Âm vang Bảo Định Giang

Đăng lúc: Thứ năm - 27/11/2008 14:47
Tượng Thủ Khoa Huân ở ngã ba sông Tiền và Bảo Định

Tượng Thủ Khoa Huân ở ngã ba sông Tiền và Bảo Định

Có những con đường, dòng sông hàng ngày ta vẫn bước chân qua, có những người ta vẫn gặp mỗi sáng mai đến công sở. Ngỡ rằng quá quen thuộc mà biết đâu mình chưa thấu hiểu, nói gì đến yêu tha thiết, nặng nợ nghĩa tình? Mới biết rằng: cần sống sâu với cõi người hơn là sống lâu. Vì có thể đo được chiều dài, nhưng chiều sâu thẳm mênh mang cõi thế thì như là bất tận.
Tôi rút ra được điều này từ chuyện một dòng sông, hay chính xác hơn là chuyện về những con người bí ẩn như những ẩn số của bài toán phức tạp. Nói hình ảnh hơn một chút: những cuộc đời đã qua lung linh bãng lãng màu sương huyền thoại, màu sương của quá vãng.
Ở chợ Phú Kiết, bên dòng Bảo Định có một tấm văn bia, mái ngói phủ rêu phong, gỗ bị mối ăn gần hết. Trông điêu tàn và gờn gợn chút hoang vu. Người ta nói: "Đó là bi ký ghi việc xử trảm Huỳnh Công Lý, một khâm sai nhà Nguyễn. Ông ta lo việc đào sông Bảo Định, rồi ăn bớt tiền gạo… Có tội nên bị xử trảm". Người bạn tôi ức lắm. Tại sao người ta lại xuyên tạc sự thật lịch sử như vậy? Họ cứ nói theo nhau, chẳng đọc được chữ nào trên bia cả! Dửng dưng với quá khứ hoặc nói bừa, nói ẩu sự thật đều có tội. Tôi và những người bạn tâm huyết quyết đi tìm sự thật để minh oan cho bậc tiền nhân. Kết quả nhiều hơn dự định. Từ việc làm rõ sự hiểu sai bi ký, chúng tôi tìm được âm vang một dòng sông, tìm được những con người lao động bình dị mà vĩ đại đã sống cùng bao tháng năm với sông quê miền Tây yêu thương.
Theo bi ký, sông Bảo Định được đào xong tháng 4 năm 1819 rồi dựng "Phụng Khai Tân Cảng Ký". Do nhu cầu nước ngọt để trồng trọt và sinh hoạt của nhân dân, vua giao cho Huỳnh Công Lý, Nguyễn Huỳnh Đức và Trịnh Hoài Đức huy động dân phu (gần nghìn người) đào từ chợ Thang Trông (Phú Kiết) ra sông Tiền (Cầu Quay, bến Lạc Hồng, Mỹ Tho). Hơn ba tháng cật lực, bằng sức những đôi tay, cha ông ta đã hoàn thành con sông đào này. Sông Bảo Định có tên từ đó. Nó mở ra một thời kỳ mới, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân Tiền Giang và Long An. Nó nối sông Tiền với Vàm Cỏ, nước ngọt sông Tiền chảy từ cầu Quay đi qua Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Lương Hòa Lạc, Phú Kiết, Hòa Tịnh, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa (Tiền Giang), An Vĩnh Ngãi (Long An), kết thúc tại Vũng Gù, sông Vàm Cỏ. Điều thứ nhất, bia kỷ niệm công đào sông lấy nước và mở đường thủy từ Mỹ Tho lên Sài Gòn ghi công những khâm sai đại thần nhà Nguyễn, trong đó có Huỳnh Công Lý. Điều thứ hai, Bảo Định Giang hình thành tốn bao mồ hôi và thực sự làm đổi đời cho hàng vạn nông dân ở hai tỉnh miền Tây. Lịch sử hình thành dòng sông lại có từ rất lâu, trước khi nhà Nguyễn đào sông. Chợ Phú Kiết gọi là chợ Thang Trông (tiếng Nam bộ nói thành "than trong") vì ở đây người ta dựng cái đài cao (thang) để nhắm hướng sông Tiền. Bắt đầu có thể chỉ là con đường mòn do thú rừng đi ra sông Tiền tìm nước vào mùa khô. Người Việt đến đào hào đắp lũy, dựng ấp dựng làng phòng giặc cướp. Hình thành từng đoạn, do đó mà sông không thẳng, cứ uốn lượn rất tự nhiên. Đây là đặc điểm của Bảo Định Giang. Nó khiến cho nhiều người lầm là dòng chảy tự nhiên.
