(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi bút ký khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022)
Không thể hoài nghi về nguồn gốc của đồng bằng sông Cửu Long khởi đầu từ những hạt phù sa. Mà phù sa là con đẻ của sông, của biển. Cứ thế mà suy ra, đất Chín Rồng là đất của sông và biển. Vị phù sa của sông thì ngọt, của biển thì mặn. Đất cũ cao giồng mỡ màng, xanh tốt, đất mới thì ngầu đục sình lầy để gầy bãi bồi lấn sông, lấn biển. Nhà Nam Bộ học Sơn Nam nói về phù sa bằng những suy tư sâu sắc: “Về đất phù sa, chúng ta nên nhìn kỹ và tránh những ảo tưởng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long quá phì nhiêu. Ở vùng đất rộng này có nhiều “tiểu hình thể” khác nhau: nơi nước mặn, nước phèn, nơi nước ngọt; nơi ngập lụt gần như sình lầy mãn năm, nơi cao ráo; nơi làm ruộng làm vườn được, nơi thì hoang vu, cỏ lác, dưng, cỏ năng mọc lưa thưa”. Và cứ thế, vùng đồng bằng sông Mê Kông chia làm 2 phía: Văn minh miệt vườn ở đất phù sa ngọt phía tả ngạn sông Hậu, còn phía hữu ngạn là vùng đất mới trũng lầy, phù sa mặn.
Dẫn giải đôi chút để thấy rằng hành trình về với vùng đất mới Cà Mau của tiền nhân theo dấu phù sa không hề dễ dàng. Nghề nghiệp khởi thuỷ của cư dân vùng Cà Mau được tổng kết đơn giản là “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Theo sử sách, phải đến đời Minh Mạng, năm 1836, hành chính nước ta mới thống nhất từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Cũng từ sử liệu, vùng Cà Mau nổi tiếng với các sản vật mang lại huê lợi như dà diệp (lá dừa nước), điểu đình (lông chim), mật ong, sáp ong với các làng nghề gọi là “thuộc hoàng lạp” và các loại thuỷ sinh ở biển. Cũng theo Nhà Nam Bộ học Sơn Nam, lưu dân khai mở đất mới coi mình trong tâm thế “tri hành”, nghĩa là thích ứng, linh động để hài hoà với thiên nhiên chớ không đặt nặng vấn đề chinh phục, khai thác. Cũng từ khi có dấu chân người, dãy đất phù sa phía cực Nam địa đầu Tổ quốc dội lên những thanh âm kỳ diệu theo bao thăng trầm, biến thiên thời cuộc.
1. LƯU LUYẾN BỞI NHỮNG CHUYẾN ĐI
Là lớp hậu sinh, tôi đặt mình trong tâm thế tìm để hiểu, để thêm yêu quê hương Cà Mau. Từ sách vở, huyền tích, giai thoại, cho đến lời kể lại của những đấng bậc cao niên, đâu đâu cũng thấy dâng trào nỗi nhớ thương, niềm tự hào tha thiết. Riêng Mũi Cà Mau, hơn 30 năm trước, khi còn là đứa con nít, tôi đã có những ký ức đầu tiên. Dạo đó, anh hai của tôi công tác trong ngành Kiểm Lâm, đóng trạm ở Kinh 5, Rạch Tàu. Từ Mương Điều (nay thuộc xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), má dẫn tôi xuống chiếc tàu tốc hành chạy dầu mù mịt khói chạy ven theo sông Mương Điều, trổ qua Kinh Xáng Đội Cường, xuôi dòng Cửa Lớn, quẹo vô vàm Ông Trang từ sáng sớm đến 9, 10 giờ tối mới đến Rạch Tàu. Tôi nhớ trên chiếc tàu tốc hành ấy, người ta mệt thì mướn võng giăng nằm, đói thì kêu cơm dĩa để ăn. Có cả mấy ông Sơn Đông mãi võ, bán cao đơn hoàn tán diễn trò ảo thuật coi đã con mắt.
