Nghĩ về cây dứa dại

Đăng lúc: Thứ ba - 02/12/2014 07:00
Tàu cập cảng Phú Quý. Dập dìu theo từng cơn sóng đến với đảo, có lẽ cảm nhận đầu tiên đối với nhiều người là cù lao Thu (tên gọi khác của Phú Quý) ẩn giấu một vẻ đẹp đầy quyến rũ. Những chiếc thuyền đánh cá với hai màu đặc trưng xanh - đỏ đậu ven đảo tạo nên cảnh “trên bến, dưới thuyền”, nhưng trật tự, ngăn nắp tạo nên sức sống và niềm cảm hứng, gần gũi.
Nhưng Phú Quý không chỉ có biển, có những ngôi đền, chùa cổ, còn một loài thực vật rất phổ biến lâu nay ít được đề cập, ít được nhắc đến trong thơ ca đó là loài dứa dại. Trên đảo cây dứa dại chiếm vị trí ưu thế, do sống trên núi đá nên loại cây này có hình dáng cao, phía trên là những cụm lá dày đổ bóng xuống bên những bãi cát trắng mịn,…Chắc hẳn nhiều người sẽ thốt lên: Ô hay! Bõ công ra tới đây chẳng lẽ chỉ xem loài cây mọc chen chúc trên các triền đồi, có nhà còn trồng làm hàng rào mà trong đó có nhiều lá úa vàng, khô héo chẳng thấy ai chăm sóc. Vậy mà nó vẫn sống, vẫn tồn tại với đảo từ bấy lâu nay. Hoa cỏ có thể sống nhờ sương. Còn dứa dại với thân cây đồ sộ đầy gai góc, chúng uống gì mà vượt lên hùng dũng giữa trùng dương biển mặn thế này. Thật khó lý giải về sức sống của một loài cây trên hòn đảo giữa bão tố trùng khơi, không những thế “hoa dứa dại thơm oải cả người” như lời của tác giả Hoàng Việt Hằng trong tập tản văn “Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng”.

Rõ ràng ở loài dứa này có vẻ như bí hiểm và hoang dã lắm. Mỗi lần gió từ đại dương thổi vào làm lay động những chiếc lá đầy gai nhỏ như những bàn tay nhỏ vẫy chào du khách. Khi ấy những chiếc lá non mơn mởn, rung rinh trong gió tạo nên cảm giác vừa gần gũi, vừa thân thương như chính ta đang sống trên những hòn đảo giữa biển khơi. Nó như “lá phổi xanh” cho môi trường trên đảo ngày thêm trong lành và ý nghĩa hơn. Đứng bên những bụi dứa dại trên triền núi tôi không đủ ngôn từ để diễn tả tâm trạng của mình. Chỉ biết rằng nó nao nao, xao xuyến một cách lạ kỳ.

Chợt nhớ đến những bụi dứa dại ở quê nhà. Giống như cậu ấm, cô chiêu sống trong gia đình giàu có. Cũng chung một loài nhưng do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, phù sa vun bồi nên những chiếc lá to gấp 2-3 lần so với lá dứa trên đảo. Người dân trồng hoặc cây tự mọc cặp theo những con kênh để tránh lở đất, còn ở trên bờ dùng làm ranh đất và trẻ con không dám chui vào vườn nhà phá phách. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thường tập xe đạp trên con đường mà người ta trồng nhiều bụi dứa gai. Cho dù cố gắng đến đâu mỗi thằng cũng vài ba lần té vào đấy. Những chiếc gai nhỏ đâm vào da thịt đau buốt mà chẳng đứa nào dám kêu một tiếng. Cả bọn ngồi lại “nhổ gai” cho khổ chủ, có đứa nhanh nhạy tìm lá cây đắp vào chỗ trầy xước cho mau lành. Trước nhà tôi có bà Tám bán xôi bắp rất ngon với chiếc “muỗng” được làm bằng lá dứa. Mỗi chiều, bà cùng mấy đứa cháu cắt lá dứa gai về róc gai, cắt nhỏ để biến thành những chiếc muỗng nhỏ xinh xinh, cuống lá cong cong. Nghĩ cũng lạ. Ở thời buổi hiện đại với biết bao muỗng nhựa, muỗng nhôm đủ kích cỡ nhưng mọi người vẫn thích ăn xôi bắp với chiếc lá dứa nhỏ bằng hai ngón tay. Dường như mùi thơm từ chiếc lá hòa quyện cùng hương vị của gói xôi khiến thực khách phải phát ghiền. Mấy năm nay, những bụi dứa dại ngày nào cũng mất dần vì người ta cho rằng chẳng mang lại hiệu quả kinh tế lại gây phiền toái vì những chiếc gai nhọn… Bà Tám nay đã già thôi không còn bán xôi bắp nữa. Mấy đứa cháu cũng không “nối nghiệp” mà tỏa nhau đi làm công nhân. Còn chúng tôi rời quê đi học và đi làm ở thành phố mà trong ký ức không bao giờ quên những bụi dứa dại ven đường. Tất cả chỉ là ảo vọng của những đứa con tha hương sống lay lắt bên kia bờ hoài niệm mà thôi.

Tháng tư ở Phú Quý trời yên biển lặng. Sóng dập dìu vỗ vào bờ cát ngân lên tiếng hát rì rào. Trong tiếng sóng dội về từ biển, những bụi dứa dại ở trên triền đồi gần mộ Thầy cũng lay động đưa tôi về thực tại. Nhìn thấy khóm dứa dại dạn dày sương gió như thấy sự dẻo dai, nhẫn nại và quả cảm của người dân ở đảo. Đem thắc mắc “Vì sao người dân không đốn bỏ cây dứa dại?” hỏi anh Đặng Văn Phú - Trưởng Phòng Kinh tế. Anh chia sẻ: “Người dân chẳng những không đốn bỏ mà còn trồng dứa dại để chắn cát, chắn gió. Không những thế trái dứa dại có nhiều công dụng chữa bệnh đã được lưu truyền trong đông y và trong dân gian. Chẳng hạn trị xơ gan, đái tháo đường, làm tan sỏi thận, bồi bổ cơ thể…”. Thế là không cần phải đi đâu, người dân đảo được thiên nhiên ban tặng “dược phẩm quý” nên cố gắng giữ gìn cho dù dứa ở đây cằn cỗi hơn ở đất liền. Không ai có thể ngờ rằng những quả dứa màu vàng tươi như quả thơm giấu mình dưới lớp lá dày lại có tác dụng trị bệnh. Quả thật, cái mảnh đất khô cằn giữa biển khơi, nơi chỉ có cây dứa dại, cây dương sống nổi như một đốm sáng tươi tốt, lạ kỳ. Cây dứa dại gắn bó với cù lao Thu không khác mấy cây tre tượng trưng cho cả dân tộc Việt Nam.

Hòn đảo giữa biển khơi đang thay da đổi thịt từng ngày. Những ngọn đồi ngày xưa đang bị san phẳng để thay bằng những công trình mới. Vui thì vui thật nhưng trong lòng chợt nghĩ: Mai này dứa dại không biết có còn nhiều như thế này không? Phải chăng tôi là người hoài cổ? Không, tôi chỉ muốn giữ cái hồn ngày xưa trong không gian của hòn đảo nhỏ đầm ấm với cái tình người dân quê giản dị.           

Lê Quang Huy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 62)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 356
  • Hôm nay: 35247
  • Tháng hiện tại: 1676660
  • Tổng lượt truy cập: 48050787