Vú sữa chưa có “tên quốc tế”, đành phải dịch là “táo sữa” (milk apple) . Còn Lò Rèn, cái từ thô mộc không hợp với từ vú sữa ngọt ngào, gợi cảm, lại nhờ tiếng Anh mà trở nên sang trọng: Loren. Người nước ngoài đâu biết lò rèn là cái gì, nhưng nghe phát âm Loren thì thấy rất... sang! Mà không chừng, trong thời buổi “hội nhập”, vú sữa Loren lại “chết tên”! Vì trái vú sữa đặc biệt lạ, nó là loại trái không có “đối thủ” trên thị trường quốc tế, nó là trái đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long, của nước Việt Nam!
Anh bạn tôi, nhà văn Lương Hiệu Vui, nhà ở ngay tại xã Vĩnh Kim, cách chỗ đóng gói bao bì vú sữa chừng vài trăm mét, bảo tôi: “Anh muốn nghe nguồn gốc cái tên vú sữa Lò Rèn thì về nằm đây.” Theo lời anh kể, trước Cách mạng tháng Tám, quê anh có cây vú sữa mọc trên nền cũ của một lò rèn. Khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, đâu mà không có vú sữa, nhưng vú sữa mọc trên đất cũ lò rèn này lại ngon ngọt hơn chỗ nào hết. Chẳng biết vì than tro, xỉ sắt hay nước ngọt từ Rạch Gầm tưới tắm, hay vì cái gì... mà trái nó ngon quá nên bà con muốn lấy giống trồng. Nhưng nhân giống bằng hạt thì cây cho trái không ngon bằng nhân giống theo lối chiết cành. Vậy là từ nền cũ lò rèn, vú sữa ngon lan khắp xã Vĩnh Kim, lan khắp mấy huyện tỉnh Tiền Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã góp phần làm “kinh tài”, ngay cả những em nhỏ cũng có thể hái trái đem bán góp tiền cho kháng chiến...
Tôi cũng có chuyện để kể cho anh nghe: Tôi có dịp tham dự các cuộc tiếp nhiều đoàn nhà văn ở Nga, Đông Âu và nhiều nước khác sang... Buổi tiếp thường có trái cây miệt vườn Nam bộ như chôm chôm, xoài, đu đủ... và không thể thiếu vú sữa nếu đúng mùa. Khách thường hỏi tên gọi của từng loại trái cây. Xoài, đu đủ, chôm chôm... tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... đều na ná như nhau... Riêng vú sữa thì không có từ chỉ đích danh nó vì lẽ đơn giản không nước nào có trái này dưới dạng hàng hóa. Đành phải dịch ra tiếng Anh như milk apple (táo sữa) hay milk fruit (trái sữa), hoặc muốn chơi chữ thì dịch ra tiếng Pháp mamelle au lait (vú sữa)... Khách châu Âu khoái từ mamelle (có gốc la-tinh mamella nghĩa là vú). Tôi chỉ cách ăn vú sữa của người Nam bộ cho họ: mân mê xoa bóp trái cho đến khi mềm nhũn, rút cuốn trái ra, áp môi vào mút dòng sữa ngọt ngào; lúc bé, tôi vẫn được người lớn dạy cho cách ăn như vậy. Khách làm theo và tròn mắt ngạc nhiên khi thấy nó thú vị hơn là xẻ trái ra rồi cầm muỗng múc ăn... Một lần, có bạn Nga hỏi tên trái đu đủ, tôi đáp: papaya; bạn lại hỏi tên trái vú sữa, tôi thuận miệng đùa mamaya, mọi người cười ồ, tán thưởng và suốt chuyến đi thăm đồng bằng sông Cửu Long, họ cứ đòi ăn mamaya (papaya có chữ papa là cha, mamaya có chữ mama gợi từ mẹ trong nhiều ngôn ngữ).