Và rừng. Và đước mênh mông. Dòng Kinh 5 nước chảy xiết, nước ròng giựt lòng sâu hoắm, chang đước tủa ra lởm chởm. Buổi tối hôm sau, các anh trong trạm lấy vỏ lãi, chở tôi đi xem phim chưởng, uống nước đá bào. Bận về nước ngược, ròng riết, cái máy đuôi tôm chạy kịch liệt mà chiếc vỏ lãi cứ chồm lên rồi dựng đứng. Lạng quạng thế nào, tôi bị chang đước gạt vô trúng mặt, chảy máu cam, khóc la inh ỏi. Anh hai còn chở má và tôi đi thăm bà má nuôi xứ Đất Mũi. Bà má ăn nói bặm trợn, bày mâm nhậu, biểu: “Bữa nay 2 má nhậu, không xỉn không dìa nghen con”. Tôi cứ kệ, ngồi “chiến đấu” quyết liệt với dĩa tôm cua bự tổ chảng. Sau này chuyển công tác, anh hai tôi có bận nhắc, bà má nuôi bệnh ngặt, rồi thì theo tổ tiên. Còn trong đầu tôi, cái điệu cười rổn rảng của người má miền biển thoáng nhói lên, vang thăm thẳm...
Mươi năm trước, khi còn là một tay phóng viên “gà mờ” tập sự, tôi về lại Đất Mũi. Sau đó, là những chuyến đi về mải miết. Cũng bắt đầu với những hiểu biết căn bản về vùng đất này, chóp đất thiêng liêng địa đầu cực Nam Tổ quốc, nơi từng hạt phù sa lắng đọng theo trình tự “mắm trước, đước sau” để đất nở, rừng biết đi và biển sinh sôi. Nơi có thể ngắm bình minh và hoàng hôn ở cùng một chỗ. Nơi thơm thảo lòng người với nhà không cửa, những cuộc lai rai nghĩa tình thâu đêm, suốt sáng và lòng mến thương theo mãi người đi.
Quãng trước năm 2015, khi chưa khánh thành cầu Năm Căn, về Đất Mũi chỉ độc đạo đường sông nước. Phương tiện thuỷ có cải tiến thêm bằng những chiếc cao tốc xé nước, lướt gió nên từ thành phố Cà Mau về Đất Mũi chỉ độ hơn 3 tiếng đồng hồ. Về xóm Mũi, riết thành người quen, nên lấy tin, viết bài đôi khi chỉ là cái cớ. Nhớ có bận xuống, anh Tùng, khi đó là Bí thư chi bộ ấp Mũi dẫn tôi về nhà tá túc. Công việc mới hòm hòm thì xóm có đám cúng cơm mời tôi nhập tiệc, hỏi ra mới biết, cái đám đã 3 ngày 3 đêm, qua tiên thường, hết chánh kỵ, rồi tới... đờn ca tưng bừng, “sở cù” xả láng.
Những năm đó, xóm Cồn Mũi, người dân rục rịch tập làm du lịch. Tôi nhớ hoài tâm sự của ông Tư Nhuần (Nguyễn Văn Nhuần) trong một đêm khuya: “Hồi đó giờ làm nông dân, giờ chuyển qua làm du lịch trăm ngàn thứ khó. Nhưng phải làm, làm để cho bạn bè muôn phương về đây biết Đất Mũi mình là nơi chốn thiêng liêng, giàu đẹp”. Tôi ngồi nhìn ông già, nói cà rỡn: “Con thấy làm du lịch không dễ, cũng không khó, cái chính là phải có sản phẩm du lịch đặc trưng. Mà thiệt ra, chú Tư cũng được coi là sản phẩm du lịch chỉ có Đất Mũi mình mới có”. Ông già cười ngất, biểu: “Bây giỡn hoài, tao mà sản phẩm du lịch cái nỗi gì”. Tôi buông lời: “Thì phải có những con người chánh cống xứ Mũi như chú Tư mới làm nên cái phong vị riêng có của quê mình. Cứ mở lòng, chân thành, làm bằng cái tâm, thì làm du lịch cũng như chuyện ông bà mình xưa gồng gánh nhau về xứ này lập đất, lập làng, khó quá khó mà cũng đạt thành, chú Tư coi có phải vậy không?”. Ông già tợp ngụm trà quạu, ngồi suy tư rất lung. Ngoài kia là bãi bồi, tiếng vọng của chồi mắm, rễ đước chạm lao xao vào phù sa đất mẹ...