Bảo Định Giang có hai giá trị nổi bật: giá trị giao thông và giá trị nông nghiệp. Thời Pháp thuộc chúng gọi sông này là "Arroyo de le poste - kinh Bưu Điện". Đây là đường thủy tiện lợi nhất từ miền Tây lên Sài Gòn, Gia Định. Giao thông sẽ làm giàu cho vùng quê nghèo này. Từ năm 1970, khi người ta ngăn không cho nước phèn từ Vàm Cỏ đổ vào, sông trở nên lặng lẽ âm thầm như cô gái qua thì lộng lẫy nay trầm tư nấp bóng dưới màu xanh của lúa và cây ăn quả.
Giá trị lớn nhất và lâu bền nhất của nó là dẫn ngọt, rửa phèn đưa lại cuộc sống ấm no cho cư dân nơi đây. Sông cần mẫn qua tháng năm như một bà tiên có phép màu hiến dâng sữa ngọt nuôi đời. Không có sông, người ta chỉ làm được một vụ lúa, chờ mưa. Mùa khô đất nứt nẻ, dừa rụng hoa, treo quài. Đất, người và gia súc cồn cào cơn khát. Hơi phèn bốc lên nhức nhối. Chưa đủ ăn no thì còn nghĩ cái gì khác nữa. Hỡi những thiếu nữ, tươi xinh đang xõa tóc cười lấp lánh hàm răng ngọc ngà, có nhớ thuở nào ông bà da đen, chân nứt nẻ, hàm răng ố vàng, "không chịu vào hàng ngũ" vì phèn vì ăn thiếu chất chăng?
Nói về Nam bộ là nói về lịch sử những vùng đất được khẩn hoang và tính cách ngang tàng, phóng túng cũng như sự cần cù của những nông dân đi mở đất từ thuở hoang sơ. Đề tài ấy quá rộng lớn, xin dành cho lịch sử, cho các chuyên gia văn hóa. Chỉ xin được nói chút ít về vai trò của những dòng kinh, lạch nước những con sông đào để dẫn nước ngọt và xả phèn. Không phải ngẫu nhiên địa danh Nam bộ lại thường có chữ "giang" (sông): Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang,… Địa danh miền Trung và miền Bắc thường gắn với chữ "sơn" - là núi. Kinh rạch sông ngòi theo bước chân người khai hoang. Nó là sữa nuôi đất, nuôi người đó chứ! Sông Bảo Định cũng không ngoại lệ. Thiếu nó, vùng đất này sẽ cằn cỗi và người vùng này sẽ gieo neo. Nếu chọn một khoảng sông thơ mộng và giàu có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để nói về âm vang của Bảo Định Giang, xin hãy chọn Ngã ba Giáp Nước. Nơi đây, anh hùng Nguyễn Hữu Huân (1830-1875) đã cất tiếng khóc chào đời và bị giặc Pháp hành hình. Nơi đây là quê hương của nhà soạn kịch Trần Hữu Trang. Nơi đây, anh hùng Hồ Bé đã đặt mìn tự tạo tiêu diệt tỉnh trưởng tỉnh Định Tường, góp phần phá tan kế hoạch bình định của Mỹ. Ngã ba này là nơi hò hẹn của những lứa đôi. Nó thành ngã ba tâm tình. Nó như một tiếng thơ ngân vang trong cõi lòng người…
[center]*[/center]
[center]*    *[/center]