Thế nhưng vú sữa Lò Rèn làm sao từ một trái bình thường như bao trái khác lại đạt được GlobalGAP (global = toàn cầu; GAP = good agricultural practice = thực hành nông nghiệp tốt)? Ai làm ra chuyện này? Dĩ nhiên là bà con làm vườn, trồng vú sữa ở Vĩnh Kim. Nhưng bà con mình làm sao biết, phải có người hướng dẫn chớ. Tôi đã về Vĩnh Kim, Tiền Giang và đã gặp được người ấy. Đó là một người con của xứ Gò Công, giờ thuộc tỉnh Tiền Giang, cô tên Nguyễn Hồng Thủy. Hai chú cháu bắt đồng hương ngay từ những kỷ niệm chung về mái trường tiểu học, về cái nhà thương cũ kỹ nơi tôi sinh ra, về con đường bến xe ngựa với hàng me, nơi có nhà của bà ngoại tôi từ hơn trăm năm trước... Sau ngày miền Nam giải phóng những thứ đó vẫn còn nguyên, và Hồng Thủy thì mới lên mười tuổi... Con đường nào đưa cô bé con ấy lớn dần lên, qua bao khó khăn gian khổ của những ngày “ăn bo bo” để cô lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ ở nước ngoài, trở về giúp bà con nông dân ta làm nên “thương hiệu toàn cầu” cho vú sữa quê mình như cái slogan in trên nhãn hộp “milkline from mother earth” (dòng sữa quê hương)? Trong đầu tôi cứ vang lên những câu thơ bài Gò Me của anh bạn cùng tiểu đội tập kết với nhau là nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, anh đã làm mọi người nhớ tới Gò Me, nhớ cái biển Tân Thành, Vàm Láng mà chúng tôi vừa đến thăm chiều nay: Quê tôi đó mặt trông ra bể /Ánh hải đăng tắt lóe thâu đêm/Con đê cát đỏ cỏ viền/ Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò... Hồng Thủy cũng làm cho “toàn cầu” biết đến Vĩnh Kim qua trái vú sữa Loren! Tất nhiên, không phải chỉ có một mình Hồng Thủy...
Tôi đến Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim trong tình thế không thuận lợi cho một người “đi thực tế sáng tác”... Nắng đã tắt lâu rồi, cả đoàn mệt mỏi rã rời vì cuốc bộ suốt ngày, cơm nước chưa có... Căn nhà đóng gói vú sữa đúng yêu cầu tiêu chuẩn GAP đã sập cửa, mọi người đã về hết. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngàn đi vắng. Anh Lê Văn Sơn, phó chủ nhiệm phụ trách kinh doanh rất nhiệt tình chạy xe đến mở cánh cửa sắt tiếp đoàn, đúng hơn là tiếp tôi, người chọn viết về trái vú sữa. Tôi nhìn quanh một lượt, ghi nhận cách sắp xếp làm việc hợp lý, sạch gọn, khoa học, ghi vội vào sổ tay những số liệu cần thiết rồi trở ra chợ, đến nơi đóng gói những loại trái cây khác bán tại nội địa đựng trong thùng xốp có bịch nước đá chèn ở giữa và thú vị nhìn một nét mới là lớp lá lục bình giữ tươi mát trái cây được lót bên dưới thùng... Tôi không thể để cả đoàn đang ngồi trên xe sốt ruột đợi mình, cũng không thể bỏ đoàn, “nằm” lại với bạn già Lương Hiệu Vui... Nhưng tôi phải biết những người đã tạo nên thương hiệu vú sữa Loren... Anh Sơn đưa cho tôi tấm danh thiếp in hai mặt tiếng Việt, tiếng Anh, có cả số điện thoại và địa chỉ email... Vậy là tôi bắt tay anh ra về, tin chắc mình sẽ có thể “hỏi chuyện” anh bao lâu tùy thích... Còn vườn vú sữa, tôi thuộc lòng rồi, thuộc từng cái lá có một mặt xanh bóng lưỡng và mặt bên kia màu nâu nham nhám. Bởi vì nhà cha mẹ tôi ở Ô Môn (Cần Thơ) cũng có vườn, có nhiều vú sữa, tuổi thơ tôi đã từng trèo cây hái trái, mân mê xoa bóp và kề môi mút dòng sữa ngọt ngào...