Sau khi cầu Năm Căn hoàn thành, Ngọc Hiển hết thế chia cắt, du lịch Đất Mũi trở thành linh hồn của du lịch Cà Mau, khởi sắc nhiều mặt. Khách đến Mũi Cà Mau hiện nay được trải nghiệm du lịch theo đúng nghĩa, các dịch vụ kèm theo hết sức đa dạng mà cũng đậm đà phong vị, bản sắc của thổ ngơi và con người. Cũng trong những chuyến xuôi ngược ấy, vùng đất của biển, của rừng Ngọc Hiển dần mở ra biết bao chiều kích mênh mông với sức cuốn hút mê mải khiến tâm trí tôi không thể nào dứt ra được. Về Ngọc Hiển, quả thật là thấy đất trời và cả lòng mình ngày một thêm rộng lớn...
2. HUYỀN THOẠI ĐẤT
Dòng phù sa về tới Ngọc Hiển thì lắng mình, tượng hình, để rồi mầm mắm, rễ đước cắm chân, tủa chang lấn tới. Và không thể không nhắc đến những địa danh lâu đời nhất của mảnh đất xa xôi ấy: Tân Ân và Viên An. Tân Ân hiện nay là xã đảo Tân Ân, nơi có cụm đảo tiền tiêu Hòn Khoai và thị trấn Rạch Gốc với cửa biển Rạch Gốc thuộc dạng lớn nhất trong các cửa biển ở Cà Mau. Còn Viên An, là địa danh bao trọn cả vùng Nhưng Miên (Viên An Đông), Ông Trang (Viên An) và xã Đất Mũi hiện nay.
Ca dao có câu “Bao giờ hết đước Năm Căn/ Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng/ Khai Long hết xác cá đường/ Mũi Cà Mau đó ta nhường cho bây”. Ấy là nói về thiên nhiên kỳ vĩ, trù phú của vùng đất biển rừng Ngọc Hiển. Xứ này dân gian còn kể lại chuyện bắt cọp bằng cách “đãi yến”. Cọp rừng “um” ngày đêm quấy phá, hiểm nguy rình rập, người dân cà miểng chai sành nát xát vào thịt heo cho cọp ăn. Cọp ăn no, miểng sành cào nát nhừ ruột gan, nằm phủ phục, người dân hò hét cùng nhau niệt lại khiêng về.
Còn nói về sản vật dưới tán rừng đước, ông Tô Văn Đoàn (Tám Đoàn, sinh năm 1937), ngụ ở đầu Vàm Ông Trang, xã Viên An từng thuật lại: “Kể như chuyện Bác Ba Phi, nhưng mà có thiệt hết. Mùa cá hội, nhất là cá đường, cá dứa, tiếng cá gù vang mặt nước, bà con xúm lại quây lưới, cứ thế mà lấy tay không bắt chở khẳm ghe. Riêng cá đường, người ta chỉ lấy bộ đầu lòng, quý nhất là cái bong bóng, còn xác cá bỏ nổi kín mặt sông”. Cũng theo lời ông Tám Đoàn, ốc len chỉ một gốc đước mà lấy tay tuốt xuống vài chục ký. Vọp rừng thì bước tới, bước lui, quờ tay hốt một khoảnh là vác không nổi. Mùa ba khía hội, dọn bãi, quây hom, lùa ba khía vô xuồng, gạt xuống bớt kẻo chìm. Sò huyết thì có khách tới, xuống chân cầu thang mé sông, quơ tay một cái ăn cành hông.
Con người trong thế ứng xử với thiên nhiên và cộng đồng mà hình thành nên văn hoá. Cư dân Ngọc Hiển với biển bạc, rừng vàng nhưng cũng hoang vu, nê địa đã tạo nên tính cách hào sảng mà kiên cường, bất khuất. Cá tính ấy ăn sâu vào huyết quản con người, trở thành một thứ báu vật truyền đời không hề phôi pha theo thời gian.