Người ta nói: "Vó ngựa phương Bắc, con thuyền phương Nam". Phải chăng cái tài của những người phương Bắc là phi ngựa, cái tài của người phương Nam là bơi thuyền? Sông và đất tạo nên tính cách của con người. Sông lặng lẽ, hiền hòa nên con người cũng dịu hiền, tình tứ và cần mẫn làm ăn. Dừa xõa tóc, nghiêng mình soi bóng bên sông như những cô gái đồng quê. Giọng nói ngọt ngào và nụ cười hồn hậu. Một lần gặp là cả đời mang theo. Dừa mướt xanh triền sông hay lòng người da diết triền sông? Nhìn những ngôi nhà khang trang, những vườn cây trĩu quả, những chiếc xe bóng loáng, những cột ăng-ten tua tủa giăng mắc, ai biết con người nơi đây đã từng thiếu đói? Khát giữa bao nhiêu nước và đói ngay giữa vựa lúa! Chuyện như đùa nhưng thật trăm phần trăm. Nhớ những năm 1978-1984, chạy ăn từng bữa. Có anh Tư ở xã Hòa Tịnh, vợ mới sinh, phải qua Long An mua được nửa giạ gạo. Qua trạm Tân Hương bị giữ mất, xin mãi chẳng được, khóc về nhìn vợ con đói. Chuyện buồn qua mau như đám mây đen, nhắc lại để thấy được bước phát triển kỳ diệu của hiện tại. Cái ăn, cái mặc giờ không còn là vấn đề nữa. Lúc này người dân lo sắm đồ xịn, xài sang và nhất là đang đầu tư cho con cái học hành bay xa, tiến kịp bước với mọi miền thị thành khác. Điều kỳ lạ là hầu hết các xã thuộc huyện Chợ Gạo dọc sông Bảo Định được nhà nước phong Anh hùng. Vùng Miễu Điền, Cựa Gà và danh tiếng tiểu đoàn 514 còn âm vang mãi mãi. Nay sang thời kinh tế thị trường, các xã ven sông làm ăn đều khấm khá. Hình như chiến tranh, cơ cực nhiều tạo động cơ phấn đấu phi thường cho người nông dân vượt qua đói nghèo? Cái khó bó cái khôn và cũng làm "ló" cái khôn. Biết rằng đi từ ruộng rẫy và chăn nuôi là trầy vi tróc vảy. Thế mà nhiều gia đình đã giàu có. Ý chí thép và tính toán linh hoạt đã giúp họ đi lên.
Những năm khốn khó, đói ăn, ở Lương Hòa Lạc, nổi lên một Hai Lúa: Hai Chung (Võ Văn Chung). Dân Nam bộ tếu táo, mộc mạc thường dùng từ "vua" để phong cho ai đó làm ăn giỏi, ví như: vua nhãn, vua sầu riêng,… Theo đó mà suy thì Hai Chung có thể gọi là "vua lúa giống". Lúc ấy cái ăn, lương thực là bức xúc. Lúa địa phương kém năng suất, khả năng kháng rầy kém. Cần cách mạng về giống lúa. Được giáo sư Võ Tòng Xuân giúp đỡ, với số ruộng 3,2ha, vua giống Hai Chung đã cung cấp giống cho bà con trong vùng. Ông vinh dự được trở thành một trong 14 nông dân giỏi của Đông Nam Á, được dự hội nghị tại Philippin (1984). Ruộng Hai Chung là điểm thực tập của sinh viên nông nghiệp, điểm tham quan học hỏi của nhiều người; ông Võ Văn Kiệt cũng về đây. Hiện còn một số cuốn sổ lưu niệm dày cộm có bút tích của nhiều người trong và ngoài nước. Chuyện nhân lúa giống, đem điện về thôn xóm, chuyện sản xuất lúa giống để bán là bước chuyển về chất đáng ghi nhận và đáng tự hào. Nó mở ra một thời kỳ sản xuất mới của nông dân miền Tây Nam bộ: sản xuất ra cái thị trường cần. Tất nhiên, bước khởi đầu không thể hoàn hảo! Nhưng nó báo hiệu rằng: những "Hai Lúa", "Tư Ếch" miền Tây không cam chịu đói nghèo. Họ yêu khoa học, cầu tiến và nhạy cảm với kinh tế thị trường.
