút ký, cách thâm nhập thực tế, và những kinh nghiệm cá nhân của ông để viết một bút ký có chất lượng.

Theo nhà văn Trần Thanh Giao, đề tài cho một bút ký hay đòi hỏi phải là những vấn đề mới lạ, gây nhiều sôi động trong cuộc sống xã hội, đặc biệt gợi xúc cảm đối với người viết. Vì bút ký là ghi lại những điều người viết nhìn, nghe, cảm nghĩ nên yêu cầu của những chuyến đi là rất cần thiết. Từ việc thâm nhập thực tế, nẩy sinh những vấn đề mới, hình thành chủ đề. Ngoài ra cũng có thể khai thác thêm tư liệu từ sách vở, thư tịch…, chính những tư liệu chết nầy góp phần tạo chiều sâu cho bài bút ký. Về bố cục, bài ký có thể viết theo trình tự thời gian hoặc theo luận đề, nhưng cái tôi nhân chứng trong bút ký (khác với cái tôi nhân vật trong truyện) phải luôn bám sát sự thật... Kết thúc của bút ký là phần đọng lại cao nhất quyết định cái “tầm” của bài. Ngoài những vấn đề lý luận và kinh nghiệm cá nhân, nhà văn Trần Thanh Giao còn giới thiệu qua về diện mạo bút ký chung của cả nước mà ông gọi một cách thật ấn tượng là “chợ” bút ký, và so sánh chỗ đứng của bút ký Tiền Giang qua trại viết nầy trong mặt bằng ký chung, chỉ ra những điều mà các tác giả ký Tiền Giang cần chú ý khắc phục để có thể chen chân trong “chợ ký thị trường”.

Qua hai ngày làm việc, các tác giả đã thu nhận được nhiều điều thiết thực từ kinh nghiệm của các nhà văn, từ chính ngay trên trang viết của mình cũng như của các thành viên khác trong trại. Mỗi người sau trại viết ít nhiều đều tự rút ra cho mình một vài kinh nghiệm tâm đắc từ những phân tích, khơi gợi ấy, không những giúp ích cho việc chỉnh sửa bản thảo trước mắt mà còn cho việc viết lách sau này.

Đó chính là một trong những thành công bước đầu của trại như tiêu chí mà ban tổ chức đã đề ra.

Nhìn chung, Tiền Giang những năm gần đây, về mảng văn học, thơ có phần vượt trội hơn văn xuôi không những về số lượng tác giả, đầu sách xuất bản, mà còn ở sự thẩm định đánh giá qua các cuộc thi. Những cuộc thi cấp khu vực, trung ương, các tác giả thơ thường đoạt nhiều giải và giải có giá trị cao hơn các tác giả ở bộ môn văn xuôi. Đành rằng giải thưởng dẫu sao cũng là sự đánh giá chủ quan của ban giám khảo phù hợp với tiêu chí cuộc thi, nhưng qua đó cũng cho thấy những người phụ trách phong trào cần có những công việc thiết thực để khơi gợi tiềm năng sáng tác văn xuôi tỉnh nhà. Một trong những việc cần thiết là mở trại sáng tác. Và trong bộ môn văn xuôi vốn nhiều thể loại, ban tổ chức chọn truyện ngắn và bút ký, vì truyện ngắn hợp với sức lực của người mới vào nghề, đặt bút là có thể thấy được bến bờ trang chót, và bút ký hiện nay là thể loại hợp thời, đọc nhanh, tiếp cận nhanh trong thị trường báo, tạp chí (kể cả báo viết, báo điện tử) không ngừng câu thúc. Tuy thế không phải dễ dàng mà có được một truyện ngắn thành công. Trong gần 30 bản thảo gửi về trại theo nhận xét của nhà văn Lê Văn Thảo có khoảng 10 truyện ngắn được xem là hay, là khá. Như thế đã là đáng mừng. Về bút ký, sau trại, tập ký “Âm vang Bảo Định giang” của tác giả Nguyễn Thanh Xuân gồm 8 bài ký viết về vùng đất và con người Tiền Giang trong đấu tranh cách mạng và thời kỳ xây dựng kinh tế, đặc biệt công cuộc khẩn hoang Đồng Tháp Mười thời kỳ đầu, sẽ được xuất bản.

Đó là những ghi nhận trước mắt, hy vọng rằng còn rất nhiều những dự định ấp ủ của các tác giả từ trại viết nầy sẽ định hình, thăng hoa để có những truyện ngắn và bút ký hay.
Thu Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 221
  • Khách viếng thăm: 220
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 54698
  • Tháng hiện tại: 2287248
  • Tổng lượt truy cập: 46254481