Địa bạ triều Nguyễn có nhắc đến Đảo Vu, tức cụm Đảo Hòn Khoai với nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm mà dân gian hay gọi là Đảo Ngọt. Đây là cụm đảo gắn bó lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống cư dân bản địa vùng biển mặn Ngọc Hiển. Xứ Viên An còn lưu giữ lại những mẩu chuyện liên quan đến việc các Chúa Đảo người Pháp cấm không cho người dân lên Đảo Hòn Khoai lấy nước ngọt. Một gia đình họ Lý, dân cố cựu Viên An vì căm tức tên Chúa Đảo xâm lược ác ôn mà đặt con tên là Lý Văn Phách và Lý Xốc Xấc để ngầm chửi bọn cướp nước và bè lũ tay sai.
Tại vùng Tân Ân, người chiến sĩ cách mạng anh hùng Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo toàn thắng Khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12/1940, về sau này, Đảng bộ, dân và quân Cà Mau lấy mốc son ngày 13/12 hàng năm là ngày truyền thống cách mạng của địa phương. Những đấng bậc cao niên mà tôi từng gặp ở vùng Tân Ân và Viên An rộng lớn ngày trước đều nói về một niềm tự hào truyền đời: “Ở đất này, đói ăn trái mắm, khát chưng nước mặn uống, chớ không một ai theo giặc, phản bội cách mạng”.
Quê hương Ngọc Hiển với những tên người, tên đất, chiến công làm rạng danh xứ sở trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa, người trực tiếp có công lao khai mở con đường huyền thoại “Hồ Chí Minh trên biển”, với những chiếc tàu không số “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Là bến cảng Vàm Lũng, “bến cảng giữa lòng dân”, nơi Đoàn 962 anh hùng đã tiếp nhận, chi viện “nguồn máu nóng” cho khắp chiến trường miền Nam.
Ông Bảy Quốc (Tạ Nhuỵ Quốc) hiện cư ngụ ấp Vịnh Nước Sôi, xã Viên An, ở tuổi xưa nay hiếm kể lại: “Thời chống Mỹ, có những lúc giặc ruồng bố ngặt quá, bà con tạm lánh ra rừng đước mò cua, bắt ốc để cầm cự. Lúc giặc dùng máy bay rải chất độc hoá học tiêu diệt rừng đước, hòng bứng quân và dân Viên An khỏi nơi che chở, đước chết đứng từng sọc dài. Bà con mình quyết bám trụ, đước chết chỗ này thì chuyển đến chỗ khác, nơi đước còn sống. Đước chết hết thì dựng chà, tụm chòi bằng nhánh đước khô để ẩn náu, nuôi chứa cách mạng”.
Giữa ruột rừng đước Ông Bọng, Viên An, ngay sau khi hay tin Bác Hồ qua đời năm 1969, người người đã cùng nhau dựng lên Đền thờ Bác Hồ, đêm ngày hương khói. Cho tới ngày đất nước hoà bình thống nhất, người dân Viên An dùng ghe biển, kết bè thuỷ lục để đón Bác Hồ ra thị xã Cà Mau mừng ngày toàn thắng trong mùa xuân năm 1975, vang dội lời ca từ khắp đất trời quê hương “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Tôi về đây, chợt thấy mình nhỏ bé với những con người của xứ rừng, xứ biển. Thấy đường chân trời miên man màu xanh không dứt của đước, của mắm, của bãi bồi hướng biển, vạch trùng khơi. Cũng từ xứ sở phù sa biển này, ngọn nguồn cách mạng của quê hương Cà Mau đã được ươm mầm, lớn lên, làm thắm tươi quê hương với mặt trời chân lý của Bác Hồ, của Đảng soi đường. Tấm lòng của con người đất này với cách mạng, như đước, mắm với phù sa, dù thầm lặng nhưng thao thiết khôn nguôi. Mỗi hạt phù sa nơi đây đều chở nặng trong lòng những khát vọng cao đẹp, thuần khiết của lớp lớp con người từ buổi sơ khai cho đến hôm nay và mãi mãi về sau.