Về nhà, tôi vào mạng tìm kiếm thêm tư liệu về GlobalGAP, và rất thú vị khi thấy trong danh sách những người được tổ chức này công nhận là người tập huấn cho đại chúng (Public Trainer) có tên Nguyễn Hồng Thủy (Việt Nam chỉ có hai người), cô gái nhỏ lớn lên trong ngôi nhà ở lộ me thị xã Gò Công, đối diện với Ao Trường Đua, một địa danh mà ai xa Gò Công nhiều năm vẫn nhớ... Bố Thủy là thầy giáo tiểu học. Sau giải phóng, cuộc sống cả xã hội hết sức khó khăn, gia đình cô phải vất vả lắm để cho cô tiếp tục theo học. Hồng Thủy ham học, ham đọc sách, đến nỗi chui vào gầm giường để đọc vì nếu mẹ mắng thì nói dối rằng con đang... moi rác, quét nhà.... Hết trung học, cô thi vào Đại học Cần Thơ, khoa trồng trọt với điểm đậu cao. Ra trường, cô được nhận về làm kỹ thuật viên ở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang. Cô vừa làm vừa để dành tiền học thêm tiếng Anh, kiếm được học bổng đi học ở Viện Công nghệ Á châu bên Thái Lan, lấy bằng thạc sĩ ngành hệ thống nông nghiệp. Với sự giúp đỡ của một ông thầy người Đức và với sự ủng hộ hết lòng của cơ quan trong mọi giấy tờ thủ tục, cô có học bổng để sang học Trường đại học quốc gia Phi-líp-pin, lấy bằng tiến sĩ khoa học đất, rồi học tiếp hai năm chương trình đào tạo sau tiến sĩ. Năm 2007, cô về nước, tiếp tục phục vụ tại Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang và được giao ngay làm chủ nhiệm đề tài chương trình phát triển toàn diện vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
Từ trái vú sữa bình thường đến trái vú sữa đạt tiêu chuẩn GAP toàn cầu là một hành trình hết sức gian nan, phải qua 141 “cửa ải” yêu cầu cho hợp tác xã (HTX) và 236 “cửa ải” cho các hộ nông dân trồng vú sữa để đạt đến bốn tiêu chuẩn ghi trên bao bì sản phẩm như một lời cam kết và như một dấu ấn đẳng cấp quốc tế: an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất, môi trường bền vững, và truy vết sản phẩm (nghĩa là nếu có gì không hay xảy ra thì có thể nhanh chóng biết được sản phẩm đó từ đâu ra). Từ ngày đầu đi tham quan HTX trái thanh long Hàm Ninh vừa đạt tiêu chuẩn GAP ở Bình Thuận, Hồng Thủy thấy mình như đang... húc đầu vào đá. Vì người ta làm theo lối trang trại qui mô rộng nhiều héc-ta, nhiều tiền, nhiều người góp sức, còn ở xã mình là những hộ nông dân nhỏ lẻ, khác nào nhà lá mà muốn đạt chuẩn chung cư cao cấp. Còn anh Mười Mỹ, một trong những thành viên tích cực nhất của đoàn thì nói đây là chuyện trong mơ. Hồng Thủy im lặng vì thấy anh nói có lý, nhưng trong đầu cô vẫn thôi thúc một ý nghĩ biến giấc mơ mà anh đang nói thành hiện thực. Cô nhìn thấy GlobalGAP có những nguyên tắc chung mà nếu biết linh động áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương mình thì có thể thành công. Trong vô vàn khó khăn bế tắc mà nhìn ra phương hướng, đó là dấu hiệu của những con người sáng tạo. Hồng Thủy về bàn với anh Ba Ri, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Thành tổ chức chương trình sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Anh Ba Ri nhiệt tình ủng hộ ý định của cô. Anh trình UBND huyện Châu Thành về việc thành lập ba tổ hợp tác sản xuất làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện GlobalGAP sau này. Khi chương trình GlobalGAP vận hành, mọi vấn đề có tính pháp lý Hồng Thủy đều phải nhờ đến anh. Cô gái nhỏ đã biết tìm nguồn sức mạnh ở đâu...