Thế nhưng, vua lúa nay không còn trồng lúa nữa. Ông chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Đất Lương Hòa Lạc nay ít trồng lúa, mà chủ yếu trồng cây ăn trái bán buôn lên tận Sài Gòn và ra cả tận ngoài Bắc. Cứ thế, làm ăn đang chuyển đổi. Đất có tuần, nhân có vận. Đất càng ngọt, càng tốt thì người ta chuyển từ cây lúa sang cây ăn trái là phù hợp và thu lợi cao hơn. Đó là một nét tính cách nhạy bén của người nông dân trên vàm sông Bảo Định hôm nay.
Ăn no rồi lại mặc sang, rồi "chơi sang" và xài sang, Sống đầy đủ rồi sống đẹp. Chất lượng cuộc sống phải được cải thiện cho bõ những ngày ông cha ta đi mở đất, cơm vắt nước bầu!
Tôi gặp một ông nông dân tuổi ngũ tuần, ông ta bảo: "Phải chi bây giờ tôi mới 15 tuổi thì hay biết mấy". Câu nói mộc mạc mà sâu sắc làm sao! Tuổi trẻ sẽ được thừa hưởng những gì tốt đẹp mà người đi trước đổ mồ hôi sôi giọt máu để tạo dựng. Các bạn trẻ hãy tự nhiên mà hưởng. Có điều nên nhớ là: vị ngọt ngào, thơm ngát thường bắt đầu từ sự mặn mòi cay đắng. Hưởng thụ và nhớ là cống hiến nhiều hơn nữa, hãy cảnh giác với những khó khăn, những giông bão bất thường của kinh tế thị trường.
Vừa rồi, gặp lại "vua lúa",  đang cưỡi xe láng cóng. Tuổi qua 70 vẫn còn cường tráng, hồng hào nhưng sắc mặt kém vui. Ông nói:
- Mận, nhãn,… cái gì rồi cũng rớt giá. Không đủ tiền trả công hái nói chi tiền phân thuốc, chăm bón. Mới nhìn thì ngon mắt mà hổng ngon tiền, vui sao nổi chú mày!
Đây là vấn đề nhức nhối. Người nông dân lam lũ một nắng hai sương mà thiệt đơn, thiệt kép. Thóc lùa đầy bồ, cây trĩu quả mà lòng đầy lo âu vất vả trước một nền kinh tế thị trườn đầy lo âu biến động khó lường. Tháng trước được giá, tháng sau đã rớt giá. Thằng giặc thương trường không hắc ám, dữ dội như bom đạn, nhưng hắn chỉ cười nhạt, nói: "Xin cảm ơn, tôi không dùng nữa". Thế là chết nông dân. Giải bài toán này cần có một cơ chế, một chính sách tổng thể trong toàn quốc. Hy vọng khó khăn chỉ là bóng mây sớm qua, trả lại khoảng trời xanh hy vọng cho bao cuộc đời vất vả, gieo neo…
[center]*[/center]
[center]*    *[/center]
Mười hai đứa con của "vua lúa giống" chẳng một ai theo nghiệp cha. Con của ông Tư Tam xã Hòa Tịnh, con của ông Một Bính xã Phú Kiết cũng vậy. Cha là nông dân giỏi, bao đời trung thành với ruộng rẫy, nhớ ruộng đất như nhớ da thịt người thân yêu, thế nhưng con của họ là những trí thức: bác sĩ, kỹ sư hoặc giáo viên. Phải chăng thế hệ trẻ sợ vất vả trên ruộng đồng mà bay về phố?