3. PHÙ SA TRĂN TRỞ
Quê hương Ngọc Hiển, huyện xa xôi nhất về phía Nam của Tổ quốc đang đổi thay da, đổi thịt từng ngày, từng giờ, từng phút. Kinh tế hướng biển, tựa vào rừng mà điểm sáng là du lịch đã thổi bùng lên sinh khí tươi mới, khí thế phát triển mạnh mẽ cho địa phương. Ở đó, nói như lời Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ông Tiết Minh Thành là “dựa vào những tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là sự ưu ái của tài nguyên thiên nhiên, Ngọc Hiển quyết tâm trở thành huyện giàu mạnh, phát triển bền vững, hài hoà. Trong đó, nguồn lực con người, bản sắc văn hoá bản địa, gìn giữ môi trường thiên nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn và môi trường biển đảo là những vấn đề chiến lược lâu dài”.
Nhưng phía khác của sự phát triển là biết bao nhớ tiếc.
Trong câu chuyện của những ông già xưa xứ Mũi, tôi chợt nhận ra một khoảng trống mênh mông giữa ký ức và hiện tại. Rừng, biển vẫn còn đó, nhưng mùa ba khía hội, mùa cá đường, cá dứa hội giờ không còn nữa. Rừng vàng, biển bạc nhưng rõ ràng không phải là vô tận và mãi mãi. Anh Nguyễn Văn Hôn, chủ một homestay có tiếng của xứ Mũi chột dạ nói rằng: “Cứ đà này, kể cả ba khía, cá thòi lòi, những loại tưởng chừng như vô tận của xứ này cũng phải nuôi mới phục vụ đủ cho du khách, chớ nguồn lợi tự nhiên sắp kham hết nổi”. Một ông già xứ Viên An quả quyết rằng: “Bây giờ cái gì cũng thành đặc sản, bán có giá, người người, nhà nhà tận thu, cá mú nào chịu thấu”.
Những bận mời bạn bè về thăm Mũi Cà Mau, ai cũng tấm tắc khen (và bao hàm cả sự ganh tỵ) về sản vật của rừng, của biển Cà Mau. Cao hứng, tôi kể lại chuyện nghe lõm từ mấy ông già xưa về mùa cá hội, ba khía hội, về cái thời mà quơ tay, đụng chân là có đủ thứ sản vật hảo hạng. Nhưng bỗng dưng khựng lại, điếng người khi đụng phải câu hỏi bâng quơ: “Vậy bây giờ còn không?”. Biết trả lời sao cho đặng. Đành cười sượng rồi liều mạng đáp rằng: “Bây giờ không còn nhiều như trước, nhưng mai mốt thì rất hi vọng. Tỉnh Cà Mau đang dồn sức để tái tạo, khôi phục lại hệ sinh thái rừng, biển vùng Mũi Cà Mau như xưa”. Nói thì nói vậy, và hi vọng thì hi vọng vậy (!)
Cuộc mưu sinh của con người đã hằn những nhát cứa vào thiên nhiên, âm ỉ nhưng khi giật mình thảng thốt nhận ra, vết thương đã sâu hoắm. Để bây giờ, những câu chuyện hào sảng, kỳ vĩ của xứ rừng, xứ biển mới cách đây vài chục năm thôi đã trở thành quá vãng rất xa xôi. Tự dưng lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Thôi Hiệu: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”, tôi cơ hồ nghĩ rằng, cái gì cũng phải đánh đổi, nhưng cái giá thế nào lại là chuyện không phải ai cũng để ý tới. Và chuyện của ngày xưa về vùng Mũi Cà Mau của lớp người trước còn nhắc lại, có lẽ cũng như cánh hoàng hạc đẹp lộng lẫy đã bay về trời, chỉ có ước muốn trở lại là day dứt khôn nguôi.
Và thiên nhiên đang gầm gừ giận dữ.
Lệch một chút sang phía Đông của Mũi Cà Mau, cửa biển Vàm Xoáy là minh chứng cho sự cuồng nộ khốc liệt của tạo hoá. Đầu mùa mưa bão năm 2022, tôi được theo ê kíp làm phim tài liệu của kênh truyền hình VTC14 về ấp Kinh Đào Đông, ngay cửa Vàm Xoáy để ghi lại cuộc vật lộn giành đất, giành rừng và giành cuộc sống giữa những người dân với thiên nhiên hung dữ. Là dân cố cựu của Vàm Xoáy, ông Thái Văn Thái chỉ vào ngôi nhà của mình, một đầu tựa vào vạt đất cuối cùng của cửa biển, nửa kia đã nằm dưới chân sóng dữ, mà rằng: “Vợ con, cháu chắt đã dọn đồ chạy lánh tạm ở nhà hàng xóm phía trong rồi, còn tôi ở lại cầm cự được chừng nào hay chừng đó”.