Hồng Thủy thường nhắc đến những người ngày đầu khai phá con đường gian nan để đi đến GAP, những người lãnh đạo hiện nay của hợp tác xã như anh Ngàn, anh Sơn, những người cùng cô sát cánh như chị Bạch Vân, những người hy sinh cả lợi ích riêng cho sự thành công hôm nay như anh Dương Anh Hào, và biết bao người nữa... Cô nhớ trong những ngày đầu thực hiện, cánh xã Phú Phong ra quân với một lực lượng hùng hậu gồm 17 hộ. Các lần tập huấn, 17 hộ nông dân đều có mặt đông đủ, thậm chí dư người vì cũng có những người nghe tiếng muốn đến tìm hiểu, học hỏi thêm. Tuy nhiên, càng về sau yêu cầu thực hiện theo đúng chuẩn GlobalGAP càng khắt khe, lịch thanh tra nội bộ dày đặc, các hộ nông dân của Phú Phong đuối dần, tự động xin rút lui. Cuối cùng, đến ngày đánh giá chính thức, chỉ 5 hộ ở lại. Cận ngày đánh giá chính thức, việc kiểm tra giám sát dồn dập hàng tuần, rồi hàng ngày, thậm chí mỗi ngày hai ba lượt. Cuối cùng, chỉ còn lại hộ anh Ảnh chưa đạt yêu cầu về vệ sinh vườn. Tổ trưởng Lê Văn Bé phải đến vườn anh Ảnh nhắc nhở cả ba buổi sáng, trưa, chiều… Chưa yên tâm, anh Mười Mỹ đề nghị anh Bé buổi tối hôm đó chịu khó chạy đến pha đèn pin kiểm soát lần cuối, nhưng anh Bé cho biết mình lớn tuổi, mắt kém, ban đêm trời tối dù có pha đèn pin cỡ nào cũng không thấy hết được. Hôm sau, vừa mờ đất anh Bé đã có mặt tại vườn anh Ảnh, rảo một bước kiểm tra khắp vườn để chắc chắn không còn một bao bì thuốc nào vương vãi ngoài vườn, không còn một trái cây thối rụng nào đang trôi lềnh bềnh dưới mương. Anh Bé nói cái tập quán vứt rác bừa bãi của nông dân mình cần phải có thời gian mới thay đổi được. Trường hợp của anh Vốn là một thí dụ. Sau một thời gian được nhắc nhở và thấy anh Vốn cũng tuân thủ hết sức nghiêm túc, anh Bé làm một cuộc tổng kiểm tra khắp vườn anh Vốn và quả thực cũng không phát hiện được gì. Sau khi bắt tay khen ngợi anh Vốn, anh Bé nổ máy xe định chạy đi thì bất chợt nhìn thấy mấy cái bọc ny lông đang treo toòng teng trên cành cao như trêu ngươi…
Còn bên cánh xã Bàn Long, ban đầu bà con rất dè dặt với chương trình GlobalGAP, cho rằng yêu cầu của GlobalGAP quá nhiều làm sao có thể thực hiện nổi. Bảy nông hộ ở ấp Long Hòa B có diện tích liền kề, một mô hình đẹp cho việc sản xuất theo GlobalGAP. Anh Tuất, Bí thư Đảng bộ ấp Long Hòa B được cấp ủy cảnh báo: Nếu tất cả 19 hộ nông dân tham gia đều không đạt chứng nhận GlobalGAP thì không sao, nhưng nếu chỉ có một mình anh không đạt thì anh sẽ bị kỷ luật Đảng. Gần đến ngày đánh giá chính thức, nhắc nhở mãi chị Phượng khâu vệ sinh vườn không xong, anh cho toàn bộ con cháu trong nhà, kể cả những người anh đang thuê làm công, “đổ bộ” sang vườn chị Phượng dọn dẹp sạch bong. Còn vườn nhà chị Hồng - một góa phụ xinh đẹp - thì xưa nay anh không dám ghé, sợ lối xóm dòm ngó dị nghị. Nhưng rồi gần đến ngày tổ chức quốc tế đến đánh giá, không kiểm tra làm sao yên tâm, anh buộc phải xông vào vườn nhà chị, săm soi từng gốc cây và đã không uổng công. Anh