Tôi thấy một điều là con người vùng này ham học, biết lo xa và không cam chịu dốt chữ. Ruộng đồng và tấm lưng đẫm mồ hôi của những Hai Lúa, Tư Ếch là "sân bay", là "đường băng", là "kho nhiên liệu" tiếp năng lượng cho đàn chim non bay xa muôn phương. Từ mái tranh nghèo, từ những cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh đã mở ra những chân trời sáng lạng, những con đường rộng mở đi vào ngày mai. Trường Trung học phổ thông Thủ Khoa Huân trên đất Thủ Khoa Huân đã góp phần đào tạo lớp trẻ có tri thức vững vàng bước vào thiên niên kỷ mới. Họ là lực lượng lao động đầy hy vọng của tương lai. Những bác sĩ, kỹ sư từ đây bay đến những vùng xa còn nhiều khó khăn lo cho mảnh đất phương Nam yêu dấu. Hẳn cụ Thủ Khoa Huân sẽ mỉm cười mãn nguyện? "Những kẻ quê mùa đã thành tri thức. Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng" (Chế Lan Viên). Khổng Minh từ mái lều tranh mà rạng danh. Chữ Đồng Tử từ bến quê mà hóa thành đầm lầy. Những con chim ăn khế trả vàng. Thiếu gì những cậu ấm, cô chiêu đi trên đường thênh thang mà lao vào ngõ cụt? Thiếu gì những giống cây quý tốn bao công sức vun trồng mà rốt cuộc thành công cốc, công toi? Cũng có những hạt giống, những mầm cây mọc tự nhiên nơi bờ bãi lặng lẽ với phong sương, chẳng có ưu đãi gì mà một ngày kia cho ta hoa thơm trái ngọt. Những đứa con từ ruộng đồng giản dị rồi một ngày kia thành người tài đức hữu dụng, làm rạng rỡ nước nhà. Đừng ngại đến với những con đường quê lầy lội, hăng hắc mùi rơm rạ, ruộng đầm. Con đường tư tưởng, con đường giáo dục từ gia đình, từ rặng dừa xanh, từ lối xóm đến con đường khai tâm mở trí cho thế hệ hôm nay mới là điều hệ trọng, đáng bàn. Thật kỳ diệu và bất ngờ lắm thay! Từ những dòng chữ trên bi ký rêu phong đã 200 năm có lẻ, từ chuyện tìm một sự thật về con người quá vãng, chúng tôi biết thêm âm vang một dòng sông, âm vang của những con người miền Tây. Những con người làm nhiều lại không biết báo cáo hay, chân thật, hồn hậu như cây dừa, cây lúa như những dòng sông vẫn lặng lẽ êm trôi không sóng vỗ bờ… Nơi ấy có những ngày ai đã hững hờ bước chân qua?
Chiều nay ráng vàng đổ xuống dòng sông. Tôi lại ngắm nhìn mà nghĩ miên man về dòng chảy cuộc đời, dòng chảy lịch sử phương Nam. Đâu phải dòng sông mà đấy là gương mặt, là thịt da con người quê tôi!
Dưới dòng sông bao nhiêu lá rụng? Trên bờ sông bao lớp người xa? Họ ra đi mang theo quá khứ lịch sử, mang theo nỗi niềm thầm kín. Vàng rồi cũng hóa đất đen lặng lẽ nếu lớp trẻ không chịu học hỏi, không cắm rễ sâu vào cội nguồn văn hóa dân tộc, nếu lớp trẻ tách rời với thế hệ đi trước. Những điều ta biết đây chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi, điều đáng bàn là phần chìm của nó. Đó là tri thức văn hóa tiềm ẩn làm cho cây văn hóa mãi xanh tươi.
Rêu có thể phong trên bia đá, bãi bờ; trên bi ký thời gian có thể mài mòn. Nhưng đừng để rêu phong tâm trí, tình cảm con người. Ta phải biết đào xới cho mảnh đất tâm hồn luôn tươi mới, nhạy cảm và nhân ái. Bảo Định Giang vẫn còn mãi âm vang. Cần nuôi dưỡng để dòng sông sống mãi với thời gian. Con sông này sẽ là "lá phổi" vĩ đại, là "máy điều hòa" khổng lồ cho cơ thể và tâm hồn của miền Tây nói riêng và của đất phương Nam nói chung, trong cuộc hành trình vạn dặm tới tương lai.
Nguyễn Thanh Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 107
  • Khách viếng thăm: 106
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 11825
  • Tháng hiện tại: 292939
  • Tổng lượt truy cập: 67267430