Theo tầm tay của ông Thái, cách đây 20 năm, phía tít ngoài xa là đai rừng phòng hộ, là đồn Biên Phòng, là xóm biển quần cư tấp nập. Nhà ông Thái khi đó cách biển hơn 2 cây số. Vậy mà bây giờ, tất cả đã không còn nữa. Căn nhà của ông là sự núm níu cuối cùng của chóp đất liền xóm làng này với biển cả. Một ngư dân còn khá trẻ tên Nguyễn Minh Tiến ở ấp Kinh Đào Đông mếu máo: “Biển động, cá tôm cũng không còn như trước, tui đành cho 3 đứa nhỏ ở nhà nghỉ học hết rồi”. Hỏi kỹ mới biết, con anh Tiến, đứa lớp 7, đứa lớp 4, đứa lớp 2. Tại Vàm Xoáy, biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến đất mất, rừng mất, cuộc sống người dân bất định, và quặn thắt những day dứt về phía tương lai.
Từ Tây sang Đông, mỗi năm Cà Mau mất gần 200 ha đất ven biển, ven sông và đai rừng phòng hộ. Là hàng trăm ngàn con người vật lộn mưu sinh. Đây là con số tin cậy được Sở NN&PTNT xác nhận. Bây giờ, nếu chỉ mộng mơ về chuyện đất nở, rừng biết đi, biển sinh sôi, có lẽ thật vô cảm. Vẫn biết bồi, lở là chuyện của thiên nhiên, và sức người trước thiên nhiên thì làm sao mà so sánh. Tỉnh Cà Mau là địa phương dành nguồn lực rất lớn cho việc bảo vệ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ đời sống Nhân dân vùng ven biển, ven sông. Thế nhưng, biết bao nhiêu là vừa, là đủ. Và biết bao nhiêu để có thể yên lòng...
4. CÂU CHUYỆN “THUẬN THIÊN”
Thời gian gần đây, câu chuyện “thuận thiên” lại được nhắc đến như là bài thuốc quý cho tương lai phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Thật ra, điều ấy đã được các bậc tiền nhân thuở khai phá, bằng thực tiễn gian lao nghiệm ra từ hàng trăm năm trước. Đó là tâm thế “tri hành”, chủ động, linh hoạt để thích ứng hài hoà với thiên nhiên, tựa vào thiên nhiên, chớ không đặt nặng việc làm chủ, khai thác và biến đổi thiên nhiên. Phật giáo có những điều biện chứng, trong số đó có câu chuyện “nhân – quả”. Và những trăn trở hôm nay của vùng Mũi Cà Mau, khi hạt phù sa không còn mặc nhiên, hồn nhiên lắng đất, thêm rừng, khi tài nguyên thiên nhiên suy giảm, không một ai vô can và ngoài cuộc.
Rất lâu rồi, tôi mới thử lại cảm giác bồng bềnh, lướt sóng về Mũi Cà Mau bằng cao tốc. Chuyến đi này mang lại thật nhiều điều đáng để suy ngẫm. Từ sông Gành Hào tới Vàm Mương Điều, rẽ sang phía Kinh Xáng Đội Cường, và rồi: Cái Keo, Cả Nẩy, Năm Căn, Nhưng Miên, Ông Trang, những doi vịnh quen thuộc của xứ sở lần lượt lướt qua. Cũng tuyến đường này, mươi năm trước, tôi đã chứng kiến cảnh sạt lở bờ sông dữ dội. Những xác nhà quằn quại nằm dưới ngọn sóng tàu tốc hành, cao tốc, xuồng máy và triều cường, cứ năm nối năm lớp lớp nhiều thêm. Có gia đình, phải dỡ nhà chạy sạt lở tới năm, bảy bận, lúc nào bụng dạ cũng nhấp nhổm lo lắng.