đã phát hiện ra một chai thuốc trừ sâu còn sót lại trong vườn, một lỗi nặng về sự không tuân thủ GlobalGAP. Theo yêu cầu của GlobalGAP, tất cả trái rụng phải được thu gom bỏ vào hố rắc vôi lên trên, để không là nguồn phát tán sâu bệnh trong vườn. Việc thu gom trái rụng trên bờ đã khó, vì có khi lượm sạch đầu này thì gió lại thổi cho trái rụng đầu kia, việc thu gom trái rụng dưới mương lại càng vất vả hơn. Ban đầu bà con lội xuống mương để lượm, nhưng như anh Võ Thành Lợi than thở: “Lượm trái phía trước rồi thì phía sau trái khác nó lại trừng lên”. Có người phải đứng chàng hảng qua mương để lượm trái hoặc ráng vói chụp nhưng cuối cùng dùng vợt để vớt là hay nhất...
Về phần hợp tác xã, gian nan cũng không kém. Nhà đóng gói cũ không đạt tiêu chuẩn vì không có nhà vệ sinh riêng, không có bồn rửa tay, thậm chí không có cả đường ống dẫn nước hoặc thoát nước. Khi UBND huyện ra quyết định đồng ý cho HTX áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP vào sản xuất vú sữa, Hồng Thủy nghĩ chuyện xin dẫn đường ống nước, xây nhà vệ sinh, bồn rửa tay tại nhà đóng gói là chuyện nhỏ như con kiến. Tờ trình, văn bản... gửi khắp nơi nhưng kết quả cuối cũng vẫn là một con số không tròn trĩnh. Những ngày đó, Hồng Thủy, anh Ngàn, anh Sơn đau đầu tìm cách giải quyết. Nhiều lần thuê nhà, sửa nhà vẫn không đạt yêu cầu, hai ba lần bị đánh rớt vì “tội” chưa có nhà đóng gói đúng tiêu chuẩn. Trong lúc khó khăn, bế tắc như vậy, anh Dương Anh Hào - phó Ban Quản lý chương trình GlobalGAP - đã sẵn lòng cho HTX mượn căn nhà mặt tiền của mình. Căn nhà này anh Hào cho thuê không dưới một triệu đồng/tháng, vậy mà tại sao anh lại sẵn sàng cho HTX mượn trong một thời gian dài không chút tính toán? Anh nói: “Tôi luôn tâm đắc với chương trình GlobalGAP này của HTX. Chỉ có con đường này mới đưa được trái vú sữa đến với những thị trường cao cấp xứng đáng với giá trị thực sự của nó”. Suy nghĩ của anh Hào không phải là cá biệt, Ban quản lý và 19 nông dân tham gia chương trình GlobalGAP đều có chung một niềm tin vào ngày mai sáng lạng của trái vú sữa mà họ đang hàng ngày nâng niu, chăm sóc và gửi gắm vào đấy biết bao kỳ vọng...
Hồng Thủy tâm sự: “Cỗ máy GlobalGAP lúc đó đang vận hành rầm rập tiến lên với công sức đóng góp của rất nhiều người, cháu là người phải tra dầu mỡ vào các mắt xích của cỗ máy đó, làm cho nó chạy nhịp nhàng hơn và đảm bảo đến đích đúng thời hạn. Cháu có thể cảm nhận bước tiến của cỗ máy trong mỗi giờ đồng hồ trôi qua, trái tim cháu như thắt lại, cháu chìm vào một khối lượng công việc khổng lồ, ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ. Cháu hồi hộp như đứng trước một kỳ thi quan trọng, sự thành bại không chỉ phụ thuộc vào cố gắng của riêng cháu, mà còn của những thành viên trong Ban quản lý và những hộ nông dân tham gia chương trình. Nhiều lúc cháu nghĩ đến tấm Giấy chứng nhận GlobalGAP, mà nếu đạt được nó, có lẽ cháu sẽ trào nước mắt vì công lao khó nhọc của biết bao người...”