Ấy vậy mà thật lạ. Từ khi đường thuỷ không còn là lựa chọn tối ưu nhất để di chuyển của người dân Cà Mau, những bờ sông lở lói ngày nào đã lành da, liền thịt một cách diệu kỳ. Vạt rừng mắm, rừng đước ven sông xanh um, đặc dày, bờ sông bồi đất mới thoai thoải bình yên. Tôi lại thấy những hình ảnh thân quen của bao năm cũ, căn nhà hiền hoà thấp thoáng sau biền dừa nước, rặng mắm ven sông chồm những đám rễ con tua tủa tươi vui. Vậy mà trước đây, bao nhiêu kè chắn, bao nhiêu công trình, bao nhiêu công nghệ, bao nhiêu tiền của đổ xuống để chống sạt lở đã đành bất lực. Thiên nhiên tự mình có thể chữa liền sẹo những vết thương, sự tái sinh ngoạn mục, miễn là con người có cách ứng xử văn minh và tôn trọng đúng mực.
Tôi lại nhớ tới lời của một ông bạn đồng học, đồng nghiệp từ Thủ đô Hà Nội khi về thăm Đất Mũi. Đó là đừng “bê tông hoá” Đất Mũi, “bê tông hoá” trong cách nghĩ, cách làm, cách để phát triển. Lấy một bằng cớ cụ thể, ông bạn tôi nói: “Như du lịch, nếu Đất Mũi cứ “bê tông hoá”, máy lạnh, phòng kín cao cấp thì đó là lựa chọn sai lầm. Đất Mũi là rừng, là biển, là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, là bản sắc văn hoá hào sảng, cởi mở, là con người chân phương, giàu nghĩa tình”. Riêng điều này, tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Và lựa chọn, không chỉ của riêng tôi, mà của đất và người ở xứ sở này cũng sẽ là như thế.
Không lý gì mảnh đất phù sa mới mềm lầy, trũng thấp lại chọn “bê tông hoá” với kinh phí cao, chất lượng thấp, ngược ngạo với lòng người. Thử hỏi, sắt thép nào, công nghệ nào có thể thay thế được mầm mắm, rễ đước, giọt phù sa nhỏ bé nhưng kiên trì và nhẫn nại ở xứ sở này. Nếu bắt buộc cần phải chia vai rạch ròi, thì con người, dù có cố gắng thế nào, vẫn thật nhỏ bé với rừng, với biển, với phù sa. “Thuận thiên” và “tri hành” sẽ là những vấn đề mấu chốt, buộc con người, dù trăn trở thế nào, vẫn sẽ phải lựa chọn, không phải là một phép loại trừ, mà là sự hài hoà giữa phát triển và gìn giữ muôn đời Mũi Cà Mau. Ở đó, không có ngôi thứ, mà là sự song hành của đất và người, trong mối quan hệ ứng xử thật sự thức ngộ.
5. VĨ THANH
Tôi mơ về Đất Mũi Cà Mau như trăm năm, ngàn năm vẫn vậy. Tôi sẽ dẫn bạn đi hội ba khía, hội cá đường, cá dứa, chỉ cần quơ tay thôi là vốc đầy những giàu đẹp, thơm thảo của rừng, của biển quê hương. Đây là mũi đất thiêng liêng của Tổ quốc, là cơ đồ của tổ tiên dày công vun đắp, dựng xây. Một nắm đất là hằng bao nhiêu nhớ thương, tự hào theo dấu phù sa. Câu vọng cổ ngọt lịm rớt trong đêm khuya vắng, ly rượu uống một lần say mãi những nghĩa tình. Và biển, và rừng, và ngoài kia, giọt phù sa nào lặng lẽ lắng mình vào mạch sống của vô biên...
Phạm Quốc Rin
Chia sẻ:
tác phẩm, khu vực, cửu long, hoài nghi, nguồn gốc, khởi đầu, phù sa, thế mà, sình lầy, nam bộ, sơn nam, sâu sắc, ảo tưởng, phì nhiêu, tiểu hình, nước ngọt, ngập lụt, làm ruộng, hoang vu, lưa thưa, văn minh
Ý kiến bạn đọc