Từ bỏ một thói quen lâu đời để theo một cách làm ăn mới, tiên tiến, hòa nhập với thế giới là con đường gian nan mà các hộ nông dân Vĩnh Kim nhỏ lẻ đã vượt qua. Phải chăng là từ trong tiềm thức, họ đã biết bài học “sức mạnh tổng hợp” mà dân mình đã dùng trong chiến tranh, theo sự dẫn dắt chuyên môn của tiến sĩ Nguyễn Hồng Thủy?
*
Cầm trên tay hai trái vú sữa Loren đựng trong hộp đẹp đẽ, sang trọng, tôi tự hỏi: Bao nhiêu công sức đổ ra đã thu lại được gì, và tương lai của vú sữa Loren ra sao? Bởi vì người nông dân phải thấy cái lợi thì họ mới làm...
Cái lợi lớn nhất là việc quảng bá thương hiệu vú sữa Loren khắp thế giới mà không tốn một xu. Nhiều công ty, siêu thị tầm quốc gia và quốc tế tìm tới HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim để xuất thử vú sữa sang Anh, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, khối EU...; ngoài ra, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn và ECOFARM của Phú Quốc là thị trường nội địa nhiều tiềm năng mà vú sữa Lò Rèn đang hướng tới. Tập đoàn Metro Cash & Carry của Đức đang hỗ trợ phân phối vú sữa Loren trong hệ thống siêu thị Metro của cả nước và chào hàng sang Đức... Như vậy, kể từ mùa vụ 2008-2009, vú sữa có logo dán trên trái, bao gói bằng thùng, hộp đẹp, sang mà tôi đang cầm trên tay, đã bắt đầu xuất hiện và dần dần thâm nhập vào thị trường nội địa cao cấp và thị trường xuất khẩu ở một số nước...
Nhờ đạt GAP mà trong mùa vụ 2008-2009, giá vú sữa toàn vùng cao vọt, nông dân toàn vùng trồng vú sữa được hưởng lợi. Anh Nguyễn Văn Tuất, ấp Long Hòa B, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tổ trưởng tổ sản xuất GlobalGAP, nói: Mấy năm trước anh bán trái của một gốc vú sữa chỉ sắm được một chỉ vàng, nhưng trong mùa vụ 2008-2009 bán trái của một gốc vú sữa, anh sắm được hai chỉ vàng... Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra: Nếu không bán được vú sữa GAP với giá cao hơn vú sữa bình thường ở trong nước thì trần lưng làm GAP để làm gì? Nhưng cũng có câu hỏi ngược lại: Nếu không có một nhóm nông dân chịu khó chịu khổ làm theo các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn GAP thì ngày nay thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có được biết đến trong phạm vi cả nước và quốc tế? Bao bì, chi phí tổ chức giám sát sản xuất, thu hoạch đóng gói sản phẩm GAP làm đội giá thành sản xuất trái vú sữa là một thách thức lớn hiện nay. Trong khi cái mới chưa thể hiện rõ tính ưu việt thì nông dân (và ngay cả HTX) có khuynh hướng trở về với cái cũ...
*
Hồng Thủy nói: Cháu đã có hướng giải quyết...
Tôi tin Hồng Thủy, cô gái trẻ Gò Công, Tiền Giang đã dám “húc đầu vào đá”.
Và tôi thấy: Đá vỡ ra một mảng lớn, để lộ một con đường...
lò rèn, vĩnh kim, tiền giang, chứng nhận, toàn cầu, tò mò, thế giới, công nhận, bảo đảm, an toàn, bao bì, trình bày, nổi bật, nhãn hiệu
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc